Vượt qua nhiều trắc trở ban đầu, sau một năm, Hồng Hạc đã trở thành địa chỉ quen thuộc của khán giả kịch nói với những tác phẩm sâu sắc, tử tế, thể hiện đam mê và thái độ làm nghề nghiêm túc như Thiên Thiên, Tro tàn rực rỡ, Giờ của quỷ, Thiên thần nhỏ của tôi, Diễn viên hạng ba, Ngộ nhận, I am đàn bà…
Nhân dịp SK Hồng Hạc tròn một tuổi, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với “bà bầu” – đạo diễn điện ảnh Việt Linh, người tưởng chừng “xa lạ” với SK nhưng đã gắn với cái tên Hồng Hạc bằng sự mê đắm và quyết tâm đến lạ kỳ.
Chào chị, SK đang ở đỉnh điểm khó khăn, một vài nhà quản lý đã nghĩ đến việc có thể phải đóng cửa sân khấu thì chị lại khiến không ít người ngạc nhiên khi “tự mua dây buộc mình”?
Đưa SK Hồng Hạc vào hoạt động, với tiêu chí tiệm cận văn học và điện ảnh, tôi và ê kíp dĩ nhiên cũng có nỗi lo, nhưng ước mơ mang đến cho khán giả những tác phẩm tử tế, nhiều cảm xúc mạnh hơn. Thế là nắm tay nhau lên đường… Đứa trẻ một tuổi chưa chứng minh được sức sống lâu dài, nhưng nó đã không “chết yểu” như nhiều người lo lắng. Chúng tôi tiếp tục kiên định với lựa chọn của mình, dẫu vẫn còn nhiều khó khăn. Hậu trường SK quá hẹp để cất cảnh trí, đạo cụ chẳng hạn.
|
I am đàn bà - vở diễn mừng SK Hồng Hạc tròn một tuổi |
Một năm với nhiều vở diễn nhiều màu sắc, phong cách khác nhau, sau khi “đo đếm” nhu cầu của khán giả, SK Hồng Hạc có chọn lại cho mình một phong cách, một dòng kịch nhất định?
Khi chuẩn bị ra mắt SK Hồng Hạc, tôi đã có sẵn năm kịch bản với trù tính kịch bản nào mở màn, kịch bản nào đánh dấu chặng đường một tuổi sao cho phong phú, cân đối. Ngay từ đầu chúng tôi cũng đặt tên công ty là Hồng Hạc Art &Gallery. Giống như một phòng tranh, Hồng Hạc sẽ là nơi sưu tập tất cả những tác phẩm mà người chủ gallery yêu thích, trân trọng. Do vậy đến hôm nay SK Hồng Hạc có rất nhiều phong cách kịch khác nhau và vẫn cố gắng tiếp tục như thế. Đánh giá của chúng tôi có thể chủ quan, nhưng là thứ chủ quan cần thiết trong nghệ thuật. Hồng Hạc luôn mong muốn đưa nhiều món ăn tinh thần có giá trị cho khán giả lựa chọn, góp thêm phần phong phú cho làng kịch thành phố vốn đã rất phong phú.
Tất nhiên có những vở diễn tôi chưa thực ưng ý. chẳng hạn. Tôi biết là một vở mỏng, nhưng vì một đoạn đối thoại, một tình huống quá hay giữa hai nhân vật chính mà tôi muốn nhiều người thưởng thức, nên vẫn quyết định cho ra vở. Vở ra rồi, được nhiều người thích thú, nhưng tôi vẫn tiếp tục suy nghĩ điều chỉnh cho vở đầy hơn. Vở cũng vừa được điều chỉnh. Cả hai vở này sẽ ra mắt bản dựng mới trong thời gian tới. Giống như mọi nghệ thuật còn cơ hội trau chuốt, chúng tôi luôn tiếp tục tìm kiếm “chìa khoá”, mở thêm hiệu quả cho vở diễn.
|
Tro tàn rực rỡ, một trong những tác phẩm được công chúng yêu thích ở SK Hồng Hạc |
Quan điểm của tôi, nghệ thuật không nhất thiết phải trần thuật, bày biện hết nội dung cho khán giả, mà tạo ra những khoảnh khắc cảm xúc cho khán giả. Nghệ thuật là trò chơi ghép hình, và rất lý thú nếu khán giả được cùng tham dự. Quan điểm này phổ biến trên thế giới, mà rất tiếc, tôi chỉ bắt đầu thấm thía khoảng chục năm gần đây.
Đạo diễn Nhật Ozu có câu rất hay: “Phàm ở đời, cái gì không quan trọng thì làm theo trào lưu, cái gì quan trọng thì làm theo đạo đức; còn trong nghệ thuật thì làm theo ý mình”. Một năm Hồng Hạc đã làm theo ý mình - tôn vinh cảm xúc- và đang dần có những tri âm. Tất nhiên, chúng tôi vẫn lắng nghe ý kiến khán giả để điều chỉnh, nếu như sự điều chỉnh đó không đánh mất mình.
Dù từng trả lời Hồng Hạc không làm kịch theo phong cách thử nghiệm, nhưng ở nhiều vở diễn ở đây tính thử nghiệm vẫn rất rõ nét?
Thử nghiệm mang ý mày mò, chúng tôi thực sự chỉ làm những gì mình khẳng định. Khán giả cảm nhận ở Hồng Hạc tính thử nghiệm, có lẽ vì nó hơi “ngồ ngộ” so với phong cách kịch chung. Yếu tố thử nghiệm, nếu có chỉ nảy sinh trong quá trình biến chữ thành hình, khi một ý tưởng thú vị - của ai đó trong ê kíp - chợt lóe, và cả “gia đình” Hồng Hạc hè nhau nghĩ cách thực hiện.
Những thử nghiệm này rất vui và khi có hiệu quả thì cả gia đình sung sướng. Chẳng hạn, phần lời của ca khúc bé Hà My thể hiện ở vở là từ vài câu thơ sáng tác ngẫu hứng của một nhân viên văn phòng sau khi đọc kịch bản. Tôi nghĩ mình may mắn có được một ê kíp cùng chí hướng, cùng quyết tâm và đầy năng lượng.
Đúng, tôi rất vui, không chỉ vì SK Hồng Hạc bình an, mạnh khoẻ đến hôm nay, mà niềm vui của đứa con đã làm được những điều mong muốn của cha mình…
|
ĐD Việt Linh năm 17 tuổi và ba trong lần đầu tiên gặp mặt ở chiến khu (ảnh do cố đạo diễn Hồng Sến chụp) |
Ba đi tập kết khi tôi còn rất nhỏ. Tôi gặp lại ba lần đầu tiên khi đã 17 tuổi. Ba không có sự âu yếm của người cha dành cho đứa con nhỏ, nhưng thay vào đó là sự trìu mến của thày trò, mà về sau còn là đồng nghiệp. Bảy năm trong rừng sâu, ba đã nói với tôi rất nhiều về nghệ thuật và cả những mong ước của ông.
Ba nói ông mơ hòa bình miền Nam cũng có đoàn kịch – điện ảnh như miền Bắc. Nói rằng ông thích đọc sách điện ảnh, nhưng ở Việt Nam quá ít, nên ông cũng mong có một tủ sách điện ảnh lúc hòa bình. Và thực tế, năm 1987 ông ký hợp đồng với Nhà xuất bản TP.HCM để ra đời cuốn “Ngôn ngữ điện ảnh”, nhưng chưa hoàn tất thì lâm bạo bệnh. Ba tôi cũng mong làm những tác phẩm nghệ thuật không chiều chuộng thị hiếu thị trường. Nhưng sau ngày đất nước thống nhất, ông bận công tác quản lý, không còn dịp sáng tác. Rất hạnh phúc, viên mãn với gia đình mới, nhưng vì trái nghề, mọi ưu tư nghệ thuật ông hầu như chỉ tâm sự cùng tôi.
Cũng như con đường nghệ thuật bắt đầu được cha động viên, tôi luôn mong muốn tiếp tục những ước mơ dang dở của cha mình. Bắt đầu từ tủ sách điện ảnh vì không quá tốn kém, điều tôi nghĩ tiếp theo là SK-loại hình nghệ thuật tôi yêu thích, được trang bị kiến thức khi học đạo diễn ở Nga. Bạn hỏi vì sao tôi không bắt đầu từ phim? Phim cần vốn lớn và đầy rủi ro. Xây dựng thương hiệu bằng sân khấu là chiến lược của Hồng Hạc ở giai đoạn một. Sau đó sẽ là phim, là truyền hình…
Hôm nay, sau một năm hoạt động gây nhiều thắc mắc, tôi có thể “minh bạch” nguồn tài chính cho công ty Hồng Hạc nói chung và sân khấu Hồng Hạc nói riêng, là từ căn hộ của chính tôi và mảnh đất nhỏ ba tôi để lại. Động lực mở công ty, làm sân khấu của tôi có được từ ba, thì việc sử dụng mảnh đất kế thừa thực hiện những điều ba ước muốn, với tôi là ý nghĩa hạnh phúc tròn vẹn.
Trong cái (có thể) mất vật chất, tôi nhận được hai “lợi nhuận” tinh thần rất lớn. Đó là làm được những điều cha con cùng mong muốn, tạo được sân chơi lý thú cho các bạn trẻ, xây dựng được nền tảng đầu tiên với một ê kíp cùng chí hướng. Cho tất cả những điều đó thì mọi thiệt thòi vật chất với tôi đều thỏa đáng.
|
Lê Chi Na, một trong những gương mặt được đặt nhiều kỳ vọng của SK Hồng Hạc |
Sân khấu Hồng Hạc đã tròn một tuổi, bước đi tiếp theo sẽ là…
Công ty giải trí Hồng hạc là một công ty đa truyền thông với nhiều mảng hoạt động. SK chỉ là một phần trong tổng thể đó. Cùng với sân khấu và CLB Điện ảnh, chúng tôi đang bắt đầu giai đoạn hai với một số dự án truyền hình và phim chiếu rạp. Dự án truyền hình đã phát sóng từ tháng 11/2016 là “Tám xinê” – chương trình giải trí nhưng cung cấp thông tin và xây cầu nối đưa khán giả đến hơn điện ảnh.
Chương trình thứ hai sắp phát sóng là bộ phim hoạt hình . Phim truyền hình học đường và phim sitcom cũng đang được thực hiện để kịp phát sóng vào tháng 4/2017.
Cũng trong năm 2017, Hồng Hạc sẽ khởi quay phim điện ảnh kinh phí thấp đầu tiên “Gà trống nuôi con”, với thông điệp: Gia đình không chỉ là mối tương quan cốt nhục mà còn là sự yêu thương, đồng cảm giữa những tâm hồn. Sau “Gà trống nuôi con”, chúng tôi cũng có vài kế hoạch chuyển kịch thành phim. Nói chung ở Hồng Hạc, văn, kịch, điện ảnh gắn kết thắm thiết ().
Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!
Thảo Vân