Đào tạo thạc sĩ: vừa thiếu người học, vừa “yếu” chất lượng

11/10/2023 - 06:33

PNO - Những năm gần đây, việc tuyển không đủ chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ đã là thực trạng chung.

Cả khi đầu vào “mở” hơn với xét tuyển, tuyển sinh nhiều đợt, không ít trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Bên cạnh đó, các nhà quản lý, nghiên cứu giáo dục còn chỉ ra đào tạo sau đại học đang “yếu” về chất lượng.

“Mở” đầu vào nhưng vẫn thiếu

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, gần đây tuyển sinh thạc sĩ thường không đủ chỉ tiêu. Năm học 2019-2020, chỉ tiêu thạc sĩ của cả nước là 59.518 nhưng chỉ tuyển được 41.551 học viên, đạt 69,7%. Năm học 2020-2021, chỉ tiêu là 56.069 nhưng cũng chỉ tuyển sinh được 40.640 học viên (72,48%). So với quy mô đào tạo hiện tại là 88.243 học viên cao học, tỉ lệ tuyển được còn thấp hơn nhiều. 

Học viên cao học Trường ĐH Luật Hà Nội nhận bằng năm 2022. Ảnh minh họa
Học viên cao học Trường ĐH Luật Hà Nội nhận bằng năm 2022. Ảnh minh họa

Năm 2021, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 23 về quy chế tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ. Theo đó, từ năm 2022, việc tuyển sinh sẽ được tổ chức 1 lần hoặc nhiều lần trong năm. Phương thức tuyển sinh do cơ sở đào tạo quyết định, gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa 2 hình thức này. Cơ sở giáo dục cũng được tổ chức tuyển sinh trực tuyến khi đáp ứng những điều kiện đảm bảo chất lượng, để kết quả đánh giá tin cậy như tuyển sinh trực tiếp.

Quy chế này đã “mở” hơn so với phương thức thi tuyển từ năm 2021 về trước. Ngay khi thông tư có hiệu lực, nhiều trường đại học (ĐH) đã lựa chọn phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển và thi tuyển. Năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ của Trường ĐH Luật Hà Nội (theo hình thức xét tuyển kết hợp thi tuyển) là 843 nhưng sau 2 đợt xét tuyển, trường chỉ tuyển được 674 học viên. Năm 2023, chỉ tiêu này là 655, sau 2 đợt tuyển vào tháng Năm và tháng Tám, trường mới tuyển được 300 học viên và đang triển khai kế hoạch tuyển sinh đợt 3. 

Đầu năm 2023, Trường ĐH Thủy lợi thông báo tuyển sinh thạc sĩ đợt 1 với chỉ tiêu 630 nhưng mới tuyển được 213 học viên và đang triển khai kế hoạch tuyển sinh đợt 2. Trường ĐH Hà Nội tuyển được 114 học viên sau 2 đợt, trong khi chỉ tiêu là 194. 

Các trường ĐH phía Nam cũng trong tình trạng tương tự. Năm 2023, chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ ở Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TPHCM là 243. Sau đợt tuyển sinh thứ nhất, trường mới tuyển được 20 học viên. Cuối tháng Chín, trường tổ chức buổi tư vấn tuyển sinh đào tạo thạc sĩ để triển khai đợt tuyển sinh thứ hai. Năm 2022, trường có 290 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 86 học viên. Trường ĐH Văn hóa TPHCM có chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ đợt 1 năm 2023 là 80 nhưng chỉ tuyển được 56 học viên. Năm 2022, chỉ tiêu này là 70 nhưng 13 là số học viên tuyển được.

Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Cuối năm ngoái, cử tri TP Đà Nẵng đã kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét tình trạng đào tạo thạc sĩ nói riêng và đào tạo sau ĐH nói chung có chất lượng chưa cao, ít có công trình mang tính đột phá, hiệu quả, áp dụng trong đời sống xã hội.

Đầu năm 2023, Bộ GD-ĐT thừa nhận, do nguồn lực đầu tư hạn chế, chất lượng đào tạo sau ĐH không đồng đều trong toàn hệ thống. Bộ GD-ĐT cho biết có những cơ sở đào tạo với các kết quả nghiên cứu trong quá trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ là những công trình khoa học cơ bản, đáp ứng hiệu quả yêu cầu, tính cấp thiết của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của đất nước. Song cũng có một số cơ sở, chất lượng lại có chiều hướng đi xuống do chưa tuân thủ chặt chẽ quy chế đào tạo; chất lượng nhiều công bố khoa học bắt buộc chưa cao, chỉ ở mức đối phó đủ điều kiện công trình; nể nang, dễ dãi khi thành lập hội đồng đánh giá luận văn, luận án…

Tháng trước tại Hà Nội, trong một hội thảo quốc tế về chất lượng đào tạo sau ĐH theo định hướng ứng dụng, tiến sĩ Philip Hallinger (ĐH Mahidol, Thái Lan) cho rằng, nguyên tắc mà các trường cần định hướng nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng là: Cơ sở đào tạo đã làm gì để người học yêu thích đến trường? Hành động của cơ sở đào tạo là gì để hỗ trợ cho việc dạy và học? Nhà trường có định hướng, chỉ đạo nào để giúp người học có thể học tập tốt nhất? 

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khoa Quản lý giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội - nhận định: chất lượng đào tạo sau ĐH chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra, chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước trong giai đoạn đổi mới ngày càng mạnh mẽ. Đào tạo bậc thạc sĩ của nhiều cơ sở thiếu và yếu những điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng; dẫn đến chất lượng có chiều hướng suy giảm.

Bà lý giải việc các cơ sở đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu, một phần do người học sau khi được cấp bằng vẫn chưa được đãi ngộ xứng đáng, thậm chí còn nhiều bất hợp lý trong bố trí sử dụng. Hiện vẫn thiếu vắng một cơ chế sử dụng và đãi ngộ để nhân tài phát huy trí tuệ khoa học; do đó chưa thực sự khuyến khích người học phấn đấu trong học tập, nghiên cứu. 

Để đạt được chất lượng cũng như hiệu quả đào tạo sau ĐH, trước hết phải đảm bảo số lượng và chất lượng các cơ sở đào tạo, đảm bảo đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, và tuyển chọn đúng đối tượng đào tạo. Trên cơ sở đó rà soát cơ cấu ngành nghề đào tạo để có cơ sở đề xuất các giải pháp điều chỉnh cơ cấu ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển từng lĩnh vực ngành khoa học. Đồng thời hoàn thiện chính sách để đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ được hưởng sự đãi ngộ xứng đáng; từ đó tạo động lực, nâng cao chất lượng. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI