Đào tạo ngành Công tác xã hội: Chất lượng chưa khớp yêu cầu

12/10/2018 - 06:16

PNO - Quy mô đào tạo ngành công tác xã hội ở các trường đại học, cao đẳng đang tăng nhanh nhưng chất lượng đầu ra chưa cao, tính chuyên nghiệp còn yếu.

Việt Nam cũng chưa phát triển mạng lưới dịch vụ xã hội đa dạng, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. 

Dao tao nganh Cong tac xa hoi: Chat luong chua khop yeu cau
Sinh viên ngành công tác xã hội Trường đại học Sư phạm TP.HCM quan tâm tìm hiểu về yêu cầu thực tế của ngành

Nhu cầu nhân lực công tác xã hội ngày càng cao

Chỉ tính riêng tại TP.HCM, nhu cầu nhân lực ngành công tác xã hội (CTXH) đã rất cao. Tuy nhiên, số lượng người làm CTXH hiện nay vẫn chưa đủ để đáp ứng.

Theo ông Phạm Đình Nghinh, Giám đốc Trung tâm CTXH trẻ em, nhóm trẻ em khó khăn đặc biệt hiện có trên dưới 20.000 em. Bảy trung tâm bảo trợ xã hội công lập nuôi dưỡng khoảng 1.500 em; 50-60 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập nuôi khoảng 3.000 em; còn lại được nuôi dưỡng trong cộng đồng. Đó là chưa kể người khuyết tật, người nhiễm chất độc da cam, người nghiện ma túy, đối tượng bảo trợ xã hội…

Các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, UBND các phường, xã/thị trấn cũng có nhiều vị trí tiếp nhận sinh viên ngành CTXH như: cán bộ làm công tác trẻ em, công tác bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo, tệ nạn xã hội, chính sách với người có công, lĩnh vực an sinh xã hội. Hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, các tổ chức phi chính phủ ngày càng tập trung nhiều tại TP.HCM cũng đang có nhu cầu tiếp nhận lớn. Đây là môi trường rất lớn cho sinh viên ngành CTXH. 

Bên cạnh cơ hội việc làm, nhiều chính sách đãi ngộ cho người làm CTXH cũng được thực hiện. Riêng ở TP.HCM, ngoài hệ số lương cơ bản, những người làm công tác an sinh xã hội có trình độ đại học sẽ được hỗ trợ thêm khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.  

Chưa chú trọng thực hành

Cơ hội việc làm rộng mở đi đôi với những yêu cầu nhất định về mặt chuyên môn. Cô Doãn Thị Ngọc, giảng viên Trường đại học Hoa Sen cho biết: “Ngoài kiến thức nền tảng của ngành là những tri thức và lý thuyết rất rộng mang tính liên ngành, sinh viên cần học tư duy phản biện, tham gia thật sự, dấn thân, cam kết trách nhiệm với bản thân và cộng đồng”.

Tuy nhiên, hiện nhiều người vẫn còn nhầm lẫn hoặc đồng nhất hoạt động từ thiện, nhân đạo, tình nguyện với CTXH. Tuy quy mô đào tạo ngành CTXH ở các trường đại học, cao đẳng đang tăng nhanh nhưng chất lượng đầu ra chưa cao, tính chuyên nghiệp còn yếu. Thực tế cho thấy Việt Nam cũng chưa phát triển mạng lưới dịch vụ xã hội đa dạng, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. 

Vấn đề trên cũng được thạc sĩ Phạm Thị Tâm, giảng viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đề cập như một thách thức đối với công tác đào tạo ngành CTXH hiện nay khi chương trình đào tạo bắt buộc phải theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT, trong đó quy định 70% là chương trình “cứng”, 30% còn lại do cơ sở đào tạo quyết định tùy tình hình thực tế. Tỷ lệ này khiến nội dung chương trình đào tạo CTXH nặng về lý thuyết, trong khi ngành này cần rất nhiều thời gian cho thực hành. 

Thực trạng ấy cũng khiến các cử nhân CTXH không đủ kiến thức và trình độ chuyên môn để có thể đảm nhận công việc theo yêu cầu.

Cô Ela Partoredjo, trợ lý sinh viên Trường đại học RMIT: Tạo điều kiện cho sinh viên chia sẻ trải nghiệm

Tôi làm CTXH về sức khỏe tâm thần trên 15 năm. Trong thời gian đó, tôi phải học những chuyên ngành khác để hỗ trợ cho CTXH. Để trở thành chuyên viên CTXH về bệnh tâm thần, tôi đã học và làm rất nhiều từ ngành điều dưỡng trong bệnh viện đến giáo dục (để biết cách dạy cho trẻ từ lớp 1-12). Tôi đã làm việc với những người nghiện ma túy, những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần rất nặng… 

Đối với việc cải thiện chất lượng đào tạo CTXH trong trường học, nếu Việt Nam có hiệp hội về những nhà làm CTXH thì rất đáng trân trọng. Một yếu tố khác là sự giám sát, thực tập, thực hành. Nếu không thể giám sát thực tế thì trường học có thể tổ chức những phòng để trao đổi, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên thực tập về có thể chia sẻ những trải nghiệm. Đó là việc mà chúng ta có thể làm để hỗ trợ tinh thần cho nhau và học hỏi lẫn nhau. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI