Đảo Reunion và bí ẩn lịch sử về hai vị vua triều Nguyễn

06/08/2015 - 08:04

PNO - Hòn đảo này cũng chính là nơi hai vị vua thời nhà Nguyễn của Việt Nam, là vua Thành Thái và vua Duy Tân, bị lưu đày hồi năm 1916.

Những ngày này, thế giới đang hướng về đảo Reunion ở phía Nam Ấn Độ Dương khi một vật thể dài 2m nghi là mảnh vỡ thuộc phần cánh chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines được phát hiện vào ngày 29/7 vừa qua.

Thật bất ngờ khi hòn đảo này cũng chính là nơi hai vị vua thời nhà Nguyễn của Việt Nam, là vua Thành Thái và vua Duy Tân, bị lưu đày hồi năm 1916 do có tinh thần chống lại chính quyền bảo hộ Pháp.

Ngày 25/12/1945, trên đường từ Paris về Reunion, máy bay chở vua Duy Tân đâm vào núi và ông tử nạn trên bầu trời Trung Phi. Chính quyền Pháp đương thời cho dù đã mở hai cuộc điều tra và kết luận không có dấu hiệu đây là một cuộc mưu sát, nhưng đến nay vụ tai nạn vẫn còn là nghi vấn lịch sử chưa có lời giải đáp.

Nghi vấn và nhân vật

Vua Thành Thái (14/3/1879 - 24/3/1954, tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân, là vị Hoàng đế thứ 10 của triều đại nhà Nguyễn) lên ngôi khi mới 10 tuổi. Ông học cả chữ Nho và tiếng Pháp, quan tâm tìm hiểu các loại vũ khí hiện đại của phương Tây, được đánh giá là người cầu tiến, yêu nước và có tinh thần chống Pháp cao.

Để “che mắt” thực dân Pháp, vua Thành Thái giả hành động như một người mất trí. Khi các bản vẽ vũ khí bị phát hiện, ông đã giả điên và xé nát các bản vẽ. Lợi dụng cơ hội này, thực dân Pháp ép ông thoái vị, nhường ngôi cho con.

Thực dân Pháp muốn tìm một người kế vị còn nhỏ tuổi để dễ sai khiến. Ngày 5/9/1907, người con thứ tám của vua Thành Thái là Nguyễn Phúc Vĩnh San lên ngôi khi mới 7 tuổi, lấy niên hiệu là Duy Tân.

Và chỉ một ngày sau lễ đăng cơ, Duy Tân đã đổi khác. Vị vua nhỏ tuổi này lại không hề tỏ ra nhút nhát, cúi mình trước chính quyền bảo hộ. Tinh thần chống Pháp của ông bộc lộ ngay từ khi còn nhỏ.

Dao Reunion va bi an lich su ve hai vi vua trieu Nguyen
Ảnh chụp vua Duy Tân năm 1907

Năm 1916, kế hoạch khởi nghĩa cùng Việt Nam Quang Phục Hội (một tổ chức cách mạng do Phan Bội Châu thành lập năm 1912 với mục đích đánh đuổi thực dân Pháp khỏi Đông Dương) bị bại lộ và thất bại. Khâm sứ tại Huế Charles và Toàn quyền thuyết phục vua Duy Tân trở lại ngai vàng nhưng ông không đồng ý.

Một số tài liệu cho biết, sau đó vua Duy Tân bị đày đi đảo La Réunion ở Ấn Độ Dương cùng với vua cha Thành Thái vào năm 1916.

Theo lời hoàng tử Vĩnh Giu (một trong 8 người con của vua Thành Thái) kể lại lúc còn sống: khi sang đến đảo, chính quyền Pháp bố trí gia đình hai cựu hoàng là Thành Thái và Duy Tân mỗi gia đình một biệt thự cùng các khoản phí sinh hoạt khác, nhưng với hai điều kiện: không được tự tiện ra sân bay, bến cảng và tất cả vật dụng trong nhà nếu hư hỏng phải báo cáo với toàn quyền để thay mới.

Thượng hoàng Thành Thái không chấp nhận điều kiện trên nên chỉ ở trong hai năm, sau đó ông đưa gia đình ra ở tại một ngôi nhà gỗ rộng lớn ở bên ngoài. Cựu hoàng còn đề ra một số nguyên tắc bắt buộc gia đình phải tuân theo như: dịp lễ, tết phải mặc quốc phục, phải hành xử và noi theo một số phong tục của người Việt, và nhất là phải giữ gìn tiếng nói dân tộc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI