Năm 2018 đánh dấu cột mốc nghệ thuật cải lương tròn 100 tuổi, gắn liền với văn hóa Việt. Một thế kỷ qua, cải lương đã có thời hoàng kim rực rỡ và cũng phải chịu những thăng trầm khi thời cuộc đổi thay. Sau cột mốc này, hậu thế có dịp nhìn lại cải lương trong một diện mạo chỉn chu nhất, để từ đó thêm yêu, thêm quý và trân trọng.
|
Qua 100 năm, cải lương đã có nhiều thay đổi, nhưng lại theo hướng tiêu cực, mất dần vị thế. |
Nối bước người đi trước, YUME - Art project (dự án phát triển nghệ thuật và sáng tạo YUME dành cho cộng đồng) đã thành lập dự án Tiếp bước trăm năm với mong muốn đưa cải lương đến gần với người trẻ và cộng đồng để bộ môn nghệ thuật này tiếp tục được giữ gìn và phát huy.
Dự án do Tiến sĩ Đào Lê Na (Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, khoa Văn học, trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) cùng một người bạn đồng thực hiện. Sau thời gian chuẩn bị, Tiếp bước trăm năm chuẩn bị ra mắt vào những ngày trung tuần tháng 1 tới đây. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Đào Lê Na để hiểu thêm về dự án này.
Phóng viên: Trong bối cảnh cải lương vẫn còn không ít khó khăn để tìm lại vị thế, nguồn động lực nào tiếp sức cho chị thực hiện dự án này?
Tiến sĩ Đào Lê Na: Tôi dự định thực hiện dự án này vào năm 2016 với tên gọi Cải lương và bạn trẻ. Tuy nhiên, do tôi phải điều hành một số dự án khác và bận rộn với công việc đi dạy nên dự án không ra đời đúng thời gian mong muốn. Thời điểm đó, tôi thấy ở miền Bắc dự án Chèo 48h rất hay, có ý nghĩa với cộng đồng nên muốn phát triển ở miền Nam với đặc trưng là nghệ thuật cải lương. Năm nay, mọi thứ thuận lợi nên tôi chính thức giới thiệu.
Trước đó, tôi từng tổ chức dự án nhỏ về cải lương cùng NSND Bạch Tuyết với mục đích truyền tình yêu, kinh nghiệm nghề với hậu bối. Đó là dự án Cải lương - thưởng thức, trải nghiệm gồm 5 buổi nghe cô nói chuyện, tập hát cải lương, hiểu ngôn ngữ cải lương, thực hành hát một số điệu trong cải lương... và dự án Diễn kịch một mình.
Sau khoá này tôi mới nhận ra, khâu đào tạo khán giả - người thưởng thức cải lương cũng quan trọng không kém nghệ sĩ trình diễn bởi họ mới là người giúp cải lương được lưu truyền, được lan tỏa. Sau đó, tôi quyết định phát triển Tiếp bước trăm năm song song giữa việc đào tạo, truyền kinh nghiệm cho người làm nghề và cả người nghe, thưởng thức.
|
Tiến sĩ Đào Lê Na |
* Đưa cải lương đến người trẻ là điều mà biết bao nhiêu người rất muốn nhưng chưa làm được. Khi thực hiện dự án này, chị và cộng sự có nghiên cứu kỹ về nhu cầu của khán giả trẻ để có hướng đi hợp lý không?
- Thực sự, tôi chỉ quan sát bằng kinh nghiệm cá nhân chứ không phát phiếu điều tra như người hoạt động thăm dò thị trường. Tôi và cộng sự cũng khá lo lắng vì không biết có ai sẽ tham gia dự án này không. Ban đầu, chúng tôi dự định tổ chức buổi tọa đàm vào ngày 13/1 tới với tên gọi Cải lương trong thời đại 4.0. Sau khi đăng tải thông tin trên mạng xã hội về dự án, nhiều người chia sẻ muốn tham gia, đó cũng là một tín hiệu tích cực.
Chúng tôi sẽ mò mẫm từng bước, đo lượng nhu cầu của người trẻ và phát triển quy mô dự án theo đúng như thế.
* Lộ trình của dự án cụ thể ra sao, thưa chị?
- Sau quá trình chuẩn bị, sự kiện ra mắt dự án sẽ được tổ chức vào ngày 13/1 tới đây tại Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM. Sau đó, chúng tôi sẽ tiến hành tuyển chọn học viên cho 2 lớp. Lớp truyền nghề sẽ giới hạn khoảng 20 học viên, diễn ra trong 40 buổi. Trong đó có 24 buổi học về nhạc và 16 buổi học về diễn xuất. Cuối khoá, các bạn sẽ có một tác phẩm biểu diễn hoàn chỉnh như thủ tục tốt nghiệp.
Còn lớp thưởng thức cải lương càng đông học viên càng tốt, nhưng chỉ giới hạn từ 9 đến 19 tuổi. Tôi nghĩ lứa tuổi này phù hợp để chúng ta có lớp khán giả trẻ, mới và phù hợp với đề án đưa ra. Lớp học sẽ diễn ra trong 8 buổi.
Sau Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ bắt đầu dự án. Sau khi 2 khoá học kết thúc, chúng tôi sẽ thực hiện một báo cáo đánh giá để có được định hướng kế tiếp. Nếu hiệu quả tốt sẽ duy trì, phát triển, nếu không chúng tôi sẽ thay đổi hình thức hoặc tìm đến chất liệu văn hoá khác như đờn ca tài tử chẳng hạn.
|
Ngoài việc đào tạo nghệ sĩ thì việc đào tạo người nghe, tạo ra lớp khán giả mới cũng là điều kiện cần thiết để cải lương được giữ gìn. |
Lớp thưởng thức cải lương sẽ do Tiến sĩ Lê Hồng Phước - người từng đảm nhận chuyên mục cải lương cho một chương trình bên Pháp thuở đi du học và biết sáng tác lẫn có nhiều năm nghiên cứu về cải lương - giảng dạy.
Lớp truyền nghề do thầy Huỳnh Khải (khoa Âm nhạc Dân tộc, Nhạc viện TP.HCM) và đạo diễn Trương Văn Trí (đến từ trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, đang có tác phẩm Hồn của đá biểu diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang) đảm nhận.
Ngoài ra, khoá học dự định sẽ có thêm những nghệ sĩ cải lương đồng hành cùng các lớp.
|
* Dự án sẽ hoạt động với nguồn kinh phí đến từ đâu?
- Thời điểm chúng tôi bắt tay thực hiện dự án này cũng là lúc Hội đồng Anh kêu gọi các tổ chức đứng ra thực hiện những dự án văn hoá cộng đồng. Đây được xem là cơ may khi mọi thứ diễn ra trùng khớp.
Để được Hội đồng Anh chọn và tài trợ kinh phí hoạt động, ngoài tìm được tiếng nói chung với Hội đồng Anh trong việc hướng dự án về cộng đồng, tôi nghĩ còn vì chúng tôi đã có những dự án về cải lương trước đó nên tạo được lòng tin.
Dự án này được Hội đồng Anh tài trợ kinh phí hoạt động nên học viên theo học hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi tính toán lại thì thấy vẫn thiếu hụt, do học viên sau khi tham gia lớp phải có tác phẩm hoàn chỉnh trong khi việc tổ chức một vở cải lương tốn kém khá nhiều. Do vậy, chúng tôi vẫn đang kiếm thêm nguồn tài trợ từ các Mạnh Thường Quân để các bạn có được khoá học chỉn chu nhất.
|
Dự án được Hội đồng Anh tài trợ kinh phí |
* Chị kỳ vọng gì về dự án lần này?
- Có những người hiểu và chia sẻ với dự án này, nhưng cũng có những người nhìn mọi việc theo hướng tiêu cực Quan trọng hơn hết, chúng tôi hiểu mình đang làm gì. Sau 100 năm, cải lương sẽ mang diện mạo mới hơn và người trẻ ít nhiều sẽ có trách nhiệm phải giữ gìn, phát huy. Nếu sau dự án này có thêm các dự án khác tiếp tục được triển khai thì thực sự là tín hiệu đáng mừng.
* Xin cảm ơn chị!
Thuỵ Khuê (thực hiện)