PNO - Khi đại dịch hoành hành cũng là lúc nhóm ngành khoa học sức khỏe được mở rộng một cách mạnh mẽ ở các bậc đào tạo. Hầu hết trường đại học đa ngành, dù có truyền thống hay chưa từng đào tạo nhóm ngành này cũng kịp “nhập cuộc”, hoặc nâng cấp từ chuyên ngành thành ngành, và sắp tới là từ khoa thành trường…
Tại TPHCM, ngoài hai trường chuyên về đào tạo y, dược lớn nhất là Trường đại học (ĐH) Y Dược TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Khoa Y của ĐH Quốc gia TPHCM thì còn rất nhiều trường ĐH, cao đẳng, trung cấp có đào tạo nhóm ngành này. Điều đáng nói, số đông trong đó lại là các trường ngoài công lập. Trên phạm vi cả nước, số lượng trường ĐH tư được mở ngành đào tạo mới liên quan đến sức khỏe khá đông, như các trường ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Đại Nam, ĐH Duy Tân, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ĐH Võ Trường Toản, ĐH Tây Đô, ĐH Quốc tế Hồng Bàng…
Năm 2021, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng mở tám ngành khối chăm sóc sức khỏe. Cộng thêm ngành y khoa, răng - hàm - mặt, dược học, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi chức năng được mở trước đây, trường này sẽ có tổng cộng 13 ngành khối sức khỏe. Tương tự, Trường ĐH Văn Lang có thêm ngành y đa khoa, y học cổ truyền bên cạnh những ngành đã có như răng - hàm - mặt, điều dưỡng, dược học, kỹ thuật xét nghiệm y học. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng thông báo mở ngành mới vật lý y khoa, kỹ thuật y sinh. Trường ĐH Công nghệ TPHCM mở hai ngành kỹ thuật xét nghiệm y học, điều dưỡng bên cạnh ngành dược học, kỹ thuật xét nghiệm y học, điều dưỡng. Trường ĐH Hoa Sen cũng “nhập cuộc” với những ngành liên quan khoa học sức khỏe như: răng - hàm - mặt, dược học, quản lý bệnh viện, kỹ thuật y sinh… Chủ đầu tư một hệ thống ĐH tư thậm chí còn có tầm nhìn biến một trường ĐH đa ngành thành một trường chuyên đào tạo nhóm ngành khoa học sức khỏe đầu tiên trong khối ĐH tư.
Đó là chưa kể, hầu hết trường trung cấp, cao đẳng đều nhanh chóng mở nhóm ngành này để phù hợp xu thế và cũng để… tuyển sinh thuận lợi hơn. Một chuyên gia tuyển sinh tại TPHCM cho biết: Vài năm gần đây, nhóm ngành khoa học sức khỏe là “cứu cánh” tuyển sinh của nhiều trường ngoài công lập. Nhất là khi bậc đào tạo trung cấp, cao đẳng trở nên khó khăn hơn thì nhờ tuyển sinh tốt ở nhóm ngành này mà bù đắp qua để tồn tại.
Sinh viên nhóm ngành khoa học sức khỏe Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng trong giờ học (ảnh minh họa)
Tương tự, các trường công cũng không nằm ngoài xu hướng lấn sân sang lĩnh vực y, dược. Điểm nổi bật trong đề án tuyển sinh 2022 (dự kiến) của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM là dự kiến mở ngành dược học. Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo trường này, tuy chưa công bố đề án tuyển sinh nhưng trường dự kiến sẽ đưa ngành dược học vào đề án. Ngành dược học đang trong quá trình xin phép Bộ Y tế. Ngành này được trường phát triển từ ngành hóa dược đã đào tạo nhiều năm qua vốn là một trong những ngành thế mạnh của trường. Nếu được cấp phép, năm đầu tiên ngành dược học chỉ được tuyển khoảng 30% chỉ tiêu trên tổng số chỉ tiêu cho phép, tương đương khoảng 80 chỉ tiêu cho năm 2022.
Mới đây, tại hội nghị thường niên 2021, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân cho biết, năm 2022, ĐH này sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển trong đó có việc thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe trên cơ sở nâng cấp Khoa Y hiện nay.
Đào tạo y khoa: thực hành tối quan trọng
Bác sĩ Bùi Minh Trạng, Giám đốc Viện Tim TPHCM, cho biết: Đào tạo ngành học về sức khỏe đòi hỏi việc thực hành ngoài lý thuyết. Việc thực hành vô cùng quan trọng. Theo quy định, số lượng tuyển sinh phụ thuộc cơ sở thực hành, từ giải trình của cơ sở đào tạo về việc này thì mới có chỉ tiêu đầu vào. Ngành sức khỏe không thể chạy theo chỉ tiêu. Một bác sĩ tốt nghiệp không chỉ có lý thuyết mà còn thực hành khám chữa bệnh. Tăng số lượng mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo thì e rằng sẽ phải gánh hậu quả xấu trong tương lai.
Còn bác sĩ Trương Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Gia An 115, khuyến cáo tránh tình trạng chất lượng thực hành không đảm bảo. Ông cho rằng, phát triển đào tạo nhóm ngành khoa học sức khỏe là xu hướng tích cực. Nhưng vấn đề là chất lượng đầu ra của các trường y, dược không kể công hay tư. Hiện nay, chúng ta vẫn đang đứng trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, điều đó đặt ra cho công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế không chỉ đủ về số lượng mà còn đảm bảo về chất lượng. Công tác đào tạo nhân lực y tế đi sâu vào đổi mới một số chương trình đào tạo theo hướng hình thành năng lực kết hợp với khả năng làm việc nhóm. Đặc biệt là phương pháp dạy học lâm sàng có tính đặc thù trong đào tạo khối ngành sức khỏe nhằm tạo ra nguồn nhân lực y tế đáp ứng mô hình bệnh tật của Việt Nam. Do đó, việc thực hành trong đào tạo ngành y không chỉ ở trường, mà còn trong bệnh viện. Sinh viên cần phải thực hành cả về chuyên môn và kỹ năng giao tiếp.
Theo bác sĩ Vĩnh Long, nên chăng cần có quy định một bệnh viện chỉ được phép tiếp nhận bao nhiêu sinh viên thực hành mỗi năm, tránh tình trạng một bệnh viện có nhiều trường ĐH đăng ký, dẫn đến chất lượng thực hành không đảm bảo. “Để đáp ứng yêu cầu làm việc tại bệnh viện, khi tuyển dụng nhân sự chuyên môn, chúng tôi đánh giá toàn diện cả về kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng giao tiếp và năng lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của bệnh viện thông qua phỏng vấn. Sau đó, ứng viên sẽ thử việc có nhân sự chính của bệnh viện hướng dẫn và đánh giá để trở thành nhân sự chính thức”, bác sĩ Vĩnh Long cho hay.
Trong khi đó, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, nhấn mạnh việc đào tạo y, dược cần bảo đảm phương diện phi lợi nhuận. Ông nói: “Hiện nay, nếu đánh giá một cách tổng thể và thực chất thì rõ ràng y tế cơ sở rất yếu. Đặc biệt, đợt dịch COVID-19 lần thứ tư vừa qua, thấy rõ việc đầu tư, quan tâm, chăm lo cho y tế, nhất là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế. Khi đi khảo sát, chúng tôi mới biết số biên chế giao cho y tế chưa sử dụng hết vì rất khó tuyển nhân lực về các tuyến trạm y tế. Theo tôi, cần có nhiều giải pháp để thu hút bác sĩ ra trường về tuyến y tế cơ sở. Trước tiên, nên quan tâm đào tạo tuyển chọn ngay từ đầu. Chọn người ngay từ khi còn ở trường phổ thông để có chính sách hỗ trợ đào tạo phù hợp cho định hướng sau này. Kế đến, các cơ chế phải tính toán lại. Ví dụ, thay vì thực tập 18 tháng tại các trung tâm có giường bệnh thì mới cấp chứng chỉ hành nghề. Bây giờ, để thu hút về các trạm, bác sĩ mới ra trường chỉ cần 12 tháng thực tập ở trạm y tế rồi sáu tháng thực tập ở trung tâm có giường bệnh là được cấp. Trong thời gian này, nhà nước hỗ trợ tiền thực tập, tiền ăn, đi lại để thu hút bác sĩ về trạm”.
Việc một số trường ĐH chủ động mở các chuyên ngành y là điều tốt nhưng vấn đề cần đặt ra là vai trò quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Bộ Y tế. Làm sao bảo đảm dù trường đào tạo đi nữa cũng phải quy chuẩn, các bác sĩ khi ra trường phải đủ điều kiện, tay nghề vững chắc. Trong điều kiện hiện nay, một số trường mở các khoa y, dược cần bảo đảm phương diện phi lợi nhuận để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và đáp ứng nguồn nhân lực y tế cho địa phương. Việc đào tạo ngành y cũng cần gắn chặt vào nhu cầu cấp bách mà xã hội đang cần.
“Cần thay đổi chính sách đãi ngộ để y, bác sĩ làm đúng nghề”
Nhiều năm trước, chuyện đào tạo ồ ạt bác sĩ từng gây ầm ĩ trong ngành y. Nói chung, việc mở thêm trường để đáp ứng nhu cầu xã hội là dễ hiểu. Cũng không ai mong mở trường rồi đào tạo xong sinh viên ra trường thất nghiệp cả. Nhưng với ngành sức khỏe, phải bảo đảm chất lượng đào tạo, đầy đủ giảng viên, cơ sở thực tập, mà vấn đề này thì thật rất đáng lo ngại. Qua đại dịch COVID-19 mới thấy nhân lực y tế quá thiếu. Vậy phải tăng cường đào tạo nhưng cũng phải bảo đảm chất lượng. Hơn nữa, cần thay đổi các chính sách đãi ngộ để người ta làm đúng nghề. Chứ hiện nay, đào tạo ra bao nhiêu đều lại đi làm trình dược viên hết thì cũng như không.
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...