Đào tạo phi công: Đem con bỏ chợ - Kỳ 3: Giảm gánh nặng, tăng hệ lụy

09/06/2013 - 08:07

PNO - PN - Tin đồn về sự thiếu minh bạch trong đào tạo phi công sau dự khóa bay hiện vẫn chưa được FTC giải thích thỏa đáng cho các học viên. Trong khi ở cấp cao hơn, kế hoạch “xã hội hóa đào tạo phi công cơ bản” do VNA đề xuất với...

Dao tao phi cong: Dem con bo cho - Ky 3: Giam ganh nang, tang he luy

“TRÙM MỀN” THÔNG TIN

Nhằm có thêm thông tin, Báo Phụ Nữ đã liên hệ với ông Lê Trường Giang, người phát ngôn của VNA, tuy nhiên cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi của hãng. Sau nửa tháng, những câu hỏi của chúng tôi gửi qua email vẫn “chạy” lòng vòng qua nhiều người ở bộ phận cung cấp thông tin cho báo chí, song hãng vẫn chưa có câu trả lời. Thậm chí một đại diện của VNA cũng không thể hẹn một cách chính xác thời gian trả lời. Bởi theo vị này, thông tin phải thu thập từ nhiều đơn vị khác nhau, sau đó trình duyệt qua nhiều cấp lãnh đạo, nên không biết khi nào mới có thể cung cấp.

Ngoài ra, vị này cho biết thêm, những thông tin phản ánh của học viên chỉ là ý kiến cá nhân và họ phải chịu trách nhiệm khi cung cấp thông tin cho báo chí. Tương tự, thông tin chúng tôi gửi đến ông Lê Hồng Tiến - FTC của VNA cũng không hề nhận được hồi đáp. Theo một đề xuất mà VNA gửi Hội đồng thành viên trong quý I/2013, phương án xã hội hóa đào tạo phi công cơ bản vẫn còn nằm ở mức… báo cáo.

Theo VNA, đến cuối năm 2012 số phi công Việt Nam của VNA là 504 người. Năm 2013, dự kiến số phi công cơ bản đào tạo sẽ là 123, trong đó dự kiến đưa 100 phi công cơ bản vào khai thác trong năm 2013 và 23 phi công vào khai thác năm 2014. Do đó, đến cuối năm 2013, VNA sẽ có 604 phi công Việt Nam. Riêng với hợp đồng cung cấp phi công giữa VNA và Công ty cổ phần đào tạo Bay Việt (VFT), hiện phía VFT đã đào tạo cho VNA 68 học viên, trong đó dự kiến 40 học viên sẽ hoàn thành đào tạo vào năm 2014 và 28 học viên vào năm 2015. Mặc dù vậy, VNA cũng thừa nhận vẫn phải thuê một số lượng lớn phi công nước ngoài trong vài năm tới. Cụ thể, năm 2013 VNA thuê 290 phi công nước ngoài, cuối năm cố gắng giảm xuống còn 220 và dự kiến đến năm 2017 giảm xuống ở con số 200.

VNA cho rằng, để giảm bớt gánh nặng chi phí và tạo dần thói quen trong việc tự thanh toán chi phí đào tạo như các ngành nghề khác, việc chuyển sang xã hội hóa đào tạo là cần thiết. Trong khi, dự án “Đào tạo phi công năm 2010-2011” vẫn còn hiệu lực. Đồng nghĩa với việc các khóa đào tạo phi công trong năm 2011, bao gồm khóa K21 là đối tượng thuộc dự án được tài trợ 100% chi phí.

Sáng ngày 2/6, ghi nhận của chúng tôi tại FTC (117 Hồng Hà, Q.Tân Bình), băng rôn thông báo tuyển phi công của VNA vẫn ghi “tài trợ 100% học phí cho các khóa học. Nhận hồ sơ vào thứ Hai và thứ Ba hàng tuần”. Dù thông báo công khai như vậy, nhưng thực chất, từ hai tháng trước VNA đã báo cáo đề xuất với hội đồng thành viên để triển khai một chính sách khuyến khích học tập đối với học viên theo phương án “hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo cho loại giỏi và 20% kinh phí đào tạo cho loại khá” (?).

Dao tao phi cong: Dem con bo cho - Ky 3: Giam ganh nang, tang he luy

Thông báo tuyển phi công, đào tạo miễn phí của VNA vẫn còn hiệu lực?

KẸT GIỮA HAI HỆ LỤY?

Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ, ông Trần Trọng Nhân - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đào tạo Bay Việt (VFT) cho biết: “Xã hội hóa đào tạo phi công cơ bản là việc cần thiết. Nhưng phải đủ nguồn lực, phải xây dựng chính sách và có quy trình tuyển chọn khắt khe”. Theo ông Nhân, nếu xã hội hóa theo phương án mà VNA đang dự tính thì không ai có thể khẳng định sẽ đáp ứng đủ lượng phi công cho tổng công ty hay không. Trong khi đó, hệ lụy mà các học viên của VNA ở FTC phải gánh chịu là vấn đề trước mắt cần giải quyết. Nếu có thay đổi chính sách từ VNA, phía FTC phải thông báo đến các học viên. Quan trọng nhất là phải tổ chức gặp gỡ và thỏa thuận, đàm phán để học viên đạt được quyền lợi chính đáng của họ.

Theo ông Nhân, đã có gần 100 trường hợp sau khi tham gia dự khóa bay ở FTC đã sang VFT để tìm kiếm con đường đi học ở nước ngoài. Các học viên lo ngại rất nhiều về chương trình dự khóa ở FTC có chuyển sang VFT được không. Tuy nhiên, VFT cho rằng, không nhất thiết phải tham gia dự khóa bay vẫn có thể đi học đào tạo phi công tại nước ngoài nếu đáp ứng đủ các điều kiện đã thông báo.

Ông Nhân cho rằng, ngoài hệ lụy xã hội ở góc độ các học viên thì hệ lụy kinh tế cũng là vấn đề cần xem xét sớm. Hiện nay, kinh phí đào tạo lý thuyết cho một học viên tại VFT khoảng 90 triệu đồng, sau đó đào tạo cơ bản tại Mỹ và Pháp khoảng 75.000USD và cuối cùng là chi phí huấn luyện phối hợp tổ bay (MCC) vào khoảng 3.500USD. Như vậy, tổng kinh phí đào tạo tại VFT vào khoảng xấp xỉ 1,8 tỷ đồng. Mức chi phí này thấp hơn phía VNA khoảng 15%. Chỉ tính sơ như vậy để thấy rằng, nếu VNA không xã hội hóa đào tạo phi công thì ngân sách tổng công ty nặng gánh thế nào.

Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT, nguyên Phó trưởng ban Tư tưởng - văn hóa Thành ủy TP.HCM nói: “Nếu thật sự VNA xã hội hóa như vậy thì không hợp lý, làm hại đến tương lai của các học viên đã bỏ học, bỏ việc để đến với họ. Về lâu dài thì xã hội hóa đào tạo phi công là việc cần thiết nhưng phải có thông báo rõ ràng, phải có bước chuyển hợp lý vào đúng thời điểm”.

Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng nói, ngay cả các trường học nếu không thông báo rõ ràng từ đầu mà tăng thu học phí thì cũng bị Bộ GD-ĐT xử phạt.

 VINH QUỐC - CA HẢO

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI