Đào tạo nhân lực ngành y: Bài toán các trường khó lường trước

31/12/2021 - 07:03

PNO - Đại dịch COVID-19 khiến vấn đề nhân lực ngành y trở nên đáng quan tâm hơn bao giờ hết.


Đại dịch COVID-19 khiến vấn đề nhân lực ngành y trở nên đáng quan tâm hơn bao giờ hết. Việc các trường mở khoa y, dược hoặc mở rộng quy mô đào tạo chuyên ngành này đang là một xu hướng. Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế y tế Việt Nam, lấy điển hình về Khoa Y của Đại học Quốc gia TPHCM để lý giải cho xu hướng này. 

Ông nói, từ năm 2008 đã cùng với Tổ tư vấn Ban Giám đốc Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM đưa ra định hướng chiến lược về mô hình Trường ĐH Khoa học sức khỏe thuộc ĐH này. Trường ĐH Khoa học sức khỏe đã có từ trong đề án thành lập Khoa Y của ĐH Quốc gia TPHCM. Nhưng Khoa Y hiện nay chưa đáp ứng đầy đủ mô hình một ĐH, vì phải có thêm các chuyên khoa dược, nha, y tế công cộng, điều dưỡng, y học cổ truyền…

*Phóng viên: Dựa vào nguồn lực nào để đáp ứng nhu cầu và bảo đảm chất lượng đào tạo y bác sĩ tương lai?

-Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng: Khi còn làm Giám đốc Sở Y tế TPHCM, tôi đã nhìn thấy vấn đề nguồn nhân lực đào tạo và định hướng của ĐH Quốc gia TPHCM là hoàn toàn đúng đắn với nguồn lực có trong tay chính là sự hỗ trợ của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Thứ hai là nguồn hỗ trợ rất lớn và quan trọng của tất cả bệnh viện (BV) tại TPHCM. Ngoài ra, có thể mời thêm sự hỗ trợ từ các BV của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng…Đây là nguồn lực giúp ĐH Quốc gia TPHCM thành lập Khoa Y và từ đó dần dần tiến lên Trường ĐH Khoa học sức khỏe. 

Trong kế hoạch niên khóa 2021 - 2022, tôi đã đề nghị ĐH Quốc gia TPHCM sớm thành lập Khoa Dược và Khoa Y tế công cộng. Sắp tới sẽ thành lập Khoa Điều dưỡng và Y học cổ truyền. Mọi thứ đang nằm trong khả năng để có thể tiến lên Trường ĐH Khoa học sức khỏe.

* Hiện nhiều trường đang “ồ ạt” mở nhóm ngành y, dược. Trong đó, không ít trường vốn không có thế mạnh về y khoa. Ông có thể đánh giá liệu các trường có bảo đảm chất lượng đào tạo chuyên ngành đặc thù như thế không?

- Quan điểm của tôi là nếu có thể có BV tư nhân, thì ngành y tế cũng nên có trường ĐH y tư nhân. Tôi không biết rõ về các trường đang mở khoa y, dược như thế nào, thì e rằng đánh giá là chủ quan. Nhưng xin nói thế này, nhìn vào nguồn nhân lực của ngành y tế hiện nay thì thật sự chỉ có thể đáp ứng đào tạo một ĐH tư mà thôi. Tôi chỉ muốn nói chúng ta phải xem xét lại đầy đủ các điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất. Đó là bài toán mà các trường khó lường trước. 

* Để đào tạo ngành y bảo đảm chất lượng đầu ra thì cần phải làm gì?

- Có ba điều kiện quan trọng trong đào tạo y khoa. Thứ nhất, người bệnh là người thầy chính trong đào tạo của ngành y. Thứ hai, nghề y là nghề thực hành, do đó đội ngũ bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng… phải là những người trực tiếp hướng dẫn sinh viên thực tập trên người bệnh tại cơ sở y tế. BV ĐH thực hành (CHU, hay còn gọi là Teaching Hospital) là tuyến cuối, tuyến cao nhất của mạng lưới khám chữa bệnh theo quốc tế. Hai tuyến trên gồm tuyến đầu là tuyến bác sĩ gia đình, tuyến hai là phòng khám đa khoa hoặc BV thông thường. Xin nhắc lại, CHU là đỉnh cao của mạng lưới điều trị, đỉnh cao của cơ sở vật chất đào tạo ngành y. Như vậy, CHU phải đào tạo sinh viên từ khi tập tễnh bước chân vào BV thì mới đạt được chuẩn mực chất lượng khi tốt nghiệp.

Thứ ba, y học hay khoa học sức khỏe là đỉnh cao của nghiên cứu khoa học nên các ĐH uy tín trên thế giới đều có đào tạo ngành y với sự phối hợp của các ngành đào tạo khác như toán học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. ĐH Quốc gia TPHCM là hệ thống các trường ĐH đa ngành, phát huy sức mạnh hệ thống xây dựng Trường ĐH Khoa học sức khỏe để đáp ứng được yêu cầu đào tạo của ngành y như trên. Định hướng xây dựng Làng ĐH Khoa học sức khỏe trong thành phố ĐH rất phổ biến trên thế giới, là định hướng cấp thiết của chúng ta.

* Xin cảm ơn ông! 

 Quốc Ngọc (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI