PNO - Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu lao động, đặc biệt là lao động nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng tăng.
Trong 3 năm qua, các ngành nông lâm nghiệp và thủy sản có tỉ lệ tuyển sinh thấp nhất trong các khối ngành khi chỉ đạt 49,1% chỉ tiêu trong khi điểm chuẩn của những ngành này đã tương đối thấp. Những ngành như chăn nuôi, phát triển nông thôn, lâm học, quản lý tài nguyên rừng, nông học… của Trường đại học (ĐH) Nông Lâm TPHCM thường có mức điểm chuẩn dưới 18 điểm tại cơ sở chính, từ 15-16 điểm tại 2 phân hiệu ở Gia Lai và Ninh Thuận. Năm 2022, ngành lâm học, quản lý tài nguyên rừng, nông học, thú y còn phải tuyển sinh bổ sung mới đủ chỉ tiêu.
Tại Trường ĐH An Giang - ĐH Quốc gia TPHCM, điểm đầu vào những ngành nông nghiệp cũng chỉ dao động từ 14-16 điểm trong 3 năm gần đây. Năm 2022, trường phải tuyển bổ sung gần 100 chỉ tiêu cho các ngành chăn nuôi, khoa học cây trồng, nuôi trồng thủy sản. Trường ĐH Tây Nguyên cũng tuyển bổ sung 212 chỉ tiêu cho 4 ngành là chăn nuôi, khoa học cây trồng, kinh tế nông nghiệp và lâm sinh (trên tổng số 587 chỉ tiêu cho 22 ngành). Tương tự, Trường ĐH Cần Thơ - nơi có thế mạnh đào tạo nông nghiệp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long - cũng không ngoài tình cảnh đó khi các ngành liên quan đến nông nghiệp có điểm chuẩn khá thấp.
Đây là vấn đề được mổ xẻ tại hội nghị “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững các tỉnh phía Nam” diễn ra ngày 4/8. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp thiếu hiệu quả có thể do nhiều ngành nghề đào tạo chưa bắt kịp xu hướng thị trường cũng như chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương nên chưa thu hút học sinh theo học. Các cơ sở đào tạo chưa kịp thời mở các ngành, nghề mà xã hội đang cần; cơ sở hạ tầng, thiết bị đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu về công nghệ của nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0. Tính linh hoạt, thích ứng của hệ thống chưa cao nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người học.
Sinh viên Trường đại học Nông Lâm TPHCM trải nghiệm thực tế tại khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM - Ảnh: Trương Mẫn
Là một trong những đơn vị hợp tác, liên kết với nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu…, đại diện Tập đoàn Lộc Trời nhận định: các học sinh không “mặn mà” với khối ngành nông nghiệp có thể do chưa nhìn thấy tầm quan trọng và tiềm năng của ngành này. Một số khác lại ngần ngại chuyện làm việc tại vùng nông thôn thiếu tiện nghi. Ngoài ra, biên lợi nhuận thấp và tốc độ tăng trưởng khá chậm trong toàn ngành cũng dẫn đến thu nhập và cơ hội phát triển bản thân của nhân lực nông nghiệp bị hạn chế. Phó giáo sư, tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang - cũng cho rằng tâm lý e ngại trong việc tiếp thu, học hỏi cái mới và ngại va chạm, sợ cực khổ đã khiến các em chưa thể hiện tính tiên phong khi học tập trong môi trường thực tiễn sản xuất.
Gắn đào tạo với thực tế
Kết quả khảo sát của Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp trong khu vực cho thấy: ngày càng có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp tăng cao, tập trung vào các lĩnh vực như trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, bảo quản, chế biến. Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - cho biết, xu hướng đẩy mạnh nông nghiệp chất lượng cao, ứng dụng khoa học vào nông nghiệp đang ngày một nhiều. Do đó, nhu cầu nhân lực của khối ngành này khá lớn. Sinh viên của trường phần lớn tìm được việc làm ngay từ năm thứ ba với mức thu nhập khá.
Để nâng cao hiệu quả đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp, ông Trần Đình Lý kiến nghị cần tăng cường công tác quản lý của Nhà nước trong việc xây dựng mối quan hệ, phối hợp và chia sẻ nguồn nhân lực giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đối với các cơ sở đào tạo, cần gắn kết với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo. Nhà trường phải tự mình nâng cao năng lực đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho người học có sự tham khảo nhu cầu thị trường…
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TPHCM - cho rằng, việc thu hẹp khoảng cách giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp là điều cấp bách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, có 4 khía cạnh lớn cần hợp tác. Đầu tiên là trong xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo để giúp sinh viên đáp ứng tốt yêu cầu công việc ở tương lai. Hai là trong tiếp nhận sinh viên thực tập và giao lưu thực tế, giúp sinh viên hình thành thái độ tốt với nghề. Ba là trong giảng dạy và đánh giá sinh viên, giúp sinh viên có những hiểu biết thực tế về tiến bộ công nghệ. Cuối cùng là hợp tác trong thực hiện các nghiên cứu, đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết thách thức của ngành và thúc đẩy tiến bộ công nghệ.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản đề xuất cơ sở đào tạo chú trọng gắn việc “học” với “hành”, cho sinh viên thời gian để cọ xát thực tế trên đồng ruộng cùng bà con nông dân… Từ đó nâng cao kỹ năng làm việc thực tiễn và duy trì sự hứng thú của các em. Ngoài ra, cần tăng cường truyền thông để tạo sự thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò của nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh và biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung hướng tới các học sinh trung học thông qua các buổi tham quan, học tập mô hình nghiên cứu để các em hiểu rõ hơn ý nghĩa của khoa học nông nghiệp.
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...