PNO - Đào Duy Anh đã trở thành nhà bác học uyên bác, tiếp tục khảo cứu đến sử học, dân tộc học, nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Phật học… với nhiều công trình đạt đến tính mẫu mực.
Một bà mẹ mù chữ liệu có thể nuôi dạy con trở thành một văn nhân, trí thức uyên bác? Với trường hợp nhà văn hóa Đào Duy Anh (1904-1988), câu trả lời là có. Từ bé, ông đã được tắm trong suối nguồn của dòng văn học cổ điển, từ lời ru của mẹ, qua Truyện Kiều, Nhị độ mai, Thạch Sanh, Phạm Công - Cúc Hoa… Những áng thơ Nôm ngấm dần vào ông theo năm tháng, nhờ đó, khi từ Thanh Hóa vào học ở Huế, ông đã khiến bạn bè lẫn thầy giáo phục lăn vì đã nhớ như in.
Khi thọ giáo với thầy Võ Liêm Sơn - một nhà nho yêu nước, ông đã được dạy thêm tình yêu nồng nàn dành cho môn quốc văn. Cũng như thi sĩ Đông Hồ, ông cho biết: “Tôi tự học văn học Việt Nam và biết quốc văn, phải nói thực, một phần không ít nhờ chuyên đọc Nam Phong tạp chí”.
Ông Đào Duy Anh và các học trò
Do cơ duyên và sự giới thiệu của thầy Võ Liêm Sơn, thời gian ở Huế, Đào Duy Anh được làm quen với nhiều trí thức lớn, trong đó có cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trong một lần tắm biển chung, ông thổ lộ muốn vào Sài Gòn làm báo. Nghe thế, thư ký của cụ Huỳnh ngắt lời: “Việc gì anh phải đi xa, cứ ở đây khắc có việc cho anh làm”. Sau đó, ông trở thành người biên tập phần quốc văn cho báo Tiếng dân - tờ báo đặt tòa soạn tại Huế và có tuổi thọ cao nhất trong lịch sử báo chí ở Trung kỳ.
Năm 1927, Đào Duy Anh được cụ Huỳnh phái vào Sài Gòn tìm mua sách chữ Pháp, chữ Hán nhằm xây dựng tủ sách cho ban biên tập Tiếng dân. Chuyến đi này, ông còn mua cả những sách viết về chủ nghĩa duy vật, về sau, Quan hải tùng thư do ông thành lập đã dịch in ra tiếng Việt, được 13 tập sách mỏng. Lúc này, ông đã tham gia Tân Việt cách mạng đảng, nên bị thực dân Pháp bắt giam vào tháng 7/1929. Ra tù, không tiếp tục hoạt động chính trị. “Tôi nghĩ rằng, có thể chọn con đường hoạt động văn hóa mà góp phần phục hồi cái sinh khí của dân tộc đang bị lu mờ dưới chế độ thực dân”, ông thổ lộ.
Từ sách vở đã mua tại Sài Gòn và nhiều nguồn tài liệu khác, năm 1932, Đào Duy Anh bắt tay biên soạn Hán - Việt từ điển, vì bấy giờ sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây đã khiến chữ Hán lu mờ, có thể dẫn đến sự cắt đứt với giá trị văn hóa truyền thống. Suy nghĩ này và ý định làm quyển từ điển Hán - Việt không chỉ được vợ là bà Trần Thị Như Mân đồng tình, “xắn tay áo” giúp đỡ mà cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng cũng tán thành.
Với công việc to tát này, năm 28 tuổi, Đào Duy Anh trở thành người Việt đầu tiên biên soạn từ điển Hán - Việt đầy đủ, quy củ, khoa học nhất. Ông xem việc thực hiện bộ sách giá trị này cũng là một cách học, trau dồi thêm văn hóa. Bà Như Mân kể về chồng: ông tự đặt ra kỷ luật - mỗi ngày phải làm xong mấy chữ mới được nghỉ; đến lúc làm được kha khá thì sai người em cầm chạy lên Bến Ngự để nhờ cụ Phan duyệt, hiệu đính giúp. Tập sách ra đời, được bạn đọc ba miền hoan nghênh và bán chạy, thừa sức cho vợ chồng Đào Duy Anh trả nợ bạn bè đã vay tiền in.
Học giả Đào Duy Anh và người bạn đời
Từ thời đi học, hình ảnh cậu học trò Đào Duy Anh đã là “biểu tượng” hiếu học trong giới học sinh Trường Quốc học Huế, vì lúc nào cũng thấy ông say mê học và đọc, có bao nhiêu tiền đều dành mua sách. Sau này cũng vậy. Một ngày nọ, ông đã nhờ người bạn ở Sài Gòn tìm mua cho bằng được bộ Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Huình Tịnh Của; gửi tiền sang Thượng Hải tìm mua những bộ từ điển hai thứ tiếng như Việt-Pháp, Pháp-Việt, Anh-Hoa, Hoa-Anh, Pháp-Hoa…
Theo Đào Duy Anh: “Xét cho cùng, tiếng Việt của ta còn nghèo nàn quá, cho nên chỉ biết tiếng Việt thì cũng không học được gì nhiều. Nếu có một quyển Pháp - Việt từ điển thì có thể dùng nó tự học tiếng Pháp và có thể phiên dịch sách Pháp ra tiếng Việt, do đó, làm phong phú thêm sách tiếng Việt của ta”. Với tâm niệm chín chắn này, nhân mua được bộ Larousse du Xxe Siècle rất phong phú về từ ngữ, ông đã dựa vào đó mà biên soạn Pháp - Việt từ điển. Công việc nhọc nhằn này hoàn thành vào năm 1936.
Do tự học nâng cao trình độ qua sách, Đào Duy Anh đã trở thành nhà bác học uyên bác, tiếp tục khảo cứu đến sử học, dân tộc học, nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Phật học… với nhiều công trình đạt đến tính mẫu mực.
Trong các tác phẩm này, không thể không nhắc đến Từ điển Truyện Kiều, dù sau này, đã có một, hai nhà nghiên cứu thực hiện theo, nhưng khó có thể vượt qua dấu ấn của Đào Duy Anh. Ông đã thu nhặt từ, từ đơn, từ kép, thành ngữ, tục ngữ, những từ tố mà Nguyễn Du sử dụng trong Truyện Kiều, để tìm lại dấu vết của tiếng Việt thời Nguyễn Du; qua đó, tìm hiểu đâu là đóng góp của Nguyễn Du đã làm giàu cho tiếng Việt.
Năm 1954, từ chiến khu trở về Hà Nội, ông làm cán bộ giảng dạy Trường đại học Sư phạm, Trường đại học Tổng hợp. Với tình yêu nồng nàn dành cho tiếng Việt mà cũng nhằm có tài liệu giảng dạy sinh viên, giúp đồng nghiệp nghiên cứu, Đào Duy Anh đã dày công chú giải, hiệu đính, phiên dịch nhiều tác phẩm của nền văn hóa cổ Việt Nam.
Có lúc ông nghĩ, ở Anh có Từ điển Shakespeare, ở Nga có Từ điển Pouchkine... tại sao Việt Nam không có từ điển Nguyễn Du - tác giả của Truyện Kiều - một áng văn bất hủ, một viên ngọc không tì vết đã làm rạng rỡ văn hóa Việt Nam? Vừa nghĩ đến đó, đột ngột một cơn gió thoảng qua, ông rùng mình tự nhủ: “Tôi sẽ làm”. Từ điển Truyện Kiều của ông hoàn thành vào năm 1965. Tất nhiên, cũng như hai bộ từ điển trước, bà Như Mân đã góp nhiều công sức.
Cuối đời, khi đáp lời Nguyễn Du trong câu thơ: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”, Đào Duy Anh tự nhủ: “Ông hỏi đời sau ai khóc mình?/ Mà nay bốn bể lại lừng danh/ Cho hay hết thảy đều mây nổi/ Còn với non sông một chút tình”. Với tôi, kẻ hậu bối, học vấn thô lậu, khi nghĩ về bậc thức giả Đào Duy Anh, xin mạo muội thưa rằng: “Một chút tình” mà cả đời ông đã dành cho tiếng Việt, lịch sử Việt, nguồn gốc Việt không hề và không bao giờ “mây nổi”.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.