Đạo đức sinh thái Nam bộ

29/08/2022 - 19:54

PNO - Cùng trở về mái gia đình, ra đồng ruộng sông nước, ngó lên trời cao, ngó xuống bụi bờ cây cỏ, Trần Bảo Định giúp bạn đọc nhận ra đạo đức sinh thái trên nền nhân bản dân gian của người nhà quê Nam bộ.

Bước vào địa hạt khảo cứu, nhà văn Trần Bảo Định vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề văn hóa xã hội Nam bộ. Ông lần tìm Dấu thời gian; nhắc nhớ Khát vọng của người xưa trên đường kiến thiết quê hương, phát triển giống nòi. Sau nữa, ông bàn tiếp mối quan hệ giữa người với đất trời, vạn vật qua tập sách Lá rụng mùa - Mấy vấn đề về môi trường sinh thái Nam bộ (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành năm 2022). 

Theo đơn vị xuất bản: “Đáng quý hơn cả ở tập sách Lá rụng mùa - Mấy vấn đề về môi trường sinh thái Nam bộ chính là Trần Bảo Định (với bản tính chân quê vốn dĩ) đã bám chặt lấy quê hương để khai thác quan niệm sinh thái của người dân đồng bằng sông Cửu Long và ông góp phần chuyển tải quan niệm sinh thái nhân văn riêng biệt của người bình dân Nam bộ hòa vào mối quan tâm chung của nhân loại về vấn nạn môi trường sinh thái hôm nay”.

Trần Bảo Định trân quý và nhận thấy cần gìn giữ, trao truyền kiến văn của người lao động bình dân. Vì vậy, ông mang đời sống tư tưởng người dân quê Nam bộ hòa vào mối ưu tư chung của nhân loại đương thời. Tuy nhiên, tư tưởng sinh thái dân gian Nam bộ không phải hệ thống lý thuyết mà biểu hiện nhuần nhuyễn trong sinh hoạt thường nhật.

Với tình quê tha thiết, Trần Bảo Định mong mỏi góp sức xây dựng đạo đức sinh thái hôm nay. Lời đề từ: “Cửu Long chín cửa tiêu hai cửa/ Tiền - Hậu đôi dòng kiệt nước son” khác gì tiếng kêu thương đứt ruột trước thực trạng quê nhà. Dù thế, tác giả không có ý định hệ thống hóa hay lý thuyết hóa quan niệm sinh thái - đạo đức sinh thái của người bình dân Nam bộ mà chỉ mong đạo đức sinh thái nhẹ nhàng đi vào đời sống.

Cùng trở về mái gia đình, ra đồng ruộng sông nước, ngó lên trời cao, ngó xuống bụi bờ cây cỏ, Trần Bảo Định giúp bạn đọc nhận ra đạo đức sinh thái trên nền nhân bản dân gian của người nhà quê Nam bộ. Chái bếp sau hè không chỉ là văn hóa ẩm thực Nam bộ mà còn là vẻ đẹp nhân văn nhuần nhị và hành vi ứng xử đạo đức với môi trường sinh thái. Cây cỏ vườn nhà lại khiến bạn phát hiện “toàn tâm luận” của người dân quê. Bạn sẽ ngỡ ngàng nhận ra cõi nhân gian sống động “toàn tâm” vốn đã trải rộng khắp chốn thôn xóm quê nhà trong khi nền thực chứng phương xa vẫn còn bỏ công minh định trên phương diện học thuật. 

Ngoài ra, độc giả có thể hiểu thêm “toàn tâm luận” dân gian Nam bộ trong bài viết Tôi viết về thiên nhiên, văn hóa và con người Nam bộ như thế nào? Vốn chân quê, Trần Bảo Định không khảo cứu theo lối thực nghiệm mà “cảm nghiệm”. Ông quan sát, ghi nhận rồi nghiền ngẫm và phát hiện. “Từ chỗ cảm rồi nghiệm, tôi phát hiện điều thú vị. Người nông dân Nam bộ dẫu “ít chữ”, hiểu theo chuyện học vấn trường quy, nhưng ngược lại, nhận thức đời sống và tự nhiên của họ có nhiều điều đáng để suy ngẫm. […] Họ chẳng khác gì “địa long”. Người nông dân ngó thấy trùn đất, rồi từ đó cảm thấu lẽ tự nhiên, tức khắc biết cách sống chan hòa với tự nhiên” (tr.248-249). Sự cảm nghiệm của Trần Bảo Định chỉ thành tựu một khi cộng hưởng với bạn đọc. Chia sẻ với nhà văn, bạn tự nhìn lại thực tiễn đời sống xung quanh. Bấy giờ, chính bạn mới là người nghiệm xác những vấn đề môi trường sinh thái được bàn luận trong tập sách.

Sau hết, Trần Bảo Định vẫn giữ niềm tin bền chặt vào hằng số nhân tính, sức đề kháng cái ác và khả năng Nam bộ hóa trong đời sống con người. Ông cho rằng những yếu tố đó đủ sức cảnh tỉnh nhân sinh trước thảm trạng môi trường sinh thái đương thời. “Tôi vẫn giữ lòng tin tưởng lạc quan về tương lai tươi sáng. Nhân loại sẽ thức tỉnh, đập tan được những tri kiến sai lầm liên quan đến vấn đề phát triển và vấn đề hạnh phúc mới mong tránh khỏi một “nền văn minh hủy diệt” do sự cuồng vọng của con người lập thành” (tr.262).
Trần Bảo Định gửi lại chút lòng quê và tình quê qua đôi câu thơ:
Người lắc chuông tim nhân 
loại thức
Đẩy lùi cái ác cứu tương lai”

Võ Quốc Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI