Học đến đâu, tác nghiệp đến đó
Nguyễn Phương Nghi - sinh viên năm ba của lớp báo chí K20A, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - cho biết các bạn được học và thực hành đầy đủ 4 loại hình báo in, báo điện tử, truyền hình và phát thanh.
|
Sinh viên báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tác nghiệp sản xuất các sản phẩm báo chí như phóng viên thực thụ - Ảnh: M.L. |
Ở mỗi loại hình, sinh viên bắt buộc phải cho ra đời sản phẩm thực tế theo đúng tiêu chuẩn của tác phẩm báo chí thực thụ. Ngay từ năm nhất, sinh viên đã phải viết những bản tin có thể đăng phát trên báo, đài. Khi học môn phóng sự, các em bắt tay vào sản xuất phim tài liệu. Sinh viên chia thành từng nhóm để làm tất cả các khâu từ A-Z: lên kịch bản, quay phim, viết lời, dựng phim, làm hậu kỳ một cách nghiêm túc, chỉn chu.
“Chính vì phải tác nghiệp như phóng viên thực thụ nên ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường, chúng em đã ý thức được những khó khăn, thách thức của nghề báo. Chẳng hạn, có những đề tài được lên ý tưởng rất hay nhưng khi bắt tay vào làm thì phát sinh vô số trục trặc như bị nhân vật từ chối, không thể ghi hình… Điều này giúp sinh viên nhận ra khoảng cách giữa lý thuyết với tác nghiệp, thấy rõ thực tế hành nghề không chỉ toàn hào quang rực rỡ, từ đó chuẩn bị tâm thế trước khi bước vào nghề” - Phương Nghi nói.
Ngô Thiên Phát - sinh viên lớp K20C - cho hay đối với từng môn học, thay vì giảng lý thuyết suông, thầy cô luôn gắn với các sự kiện, tình huống báo chí thực sự. Chẳng hạn, khi học về chủ đề nhà báo sử dụng mạng xã hội, các bạn được nghe và thảo luận về các nhà báo nổi tiếng đang sử dụng mạng xã hội, vụ bà Nguyễn Phương Hằng.
Sinh viên cũng nhìn nhận kỹ năng khai thác thông tin trên mạng xã hội phải đi đôi với yêu cầu kiểm chứng khắt khe. Chẳng hạn trường hợp “bác sĩ Khoa” trong thời gian đại dịch chỉ là sản phẩm tưởng tượng trên mạng xã hội nhưng không ít nhà báo đã vội vàng khai thác, thiếu kiểm chứng.
Đối với môn đạo đức nghề báo, các tình huống nghiệp vụ như VTV đi tìm tuổi thật của cầu thủ Công Phượng, phóng sự dàn dựng “Chổi quét rau”, vụ PR bẩn “đánh” nước mắm truyền thống… đều được đưa ra để các “nhà báo tương lai” mổ xẻ, phân tích ranh giới của đạo đức làm nghề. Từ những ví dụ cụ thể gắn với thực tế báo chí, thầy cô truyền đạt cho sinh viên cách tác nghiệp có trách nhiệm, hướng tới nền báo chí giải pháp và mang tính xây dựng.
Theo Ngô Thiên Phát, sản phẩm của sinh viên được đầu tư không thua kém sản phẩm báo chí thực sự. Chẳng hạn, khi làm phim tài liệu Dấu ấn của cụ Đồ Chiểu, nhóm của Phát đã lên kịch bản và đi tác nghiệp tại 3 tỉnh, về tận lăng mộ của cụ tại Ba Tri (tỉnh Bến Tre); chùa Tôn Thạnh (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) là nơi cụ có thời gian sống và sáng tác bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nổi tiếng; văn miếu Trấn Biên (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nơi thờ phụng cụ.
Sinh viên còn phải có sản phẩm nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn, các bạn đã khảo sát thấy chỉ có 3% thông tin từ mạng xã hội xuất hiện trên các bản tin của VTV24. Điều này phủ nhận thông tin cho rằng báo chí chủ yếu chạy theo và đăng phát các thông tin từ mạng xã hội. Việc làm quen với nghiên cứu khoa học giúp sinh viên hình thành tư duy đánh giá, nhận định bằng số liệu, có căn cứ, chứ không tin theo một cách cảm tính.
Làm báo đa nền tảng
Không chỉ được đào tạo kỹ năng tác nghiệp, sinh viên còn được học cách xử lý khủng hoảng truyền thông từ các sự vụ cụ thể. Chẳng hạn vụ tin đồn thất thiệt về việc một nữ sinh học quân sự bị hiếp dâm, vụ Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders nợ học phí… Các bạn cũng được trang bị kỹ năng “làm chủ” các sân chơi truyền thông, tổ chức sự kiện, làm báo đa nền tảng.
Trần Minh Duy - lớp báo chí K20B - cho hay: “Với sinh viên báo chí hiện nay, cơ hội được áp dụng thực tế rất lớn vì đa số giảng viên thỉnh giảng đều là những nhà báo lớn. Như bản thân em khi học môn tin truyền hình, sản phẩm bài thi của nhóm em không chỉ để chấm điểm mà còn được đăng tải trên chương trình 60 giây của Đài Truyền hình HTV. Hay ở môn quay dựng, em cũng có sản phẩm trên YouTube đạt gần 200.000 lượt xem. Gần đây nhất là môn đối thoại truyền hình, lớp em tự tổ chức talk show giao lưu với nhà báo Kim Hạnh”.
Thạc sĩ Phan Văn Tú - Trưởng bộ môn báo chí, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - nhìn nhận: trong 10 năm qua, hầu hết cơ quan báo chí đều khai thác các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok, Twitter, Instagram… để đáp ứng đối tượng công chúng mới cũng như nối dài, mở rộng thông tin cho các kênh chính thống. Xu thế phát triển báo chí đa nền tảng (multi platform journalism) đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới.
Do đó, những năm gần đây, trong hoạt động đào tạo báo chí, nhà trường khai thác mạng xã hội để triển khai việc thực hành các kỹ năng của biên tập viên truyền thông cho sinh viên báo chí. Sinh viên có thể làm quen với việc xử lý lại tin bài dưới hình thức cũ (văn bản và ảnh tĩnh) thành các dạng video, đa phương tiện phù hợp với các nền tảng mới.
Các bài tập làm sản phẩm giúp sinh viên trau dồi tư duy “đa nền tảng”, rèn luyện kỹ năng trực quan hóa văn bản, dữ liệu, biết dùng các công cụ video, đồ họa để sản xuất và phân phối phù hợp cho các nền tảng. Mạng xã hội trở thành nền tảng để thầy trò trường báo mở các kênh phát hành sản phẩm thực hành của sinh viên, bằng cách mô phỏng hoặc tạo ra một kênh báo chí hiện đại trong tổ chức thực hành nghiệp vụ.
“Các bài tập đa phương tiện từ đồ họa thông tin (infographics), megastory, long-form, đến phim tài liệu, talk show truyền hình, podcast phát thanh… đều có thể dùng mạng xã hội như một tờ báo để xuất bản. Tính năng live stream giúp giảng viên dạy kỹ năng truyền hình có thể tổ chức các chương trình truyền hình trực tiếp từ nhiều không gian, rèn cho sinh viên làm quen với việc tổ chức sản xuất các dạng chương trình, kỹ năng xử lý tình huống trực tiếp. Rõ ràng, sinh viên thực hành tác nghiệp truyền hình, làm sản phẩm đa phương tiện qua YouTube, Facebook là hình thức thực hành bám sát với thực tiễn báo chí hơn những bài tập “chay” trước đây” - thầy Phan Văn Tú nhận định.
Phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM): Cần phương pháp đào tạo hiện đại để có nhà báo hiện đại Số thí sinh đăng ký vào ngành báo chí truyền thông những năm gần đây liên tục tăng. Năm 2021, thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào khối ngành báo chí và thông tin là hơn 20.000 em, gấp 3 lần tổng chỉ tiêu, đứng thứ ba trong số các ngành nghề được lựa chọn nhiều nhất. Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) là trường công lập duy nhất được đào tạo chuyên ngành báo chí ở khu vực phía Nam. Sự phát triển nhanh chóng trong hoạt động đào tạo báo chí, truyền thông đặt ra nhiều yêu cầu về chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số. Thế hệ trẻ có thế mạnh về ngoại ngữ và tiếp cận công nghệ mới rất nhanh. Tuy vậy, chỉ hiểu biết và nhanh nhạy với công nghệ thôi thì chưa đủ. Để có thể trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, người học cần hiểu về bối cảnh chính trị, xã hội, văn hóa, cần được trang bị các kiến thức chuyên sâu của ngành và kiến thức liên ngành, rèn luyện tư duy phân tích, sáng tạo và thái độ làm việc chuyên nghiệp. Để đạt được các mục tiêu đào tạo này, các phương pháp giảng dạy và đánh giá hiện đại theo hướng “project-based learning” (học qua việc thực hiện sản phẩm, dự án, đồ án), “flipped classroom” (lớp học đảo ngược), “blended learning” (phối hợp giữa hình thức online và offline) cần được phát triển mạnh hơn. Các dự án sinh viên có thể tham gia không chỉ tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm báo chí, truyền thông mà có thể là các dự án nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong truyền thông. Chẳng hạn, hiện nay có một nhóm sinh viên của Khoa Báo chí và Truyền thông tham gia dự án phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận biết tin tức thật, giả trên mạng cùng giảng viên, sinh viên ngành công nghệ thông tin. |
Phương Thanh