'Đạo, nhái' trong phim Việt: Bao giờ hết là 'nghi án'?

02/10/2017 - 10:36

PNO - Phim Việt vẫn đang trong quá trình loay hoay tìm kiếm một sắc thái riêng nên chuyện “thừa kế” ý tưởng là điều khó tránh, huống hồ lâu nay điểm yếu nhất của phim Việt vẫn là kịch bản.

Từ đầu năm đến nay, xì căng đan “đạo, nhái” trong phim Việt lại có dịp bùng lên với vụ mới nhất là bộ phim vừa ra rạp Tao không xa mày bị tác giả Vũ Quốc Cường của truyện ngắn Dòng đời mà phim "lấy cảm hứng" tố ăn cắp kịch bản.

Ở mảng phim truyền hình, khi phim Ngoại tình với vợ mới được tái phát sóng trên VTV8 cuối tháng Tám qua, dư luận dậy sóng vì “đạo” đến hơn 90% phim truyền hình Hàn Quốc nổi tiếng, Sự quyến rũ của người vợ.

Trước đó phim tết 2017 Tìm nhau trong nỗi nhớ của VFC (Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình VN) bị cho là đã mượn nội dung của cuốn tiểu thuyết Tìm trong nỗi nhớ của nhà văn Lê Ngọc Mai phát hành năm 2003, kể về chuyện tình của các lưu học sinh tại Nga. 

'Dao, nhai' trong phim Viet: Bao gio het la 'nghi an'?
Cảnh trong phim Tao không xa mày, phim Việt mới nhất vướng lùm xùm ăn cắp kịch bản

Cứ lâu lâu, trên màn ảnh Việt những lùm xùm về việc phim này na ná phim kia lại xảy ra, “nhẹ nhàng” thì mô-típ giống hoặc có vài tình huống rập khuôn.

Thật ra ngay với Hollywood, chuyện “ý tưởng lớn gặp nhau” cũng không phải hiếm gặp. Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết: “Nếu nói về mượn ý tưởng thì Hollywood là vua, ở Hollywood, khi giới thiệu tóm tắt kịch bản với nhà sản xuất, biên kịch hay được hỏi phim anh giống phim nào, vì đó là cách nhanh nhất để nhà sản xuất định hình ngay kịch bản phim. Ở VN cứ thấy kịch bản hao hao, giông giống thì hay cho là đạo, nếu bắt lỗi kiểu đó thì có lẽ nhiều phim Mỹ giống nhau vì đều cùng là văn hóa Mỹ”.

Tuy nhiên, cái hay của biên kịch nước ngoài theo đạo diễn Charlie Nguyễn là “Họ lấy mẫu từ những phim đã ra đời, moi tình huống ra để biến chế đưa vào thành câu chuyện của mình”. Có lẽ đây là điều mà biên kịch nước ta chưa làm được nên mới xảy ra những vụ đạo, nhái gây bức xúc cho người trong cuộc lẫn khán giả.

Biên kịch Lê Nhã Huy, tác giả kịch bản phim truyền hình Nữ sát thủ từng gửi đơn tới cơ quan báo chí, tố nội dung phim điện ảnh Găng tay đỏ giống 80-90% nội dung phim của mình.

Những ai từng xem hai phim đều nhận thấy diễn tiến cuộc đời nhân vật nữ chính trong Găng tay đỏNữ sát thủ quá giống nhau: cùng xuất thân từ cô nhi viện trong nước, được hai vợ chồng nhận nuôi mang ra nước ngoài sinh sống, được một ông trùm đào tạo thành sát thủ, sau đó nhận nhiệm vụ về nước ám sát một tên giang hồ. Và sau khi về nước thực hiện vụ ám sát nhưng thất bại vài lần thì bị ông trùm bên nước ngoài cử một sát thủ khác về trừ khử.

Phim Ngoại tình với vợ bị khán giả phát hiện không chỉ giống diễn biến tâm lý: lúc đầu hiền ngoan, sau độc ác mà bi kịch gia đình nhân vật nữ cũng giống bi kịch của nữ chính trong Sự quyến rũ của người vợ: khó có con, chồng ngoại tình với bạn thân, sẩy thai lần đầu, mang thai lần hai thì bị rớt xuống biển mất tích…

Riêng trường hợp phim Tao không xa mày, mức độ “đạo” được cho là nghiêm trọng hơn khi ê-kíp đạo diễn kiêm biên kịch Rony Hòa và Thái Minh Nhiên bị tác giả Vũ Quốc Cường tố ăn cắp kịch bản.

Khúc mắc về chuyện “đạo, nhái” được Rony Hòa lý giải là do anh thích truyện ngắn Dòng đời của Vũ Quốc Cường, muốn chuyển thể thành phim nên đã liên lạc với tác giả xin bản quyền và Cường cũng hào hứng muốn phát triển thành kịch bản phim, do đó hai bên trao đổi thêm ý tưởng để hoàn thành kịch bản.

Tuy nhiên, khi phim bấm máy, do không thống nhất thù lao biên kịch nên cả hai ngừng hợp tác, sau đó Rony Hòa tiếp tục hoàn thiện kịch bản với sự góp ý của Thái Minh Nhiên và đăng ký bản quyền kịch bản hoàn chỉnh này. “Trong quá trình quảng bá cho phim sắp ra rạp, khi trích đoạn trailer được tung ra, kèm theo đó là nội dung tóm tắt của phim, do đây cũng là tóm tắt kịch bản mà Cường viết nên Cường kết luận chúng tôi ăn cắp kịch bản”.

Đạo diễn Thái Minh Nhiên thừa nhận: “Cường là dân công nghệ thông tin, còn chúng tôi cũng lần đầu sản xuất phim, hai bên đều chưa có nhiều kinh nghiệm nên mới dẫn đến hiểu lầm này”.

Tao không xa mày là vụ ồn ào “đạo nhái” hiếm hoi được giải quyết êm khi hai bên đạt được thỏa thuận về thù lao và tên của Vũ Quốc Cường cũng xuất hiện trên phần credit của phim ở vai trò biên kịch, còn với những lùm xùm “đạo, nhái” khác mãi mãi vẫn chỉ dừng ở mức “nghi án” và công chúng chưa bao giờ nhận được lời giải đáp thỏa đáng từ nhà sản xuất.

Phim Việt vẫn đang trong quá trình loay hoay tìm kiếm một sắc thái riêng nên chuyện “thừa kế” ý tưởng là điều khó tránh, huống hồ lâu nay điểm yếu nhất của phim Việt vẫn là kịch bản.

Tuy nhiên, ý tưởng hay mới là điều kiện “cần”, còn phải thêm điều kiện “đủ” mới tạo thành phim hay, đó là khâu phát triển kịch bản.

Đạo diễn - biên kịch Đức Thịnh cho biết: “Nhiều bạn trẻ lầm tưởng chỉ cần ý tưởng thì sẽ có kịch bản hay, thực tế nội dung thể hiện trong kịch bản mới là điều quan trọng”.

Thông thường một kịch bản để đưa vào sản xuất trước đó phải trải qua rất nhiều quá trình chỉnh sửa với sự tham gia của nhiều người, trong đó có cả đạo diễn nên giá tiền cho kịch bản hoàn chỉnh có khi lên đến 50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng).

Ở ta, hiện chưa có một đơn vị “cầu nối” giữa các biên kịch với nhà sản xuất mà chỉ thông qua những mối quan hệ cá nhân để chào bán kịch bản, vì vậy dễ xảy ra chuyện bị chôm ý tưởng, kịch bản.

Để bảo vệ thành quả lao động của mình, theo biên kịch Nguyễn Mỹ Trang, cách tốt nhất là: “Chọn đối tác có uy tín để hợp tác, mạnh dạn từ chối nếu phía sản xuất đề ra những yêu cầu mình cảm thấy khó đáp ứng. Trong quá trình làm việc nên trao đổi qua email và phải ký hợp đồng rõ ràng để tránh rắc rối về sau”.

Gần đây, cuộc thi Tìm kiếm nhà biên kịch tài năng do CJ CGV VN tổ chức đã phần nào hình thành nên vai trò “cầu nối” này. Được biết, những kịch bản đoạt giải trong cuộc thi hầu hết đều đã có nhà sản xuất đặt hàng, thậm chí có kịch bản còn được hai - ba đơn vị sản xuất quan tâm, đẩy thế thắng - quyền lựa chọn - từ vị trí nhà sản xuất về tay biên kịch.

Chỉ khi nào vai trò của biên kịch được nhà sản xuất quan tâm đúng mực, lúc đó những nghi án “đạo, nhái” trong phim Việt mới có khả năng chấm dứt. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI