Ăn mì tôm và hát... Opera
Phóng viên: Thường những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc cổ điển cần rất nhiều thời gian và kinh tế, trong khi xuất phát điểm của chị lại khá vất vả. Điều gì giúp chị đi đường dài với opera?
Ca sĩ Đào Tố Loan: Đến giờ, tôi cũng không hiểu vì sao mình có thể đi được một hành trình dài như thế. Nhiều lúc tôi có cảm giác mình gục ngã, vì những khó khăn của cuộc sống cơm-áo-gạo-tiền mà vẫn phải lao động, kiếm sống, nuôi bản thân và gia đình. Cả dòng họ không ai theo nghệ thuật, tôi đơn thương độc mã đến với âm nhạc. Với opera, tôi có một trái tim không bao giờ ngừng đập. Có những giây phút, tôi cảm thấy thổn thức và chảy nước mắt khi nghĩ về tình yêu của mình. Tôi chắc chắn sẽ không sống được nếu thiếu thứ âm nhạc này.
* Tình yêu đó đến với chị như thế nào?
"Đêm tối trong căn nhà hoang trên ngọn đồi, chị tôi bị ốm, nhà không có ai, 12g đêm, tôi băng qua bên kia đồi cầu cứu hàng xóm. Khi con người ta yêu một ai đó, như tình yêu của tôi dành cho chị, họ sẽ không quan tâm đến xung quanh, không sợ hãi. Có thể ví niềm đam mê của tôi với opera cũng như vậy". |
- Tôi được trời phú cho giọng hát. Sau này, tôi tình cờ gặp một người đàn ông, là chồng tôi bây giờ, anh phát hiện ra giọng hát của tôi và khuyên tôi thi vào nhạc viện, học hành bài bản. Anh còn tìm giáo viên cho tôi. Có lẽ đó là mối duyên trong cuộc đời đưa tôi đến với âm nhạc. Nhà tôi nghèo, mẹ mất khi tôi mới sáu tuổi, cha lấy vợ khác. Mấy chị em tôi mưu sinh bằng đủ nghề như rửa bát thuê, cày cấy, gánh lúa… để có tiền đi học.
Có giai đoạn khó khăn quá, tôi phải nghỉ học. Cô hiệu trưởng thương, giúp đỡ nên tôi có cơ hội tiếp tục. Sau này học đại học, tôi ở trong diện hộ nghèo nên được miễn phí. Tôi tiết kiệm tối đa, thuê nhà rất rẻ, buổi tối đi hát kiếm tiền dành dụm nuôi chị và nuôi tình yêu ca hát của mình. Tôi nghĩ rằng, không bao giờ từ bỏ chị nhưng cũng không từ bỏ đam mê của mình. Có những lúc đói, đi hát sự kiện, mỗi tối tôi hát sáu bài được 150.000 đồng, gửi tiền về cho chị, còn tôi chỉ đủ mua 2kg mì tôm, lặng lẽ giấu mọi người để ăn và hát.
* Nhiều người che giấu nguồn cội hay quá khứ nghèo khổ của mình, nhưng nhiều người cũng dùng chính quá khứ đó để làm màu cho hiện tại. Còn chị?
- Tôi nhớ mãi câu nói của bà giáo dạy tôi sau khi tôi đạt giải nhất opera sau khóa học ở Na uy. Bà bảo con người đừng bao giờ quên mình sinh ra ở đâu, mình lớn lên ở đâu và ai là người sinh ra mình. Tôi luôn ghi nhớ điều đó, đó là cách bà dạy tôi, dù có thành công hay nổi tiếng thì mình cũng phải nhớ về nguồn cội.
Nhìn lại chặng đường dài đã qua, tôi nghĩ, có lẽ vì tôi quá đam mê và hy vọng nên cứ đi thôi, không cần biết xung quanh như thế nào. Tôi kể cho học sinh câu chuyện ngày xưa, đêm tối trong căn nhà hoang ở trên ngọn đồi, chị tôi bị ốm, nhà không có ai, 12g đêm, tôi băng qua bên kia đồi cầu cứu hàng xóm. Khi con người ta yêu một ai đó, như tình yêu của tôi dành cho chị, họ sẽ không quan tâm đến xung quanh, không sợ hãi. Có thể ví niềm đam mê của tôi với opera cũng như vậy. Đến thời điểm này tôi thấy rằng, không gì có thể làm ảnh hưởng và lung lay niềm đam mê của mình.
Trong các cuộc thi,nghệ sĩ Việt “đọ” với quốc tế bằng trái tim
* Năm 2011, chị dành giải Sao mai dòng nhạc thính phòng và sau đó là những cơ hội đi học ở nước ngoài. Nhưng có vẻ như cái tên Đào Tố Loan đến bây giờ mới được nhiều người biết đến…
- Tôi không bận tâm đến việc nổi tiếng hay không. Nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc này, chắc chắn sẽ kén khán giả rồi. Tôi nhớ lại thời điểm thi Sao mai, lúc đó mọi thứ đối với tôi mới chỉ là sự khởi đầu. Tôi là một sinh viên và lần đầu tiên bước lên sân khấu lớn để thi. Ngày đó nghèo lắm, không có váy đẹp để đi thi, một người trong ban tổ chức đã giúp đỡ tặng cho tôi hai bộ váy. Nhìn lại, trong cuộc đời tôi cũng gặp nhiều may mắn, được nhiều người giúp đỡ. Hồi tôi sang nhà hát opera Oslo (Na uy), tôi gặp một giáo sư, hát thử cho bà nghe, bà xúc động lắm, bà nói, sau 8 năm làm việc ở đây, lần đầu tiên tôi được nghe một giọng như thế này và bà muốn giúp đỡ tôi sang bên kia học hỏi thêm.
* Đó cũng là cơ duyên giúp chị vượt ra ngoài biên giới và chinh phục được những giải thưởng quốc tế?
- Sau đợt tập huấn ở Opera Oslo, họ tổ chức một cuộc thi cho sinh viên các nước ở sảnh của nhà hát và bán vé cho khán giả, chừng 500 người và có bình chọn ca sĩ yêu thích. Tôi được chọn là ca sĩ được khán giả yêu thích và giành giải nhất. Khoản tiền thưởng lần đó có thể không lớn so với nhiều người nhưng với tôi là rất lớn, khoảng 2.000 USD, tôi dùng mua nhiều sách về Việt Nam để học và dạy học sinh. Tôi cũng bất ngờ vì mình được đón nhận, bởi nếu công bằng, mình phải học họ rất nhiều. Nhưng có một vị giám khảo chia sẻ rằng, tôi đã chinh phục họ bằng trái tim. Bà giáo chọn bài cho tôi, mỗi vòng hát hai bài, vòng cuối cùng bà bảo tôi nên chọn một bài Việt Nam tình cảm, tha thiết. Tôi suy nghĩ và chọn bài Mẹ yêu con. Đêm đó tôi hát một aria và bài Mẹ yêu con. Năm 2018, tôi giành giải nhất trong cuộc thi opera tại Singapore cũng vậy, tôi nghĩ mình chinh phục họ bằng cảm xúc, không phải kỹ thuật.
|
|
* Người Việt luôn cảm thấy mặc cảm với thế giới trong lĩnh vực opera. Vậy theo chị, điều gì quyết định sự thành công của một nghệ sĩ opera khi chúng ta không có lợi thế về kỹ thuật?
- Hiện tại chúng ta vẫn nhỏ bé nhưng không phải vì thế mà chúng ta không dám đứng lên. Chúng ta phải tự tin vào bản thân và phải cho mọi người biết Việt Nam đang phát triển. Tôi mong sẽ có nhiều bạn trẻ tiến xa hơn mình. Có những bạn yêu và đam mê nhưng chưa tới. Những cơ hội đến với tôi không phải tự nhiên có, mà vì những người trao cho tôi cơ hội đó nhìn thấy ngọn lửa ở tôi, ngọn lửa khao khát nghệ thuật. Tôi khao khát nó, muốn hy sinh vì nó và muốn có nó. Đam mê sẽ giúp bạn bùng cháy mỗi khi bước lên sân khấu.
Tôi tự tin vào lựa chọn của mình
* Có lúc nào chị cắm cúi đi và chợt bừng tỉnh thấy mình cô độc?
- Có chứ, nhiều lúc cảm thấy tủi thân, chạnh lòng lắm. Nhưng tôi vẫn kiên định con đường của mình. Tôi luôn thấy tự tin, hạnh phúc khi được hát dòng nhạc này.
* Nhiều nghệ sĩ được coi là những giọng ca thính phòng hàng đầu của Việt Nam đều chuyển hướng sang hát những dòng nhạc dễ nghe hơn để tiếp cận khán giả. Còn chị?
- Nếu không hát opera, tôi sẽ hát semi - classic hoặc những bản dân ca nhẹ nhàng của Việt Nam. Đó là sở thích của tôi.
* Sau giải nhất tại cuộc thi opera tại Singapore năm ngoái mà Tố Loan là nghệ sĩ Việt đầu tiên dành giải nhất, chị có nghĩ mình đang ở trên đỉnh cao vinh quang?
- Chưa bao giờ tôi nghĩ mình đứng trên đỉnh cao, càng học tôi càng thấy mình kém. Tôi học tiếng Anh khá ổn nhưng sang tiếng Đức thì chỉ dùng giao tiếp, trong khi đó các nghệ sĩ opera thế giới họ thành thạo 5-6 ngoại ngữ. Bà giáo của tôi bảo rằng đến bây giờ bà vẫn học như một đứa trẻ, bên cạnh người nghệ sĩ nổi tiếng thế giới luôn luôn có một giáo viên, giúp đỡ họ giữ vững phong độ và tiến xa hơn. Tôi may mắn có hai giáo viên ở bên cạnh, bà giáo người Na uy và cô Ngọc Lan. Opera là trí tuệ, tâm hồn, sự hiểu biết, chứ không chỉ có giọng hát.
* Ra nước ngoài Loan thấy mình bé nhỏ, còn ở trong nước thì sao? Tôi nhớ NSND Quý Dương khi còn sống vẫn dành rất nhiều tâm huyết cho opera. Chúng ta đã từng có một thời kỳ phát triển. Còn bây giờ?
- Opera ở Việt Nam lúc nào cũng khó khăn nhưng không phải chúng ta không có cơ hội phát triển. Thường những nghệ sĩ như chúng tôi hát thật, làm thật nhưng chế độ đãi ngộ khá hạn chế, lương và phụ cấp quá thấp. Việt Nam đang chảy máu chất xám, nghệ sĩ không toàn tâm toàn ý làm nghệ thuật mà phải bươn chải kiếm sống.
Chúng ta có nhiều giọng đẹp, nếu có môi trường cọ xát tốt hơn họ sẽ phát huy được. Hà Nội có Mạnh Dũng, Hà Phạm Thăng Long, Sài Gòn có Phạm Khánh Ngọc, Đào Mác… Đó là những người trẻ tài năng và đam mê. Đợt tới Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM sẽ làm vở Người tạc tượng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Tôi vào vai nữ chính. Trước đó tôi đóng Cô Sao và gần đây nhất là Lá đỏ. Nhà hát đang từng bước gầy dựng lại tên tuổi của mình bằng các vở opera kinh điển của Việt Nam, thế giới và có lịch diễn đều đặn hơn.
* Chị có ấp ủ một giấc mơ như đêm nhạc opera chẳng hạn?
- Có chứ, tháng 9 này tôi sẽ làm một đêm nhạc Recital trong một không gian ấm cúng, nhỏ xinh ở phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia. Tôi muốn đưa âm nhạc cổ điển, opera đến gần với công chúng hơn, dễ nghe hơn. Tôi sẽ lựa chọn những ca khúc có tiết tấu vui, giai điệu đẹp. Tôi dự định học nhảy cổ điển để hỗ trợ phần biểu diễn của mình. Đây là chương trình đầu tiên tôi làm trong sự nghiệp ca hát để bán vé. Nếu hiệu ứng tốt, tôi sẽ làm live concert. Dòng nhạc của tôi không thể mạo hiểm mà phải từng bước dò dẫm, tìm khán giả.
* Một nghệ sĩ opera hóa thân vào nhiều cuộc đời khác nhau. Chị làm thế nào để cân bằng giữa nghệ thuật và cuộc sống đời thường?
- Không quá khó đâu, sau mỗi vở diễn, tôi mất vài ngày để thoát khỏi nhân vật. Khi diễn một nhân vật nào đó, tôi thu xếp cuộc sống gia đình và dồn hết tâm trí vào nhân vật. Hồi đi thi ở Singapore, con trai mới 5 tháng tuổi, tôi vừa ôm con vừa tập bài cùng bà giáo và pianist. Vất vả nhưng tôi không sợ. Ngày nào tôi cũng hát, tôi mang bầu hai bé nhưng vẫn tập đến ngày cuối cùng đi sinh, sinh mổ sau một tuần tôi đã hát rồi.
* Có vẻ như đây là thời điểm mãn nguyện của chị khi sự nghiệp thăng tiến và chị có một mái ấm gia đình bình yên.
- Nổi tiếng thì ai cũng thích nhưng mỗi người đi một cách khác nhau. Tôi sẽ đi con đường riêng của Tố Loan. Cuộc sống của tôi giản dị lắm, tôi không mưu cầu ăn mặc đẹp, dùng túi hàng hiệu hay đi xe sang, ở nhà đẹp. Nhu cầu của tôi mỗi ngày là được hát, được dành thời gian chăm sóc gia đình và không ngừng học. Có thể, sắp tới tôi sẽ tham gia một số cuộc thi trong độ tuổi của mình. Và tôi muốn mở một trung tâm âm nhạc. Tôi mong muốn mình là người truyền lửa.
* Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.