Đập chợ Tân Bình xây trung tâm thương mại: Xin đừng hoan hỷ vội

25/09/2014 - 07:40

PNO - PN - Mấy ngày nay theo dõi tin tức về việc UBND Q.Tân Bình (TP.HCM) quyết định đập bỏ chợ cũ, xây mới chợ Tân Bình thành trung tâm thương mại (TTTM) dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình, tôi vô cùng lo lắng cho hơn 3.300 sạp...

edf40wrjww2tblPage:Content
Dap cho Tan Binh xay trung tam thuong mai: Xin dung hoan hy voi

Nhà tôi có một sạp chợ kinh doanh ngành phụ tùng xe ở chợ Bảo Lộc cũ. Năm 2011, chợ trung tâm Bảo Lộc (Lâm Đồng) mới được hình thành sát cạnh chợ Bảo Lộc cũ với quy mô hoành tráng gấp ba lần, lại được xây hai lầu khang trang. Thời điểm đó, chính quyền xây dựng chợ mới mà không hề trao đổi với tiểu thương.

Thế là hàng ngàn hộ kinh doanh rơi vào cảnh “một đêm mất trắng”. Khi UBND H.Bảo Lộc quyết định hỗ trợ chi phí di dời cho mỗi sạp chợ là 100 triệu đồng và thông báo “cho phép” đăng ký kinh doanh, thuê sạp trong TTTM mới, nhiều tiểu thương mất ăn mất ngủ.

Trên thực tế trị giá mỗi sạp chợ đều từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Đáng nói, nhiều người… giống tôi, mới vừa gom vốn liếng đầu tư mua lại sạp chợ, bán buôn chưa lời lãi mấy lại xính vính vì chợ có nguy cơ bị xóa sổ.

Nỗi lo sợ cả gia đình rơi vào cảnh khốn cùng, bế tắc vì vỡ nợ khiến hàng ngàn hộ kinh doanh ở chợ Bảo Lộc kiên trì bám chợ cũ và yêu cầu phương án bồi thường mới. Bốn năm qua, sự việc cứ dùng dằng: tiểu thương bị đuổi mãi chẳng đi, còn chợ trung tâm Bảo Lộc mới xây, chưa dùng đã thành… phế tích. Ai là người chịu trách nhiệm với những mất mát, thiệt hại này?

Theo tôi, UBND Q.Tân Bình cần có sự cân nhắc thật kỹ càng về việc quy hoạch xây dựng chợ Tân Bình thành TTTM kết hợp với chợ truyền thống. Không riêng gì ở Lâm Đồng hay TP.HCM, bài học về các chợ mới, TTTM mới xây xong bị bỏ hoang phế, xuống cấp, trong khi việc dẹp, xóa các chợ cũ, chợ tự phát vẫn chưa triệt để là thách thức lớn với nhiều địa phương. Khi các tiểu thương bị “ép” vào chợ mới, TTTM mới mà tình trạng chợ cũ, buôn bán tự phát vẫn ung dung tồn tại nghĩa là tiểu thương đã không được đối xử công bằng trong môi trường kinh doanh.

Qua thông tin từ các báo đài, chúng tôi nhận thấy chỉ với giấy phép kinh doanh, các tiểu thương không thể đòi quyền lợi vật chất bù đắp cho việc di dời thỏa đáng được. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ mỗi sạp tối đa 30 triệu đồng nếu không kinh doanh tại chợ do UBND Q.Tân Bình đưa ra mới đây là quá thấp và thiệt thòi cho những người kinh doanh. Ở Bảo Lộc, chính quyền quyết định bồi thường cho mỗi sạp 100 triệu đồng, dân vẫn còn kêu là ít. Trong khi đó, ai cũng biết giá trị một sạp chợ ở Tân Bình hẳn phải cao hơn chợ ở Bảo Lộc hàng chục lần. Mất chợ, mất sạp, cầm 30 triệu đồng, họ làm gì để sống?

Trả lời vấn đề trên, ông Lê Sơn - Phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình cho biết: “Quận đã có sự cân nhắc kỹ càng, thấu đáo. Chúng tôi đã triển khai thông tin tóm tắt về dự án đầu tư xây dựng TTTM dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình đến từng hộ kinh doanh. Chúng tôi cho rằng chợ mới sẽ có hiệu quả”(?!). Xin ông Phó chủ tịch đừng hoan hỷ vội, bởi đó là cái nhìn của người không tham gia kinh doanh. Ông hãy nhìn vào ví dụ chua xót về việc quy hoạch chợ cũ thành TTTM thất bại ê chề ở Bảo Lộc, Lâm Đồng để làm bài học.

Luật sư MAI LÂM PHƯƠNG 
(Công ty luật An Phú - An Khánh, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI