Phóng viên: Xin chị chia sẻ cụ thể hơn về hình thức “kịch đọc”, có khác gì với “kịch truyền thanh” hay “kể chuyện đêm khuya”?
Đạo diễn Việt Linh: Kịch đọc là hình thức thoại kịch phổ biến trên thế giới, nhưng chưa phát triển ở Việt Nam. Có thể nói, kịch đọc gần như là kịch truyền thanh hay kể chuyện đêm khuya nhưng công phu, lôi cuốn hơn khi các diễn viên trực tiếp thủ vai, kết hợp các hiệu ứng âm thanh, âm nhạc tại chỗ. Thay vì xem kịch, chúng ta sẽ nghe và cảm, có thể tưởng tượng 100% nội dung kịch theo cảm xúc cá nhân, không bị áp đặt bởi phần nhìn. Sau buổi diễn, sẽ có giao lưu với các diễn viên, chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc cùng nhau về vở diễn.
|
Đạo diễn Việt Linh sau một suất diễn - Nguồn ảnh: Sân khấu Hồng Hạc |
* Chị đã tiếp xúc với kịch đọc như thế nào, vì sao chị quyết định triển khai loại hình này ở Việt Nam?
- Hồi học ở Nga, tôi có vài lần theo các bạn đồng môn đi nghe kịch đọc nhưng do chưa hiểu hết nội dung từng câu thoại nên chưa ấn tượng lắm. Sang Pháp - nơi có nhiều hoạt động văn hóa, đặc biệt là Liên hoan sân khấu quốc tế Avignon (một trong những sự kiện quan trọng bậc nhất của kịch nghệ Pháp, ra đời từ năm 1947, diễn ra vào tháng Bảy hằng năm, thu hút người làm sân khấu khắp thế giới đến trình diễn, giao lưu - PV), tôi có dịp tiếp xúc nhiều hơn với kịch đọc, thậm chí trong khuôn viên nhà của bạn bè. Hầu hết kịch đọc này dựa trên văn học nên tôi dễ tiếp nhận, thấy nó thật nhiều rung cảm và đã tơ tưởng thực hiện.
Lần gần nhất tôi trải nghiệm kịch đọc là cuối năm 2023, khi báo Le Monde (Pháp) kỷ niệm 50 năm thành lập, có biểu diễn kịch đọc về xung đột ở Ukraine, dựa trên cuốn sách ghi lại nội dung những email hằng ngày của 2 chị em ruột sống ở Paris và Kiev. Cũng như nhiều khán giả trong khán phòng 350 chỗ, tôi đã khóc và thêm yêu kịch đọc. Tôi muốn làm đã lâu nhưng đến nay mới đủ điều kiện triển khai.
* Loại hình này có dành cho khán giả đại chúng?
- Trải nghiệm cá nhân cho tôi thấy kịch đọc chỉ dành cho khán giả thích văn học, thích dung tưởng, chiêm nghiệm… Như mọi loại hình nghệ thuật liên quan văn học, nó không thu hút số đông như các hoạt động giải trí.
* Việc triển khai kịch đọc, loại bỏ yếu tố nhìn, lại không dành cho số đông ở thời điểm sân khấu kịch tại TPHCM gặp không ít khó khăn. Chị có đang tự làm khó mình?
- Những băn khoăn lẫn sự quan tâm thế này tôi đã gặp cách đây 10 năm, khi chuyển sang hoạt động sân khấu. Nhưng tôi và các cộng sự luôn có niềm tin mạnh mẽ, rằng cái gì mình rung động thực sự thì khán giả cũng sẽ rung động. Vả chăng, như tính chất của sân khấu Hồng Hạc, chúng tôi không có tham vọng lớn khi triển khai kịch đọc, chỉ mong làm ra những sản phẩm có ý nghĩa và có được tri âm.
Chương trình kịch đọc của sân khấu Hồng Hạc chính thức ra mắt từ 4/6 tại Café La Rotonde Saigon (185B Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM) với vở Thiên Thiên. Đây là tác phẩm sân khấu đầu tiên Việt Linh viết kịch bản (cảm tác từ truyện ngắn Hạnh phúc là cùng của Vũ Hồi Nguyên và Xoa của Tăng Song Nam) lẫn dàn dựng (cùng đạo diễn Phạm Hoàng Nam). Vở công diễn năm 2014 với dàn nghệ sĩ thực lực là: Thanh Thủy, Minh Trang, Hồng Ánh, Khánh Hoàng, Quý Bình, Quốc Thảo, Cát Tường… Trở lại lần này với định dạng kịch đọc, chính đạo diễn Việt Linh đảm nhận vai Thiên Thiên - nhân vật chính, người lắng nghe các phận đời. Vở còn có sự góp giọng của các diễn viên: Võ Minh Lâm, Lê Chi Na, Đinh Mạnh Phúc, Như Yến, Bảo Kim, Hoàng Trung Anh, Yến Nhi, Bảo Ngân, Cẩm Tiên. Chương trình diễn định kỳ vào 20g mỗi thứ Ba đầu và giữa tháng tại Café La Rotonde Saigon. Kịch đọc số 2 sẽ là vở VISA (dựa theo truyện ngắn cùng tên của Hải Miên), diễn ra vào ngày 18/6 |
* Chị kỳ vọng điều gì qua việc làm kịch đọc?
- Như đã chia sẻ, mong muốn khiêm tốn của sân khấu Hồng Hạc là giới thiệu, lan tỏa tinh thần văn học, khuyến khích văn hóa đọc. Kịch đọc là một nhánh thêm của tinh thần đó. Chúng tôi cũng hy vọng trình thức biểu diễn này sẽ đến được nhiều không gian, với nhiều đối tượng hơn vì tính gọn nhẹ của nó.
* Chị gặp khó khăn gì trong quá trình thực hiện dự án không?
- Không phải khó khăn mà hơi lích kích thủ tục. Kịch, dù đã có giấy phép diễn trên sân khấu, vẫn phải phúc khảo lại qua định dạng mới, dù nội dung không thay đổi so với kịch bình thường. Thay đổi điểm diễn phải xin giấy phép khác… Điều này đúng quy định pháp luật, nhưng hy vọng vì tính tích cực của loại hình và quy mô quá nhỏ của sân khấu, cơ quan quản lý sẽ ủng hộ chúng tôi bằng cách đơn giản hóa thủ tục.
* Tại sao chị chọn Thiên Thiên làm tác phẩm ra mắt? Một vở kịch cổ điển nổi tiếng thế giới sẽ dễ tạo hiệu ứng lan tỏa hơn chứ?
- Mục tiêu đầu tiên và xuyên suốt của sân khấu Hồng Hạc là tôn vinh cảm xúc. Chúng tôi chọn khai trương tác phẩm mà chính chúng tôi có cảm xúc sâu đậm. Đường dài chưa biết, nhưng với vở ra mắt Thiên Thiên thì khán phòng 50 chỗ đã hết vé từ trước. Chúng tôi rất vui.
* Cảm ơn chị và chúc chương trình thành công.
Ninh Lộc (thực hiện)
.