Đắp lá trà xanh trị mụn nhọt phải... cưa chân

05/08/2019 - 07:00

PNO - Nằm trên giường bệnh, anh O. liên tục rơi nước mắt. Chỉ sau ba ngày dùng lá trà xanh đắp lên nốt mụn nhọt ở ngón út chân trái, anh đã bị nhiễm trùng nghiêm trọng buộc phải cắt bỏ phần chân hoại tử.

Đầu tháng 7/2019, ngón út bàn chân trái của anh L.V.O. (46 tuổi, ở H.Cần Giờ) nổi một mụn nhỏ, sưng đỏ. Anh O. mua thuốc tây uống. Sau khi uống, nốt mụn ở ngón chân xẹp xuống, nhưng vài ngày sau lại nổi lên.

Ngày 10/7, được hàng xóm chỉ cách, anh O. ra chợ mua lá trà xanh về nấu nước rửa, đâm nhuyễn xác trà rồi đắp lên nốt mụn để điều trị. Ngày đầu đắp lá trà, anh thấy dịch mủ trắng gom lại, anh nặn mủ, tiếp tục rửa và đắp lá trà cho... mát. Đến tối, anh sốt và thấy đau, tê từ ngón út ra cả bàn chân. 

Dap la tra xanh tri mun nhot  phai... cua chan
Anh O. không ngờ điều trị mụn nhọt sai cách mà phải chịu tàn phế suốt đời

Nghĩ lá trà có tác dụng, anh O. ráng chịu đau tiếp tục đắp lá thêm hai ngày nữa. Trưa 12/7, cả chân trái của anh sưng phù, dịch vàng chảy ra nhiều kèm theo mùi hôi, đau nhức lên đến đầu gối khiến anh không thể đi lại. Người nhà đưa anh đến bệnh viện huyện khám. Liền sau đó, anh O. được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM do nhiễm trùng quá nặng.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tâm - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM - anh O. nhập viện trong tình trạng hai phần ba chân trái sưng tấy, vết thương nhiễm trùng nặng, phù nề, phần mô, cơ, bàn chân hoại tử đen sậm gây đau nhức, anh sốt cao không hạ, nguy cơ nhiễm trùng máu rất cao.

Bác sĩ lập tức phẫu thuật để cắt lọc mô hoại tử, rửa, vệ sinh tránh nhiễm trùng lan rộng cố gắng cứu chân cho anh.

Ngày 17/7, do nhiễm trùng quá nặng, bàn chân đã hoại tử, bác sĩ buộc phải cắt bỏ hai phần ba chân trái của anh O. Nhìn xuống mỏm cụt, người đàn ông hơn 40 tuổi bật khóc: “Mấy mươi năm nay tôi chưa từng phải uống viên thuốc nào. Mới bị lần này mà hậu quả nặng nề quá, tôi không trách người hàng xóm, nhưng tôi mong rằng đừng ai tự đắp lá như tôi, quá đau đớn”.

Dap la tra xanh tri mun nhot  phai... cua chan
 

Theo bác sĩ Tâm, hiện nay người bệnh tự điều trị vết thương hở, u nhọt, trĩ… bằng lá mọc dại, lá trà, lá lốt, nước thuốc “gia truyền” đã giảm nhưng nhiều người ở các xã vùng sâu tại H.Cần Giờ (TP.HCM) và các tỉnh Long An, Bình Phước, Tây Ninh… vẫn còn nhập viện vì biến chứng nặng nề từ phương pháp này.

Bác sĩ Tâm khuyến cáo, khi bị các chấn thương, nhất là vết thương hở, người bệnh chỉ cần rửa vết thương bằng nước sạch rồi đến trạm y tế để được sơ cứu, xử lý. 

Theo bác sĩ đông y Võ Tấn Đăng Khoa, trà xanh có vị đắng chát, hơi ngọt, tính mát và kinh can thận, tác dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, cầm tả lị, tiêu thực, trừ mụn nhọt…

Hiện nay, nhiều người vẫn tin dùng phương pháp nước trà đun đậm đặc để tắm phòng trừ rôm sảy, ngâm chân chống hôi chân, rửa mặt trị mụn và rửa vết hăm da.

Dap la tra xanh tri mun nhot  phai... cua chan
 

Điều này không sai vì trong lá trà xanh có chất tanin là thành phần quyết định chính trong chất lượng của lá trà xanh, là hợp chất polyphenol gồm bảy loại catechin gắn kết với nhau tạo thành lớp màng bao quanh vi khuẩn. Do đó, trà xanh có tác dụng kháng khuẩn tại chỗ rất tốt.

Tuy nhiên, trước khi sử dụng lá trà, mọi người phải chọn lựa lá trà rõ nguồn gốc, rửa kỹ để không còn dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, trứng côn trùng…

Đặc biệt, không khuyến khích sử dụng để rửa các vết loét lớn hay vết thương hở vì rất dễ nhiễm trùng, hoại tử, gây tắc mạch. Nếu da nóng, rát, đỏ ửng, phù nề, xuất hiện ổ mủ, dịch, tức là đã bị nhiễm trùng, người bệnh không chủ quan, không nặn dịch mủ mà phải đến bác sĩ để khám, tránh để lâu sẽ càng khiến vết thương xấu đi.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI