Thế nhưng, với những ai bị nỗi tò mò thôi thúc, hòn đảo mang lại cảm giác khám phá trọn vẹn từ bất ngờ này tới bất ngờ khác chỉ trong vài ngày ngắn ngủi.
Chỉ một cách duy nhất để tôi đến được đảo Phú Quý: ra cảng Phan Thiết mua vé của một trong ba tàu Hưng Phát, Phú Quý và Quê Hương. Cả khi cầm được vé trên tay, tôi thấy vẫn chưa có gì là chắc chắn.
|
Bãi tắm trên đảo Hòn Tranh |
Ngày may mắn
Kinh nghiệm đi biển cho tôi biết lịch tàu chạy thay đổi xoành xoạch theo con nước lên xuống và tình hình gió bão. Mùa biển Đông “hiền lành” nhất vẫn là tháng Hai đến tháng Tư âm lịch. Lần này, tôi đã chọn đúng: một ngày tháng Ba âm, trời xanh ngắt, nắng lên cao, biển êm như tấm vải lụa mềm.
Hẳn là ngày đẹp trời đã kéo căng nhịp sống nơi bến tàu nối đất liền với hòn đảo xa 4 giờ tàu chạy. Mùi khăn khẳn dậy lên, tiếng ồn ào huyên náo, tôi đứng vào dòng người địa phương khệ nệ thùng hàng với túi xách, len một hồi cũng tìm được chiếc giường nhỏ trong góc dưới tầng hầm của tàu. Không thấy gì bên ngoài, tôi đoán tàu đã đi xa khi sóng điện thoại tắt ngúm. Rồi có chút vui khi nghe đâu đó tiếng điện thoại reo trở lại, báo hiệu tàu sắp đến đảo.
Nhìn từ xa, đảo Phú Quý dài và cong như một chú cá voi nhảy chồm lên mặt nước. Đảo rộng 17km2, gần bằng Q.Bình Thạnh của TP.HCM. Bến cảng nằm chếch về phía Tây Nam, được ôm bởi một bức tường chắn sóng hình vòng cung.
Cuộc sống trên đảo in hằn dấu vết cuộc chiến với đại dương: đê kè chắn sóng ở vị trí xung yếu, một vành đai gồm những hàng phi lao ngăn gió cát và những vạt rừng thấp được bảo vệ cẩn thận để giữ nguồn nước ngọt cho đảo.
Phần lớn trong số dân cư hơn 27 ngàn người của đảo sống tập trung ở rìa phía Tây, hướng về đất liền và là nơi có nhiều bãi cát thoai thoải.
Khung cảnh bến tàu bình yên đến lạ. Không giăng mắc rừng biển hiệu nhà nghỉ - khách sạn, không bảng quảng cáo điểm du lịch, cũng chẳng thấy “cò” chèo kéo du khách.
Tôi hiểu du lịch ở đây nghĩa là phải tự mình tham gia vào đời sống địa phương để tìm ra những điều thú vị, bởi chẳng có trải nghiệm nào được thiết kế sẵn để bán vé cho bạn như kiểu mấy điểm hoặc tour du lịch đang làm.
|
Cổng tò vò do núi lửa tạo thành trên Hòn Tranh |
Du lịch không “mâm cỗ bày sẵn”
Đón tôi và bạn bè tại bến cảng là người đàn ông cho thuê xe máy mà chúng tôi đã liên hệ trước. Nước da cháy nắng và nụ cười hiền lành, ông chỉ chúng tôi chỗ đổ xăng, dặn đi dặn lại phải luôn đội mũ bảo hiểm vì nếu để cảnh sát “bắt” là bị giam xe 7 ngày.
Khi băng qua cánh rừng giữa đảo để đi về nhà nghỉ đặt trước ở phía Đông Bắc của đảo, tôi nhận ra mình chỉ mới bắt đầu cuộc hành trình khác lạ. Hai bên đường đầy những cây dứa dại cao hơn đầu người, trái lớn gấp đôi loại dứa trồng.
Dựa vào dăm thông tin các “phượt thủ” đi trước để lại, chúng tôi tự quyết định sẽ đi những đâu, làm những gì trong hai ngày lưu lại trên đảo. Vừa kịp buổi chiều, nên việc đầu tiên khi vừa nhận phòng, cất đồ, là phải chạy về phía… mặt trời lặn.
Tiếng đồn không sai. Dù bạn đứng trên bãi cát dài trong vịnh Triều Dương, ghềnh đá dưới chân tháp điện gió, hay chơi vơi trên những tảng đá có hình tròn kỳ lạ trên đỉnh núi Cao Cát, hoàng hôn ở đây đều đẹp rực rỡ, nhiều màu sắc, xuyên qua các tầng mây, tầng trời. Để khi tia nắng cuối cùng vừa tắt, ta thấy một tấm thảm lấp lánh sâu thẳm của hàng ngàn vì sao trải ra trên bầu trời đêm.
|
Hoàng hôn trên đảo Phú Quý |
|
Cua huỳnh đế và hàu đá, hai đặc sản nổi tiếng của đảo Phú Quý |
Của thần, của người và của biển
Không có “công thức” nào cho trải nghiệm du lịch trên đảo, chúng tôi nghe theo lời anh Long Vỹ trong chuyến đi chơi vào sáng hôm sau. Hơn chục năm trước, anh là người đầu tiên xây nhà nghỉ đón khách du lịch trên đảo. Khi đó, ai cũng bảo anh “khùng”. Giờ, đây chính là nơi chúng tôi cùng hai nhóm bạn trẻ khác tìm đến.
|
Dải cát tại bãi Triều Dương |
Nhà nghỉ của anh Vỹ gồm ba dãy phòng và một nhà hàng, nằm nép bên mũi đá nhô ra phía cực Đông của đảo. Ngay phía trên là Mộ Thầy Sài Nại, mà trong tín ngưỡng dân gian, ông được dân đảo thờ kính như một vị thần phù trợ cho cuộc sống bám biển đầy bấp bênh.
Mùng Bốn tháng Tư âm lịch hằng năm là ngày lễ hội lớn nhất trên đảo, đánh dấu sự kết thúc phiên trách thờ phụng cúng tế của làng trước, chuyển giao cho làng kế tiếp. Đó cũng là ngày mà vị trí của mặt trời mọc, Mộ Thầy và đỉnh núi Cao Cát cùng nằm trên một đường thẳng.
Bờ biển ở đây chỉ là ghềnh đá, bên phải có nhiều hồ cá xây bằng đá lớn, đục nhiều lỗ tròn để dẫn và tháo nước biển trực tiếp. Nhìn từ ngoài biển, những hồ cá trông như những thành lũy thời trung cổ, bên trong nuôi từ cá mú, tôm hùm, hải sâm cho đến cua huỳnh đế. Anh Vỹ bảo, nếu khách muốn, anh sẽ hướng dẫn lặn xuống hồ xem cuộc sống thực của tôm hùm lẫn hải sâm.
|
Bãi tắm hoang sơ trên Hòn Tranh |
Nhưng chúng tôi quyết định chọn “tour” do chính anh vừa cầm lái vừa kiêm luôn hướng dẫn viên, đi ca-nô ra biển ngắm san hô, câu cá, xem núi lửa và bãi tắm trên đảo Hòn Tranh. Khác với đi tàu, việc ngồi trên ca-nô giúp bạn ngắm biển ở vị trí như thể với tay là thấy đáy. Biển trong vắt, hút hồn người xem bằng bảng màu biến chuyển liên tục từ lấp lánh ngọc bích cho tới thăm thẳm xanh dương.
Hòn Tranh nằm ở cực nam, tách rời với đảo một khoảng chừng 800m và là một trong 8 hòn đảo nhỏ vây quanh đảo Phú Quý, làm thành một hệ sinh thái độc đáo.
Hòn Tranh được chú ý bởi sự đặc biệt về địa chất, có gốc gác là một ngọn núi lửa trồi lên sau hoạt động kiến tạo. Leo qua những tảng đá hình tổ ong, bạn sẽ thấy cả một lòng chảo từng phun trào dòng mắc ma, nay đã bị lấp đầy bởi cát từ biển thổi vào.
Riêng bãi tắm trên đảo Hòn Tranh có tất cả vẻ đẹp của sự hoang sơ: một bãi cát dài thoai thoải được bao bọc bởi rừng và vách núi. Ngâm mình trong làn nước trong vắt êm ả không gợn sóng rồi mở mắt nhìn bầu trời xanh ngắt, cảm giác như ta đang ở giữa một thiên đường nhiệt đới riêng tư và bí mật, cách nghìn trùng với cuộc sống bộn bề ta đã bỏ lại khi xách ba-lô lên đường.
Bài: Chánh M. Đặng - Ảnh: Trần Gia Tiến