Đạo nhạc hay "học hỏi"?

28/08/2016 - 12:14

PNO - Xâm phạm bản quyền bài hát, trong thời công nghệ số, là vấn đề nan giải, khó tránh, khó chứng minh lẫn khó xử phạt.

Ngày 23/8, Thanh tra Bộ VHTT-DL ra văn bản xử phạt Trần Hà My (nghệ danh Mờ Naive) về hành vi xâm phạm bản quyền bài hát, đồng thời thông báo sự việc đến Cục Bản quyền tác giả và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Biểu diễn bài hát Điều em muốn nói trong chương trình Bữa trưa vui vẻ (phát sóng trên VTV3), Mờ Naive tự nhận mình là tác giả ca khúc này. Ngay sau đó, tác giả Hoàng Thu Trang (Chim Sau) lên tiếng trên trang cá nhân để đòi lại quyền lợi và mời luật sư vào cuộc. Dẫu vậy, Mờ Naive vẫn khẳng định mình chính là tác giả ca khúc này, đồng thời trưng ra văn bản xác nhận bản quyền từ Cục Bản quyền tác giả. Sau một thời gian xác minh, Thanh tra Bộ VH-TTDL xác định Mờ Naive không phải là tác giả bài Điều em muốn nói nên lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt số 58/QĐ-XPVPHC đối với hotgirl này.

Đây được xem là biên bản xử phạt đầu tiên dành cho hành vi xâm phạm bản quyền bài hát, dù thời gian qua, những ồn ào về tác quyền xả  ra không ít. “Lập kỷ lục” nhiều nhất là ca sĩ Sơn Tùng với hàng loạt bài hát được giới chuyên môn khẳng định là đạo nhạc, từ ca khúc của thời ca sĩ trẻ này mới tập tễnh sáng tác đến các nhạc phẩm gần đây như Chắc ai đó sẽ về, Chúng ta không thuộc về nhau.

Dao nhac hay
Sơn Tùng - cái tên hot trong giới trẻ nhưng chưa bao giờ thoát nghi vấn “đạo”

Cái lý mà phía Sơn Tùng đưa ra, được gói gọn trong hai chữ “học hỏi”. Dư luận từng bao dung với nhân vật này trong những bài hát trước đó, mà Em của ngày hôm qua là một ví dụ, chỉ bởi đó là Sơn Tùng của những ngày đầu non nớt thuộc thế giới underground (mà underground Việt vốn chịu ảnh hưởng quá lớn từ nhạc trẻ nước ngoài). Nhưng giờ đây, từ “học hỏi” khiến không ít người ngao ngán.

Thời nay, khi internet nói chung và mạng xã hội nói riêng mang đến một thế giới phẳng, không còn khoảng cách, việc học hỏi, bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi. Nhưng, khoảng cách từ học hỏi đến đạo nhạc giới hạn rất mong manh mà nếu không tỉnh táo, nhiều người có thể sa vào phía tối. Đỗ Hiếu gây được tiếng tăm qua nhiều sản phẩm cho ca sĩ Đông Nhi, Tóc Tiên… nhưng đến ca khúc Trách ai bây giờ, thì nhạc sĩ này lại “học hỏi” bài Auditory Hallucination (của NaShow và Jang Jaein) đến mức dễ dàng nhận ra nhiều nét giống nhau. “Phần trống và hợp âm giống. Có lẽ Đỗ Hiếu học hỏi hơi… mạnh tay”, nhạc sĩ Dương Khắc Linh nói.

“Nói thật, bây giờ nếu không bắt kịp trào lưu sáng tác của thế giới thì không ai nghe, vì khán giả trẻ bây giờ hòa nhập nhanh lắm. Nhiều người nghe nhạc nước ngoài để tìm cảm hứng sáng tác, để cập nhật xu hướng mới. Phần hòa âm đôi khi cứ thế “nhập” vào người mà không hay”, một nhạc sĩ trẻ trần tình. Nhưng, “học hỏi” đến mức mất kiểm soát không đáng sợ bằng việc lấy “học hỏi” để ngụy biện hành vi đạo nhạc của một vài nhân tố chưa thấy tài đã thấy tật trong làng giải trí.

Trường hợp bài hát Chúng ta không thuộc về nhau, nhạc sĩ Dương Khắc Linh nhận định đây là sự cố tình từ phía Sơn Tùng. Để khi điểm giống nhau với các sản phẩm âm nhạc khác ngày càng được chỉ ra nhiều hơn, gây tranh cãi nhiều hơn, lượt truy cập bài hát của Sơn Tùng theo đó sẽ tăng cao hơn. “Quang Huy và Quỳnh Anh đang cười”, nhạc sĩ Dương Khắc Linh đưa ra nhận định về hai nhân vật đang là quản lý của Sơn Tùng.

Vì những ngụy biện ấy, ranh giới mong manh ấy và sự cả nể nhau, rất ít người trong nghề mạnh mẽ nói thẳng, còn lòng tin của công chúng cũng đang cạn dần. Để rồi, ngay cả khi không “đạo”, chỉ một lời tố cáo vu vơ của cư dân mạng, có tác giả cũng bị khốn đốn. Vũ Cát Tường là một trường hợp như thế.

Nhưng không đôi co trên truyền thông, không đáp trả trên mạng xã hội cũng không im lặng cho sự việc qua đi như cách Sơn Tùng đang áp dụng, Vũ Cát Tường đi thẳng vào “tâm bão”. Cô trực tiếp liên hệ với Marika Takeuchi (Nhật Bản) - tác giả bài hát Rain in the Park mà nhiều người cho là Vũ Cát Tường đã đạo để viết bài Vết mưa. Câu trả lời từ Marika Takeuchi đã dập ngay được lửa. Nhưng, không phải ai cũng có thể áp dụng cách ứng phó của Vũ Cát Tường. Bởi không phải ai cũng là người ngay. Xâm phạm bản quyền bài hát, trong thời công nghệ số, là vấn đề nan giải, khó tránh, khó chứng minh lẫn khó xử phạt (vì tác giả bị “đạo” thường là nghệ sĩ nước ngoài, không khiếu kiện như trường hợp bài Điều em muốn nói). Sự ngụy biện của một bộ phận dân làm nhạc Việt xấu xí , vì thế chẳng biết đến bao giờ chấm dứt.

Nguyên Vĩnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI