|
Ga metro trước đường vào khu công nghệ cao |
Trong ký ức của Lam, đầu những năm 2000, khi chạy xe ngang qua đó, chỉ thấy cây dại, ruộng và những lò gạch nhấp nhô bóng người. Người ta nhớ về khu bưng biền 6 xã ngày xưa của quận Thủ Đức nay là quận 9 những gạch đầu dòng như trượt đi, lụp xụp nhà dân, rơm rạ, trâu bò, những con kênh nhỏ. Khu ngoại thành bình yên nhưng nghèo khó. Có nơi, cùng trên một thửa đất, mà đầu này là đất sét, ba-zan đỏ quạch, đầu kia là ruộng lúa. Ở đó, ban ngày có nắng thì như chan hòa mọi thứ, chứ đêm về, nhìn qua bên kia thành phố, gần mà xa lắm ánh sáng kinh kỳ.
***
Lam nói em thi thoảng chạy qua thôi chứ vô đây làm chi, thấy ruộng đồng là chính. Nhiều người cũng trả lời tôi như thế, như thể mọi thứ nhạt nhòa không đáng neo trong bộ nhớ. Người có thể không nhớ, nhưng bộ nhớ của đất thì chưa từng quên, chưa từng bị chèn đè và xóa đi, rồi kêu đòi. Khi xe vòng qua phía sau khu nhà của hãng Nidec, mé sát bên kia đường, đối diện xe là đàn bò đủng đỉnh đi trên đường nhựa. Còn đó chuồng trại bò, heo và nhà dân như lút mất giữa dừa nước và sình lầy tù đọng. Lam quả quyết, nhà máy, cơ xưởng ở đây chỉ nằm trong phạm vi 5km2... Không nhiều, thậm chí là ít, nhưng là những cái tên sừng sững SamSung, Intel, Nidec, FPT…
Hành trình những lầy lội ruộng đồng để đổi đời cho đất thành đường sá phong quang, tọa lạc trên đó những tên tuổi thương hiệu lớn của thế giới, người ta tính đã 17 năm rồi. Trả lời báo chí, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó chủ tịch UBND TPHCM nói rằng, ra đời từ 2002, nhưng ý tưởng và hành động đã có từ 10 năm trước. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên được mời là Nidec của Nhật Bản, được Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết sang “tiếp thị”.
Nói thì có vẻ dễ, nhưng tình hình khó khăn, bởi những năm 1990-1991, ta đang bị Mỹ cấm vận. Khi tiếp xúc thương mại mang danh nghĩa nhà nước không dễ, mà phải tìm cách khác… Dằng dặc những đoạn đường, khó và khổ, nhưng không lùi, bởi lãnh đạo thành phố đã xác quyết rằng, nếu không làm công nghiệp tiên tiến, không mời người ta vào và cứ bám mãi nông nghiệp lẫn kiểu làm công nghiệp truyền thống, thì TPHCM mãi tụt hậu.
Tháng 4/1993, UBND TPHCM quyết định thành lập tổ nghiên cứu và triển khai đề án xây dựng Khu công nghiệp kỹ thuật cao, để rồi mãi 1 năm sau đó, Thủ tướng chấp nhận chủ trương xây dựng dự án này.
Sau hơn 17 năm thành lập, tính đến hết tháng 4/2019, Khu Công nghệ cao đã đón nhận 156 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 7,1 tỷ USD, trong đó có 73 dự án đã đi vào hoạt động ổn định. Hiện tại, các dự án được xây dựng tập trung phần lớn ở những khu đất thuộc đường D1 đến đường Võ Chí Công. Có người nói rằng, tập đoàn hàng đầu thế giới là Intel mà đã có mặt ở đây, thì rõ ràng nó là… lá phiếu thẩm định chắc ăn nhất, là nhà đầu tư lớn cỡ mấy thì ở đây cũng chơi được.
|
FPT hiện diện đã lâu tại đây |
Nói thẳng ra rằng, hình như khái niệm công nghệ cao ở xứ mình thường bị đánh đồng như kiểu khu công nghiệp, vì thế sự quan tâm ít đi, hoặc nghe nó xa xa sao đó, nên… ngại. Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Hoài Quốc, một người gần 10 năm gắn bó nơi đây, từng phát biểu rằng, sứ mệnh của khu công nghệ cao là tạo ra một lực lượng sản xuất mới, ở đây không chỉ là con người mà là máy móc thiết bị hiện đại, tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao… Bây giờ đang ở thời buổi của công nghiệp thông minh, cho nên sự e dè đâu đó coi như không còn nữa.
***
Bây giờ thì nó đã đến tuổi bẻ gãy sừng trâu rồi. Kết nối giao thông từ cao tốc đến cầu, thông hết; trước đường vào khu này, có ga metro đang xây; đường thảm nhựa bao bọc quanh khu ruộng đồng bạc màu hoang hóa xưa. “Nó thay đổi nhanh quá anh”, Lam không giấu được ngạc nhiên. Những con số tiền bạc đầu tư vào đây, ai cũng dễ dàng tìm thấy, nhưng ít ai lưu tâm rằng vấn đề giá trị từ đất đưa lại luôn tỷ lệ nghịch với tư duy công nghệ cao, ví dụ giá trị của 100m2 đất có thể là 1 tỷ đồng, nhưng 1 phân xưởng của người ta đặt trên đó có khi là 1 triệu đô. Chính vì thế, không cách nào khác, phải làm thông minh; sản phẩm được sinh ra phải làm sản phẩm sáng tạo.
Vừa đi tôi vừa nhớ, chạy một đoạn nữa thôi, dọc tuyến đường có những khu nhà lớn của FPT, Intel, sẽ về vùng Long Trường, Long Bửu. Lần đó, tôi về Long Trường hỏi chuyện những người sống trên sông. Vùng tiếp giáp với Đồng Nai mệt bã người trong tâm cảm, sao mấy chục năm rồi ở thành phố lớn nhất nước mà đời sống và phong thổ như kiểu nơi nào đó khuất nẻo chưa từng chạm biết văn minh.
Giải bài toán an dân là chuyện muôn thuở và cần kíp từng ngày, từng giờ. Cơm áo, sự bình yên và thỏa mãn nhu cầu sống của dân, là thước đo trình độ và đạo đức quan chức. Thời gian không chờ ai. Mười bảy năm trong hành trình 45 năm của thành phố, là sự trỗi dậy của giấc mơ sống khác đi, làm khác đi, chất lượng và văn minh là khẩu hiệu sống còn.
TPHCM vừa tổ chức trao giải cuộc thi Ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông gồm Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức. Giải nhất thuộc về đề án của liên danh hai công ty Sasaki - enCity đến từ Mỹ và Singapore. Đề án này đề xuất lấy khu công nghệ cao là một trong các trọng tâm phát triển. Đó là đáp án đúng nhất cho một hướng đi đúng nhất, khi mọi câu chuyện bây giờ cần phải được tương tác chính xác, tiện lợi, từ tư duy, tầm nhìn đến hưởng lợi.
Tôi không ngạc nhiên khi đọc bản tin rằng, trung ương nhiều ý kiến ủng hộ TPHCM lập thành phố phía đông; cũng không ngạc nhiên khi có ý kiến rằng việc này quá mới, chưa có tiền lệ nên phải nghiên cứu. “Nước mình nó thế”. Câu này là của giáo sư văn học Hoàng Ngọc Hiến, xem ra khái quát được rất nhiều thứ, khi cái gì cũng lo, nghi ngờ, cũng chậm chạp và chần chừ, mà đã như thế thì hay đưa ra quyết định là... để đó nghiên cứu.
|
Tính đến tháng 4/2019, Khu Công nghệ cao đã đón nhận 156 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 7,1 tỷ USD, trong đó có 73 dự án đã hoạt động ổn định |
Vùng đất Nam Bộ này chưa bao giờ tụt hậu khi trời đất đã đặt để những con dân xứ này trong một chữ mở. Mở và thoáng. Nhanh và hiệu quả. Những cặp bài trùng ấy luôn được nuôi dưỡng bởi nguồn mạch thuần hậu, nghĩa tình, bởi họ không bo bo sống cho riêng mình. Kẻ rộng lòng thường đi kèm sáng tạo, dễ chịu và chịu chơi. 45 năm, bao lớp người đã mất đi, bao lớp người đã lớn lên, trưởng thành; bao thế hệ lãnh đạo thành phố nối nhau; dẫu có lúc ngả nghiêng này nọ, nhưng sức sống và sự bừng sáng của một thành phố năng động, nghĩa tình chưa từng mất đi.
***
Những ý nghĩ lướt qua bộn bề rồi dừng lại khi tôi nhìn thấy trụ đá có bảng ghi Saigon Silicon City. Bên trái, bên phải trắng một màu hoa tranh, lau sậy, đổ rạp theo gió chiều. Hoang dã rồi sẽ không còn chỗ sống, khi mọi thứ đã đưa vào quy hoạch. Những người làm sử, hẳn đã ghi điều này để mai này lần giở cho cháu con hình ảnh một thời, rằng hồi đó đã từng như thế; đất có thể thay; người có thể khác, nhưng có một điều không thể khác là không chấp nhận sự dừng lại, và nguồn mạch thiêng từ đất dõi theo chân người xem họ sống ra sao.
Nếu sống là để trả nợ những ân tình, ao ước của người đi trước và đang sống, thì 45 năm qua, thành phố mang tên người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành thuở ấy, đã đi được một quãng dài, gánh trên vai sứ mệnh lớn lao là đầu tàu của đất nước, thực hiện ao ước tự do, hạnh phúc, ấm no của Người để lại. Công dân thành phố có quyền kỳ vọng vào sức sống mới hơn trên dải đất mà tiền nhân để lại, và có quyền yêu cầu những người đứng mũi chịu sào không được làm hổ danh tiếng nói từ thành phố mang tên Bác. Chỉ vậy thôi và không thể khác…
Trung Việt