Gỡ khó cho doanh nghiệp, tăng cường kết nối việc làm
Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khủng hoảng, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, các sở, ngành sẽ tập trung một số giải pháp để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp. Cụ thể, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương, chủ động nắm bắt thông tin tuyển dụng, kết nối người lao động đến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển để duy trì việc làm cho người lao động.
Chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM, Liên đoàn Lao động TPHCM và các sở, ngành liên quan để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - nhất là các doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, phải cắt giảm nhân sự - để có biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp rà soát, thực hiện đầy đủ các chính sách dành cho người lao động theo đúng quy định pháp luật.
Bà Huỳnh Lê Như Trang
- Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM
Cải thiện hệ thống an sinh xã hội để giảm sốc
Liên đoàn lao động và các cơ quan chức năng cần nắm bắt tình hình kinh doanh ở những doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm lượng lớn người lao động để kịp thời hỗ trợ công nhân. Cần phối hợp với công đoàn cơ sở để thu thập, tìm hiểu đời sống và nguyện vọng của nhóm công nhân bị cắt giảm để tìm cách hỗ trợ, giải quyết.
Về giải pháp lâu dài, trước hết, cần hiểu rằng, nguyên nhân cắt giảm nhân công hàng loạt là do những biến động và rủi ro của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu giảm dẫn đến việc doanh nghiệp bị giảm hoặc thiếu đơn hàng để sản xuất. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và lợi thế nhân công giá rẻ, khó có thể có giải pháp để giải quyết căn cơ tình trạng việc làm bấp bênh, nhiều rủi ro của người lao động.
Do đó, cơ quan nhà nước và tổ chức công đoàn có thể xem xét các biện pháp như tăng lương tối thiểu vùng tương xứng với nhu cầu sống của người lao động, cải thiện hệ thống an sinh xã hội để phần nào giảm sốc cho người lao động trong lúc khó khăn, quản lý chặt chẽ việc thực thi pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ tổ chức đại diện người lao động ở các doanh nghiệp có nhiều công nhân.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Tú
- giảng viên Trường đại học Adelaide, Úc
Đào tạo, giúp người lao động chuyển đổi nghề
Tranh thủ những khó khăn khách quan, một số doanh nghiệp đã cắt giảm số lượng lớn người lao động lớn tuổi. Do số người bị cho thôi việc trong thời gian qua rất lớn nên cần nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể và có giải pháp mang tính hiệp lực giữa các bên liên quan.
Về phía cơ quan quản lý, cần có sự hợp tác, liên kết vùng trong việc giám sát các doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp có xu hướng chuyển nhà máy về các tỉnh, thành nằm xa khu vực kinh tế trọng điểm để tranh thủ những lợi thế về lương tối thiểu vùng. Lúc này, doanh nghiệp viện cớ gặp khó khăn để cắt giảm lao động nhưng thực chất, ở nhà máy mới, họ tiếp tục tuyển lao động mới. Do đó, cần có sự phối hợp vùng để buộc các doanh nghiệp phải cam kết có lợi cho người lao động.
Người lao động lớn tuổi đang chịu những thách thức từ quá trình tự động hóa của doanh nghiệp. Máy móc sẽ thay thế sức người nên nhu cầu sử dụng lao động sẽ ít đi. Do đó, cần tính toán đến việc đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với lực lượng lao động có khả năng sẽ bị đào thải trong tương lai. Ở Hàn Quốc, có chương trình mang tên “Mạnh mẽ trở lại”. Họ luôn nhìn trước tình cảnh bi đát của người lao động để chuẩn bị những nguồn lực hỗ trợ, khơi dậy được tinh thần mạnh mẽ của người lao động, giúp họ sẵn sàng chuyển đổi nghề nghiệp.
Hiện nay, ở Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp chọn chuyển đổi sang hướng nông nghiệp hữu cơ. Phần đông công nhân đang làm việc ở các thành thị xuất thân từ nông dân nên họ có thể về quê, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với mức thu nhập đủ sống.
Nhưng để làm được điều đó, cần có Luật Bảo trợ xã hội. Luật Bảo trợ xã hội có thể yêu cầu các doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam, sử dụng nguồn tài nguyên nhân lực và nền tảng hạ tầng của Việt Nam phải đóng góp vào quỹ bảo trợ xã hội để các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại dùng quỹ này giải quyết các vấn đề của công nhân sau khi mất việc. Có quỹ an sinh quốc gia song hành với quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước, mới đủ nguồn lực tài chính để hỗ trợ những người tạm thời mất việc, giúp họ “mạnh mẽ trở lại”.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc
- Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội
Phát huy hiệu quả các nguồn quỹ hỗ trợ người lao động
Giải pháp căn cơ nhất vẫn là doanh nghiệp chủ động tìm kiếm đơn hàng để ổn định việc làm cho người lao động. Quá trình đó cần có sự tiếp sức của các hiệp hội ngành hàng, Bộ Công Thương…
Khi người lao động đã bị mất việc, giảm việc, chúng ta cần phát huy vai trò, trách nhiệm của quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các trung tâm đào tạo, giới thiệu việc làm để giúp người lao động nhanh chóng bắt tay vào những ngành nghề mới phù hợp. Hiện nay, có sự hỗ trợ của công nghệ số, việc kết nối để hỗ trợ, giúp đỡ công nhân tìm kiếm việc làm mới không khó nhưng chúng ta vẫn để công nhân “tự bơi”.
Thực tế, chúng ta có rất nhiều quỹ (quỹ công đoàn, quỹ hỗ trợ lao động, việc làm của chính quyền địa phương, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp…) nhưng mỗi quỹ vẫn chưa phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ người lao động. Nguyên nhân chính là do chúng ta thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức quản lý của các quỹ đó với chính quyền địa phương, với các doanh nghiệp. Mặt khác, nếu xét riêng nguồn lực từng quỹ thì việc hỗ trợ số lượng lớn người lao động thất nghiệp trong một thời điểm sẽ trở nên quá tầm.
Tuy nhiên, khi có sự kết hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương thì có thể dễ dàng liên kết được các quỹ lại, tạo nên nguồn lực lớn hơn, dẫn đến hiệu quả của sự hỗ trợ tốt hơn, giúp người lao động tồn tại được trong thời điểm khó khăn, sau đó hỗ trợ họ chuyển nghề, giúp họ tự tin tự đầu tư, tạo công ăn việc làm cho chính mình.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh
- giảng viên Học viện Tài chính
Thu Lê - Tú Ngân (ghi)