Đào tạo các ngành khoa học cơ bản: “Đầu ra” tốt nhưng “đầu vào” luôn thiếu

02/07/2024 - 06:50

PNO - Những năm gần đây, các ngành khoa học cơ bản luôn trong tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu đào tạo. Một số trường đại học đã cấp học bổng để thu hút thí sinh nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan. Có thể thấy một hạn chế lớn là công tác truyền thông về cơ hội việc làm của các ngành này chưa được chú trọng.

Nhiều cơ hội việc làm, lương cao

Đầu năm 2024, sinh viên Phạm Đức Phúc - khoa vật lý Trường đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) - đã trúng tuyển vào làm việc cho hãng xe điện BYD khi vẫn đang ngồi trên ghế giảng đường. Cuối tháng Sáu, BYD đã đến trường này tìm kiếm nhân lực.

Tại tỉnh Hà Nam, Công ty cổ phần Nhựa châu Âu tuyển cử nhân chuyên ngành hóa và kỹ sư hóa học cho trung tâm R&D, mức lương 25 và 30 triệu đồng/tháng. Trường ĐH Mỏ - Địa chất đào tạo nhiều chuyên ngành thuộc nhóm ngành khoa học đặc thù. Bà Nguyễn Kim Chung - Phòng Quan hệ công chúng và Doanh nghiệp của trường - cho biết năm nào cũng nhận được “đơn đặt hàng” từ các doanh nghiệp ở nhóm ngành kỹ thuật địa chất, kỹ thuật trắc địa… Song số lượng sinh viên đào tạo ra không đủ để đáp ứng.

Riêng ngành trắc địa, hiện Công ty TNHH Hòa Quần (TP Hà Nội) tuyển kỹ sư trắc địa và quản lý vận hành khu xử lý nước thải, yêu cầu tốt nghiệp các ngành trắc địa - bản đồ, sinh - hóa, môi trường hoặc liên quan đến xử lý nước thải; có kinh nghiệm từ 1 năm; mức lương 15-18 triệu đồng/tháng. Kỹ sư trắc địa cũng là vị trí đang được Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả (TPHCM), Công ty cổ phần tập đoàn Thế giới kỹ thuật (TP Hà Nội), Công ty cổ phần Địa chất và Khoáng sản - Vinacomin (tỉnh Quảng Ninh)… tìm kiếm, mức lương khởi điểm từ 14-25 triệu đồng/tháng.

Sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật hạt nhân Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực tập tại Khoa Vật lý xạ trị, Bệnh viện K Tân Triều
Sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật hạt nhân Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực tập tại Khoa Vật lý xạ trị, Bệnh viện K Tân Triều

Tại TPHCM, Công ty TNHH một thành viên Chế tác và kinh doanh trang sức PNJ đang tuyển chuyên viên kỹ thuật xi mạ, yêu cầu tốt nghiệp ĐH chuyên ngành hóa học, chỉ cần 1 năm kinh nghiệm, mức lương 15-22 triệu đồng/tháng. Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Lê Trần tuyển nhân viên kỹ thuật sơn tĩnh điện, yêu cầu tốt nghiệp ĐH chuyên ngành hóa polymer, điện hóa… lương từ 20-25 triệu đồng/tháng. Công ty TNHH Công nghiệp Billion Ascent Việt Nam (tỉnh Tây Ninh) cũng đang tuyển kỹ sư công nghệ vật liệu - hóa nhựa, lương thử việc không dưới 25 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, thị trường cũng đang tìm kiếm nhân lực tốt nghiệp các ngành khoa học, kỹ thuật ở trình độ thấp hơn. Công ty Perfetti Van Melle Việt Nam (tỉnh Bình Dương) tuyển lao động có bằng cao đẳng hoặc chứng chỉ trung cấp các chuyên ngành hóa học, sinh hóa, môi trường… với lương khởi điểm từ 8-10 triệu đồng/tháng…

Chủ động truyền thông, hướng nghiệp

Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD-ĐT), những năm gần đây, nhiều ngành khoa học cơ bản có tỉ lệ nhập học rất thấp, dù chỉ lấy điểm chuẩn ở mức 5-6 điểm/môn, nhiều trường có chính sách hỗ trợ học tập để khuyến khích. Các nhà quản lý, phụ trách công tác tuyển sinh của một số cơ sở đào tạo nhận định, nguyên nhân của tình trạng trên là những ngành học này đòi hỏi phải có năng lực học tập tốt, khó định hình công việc sau này. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu thông tin “đầu ra” của những ngành này. Điều này có thể thấy ở ngay webstie của các trường, thông tin cụ thể về cơ hội việc làm ở những ngành mà đơn vị mình đào tạo rất ít. Trong khi thực tế, cơ hội việc làm ở nhóm ngành này rất tốt.

Các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) tìm nhân lực các ngành khoa học cơ bản tại Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) tìm nhân lực các ngành khoa học cơ bản tại Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Tiến sĩ Phạm Nguyên Hải - giảng viên cao cấp Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) - dẫn chứng: Công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ IoT... đang thu hút các bạn trẻ - trong khi nền móng của các ngành nghề này đều được hình thành và phát triển từ các kiến thức khoa học cơ bản (vật lý, hóa học, toán học…). Để theo được ngành công nghệ bán dẫn, sinh viên phải có kiến thức nền tảng về vật lý và toán học để có thể hiểu biết tốt về vật liệu bán dẫn, nguyên lý hoạt động của linh kiện bán dẫn và vi mạch tổ hợp, công nghệ chế tạo và kiểm thử các linh kiện bán dẫn, công nghệ nano… Đồng thời cần kiến thức hóa học cơ bản để hiểu rõ quy trình xử lý hóa học được sử dụng rất nhiều để sản xuất vật liệu và linh kiện bán dẫn.

Gần đây, tại hội thảo về các công nghệ mới, số liệu từ đại diện ĐH Purdue (Mỹ) cho thấy, trong cơ cấu nguồn nhân lực làm việc ở ngành công nghệ bán dẫn, lao động tốt nghiệp từ các ngành khoa học cơ bản (như vật lý, hóa học) chiếm tỉ lệ lớn. Đây cũng là ngành mà đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn (chưa kể 154.000 việc làm gián tiếp). “Toàn bộ nguyên lý của các ngành khoa học cơ bản hoàn toàn có thể áp dụng vào mọi lĩnh vực công nghệ mới” - tiến sĩ Phạm Nguyên Hải khẳng định.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho rằng, Nhà nước cần có định hướng bằng chính sách để thu hút nguồn nhân lực cho các nhóm ngành khoa học, kỹ thuật đặc thù. Bên cạnh đó, giới trẻ hiện nay nhìn nhận về nghề nghiệp thực tế hơn, xu hướng lựa chọn ngành học dễ tìm việc, thu nhập cao. Do đó, các trường cần chủ động truyền thông, hướng nghiệp; tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp để gắn khoa học với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, thậm chí ngay khi đang ngồi trên ghếgiảng đường.

Có chính sách thu hút như với sinh viên sư phạm

Nhấn mạnh vai trò của các ngành khoa học cơ bản, tiến sĩ Lê Thanh Sơn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng nếu không có cán bộ khoa học giỏi, đầu ngành thì sẽ rất thiệt thòi cho những thế hệ sau. Bởi bên cạnh nghiên cứu, các nhà khoa học giỏi còn giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ - không chỉ nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là những nhà khoa học kế cận. Do đó, ngoài chính sách học bổng của một số trường như hiện nay, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa và đặc biệt - cần có cơ chế, chính sách thu hút sinh viên các ngành này tương tự như đang thực hiện với sinh viên ngành sư phạm.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI