Đạo diễn Xuân Cường và Đường xuyên rừng

12/04/2015 - 19:38

PNO - PN - Nằm trong chùm phim chào mừng 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), các ngày lễ lớn 1/5, 7/5 năm 2015 và 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015) diễn ra từ ngày 20/4 đến...

edf40wrjww2tblPage:Content

Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Con đường xuyên rừng của nhà văn Lê Văn Thảo (tác phẩm văn học đã đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012). Người được chọn đảm nhận vai trò đạo diễn của tác phẩm quan trọng này là Xuân Cường, một gương mặt kỳ cựu của làng phim phía Nam.

Dao dien Xuan Cuong va Duong xuyen rung

Tăng Huỳnh Như và Trương Thế Vinh - hai diễn viên được đạo diễn Xuân Cường “chọn mặt gửi vàng” trong Đường xuyên rừng

* Làm phim chiến tranh đã khó, làm một bộ phim có tính chất kỷ niệm do Nhà nước đặt hàng còn khó hơn, hẳn anh có nhiều cảm xúc đối với Đường xuyên rừng?

Đạo diễn Xuân Cường: Phim về đề tài chiến tranh đúng là cần sự khốc liệt và quá trình thực hiện cũng gian khổ hơn những phim nói về đề tài khác nhưng tôi không nghĩ làm phim chiến tranh khó. Cái chính là do cái tâm của người làm phim thôi, khi tâm tốt thì càng khổ cực, người làm càng cảm thấy hấp dẫn, không còn thấy khó nữa. Khi được giao thực hiện dự án này, không chỉ cá nhân tôi mà cả đoàn phim đều cảm thấy vinh dự, tự hào vì chúng tôi xem đây là một món quà những người con miền Nam dành tặng cho quê hương, đất nước.

* Làm phim chiến tranh khá tốn kém nhưng đầu tư của Nhà nước lại có hạn, anh làm cách nào để giải quyết vấn đề này?

- Kịch bản của Đường xuyên rừng đề cập đến trận càn Junction City - trận càn quy mô nhất, huy động đông quân nhất của Mỹ tại chiến trường miền Nam VN, nhằm tấn công vào Trung ương Cục miền Nam tại Tây Ninh. Vì vậy phim cần rất nhiều trang thiết bị, vũ khí quân sự như súng ống, đạn pháo, trực thăng, xe… để phục vụ cho những cảnh quay chiến đấu.

Hơn hai tháng ghi hình, đoàn phim đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các đơn vị quốc phòng, nếu không có sự hỗ trợ đó, phim khó tái hiện được sự khốc liệt, gian nan của cuộc chiến trong khoản kinh phí có hạn.

* Là một đạo diễn phía Nam, từng có nhiều phim được khán giả yêu thích, anh làm cách nào để Đường xuyên rừng không bị rơi vào bệnh khô khan của những bộ phim tuyên truyền?

- Tôi nghiên cứu kịch bản Đường xuyên rừng từ tháng Ba năm ngoái đến mãi tháng 11/2014 mới bắt tay thực hiện. Trong quá trình đó, tôi nhiều lần gặp gỡ biên kịch Văn Lê và nhà văn Lê Văn Thảo - tác giả tiểu thuyết Con đường xuyên rừng được anh Văn Lê chuyển thể để trao đổi về số phận các nhân vật nhằm thống nhất những chi tiết cần thêm thắt hay lược bớt cho câu chuyện hấp dẫn hơn.

* Có phải việc chọn những gương mặt trẻ đẹp như Trương Thế Vinh hay á khôi 2 cuộc thi Miss Ngôi Sao 2013 Tăng Huỳnh Như vào vai nam và nữ chính cũng là cách để Đường xuyên rừng thêm trẻ trung, thu hút?

- Đường xuyên rừng ngoài mô tả một cuộc vượt càn kịch tính, khốc liệt… còn đan xen những khoảnh khắc rung động của tình yêu giữa Vinh và Thu Hà. Tôi chọn Trương Thế Vinh vào vai Vinh và Tăng Huỳnh Như vào vai Thu Hà không phải vì họ trẻ, đẹp mà vì yếu tố hợp vai, nhất là vai của Tăng Huỳnh Như. Thu Hà là một văn công, kịch bản đòi hỏi người đóng ngoài việc phải có một ngoại hình cao, đẹp còn phải thể hiện được sự trong sáng, ngây thơ của một cô gái 18 tuổi, mới lần đầu lên tỉnh. Tăng Huỳnh Như đáp ứng được yêu cầu này. Lần đầu hợp tác với họ nhưng trong quá trình đóng phim, Tăng Huỳnh Như và Trương Thế Vinh đã làm tôi hài lòng vì cả hai có biểu cảm diễn xuất tốt, nắm bắt nhanh ý đồ đạo diễn.

* Cám ơn anh.

HƯƠNG NHU

Đường xuyên rừng (Hãng phim Giải Phóng sản xuất) mô tả cuộc vượt rừng của những người tình cờ gặp nhau trong một giai đoạn chiến tranh khốc liệt. Đây không phải cuộc vượt rừng bình thường, mà là vượt qua trận càn Junction City, trận càn quy mô nhất, huy động đông quân nhất của Mỹ vào năm 1967 tại chiến trường miền Nam VN, nhằm tấn công vào Trung ương Cục miền Nam tại Tây Ninh.

Những người vượt rừng không phải bạn bè, không cùng đơn vị, không cùng nhiệm vụ, thậm chí chưa biết tên nhau, họ chỉ có một khẩu súng lục mà cô văn công Thu Hà nhặt được với một viên đạn gỉ, sát cánh bên nhau để tìm đường thoát khỏi vòng vây của địch. Vinh trầm tĩnh, nhìn cái chết đến một cách bình thản; Thu Hà - nữ văn công xinh đẹp, mong manh; vợ chồng Tư Nghệ, nhà văn địa phương Chín Nếp, bác sĩ Ba Quang đều hồn hậu, mộc mạc… và nhóm năm chiến sĩ thông tin đang thừa hành một nhiệm vụ bí mật. Dù khi ra khỏi vòng vây đoàn người “hỗn hợp” ấy có tổn thất, hy sinh… nhưng chuyến đi của họ luôn có một niềm tin ở phía trước - niềm tin sẽ vượt được trận càn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI