Đào tạo phi công: Đem con bỏ chợ - Kỳ 1: Khát vọng bay "gãy cánh"

04/06/2013 - 14:22

PNO - PN - Mỗi năm, Tổng công ty Hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) phải gửi đi đào tạo từ 60 - 80 phi công ở nước ngoài. Từ năm 2007, chương trình đào tạo phi công cơ bản trong nước đã ra đời với kỳ vọng hóa giải cơn khát nhân lực....

Tháng 8/2011, như nhiều bạn bè cùng trang lứa khác, M. (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) chia tay giảng đường để chính thức bước vào chương trình Dự khóa bay cơ bản của Trung tâm huấn luyện bay (FTC) trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA). Hơn một năm sau ngày hoàn thành khóa học, chàng trai 21 tuổi kết luận đầy cay đắng: “Nghề phi công với em đã là khát vọng viển vông”.

Dao tao phi cong: Dem con bo cho - Ky 1: Khat vong bay

SÁT HẠCH GẮT GAO

Sau hai tuần tìm kiếm thông tin về M., tôi mới có được số điện thoại và hẹn gặp. Chàng trai 23 tuổi, khuôn mặt sáng, vóc dáng cao ráo cho biết, từ năm 2009, do nhà ở gần FTC nên vô tình thấy băng rôn thông báo việc VNA tuyển dụng phi công và tài trợ 100% học phí nên M. đã nuôi giấc mộng trở thành phi công, dù đang theo học một trường cao đẳng. Thông báo treo trước FTC khi đó khẳng định các học viên được đào tạo tại FTC của VNA và các cơ sở đào tạo phi công hàng đầu trên thế giới như Pháp, Úc, Mỹ… Học viên sẽ là thành viên của đội bay Vietnam Airlines ngay sau khi tốt nghiệp.

Lời M. nói được xác nhận sau khi chúng tôi tìm hiểu một thông báo khác của chính VNA. Phía tổng công ty đã tuyển phi công dự khóa từ năm 2007 với các điều kiện: quốc tịch Việt Nam, tuổi từ 18 - 30, tốt nghiệp THPT trở lên, tiếng Anh từ 250 TOEIC trở lên; tự tin, nói và viết tiếng Việt lưu loát, không nói ngọng nói lắp, ngoại hình cân đối, dễ nhìn, không có dị tật, chiều cao tối thiểu 1,65m đối với nam, 1,60m đối với nữ, cân nặng tối thiểu 54kg đối với nam, 48kg đối với nữ. Ngoài ra, tiêu chuẩn sức khỏe của các ứng viên phải đạt tiêu chuẩn sức khỏe của người lái máy bay do Cục Hàng không Việt Nam thuộc Bộ Giao thông - vận tải quy định và lý lịch không có tiền án, tiền sự được Bộ Công an thẩm tra xác minh.

Sau khi đạt các yêu cầu trên, học viên phải sát hạch bốn vòng để vào học gồm: sơ tuyển, kiểm tra tâm lý chuyên ngành với dạng bài trắc nghiệm bằng tiếng Anh, kiểm tra sức khỏe chuyên sâu, kiểm tra tổng thể về định hướng nghề nghiệp, kiến thức xã hội và phỏng vấn tiếng Anh. Để trở thành phi công của Vietnam Airlines, học viên phải tiếp tục trải qua ba khóa huấn luyện gồm: huấn luyện phi công dự khóa, đào tạo phi công cơ bản và huấn luyện chuyển loại.

Dao tao phi cong: Dem con bo cho - Ky 1: Khat vong bay

Thông báo tài trợ 100% học phí của VNA ngay trước FTC

Dao tao phi cong: Dem con bo cho - Ky 1: Khat vong bay

Mẫu đơn dự tuyển của học viên dự khóa 

MUỐN BAY PHẢI CÓ… HAI TỶ ?

Trong thỏa thuận quyền lợi và trách nhiệm tài chính của học viên phi công, VNA thông báo phi công dự khóa được hưởng chế độ sinh hoạt phí của học viên (khoảng 600.000đ/tháng), được cấp phát đồng phục, tài liệu huấn luyện, ký hợp đồng huấn luyện, tự túc chi phí ăn ở, đi lại.

Đối với đào tạo phi công cơ bản, học viên được hỗ trợ 100% chi phí vé, thuế xuất vé, visa cho chuyến bay đi nước ngoài khi chuẩn bị bắt đầu khóa học và chuyến bay về Việt Nam khi hoàn thành khóa học, được hỗ trợ chi phí học, ăn ở, tiêu vặt, bảo hiểm (tổng chi phí khoảng 120.000 USD), được cấp phát đồng phục, tài liệu huấn luyện…, ký hợp đồng đào tạo phi công cơ bản và cam kết làm việc cho VNA. Đến giai đoạn huấn luyện chuyển loại, học viên được đài thọ mọi chi phí đào tạo. Sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ được ký hợp đồng lao động với VNA, mức thu nhập khởi điểm từ 25 triệu đồng/tháng trở lên.

Thế nhưng, từ khoảng cuối năm 2012 cho đến nay, hàng loạt thông tin không chính thức đã xuất hiện phản ánh việc chậm trễ trong công tác đào tạo, sát hạch học viên dự khóa bay của FTC khiến các học viên rơi vào tình trạng “đi cũng dở, ở cũng không xong”. Các thông tin bên lề về “nghề trong mơ” gay gắt đến mức độ nhiều người đã cho rằng “VNA có dấu hiệu không minh bạch trong tuyển dụng đào tạo phi công”. Tại diễn đàn Vietnamaviation.vn (tên miền cũ là pilot.vn), nơi được xem là diễn đàn duy nhất thảo luận về ngành nghề hàng không Việt Nam, H. - một học viên dự khóa bay đã trở về từ FTC cho biết: “Theo như tờ quảng cáo của VNA thì chỉ đề cập đến việc học viên phải ký quỹ 10% tổng chi phí học 120.000 USD khi nhập học nước ngoài mà không đề cập đến chi phí học khác, đồng nghĩa với việc VNA miễn phí toàn bộ từ chi phí: di chuyển, học tập, ăn ở và ngoài ra còn được phụ cấp học tập là 600.000đ/tháng”.

Dao tao phi cong: Dem con bo cho - Ky 1: Khat vong bay

Thông báo dự tuyển trên website của VNA

Dao tao phi cong: Dem con bo cho - Ky 1: Khat vong bay

Từ cuối năm 2012 hàng loạt thông tin cho rằng VNA thiếu minh bạch đã xuất hiện trên diễn đàn hàng không.

Tuy nhiên, theo H., trên thực tế, khi có giấy báo chính thức nhập học, các học viên phải đóng 10.000.000đ chi phí học tập ba tháng tại Trung tâm huấn luyện không quân Nha Trang, sau đó các học viên sẽ trở về FTC tại TP.HCM và phải đóng thêm tiền ở ký túc xá là 3.000.000đ/tháng và các chi phí khác. Trong khi đó, FTC không hề thông báo thông tin chính thức việc đóng học phí thêm mà chỉ thông báo đóng khi chính thức nhập học. Theo ghi nhận của PV Báo Phụ Nữ, nhiều học viên của FTC trước khi nhập học đang là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng với học lực khá, giỏi nhưng vì đam mê với giấc mơ phi công nên đã bỏ ngang hoặc xin bảo lưu để nộp hồ sơ dự tuyển.

T., một thành viên khác của diễn đàn hàng không cho biết thêm: “Em đã hoàn thành ba tháng huấn luyện ở Nha Trang và ba tháng học tập tại FTC, nhưng gần một năm nay vẫn chưa nhận được thông báo chính thức sẽ sát hạch tiếp và chọn các học viên được đi đào tạo ở nước ngoài ra sao”. Theo lời T., cách đây mấy ngày, có một anh bạn cùng khóa học gọi điện đến cho biết bây giờ “họ” bắt đóng 100% tiền học phí, tính ra là hơn hai tỷ đồng thì mới đi nước ngoài học tiếp, trái ngược hoàn toàn với khi thông báo chiêu sinh. “Em hối hận quá vì đã bỏ học đại học để đi theo giấc mơ phi công này, thế mà ngay lúc này đây giấc mơ của em đã tan tành hết, em hụt hẫng không còn từ nào để miêu tả nữa", T. hối hận nói.

 VINH QUỐC-CA HẢO

Tuyển phi công tại rất nhiều tỉnh thành

Nghe được câu chuyện đào tạo phi công dự khóa, một lãnh đạo Đại học Đà Nẵng cho biết: “Không chỉ tại TP.HCM, Hà Nội, FTC cũng từng tổ chức giao lưu với các sinh viên Đại học Đà Nẵng về kế hoạch tuyển phi công dự khóa. Ông Mai Anh Tuấn, Trưởng khoa chuyên ngành của FTC chủ trì và thông báo, đến năm 2020 VNA cần khoảng 1.500 phi công cơ bản. Trước khi ra Đà Nẵng, FTC cũng đã tuyển học viên tại Cần Thơ với thông báo, sau khi được tuyển chọn phi công dự khóa, học viên sẽ được miễn phí đào tạo trong cả thời gian học (tổng kinh phí đào tạo một phi công khoảng 250.000 USD) và được cấp 600.000đ tiền sinh hoạt phí mỗi tháng”.

Kỳ tới: Sự thật mất... niềm tin

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI