Việc gian lận thi cử ở Hà Giang cho thấy một bi kịch của nền giáo dục Việt Nam. Nhưng việc nâng điểm thi tốt nghiệp không để lại hậu quả nghiêm trọng và lâu dài như việc tuyển sinh ngành y - dược còn nhiều bất cập như hiện nay.
|
Chương trình đào tạo y khoa có thể gấp hai, gấp ba lần so với các lĩnh vực khác và đòi hỏi người học phải ưu tú |
Nghề y là một nghề khắc nghiệt, vì những sai lầm của nó nhiều khi là vô phương cứu vãn, không thể sửa chữa được. So với các lĩnh vực khác thì chương trình đào tạo y khoa có thể gấp hai, gấp ba lần, nếu chỉ tính theo thời lượng và khối lượng kiến thức phải tiếp thu: sáng thực tập bệnh viện, chiều lên giảng đường, tối phải thức trắng đêm trực bệnh viện.
Đó là chưa kể, kiến thức y khoa tiến bộ như vũ bão, trung bình sẽ tăng gấp đôi cứ mỗi 50 năm. Một thầy thuốc nếu không chịu rèn luyện thói quen cập nhật kiến thức chuyên ngành của mình trong một rừng khuyến cáo, cập nhật mới về chẩn đoán, điều trị thì sẽ mau chóng lạc hậu, thậm chí trở thành nguy hiểm trong khám và điều trị.
Sự ưu tiên trong tuyển sinh có thể tạo ra những giáo sư, tiến sĩ, nhưng khó mang lại một bác sĩ giỏi, chứ chưa nói đến một bác sĩ tử tế
|
Như vậy, không quá ngạc nhiên khi thấy cuộc sàng lọc để có một ghế sinh viên trường y dược là vô cùng cam go và khắc nghiệt. Cuộc sàng lọc này chỉ dành chỗ cho những học sinh ưu tú nhất, xuất sắc nhất về trí lực và thể lực để có thể kham nổi một chương trình học cực kỳ nặng nề. Nhiều sinh viên y khoa đã phải đánh mất những thú vui rất thường tình của tuổi trẻ để ép mình kham khổ như nhà tu trong những năm tháng dùi mài ở trường y.
Cũng dễ hiểu không kém, khi người ta thấy đa phần những sinh viên y khoa ưu tú, đều có lai lịch na ná giống nhau. Hoặc xuất thân từ những địa phương có truyền thống học hành, hoặc lớn lên trong một gia đình khoa bảng, trí thức. Quan trọng hơn hết, họ phải là những người xuất sắc, có chỉ số thông minh không tồi, đạt được số điểm cao nhất trong kỳ thi vào trường y, cũng khó khăn vào bậc nhất này.
Tuy nhiên, những yêu cầu trên tôi chỉ thấy ở những sinh viên y khoa giai đoạn trước, hay ở những quốc gia khác. Còn ở nước ta, với những chính sách tuyển sinh “không giống ai”, thì điều này không còn.
Nhiều người vẫn chưa quên chính sách tuyển sinh theo lý lịch những năm đầu sau 1975. Theo đó, một sinh viên có lý lịch tốt, diện chính sách (gọi là nhóm 1) sẽ dễ dàng được một suất vào trường y, dù điểm ba môn cộng lại chỉ đạt khoảng chín điểm. Các sinh viên được học chung với những sinh viên xuất sắc, có tổng điểm thi từ 24 điểm trở lên. Nhưng kiến thức y khoa không phải dễ học, dễ thi, nên những sĩ tử 3-môn-9-điểm thường phải rất chật vật mới có thể hoàn thành chương trình bác sĩ; tình trạng thi lại, đậu vớt hoặc lưu ban không ít. Nhưng đại học ở xứ mình, “vào được là ra được”, trường nào cũng thế, cứ gì trường y?
|
|
Sự ưu tiên không dừng lại ở đó. Sau khi ra trường, với những quan hệ sẵn có, những “hạt giống” này dễ dàng kiếm được một chỗ làm tốt trong những bệnh viện lớn. Các học bổng đào tạo sau đại học cũng dành rất nhiều ưu ái cho họ. Ngoảnh đi ngoảnh lại, ta thấy họ đã là giáo sư, tiến sĩ, chủ nhiệm bộ môn, đầu ngành… với rất nhiều học vị mà dân trong nghề khi nghe đến chỉ biết “lắc đầu”.
Tất nhiên, không phải tất cả giáo sư - tiến sĩ hiện nay, nhưng số lượng người làm nghề y xứng đáng được đồng nghiệp và bệnh nhân kính trọng về sự uyên bác, thông thái và đức độ của họ, thì không nhiều.
Chuyện từ cách đây 30-40 năm, tưởng đã không còn, lại giật mình thấy vẫn không thay đổi là bao. Người ta gọi đó là “chính sách đào tạo theo hợp đồng”. Theo đó, người ta dành 50% (300/600 thí sinh) để đào tạo bác sĩ y khoa cho một số tỉnh nào đó. Và việc ưu tiên cho một vài thí sinh “chính sách”, có thể đánh rớt những học sinh ưu tú đạt 26 điểm. Sự ưu tiên nói trên có thể tạo ra những giáo sư, tiến sĩ, nhưng khó mang lại một bác sĩ giỏi, chứ chưa nói đến một bác sĩ tử tế.
Cái họa áo trắng bắt nguồn từ chủ nghĩa lý lịch năm xưa, chưa biết khi nào mới giải quyết hết. Nay thầy được ưu tiên lý lịch, trò được ưu tiên địa phương-hợp đồng. Nguyên nhân là do các bác sĩ không chịu về địa phương công tác. Do đó các địa phương ký hợp đồng với các trường y để đào tạo bác sĩ cho mình. Các bác sĩ ấy có thể kém năng lực, nhưng họ phải quay về địa phương của mình để công tác. Trong trường hợp họ không quay về thì có các biện pháp bắt buộc, tuy không phải là chặt chẽ lắm. Vì vậy, xem ra di họa còn dài…
Thật đáng tiếc cho những em học sinh đạt trên 25 điểm mà vẫn rớt đại học y, năm nào báo chí cũng viết về tình trạng này. Nếu đủ điểm đậu và ngoài ngân sách, các em sẽ phải đóng học phí đến 10 triệu đồng/học kỳ, nhiều em học giỏi nhưng gia đình không đủ điều kiện cho học. Tuy nhiên, đó là sự thật tồn tại không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới, thậm chí ở Pháp, nơi có tỷ lệ “chọi” vào ngành này rất căng. Nhiều sinh viên giỏi muốn làm bác sĩ, nhưng số lượng chỉ tiêu có hạn nên phải loại bớt thôi.
Thực ra, việc đào tạo ngành y theo hợp đồng địa phương và ưu tiên chính sách vẫn có thể chấp nhận được trong xã hội hiện nay. Có điều phải xem lại tỷ lệ giữa tuyển tự do và tuyển ưu tiên cho hợp lý. Bên cạnh đó, áp dụng thêm hình thức đào tạo thu học phí.
Một ý kiến khác cho thấy chính sách cử tuyển và ưu tiên theo địa phương đã bộc lộ tất cả những sai lầm của nó về nhiều mặt:
1. Nó đã tước đi cơ hội của 50% thí sinh giỏi hơn, có khả năng hơn để vào trường y. Nói gì thì nói, nhiệm vụ đầu tiên của đại học y khoa là đào tạo ra những bác sĩ giỏi nhất, có khả năng nhất trong điều kiện hiện tại. Sau khi ra trường, việc bổ nhiệm họ về tỉnh là một việc khác, cần một chính sách khác thỏa đáng hơn về đãi ngộ để họ làm việc. Chứ không phải là việc hạ thấp chỉ tiêu đào tạo một cách thiếu công bằng như hiện nay.
2. Chính sách tuyển chọn theo địa phương, tuy không có thống kê chính thức, dành nhiều ưu đãi cho con em các quan chức hàng tỉnh - huyện, hay con các đại gia khác.
3. Trong số các bác sĩ được đào tạo theo nhu cầu địa phương đó, bao nhiêu người đã cậy cục ở lại thành phố bám lấy các bệnh viện lớn, hay làm trình dược viên còn hơn quay về nguyên quán để phục vụ?
4. Sự bất cập về chuyên môn của nhóm ưu tiên này là nguyên nhân lớn nhất giải thích tình trạng dù có bác sĩ tại chỗ, người bệnh vẫn không tin tưởng và sẵn sàng vượt tuyến lên TP.HCM điều trị. Ta hãy xem lại những trường hợp tai biến, những vụ bạo động đốt phá bệnh viện tỉnh, huyện để hiểu thêm về tính chất vá víu của việc đào tạo theo nhu cầu địa phương này.
5. Hãy xem Đại học Y khoa Sài Gòn trước đây, họ chỉ tuyển chọn những người xuất sắc nhất, bất kể nguồn gốc. Nhưng sau khi ra trường, tất cả tân khoa bác sĩ đều sẵn lòng về tỉnh phục vụ, với một chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Đại học Y khoa Huế cũng vậy: khi số lượng bác sĩ đã vượt quá nhu cầu của địa phương, các bác sĩ ở Huế đã tự đi tìm nhiệm sở ở rất nhiều vùng miền trên cả nước.
Do đó, tôi cho rằng, việc đào tạo những bác sĩ giỏi vẫn là yêu cầu duy nhất của đại học y. Còn sử dụng, bổ nhiệm họ như thế nào phải được tách bạch hẳn hoi và không được dùng những sản phẩm loại hai để biện bạch cho nhu cầu y tế của địa phương.
|
Bác sĩ Lê Đình Phương