Đập cửa kính xe ôtô và chứng 'rối loạn nhân cách chống đối xã hội'

26/05/2017 - 10:04

PNO - Trước vụ việc 8 nghi phạm đập cửa kính xe ô tô của người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra khuya ngày 24/05/2017, ở góc độ tâm lý có thể đưa ra các lý giải như sau:

Dap cua kinh xe oto va chung 'roi loan nhan cach chong doi xa hoi'
Các nghi phạm tại cơ quan điều tra. Ảnh: Zing.vn

Điểm đáng chú ý trong vụ việc là các nghi phạm bị bắt giữ đều ở độ tuổi 16 – 17  và các đối tượng hoạt động theo nhóm. Độ tuổi 16 – 17 thuộc lứa tuổi đầu thanh niên.

Ở độ tuổi này, con người ta đã đạt được sự trưởng thành về mặt thể chất tuy nhiên sự trưởng thành về mặt nhận thức, tâm lý vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh.

Tuổi đầu thanh niên là lứa tuổi vừa bước sang giai đoạn thiếu niên và tiệm cận tuổi trưởng thành nên việc suy nghĩ chưa thấu đáo, bốc đồng, không hình dung được hậu quả từ việc làm sai trái là một trong những nguyên nhân có thể nghĩ đến. 

Ngoài ra, ở lứa tuổi này đặc điểm tâm lý nổi trội của lứa tuổi trước - tuổi thiếu niên là “xem trọng bạn bè, muốn có chỗ đứng trong lòng tập thể” vẫn chiếm một vị trí quan trọng chi phối không nhỏ đến hành vi của trẻ trong tập thể.

Chỉ cần một lời rủ rê hay khích tướng từ bạn bè là có thể cấu thành nên hành vi/ hành động nhằm chứng tỏ bản thân, chứng tỏ mình tôn trọng mối quan hệ, thậm chí dẫn đến tư tưởng “đồng cam cộng khổ/sống chết có nhau” mà ít nghĩ đến hậu quả, do đó việc bị lôi kéo và cùng nhau thực hiện các hành vi sai trái dễ dàng xảy ra.

Bên cạnh đó, do sự chưa ổn định về nhân cách và xu hướng “muốn làm người lớn” trong trẻ vẫn đang phát triển nên trẻ muốn được công nhận, quan tâm. Mà cách thức để thỏa mãn nhu cầu này có thể là phát huy năng khiếu, năng lực, sở trường nào đó của mình như học giỏi, hát hay, đá bóng tốt… sẽ được mọi người tôn trọng, ngưỡng mộ.

Dap cua kinh xe oto va chung 'roi loan nhan cach chong doi xa hoi'
Xe ôtô của người dân bị đập phá hư hỏng nặng. Ảnh: Zing.vn

Ngược lại, nếu trẻ chẳng có gì để người khác quan tâm, ngưỡng mộ thì sẽ tìm mọi cách để làm nổi, chơi trội miễn thỏa mãn nhu cầu được người khác “ngó ngàng” và chiếm một vị trí nào đó trong mắt bạn bè, bất chấp tính chất sai trái hay đúng đắn của hành động, từ đó dễ dẫn đến các hành vi như: quậy phá, kết bè phái chọc ghẹo người khác, đua xe, đánh nhau… Và hành vi đập phá xe ô tô có thể là một trong những hành vi tiêu cực như vậy.

Một điểm khác chúng ta cũng cần lưu tâm trong vụ việc này đó chính là động cơ thực hiện hành vi của các em. Theo những điều tra ban đầu, động cơ thực hiện hành vi đập phá ô tô là để vui chứ không liên quan đến mâu thuẫn cá nhân hay trộm cắp.

Điều này có thể đưa chúng ta đến phán đoán: Nhóm thanh niên này có chăng mắc phải chứng “rối loạn nhân cách chống đối xã hội” và các hành vi trong vụ việc là một trong những biểu hiện của rối loạn này. Một cá nhân có rối loạn nhân cách chống đối xã hội được mô tả là người chưa trưởng thành về mặt tư cách đạo đức và các chức năng nhận thức. Những người có rối loạn này thường có các đặc điểm nổi bật như:

- Bất chấp luật pháp và tập tục xã hội

- Bất chấp những quyền lợi của người khác

- Thường không cảm thấy ăn năn hối hận

- Có khuynh hướng bộc lộ hành vi bạo lực.

Hành động một cách nóng vội mà ít cân nhắc hậu quả thường thấy ở những người này. Một đặc điểm khá tương đồng với trường hợp này là những người có kiểu rối loạn này thường là những người trẻ tuổi, giảm dần khi tuổi đời lớn hơn và kiểu rối loạn này cũng có liên quan đến yếu tố đồng trang lứa, trong đó kết giao với bạn bè cùng tuổi hư hỏng là điểm đáng chú ý.

Cuối cùng, trước khi các thông tin đa chiều được thu thập chúng ta có quyền nghĩ đến việc giáo dục từ gia đình, nhà trường từ trước khi các thanh niên này thực hiện hành vi đập phá xe ô tô hàng loạt.

Gia đình có thường xuyên nhắc nhở, làm gương và điều chỉnh kịp thời những hành vi, lời nói bốc đồng, thiếu kiểm soát của trẻ không? Nhà trường có quan tâm sâu sát học sinh khi các em này có biểu hiện tương tự nhưng ở mức độ nhẹ hơn khi ở trường học không? Những tác động từ gia đình, nhà trường luôn chiếm vai trò tối quan trọng trong việc chi phối hành vi của con trẻ.

Tóm lại, chắc chắn bất kì điều gì xảy ra ở hiện tại đều có nền tảng từ quá khứ. Nên việc xem xét tổng thể hoàn cảnh, quá trình sinh hoạt, học tập của nhóm thanh niên này cũng giúp chúng ta đưa ra được những nhận định sát sườn và có hướng giúp đỡ, hỗ trợ đúng đắn hơn. Những nguyên nhân, lý giải trên chưa phải là đáp án cuối cùng, đây chỉ là những lý giải ban đầu, mang tính định hướng cho những điều tra kĩ càng, cụ thể về sau.

Để có những lý giải chính xác, cụ thể hơn nữa, việc quan tâm đến các yếu tố khác như đặc điểm tính cách, bối cảnh sống, gia đình và các mối quan hệ xã hội cũng như thái độ của các em sau khi gây ra vụ việc là hết sức cần thiết. 

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Phương Thảo Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI