PNO - Cố tình hi sinh hoặc nhất quyết hi sinh cho bằng được thành thuộc tính của chị em. Làm ơn đừng gắng sức hi sinh rồi bực bõ tiếc nuối hoặc nức nở kể lể, khổ cho mình và cho cả người được nhận sự hi sinh ấy.
Mai ngồi coi thi hoa hậu trên truyền hình, đang tới đoạn thi ứng xử. Câu hỏi truyền thống quen thuộc thôi, đại ý là bạn xem trọng đức tính nào nhất của người phụ nữ. Chưa cần nghe trả lời, Mai đã đoán được bài tủ nhất định phải là “hi sinh” rồi. Mai đứng dậy, tắt ti vi, cảm thấy thời buổi nào rồi mà người ta còn cổ hủ, giáo điều và sáo rỗng đến thế!
Nhớ vài dịp, mẹ từng xa gần kể với Mai rằng, hồi đó mẹ phải hi sinh tuổi thanh xuân của mình, sống mòn mỏi trong cuộc hôn nhân chẳng hạnh phúc. “Vậy sao mẹ không li hôn, khi bố liên tục trăng hoa?”, Mai cáu kỉnh. “Là vì ba đứa con nên mẹ đâu thể làm khác được”... Mai không nói gì thêm, sợ mẹ buồn, nhưng thâm tâm cô không phục. Mẹ Mai nhút nhát, ít giao thiệp ngoài xã hội, chẳng có mối quan hệ bạn bè nào cho đáng. Đấy có lẽ cũng là lý do mẹ cứ quanh quẩn trong nhà, chịu đựng bố, sự cam chịu dần dà chuyển thành một thói quen. Bao lần Mai khuyến khích mẹ thay đổi, nhưng đành "bó tay".
Chồng Mai có lần nói chuyện với bọn nhóc: “Chủ yếu ba hi sinh cho mẹ và hai con thôi”. Nghe được điều ấy, Mai đã thẳng thắn nói riêng với chồng, là anh cứ thoải mái sống theo cách mình thích, làm những thứ mình muốn, đừng mang ý nghĩ “hi sinh” ra đây. Mai hoàn toàn không có nhu cầu đón nhận chữ “hi sinh” xa xỉ ấy. Cả hai đứa con, chắc sau này trưởng thành cũng không vui sướng gì khi biết bố đã phải cắn răng hi sinh cho mình.
Nhưng sự hi sinh ấy là gì, Mai nghĩ mãi không đoán hết được. Có thể vì anh quen thức khuya để làm cho xong việc? Biết là anh vất vả, nhưng Mai tin, một phần cũng do khả năng vun vén, sắp xếp của anh không ổn lắm. Vì anh ít mua sắm các vật dụng cá nhân, áo quần giày vớ cho mình? Mai chẳng cấm cản hay cằn nhằn anh bao giờ, càng không nắm giữ thu nhập của chồng. Với thói quen bóc ngắn cắn dài, chi dùng không có chủ đích hay dự định, nên anh xuềnh xoàng thiếu trước hụt sau là do mình. Đấy cũng là lý do anh chẳng dư dả để đi chơi, du lịch với bạn bè riêng, hay đổi xe, sắm điện thoại xịn. Cuộc sống gia đình Mai lâu nay đã thỏa thuận rõ việc đóng góp chung, sau đó tiền ai nấy tự chủ, anh cảm thấy bất công hay ấm ức gì mà cho rằng mình đang hi sinh nhỉ?
Đa phần các ông bố bà mẹ thích nhắc tới hi sinh. Kiểu như hi sinh đời bố củng cố đời con, rằng cha mẹ vất vả khó nhọc nuôi con ăn học đấy, sau này con nhất định phải… báo hiếu cho đàng hoàng đó nhé! Suy nghĩ ấy thật đáng sợ. Nếu không có khả năng chăm lo tốt cho con cái thì đừng sinh, khỏi phải than trách kể lể. Nếu không yêu trẻ nhỏ, thích chăm sóc chúng, coi con cái là niềm vui, mà mơ màng bởi ý nghĩ “đẻ ra để sau này nó phụng dưỡng mình”, thì sự hi sinh ấy, thế hệ con cái có thấy nhẹ nhõm cam lòng?
Ảnh minh họa
Đàn bà nhiều người rất “hảo” chữ hi sinh. Dạng như, nhất định phải có cái đức tính ấy thì mới đúng điệu phụ nữ vậy. Đời mẹ hi sinh, đời bà hi sinh, rồi tới đời con gái, cháu gái cũng nhất định phải “tử vì đạo… hi sinh” mới mãn nguyện! Những người được nhận sự hi sinh đó liệu có chủ đích đón nhận, hay miễn cưỡng và ngột ngạt với cái sợi dây ơn nghĩa vô hình quàng vào cổ? Con người không ai muốn cư xử vô ơn vô tình, nhưng gặp phải cảnh nhắc nhớ, đòi… trả công thì quả là mệt mỏi, áp lực.
Đáng sợ nhất là tình huống… không ai cần cũng cố hi sinh bằng được!
Trên một trang mạng nọ kể câu chuyện: Nhà chỉ có một con cá nhỏ để nấu cháo. Chồng một chén, con một chén là hết, nấu nhiều không ngon ngọt. Vợ bảo không ăn, nhưng rồi chồng bắt gặp vợ đang âm thầm vét nồi. Bài viết được giật tít: “Chồng rơi nước mắt khi thấy vợ làm việc này…”. Trong vô số những lời đồng cảm, có người phang một câu: Chỉ cần bốc thêm nắm gạo thôi là đủ cho chén nữa, đâu nhất thiết phải… diễn sâu như vậy! Để chồng con phải áy náy khi người ăn kẻ nhịn ư? Hay nếu đàn bà cũng biết đường hoàng lo cho bản thân, thì sợ gì bị đánh giá là… không biết hi sinh?
Ảnh minh họa
Vào thời điểm chẳng có con đường nào khác khả dĩ hơn, khi đấy là lựa chọn tốt nhất của bản thân và đành phải chấp nhận, thì đừng cố khoác lên mỹ từ hi sinh. Đã làm việc tốt, đã nhường nhịn, đã lựa chọn phần thiệt thòi về mình, thì đừng kể, đừng “lưu sổ”. Người khác khắc biết và ghi nhận.
Ngay cả nam giới cũng rất ngán ngẩm nếu gặp phải cô vợ suốt ngày kể công rằng, em hi sinh thanh xuân cho gia đình, em hi sinh thời gian, sự nghiệp cho bố con anh, em hi sinh nhan sắc để chăm sóc cho bọn trẻ… Ừ thì nếu cô ấy không kham nổi, hãy yêu cầu chồng phụ giúp, thuê người giúp việc, gửi con nhà trẻ… Đừng ôm rơm nặng bụng rồi tủi rồi hờn rồi khóc lóc, kêu rêu. Cố tình hi sinh hoặc nhất quyết hi sinh cho bằng được đã thành thuộc tính của chị em mất rồi, phải thay đổi từ trong tâm tưởng thì mới khác được.
Làm ơn đi, đàn bà chúng ta đừng mãi gắng sức hi sinh rồi bực bõ tiếc nuối hoặc nức nở kể lể, khổ cho chính mình và cho cả người thân được nhận “hi sinh” ấy nữa!
“Trên thương trường có mệt mỏi gì thì tìm về thiên nhiên, gia đình sẽ được chữa lành hết”, anh Nguyễn Văn Mết, Tổng giám đốc Công ty Met Foods nói.