Phóng viên: Việc “nghe kịch” vốn không mới khi đã có nơi tổ chức hình thức “kịch đọc”, vậy kịch truyền thanh có gì đặc biệt?
Đạo diễn Vũ Phúc Ân: Như tên gọi của đội ngũ là Lốc cốc leng keng (LCLK), chúng tôi muốn dùng âm thanh để kể chuyện. Do đó, tất cả bối cảnh, nhân vật, thế giới trong kịch phải được thể hiện bằng âm thanh, các yếu tố khác chỉ là bổ trợ. Kịch truyền thanh truyền tải trực tiếp câu chuyện trên sân khấu thông qua việc thực hiện âm thanh tại chỗ: từ giọng nói, tiếng động (foley), hiệu ứng âm thanh đến âm nhạc mà không sử dụng audio thu sẵn. Foley là kỹ thuật tái tạo âm thanh được thực hiện ở khâu hậu kỳ các sản phẩm nghe nhìn nhưng công đoạn này thường ẩn mình sau màn ảnh và hầu như ít ai để ý. Lần này, các bạn trẻ của LCLK sẽ trở thành những nghệ sĩ tiếng động tái hiện từng tiếng động, như tiếng mưa, tiếng gió, tiếng sấm, tiếng ếch, tiếng dế kêu, tiếng chim hót, tiếng bước chân… và bày tất cả trên sân khấu để mọi người có sự cảm nhận chân thật nhất về âm thanh.
 |
Đạo diễn Vũ Phúc Ân |
* Từ đâu anh có ý tưởng này?
- Tôi có thói quen lắng nghe và nhắm mắt lại, tưởng tượng không gian xung quanh mình. Tôi thấy hiện tại phần nhìn đang lấn lướt mọi thứ và phần nghe bị lép vế phần nào. Chúng tôi cho rằng nghe là phần kích thích trí tưởng tượng, giúp mình hình dung được nhiều thứ. Đặc biệt, đó là thứ không ai có thể xâm phạm được. Ví dụ về hình ảnh, người ta có thể định hướng cho mình thấy cái gì nhưng đối với âm thanh thì khó có khả năng đó. Nó khiến người ta phải tái tạo thế giới từ trong đầu mà mỗi người lại tưởng tượng khác nhau, không ai giống ai. Đó là điều chúng tôi hướng đến: tôn trọng sự “độc bản” trong mỗi con người.
* Đội ngũ làm tiếng động của LCLK đều là sinh viên. Anh đã tập hợp ê kíp cho dự án như thế nào?
- Tôi manh nha ý tưởng làm kịch truyền thanh cách đây khoảng 3 năm và thành lập đội ngũ từ tháng 7/2024. Tháng 10/2024, chúng tôi bắt đầu tập luyện tới thời điểm này để diễn. Chúng tôi tự hào là đội ngũ “của nhà trồng được”. Trừ các diễn viên và nghệ sĩ âm nhạc được mời theo từng dự án, còn lại phần tạo tiếng động đều do các bạn trẻ của LCLK tự mày mò làm ra những vật dụng có thể tái tạo âm thanh mong muốn và tự nâng cấp dần.
Ban đầu, khi tuyển cộng tác viên, tôi hay nói với mọi người rằng dự án này nhỏ lắm, dễ lắm nhưng bắt tay vào mới thấy là không dễ. Song, khi thấy mọi việc không dễ thì mọi người đã lỡ yêu nó rồi. Khi yêu, người ta sẽ có cách vượt qua tất cả. Chúng tôi đã cùng nhau mày mò, tìm cách tạo ra từng tiếng động có thể giúp khán giả hình dung ra không gian đó, tưởng tượng ra nhân vật đó.
* Có lý do gì đặc biệt để tác phẩm ra mắt dự án kịch truyền thanh của LCLK là Chí Phèo?
- Chí Phèo của nhà văn Nam Cao là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam. Khi tập hợp ê kíp và đưa ra các tác phẩm để thảo luận, Chí Phèo nằm trong tốp được yêu thích. Tuy vậy, chúng tôi cũng không chủ quan mà tiến hành nghiên cứu trên nhiều đối tượng khán giả và kết quả cũng là Chí Phèo. Điều đó tiếp thêm sự tự tin cho đội ngũ để bắt tay làm tác phẩm này.
 |
Trong kịch truyền thanh, âm nhạc và phần tiếng động được thể hiện trực tiếp trên sân khấu - Ảnh: Ngọc Tuyết |
* Vì sao anh lại chọn một diễn viên nước ngoài vào vai Chí Phèo?
- Việc mời đạo diễn người Mỹ Aaron Toronto vào vai Chí Phèo là ý đồ của ê kíp vì chúng tôi đang muốn mọi người tập trung vào âm thanh thay vì hình ảnh. Đây cũng là thử thách lớn của đạo diễn, của diễn viên khi làm sao để nhân vật Chí Phèo này nói tiếng Việt đúng điệu và không gian làng quê Bắc Bộ phải được cảm nhận qua giọng nói đó.
Vở kịch truyền thanh Chí Phèo có sự góp mặt của các diễn viên: NSƯT Huy Thục (vai Bá Kiến), biên tập viên Cẩm Linh (bà cô Thị Nở), giảng viên ngành biên kịch Quốc Việt (Lý Cường), diễn viên Hồng Vân (Thị Nở) và đạo diễn người Mỹ Aaron Toronto (Chí Phèo). Phần âm nhạc do NSƯT Đinh Linh (sáo trúc) và nghệ sĩ Minh Loan (đàn tranh) đảm nhận. |
* Việc sử dụng nhạc cụ dân tộc cho phần âm nhạc của vở cũng là điểm nhấn đặc sắc. Đây cũng là chủ ý của anh?
- Bản thân tôi cũng là nhà soạn nhạc, đang công tác tại Nhạc viện TPHCM, nên âm nhạc là phần không thể thiếu. Với Chí Phèo, phải khắc họa được không gian làng quê Bắc Bộ nên tôi đã mời Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Đinh Linh chuyên về nhạc truyền thống làm nhạc cho vở. Phần nhạc này cũng phải mang hơi thở hiện đại. Tôi đã làm việc rất kỹ với nhạc sĩ để đạt được những yêu cầu trên.
* LCLK có dự định gì để tiếp tục lan tỏa kịch truyền thanh?
- Mô hình này khá mới, cần thời gian để mọi người biết đến và hiểu nó. Khi xem, mọi người sẽ thấy chúng tôi sử dụng những yếu tố tương phản để đánh bật khán giả ra khỏi phần nhìn, cho nên Chí Phèo vẫn bận vest. Ban đầu, có thể mọi người không quen nhưng chúng tôi có những nhắc nhở để phân biệt giữa nhân vật và diễn viên. Nhân vật là trong trí tưởng tượng còn diễn viên là những người hiện diện trên sân khấu, giúp mình bước vào trí tưởng tượng của mình để gặp nhân vật. Hình thức này cũng là một dạng thể nghiệm, hy vọng mọi người sẽ đón nhận.
Hiện tại, chúng tôi đã bắt đầu triển khai dự án tiếp theo. Nhóm hướng đến đa dạng đề tài, ngoài chuyển thể danh tác văn học Việt Nam còn đi vào đề tài lịch sử, thiếu nhi và cả kinh dị.
* Xin cảm ơn anh.
Ninh Lộc (thực hiện)