Tuy nhiên, nếu mải mê lạc lối trên đường tình, đôi khi sự đào hoa chỉ dẫn đến vực thẳm...
Một thời gian ngắn không gặp, tôi gần như không thể nhận ra ông Phan Bá Giao, người đàn ông phong độ ngày nào, giờ trông rất tiều tụy vì bị căn bệnh viêm dạ dày hành hạ. Ông đã về hưu được mấy năm, cho thuê mặt tiền nhà, nên cũng đủ ăn, mỗi chuyện tình cảm là thiếu trầm trọng.
Người đàn bà đang sống với ông không đăng ký kết hôn, đã có đứa con chung thì thờ ơ, lạnh nhạt vì chẳng yêu thương gì ông. Bà ta vì không có việc làm ổn định, thời buổi này lại khó kiếm chỗ ở, nên mới chưa bỏ ông mà đi. Ông sống như người độc thân, tự nấu ăn, tự giặt quần áo, đau ốm cũng phải tự chăm sóc mình.
Không ai ngờ, người đàn bà đang sống hờ hững bên ông từng một thời yêu ông đến mê muội, bất chấp ông đã có vợ con. Ông cũng đáp lại tình yêu đó một cách quyết liệt, mặc bà vợ và đứa con gái mới lên năm tuổi khổ sở níu kéo từng ngày. Lúc đó, ông đang là giám đốc một công ty xây dựng, giao tiếp nhiều, tiền mang về nhà không ít, nên yên tâm là vợ chẳng còn đòi hỏi gì hơn. Thế nên, khi bà vợ nộp đơn ly hôn, ông hết sức ngỡ ngàng.
Buổi chiều tối, bên ly cà phê nóng, ông trải lòng: “Vừa rồi, vợ cũ mời tôi đến dự đám cưới con gái. Chúng tôi cùng lên sân khấu, bà ấy rực rỡ, sang trọng, viên mãn với cái tuổi ngoài 50. Con gái tôi xinh đẹp, đang là một doanh nhân trẻ. Những năm tháng không tròn bổn phận làm cha khiến tôi cảm thấy như con gái không còn là máu mủ của mình nữa”.
Thời trẻ, tốt nghiệp đại học, làm việc một thời gian, ông Giao ra nước ngoài học tiếp. Vợ ông, vốn là bạn học cùng lớp, ở nhà nuôi con. Nghe phong thanh chồng có người khác, bà phát hoảng nhưng vẫn cố nghĩ: “Chỉ là chuyện qua đường ở nước ngoài cho đỡ cô đơn”. Dù vậy, bà cũng chẳng yên tâm làm việc. Về nước, ông mở công ty xây dựng. Lúc này, bà vợ mới biết rõ chồng mình có máu “phiêu lưu tình cảm”. Bà làm đủ cách để ông có một mái ấm, nhưng ông vẫn thích săn tình ngoài luồng, hết cô này đến cô khác. Ghen tuông khiến bà héo hắt, mòn mỏi.
Ông kể tiếp: “Thật lòng, tôi cũng muốn bỏ thói ham của lạ, nhưng cám dỗ cứ kéo mình đi. Tôi đành nghĩ đơn giản, mình không bỏ vợ là được! Sau một thời gian dài mất ngủ, một đêm bà ấy mời tôi thức dậy nói chuyện. Thấy bà ấy kiên quyết ly hôn, tôi không cản, nhưng cũng không hợp tác. Ra tòa, tôi kể tội vợ: không hiểu chồng, không chia sẻ được vui buồn trong công việc của chồng, không đảm đang nội trợ, không thơm thảo với nhà chồng… Thật ra là tôi đã cố đặt điều, phóng to những lỗi của vợ để biện hộ cho việc ngoại tình của mình, với ý định níu kéo gia đình. Bà ấy chỉ cười khẩy, lạnh băng: “Tôi làm vợ tệ như vậy thì anh nên tìm người khác tốt hơn”.
Ly hôn xong, vợ tôi dắt con gái khỏi nhà, không đòi hỏi gì cả. Nhà mẹ ruột ở quê xa, nên bà ấy ở lại Sài Gòn để con có điều kiện học hành. Tôi sống già nhân ngãi, non vợ chồng với cô gái tôi đang quan hệ khi chưa ly hôn. Ban đầu, cuộc sống chung rất tốt đẹp, tôi gần như quên mất người vợ cũ.
Sau vài năm, cô vợ trẻ của tôi biểu hiện rõ là chẳng quan tâm gì chuyện bếp núc, tính lại trẻ con, thích đua đòi. Thời điểm làm ăn khó khăn, tôi càng thấm thía cảnh một mình không ai chia sẻ. Tôi chán nản, bỗng nhớ đến người vợ cũ mà mình đã phụ bạc, nhưng không còn đường quay về. Bà ấy đang hạnh phúc với công việc, bạn bè, con gái, cũng dần khá giả, không thiếu đàn ông ngưỡng mộ. Còn tôi, công việc ngày càng lụn bại, càng buồn càng nhậu nhiều, sinh ra đau ốm thê thảm… đến nỗi bị bạn bè gọi là “người đói rách vĩ đại”.
Hoàn cảnh ông Giao “thảm” vậy, nhưng ông Nguyễn An còn tệ hơn. Ông bị bắt lúc giữa đêm, nên hàng xóm ở khu phố 4, P.15, Q.Bình Thạnh, ít người rõ chuyện của ông, chỉ hơi ngạc nhiên khi không thấy vợ chồng ông cùng đi bộ với nhau nữa. Họ từng là một cặp vợ chồng hạnh phúc.
Ông về hưu, nhiệt tình làm tổ trưởng dân phố, được nhiều người tin tưởng, yêu mến. Vì thế, chuyện ông bị công an đến nhà bắt đi khiến ai cũng bàng hoàng. Mới đây, ông qua đời sau một cơn bạo bệnh, trước khi chuyển nhà đi nơi khác vợ ông mới kể lại sự tình.
Ông An vốn là một người chồng tốt, gần 30 năm chung sống chưa bao giờ khiến bà phải khổ. Ông làm trụ cột kinh tế, có trách nhiệm với gia đình. Với các con, ông nghiêm khắc nhưng đầy thương yêu. Các con khôn lớn, lập gia đình ra riêng, ngày cuối tuần là về nhà ông bà tụ tập vui vẻ. Bà rất mãn nguyện khi chăm cháu ngoại, ôm cháu nội, nên dần dà gần như quên mất trách nhiệm làm vợ.
Ông An cũng cảm thông với tuổi tác, tâm lý của bà vì cả hai đều đã ngoài 60, nhưng đàn ông lại không dễ dàng “buông chèo cập bến bình yên” như đàn bà. Ông vẫn thích ngắm nhìn những phụ nữ trẻ đầy sức sống, vẫn còn máu chinh phục.
Lần đầu tiên trong đời, ông nếm trải cảm giác hồi hộp khi “ăn phở”, khi nói dối vợ đi chơi với tình nhân, khi cẩn thận xóa mọi dấu vết… Ông không xao lãng trách nhiệm, vẫn làm trụ cột, vẫn có mặt trong mọi cuộc gặp gỡ con cháu… Ông cố xoa dịu lương tâm bằng cách quan tâm nhiều hơn đến vợ, chủ yếu về vật chất.
Tuy nhiên, tình yêu ngoài luồng đã xô đẩy ông vào tội lỗi. Ông giận dữ khi biết người tình vẫn có thêm… bạn trai. Ông không tiếc tiền của cho cô nhưng không thể chấp nhận kiểu sống hai mặt, lừa dối. Trong cơn điên giận, ông thuê giang hồ cảnh cáo cô. Ngoài dự tính của ông, kẻ gây án bị bắt, khai ra ông An là chủ mưu.
Vợ ông khóc, tiếc cho chồng nhiều hơn căm giận. Ông không phải người đàn ông xấu xa, sao cuối đời lại thành kẻ ác tâm? Trong phòng tạm giam, ông không ăn uống gì, phát bệnh và một cơn đột quỵ đã giải thoát cho ông khỏi mọi điều. Ông chỉ còn kịp nhắn nhủ vợ tha thứ cho mình, gắng sống vui với con cháu.
Trường Sơn