Đạo diễn Việt Linh: Tôi sẵn sàng học hỏi ở người trẻ

27/12/2017 - 12:29

PNO - Hai năm sau 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh', biên kịch - đạo diễn Việt Linh mới tái xuất màn ảnh rộng với 'Ở đây có nắng', do đạo diễn trẻ Đỗ Nam thực hiện (ra rạp ngày 12/1/2018).

Điều đặc biệt: lần này, Việt Linh còn là nhà sản xuất.

* Lần đầu giữ vai trò sản xuất phim, chị đã “nếm mùi đau khổ” ra sao?

 - Rất nhiều thứ phải tính toán, từ những khâu ban đầu như chào mời tài trợ. Có nhà tài trợ rất nhiệt tình bỏ tiền, nhưng yêu cầu cho hình ảnh đơn vị xuất hiện cả chục phút trên phim, tôi đành từ chối. Chuyện phát hành cũng rất căng vì hiện nay mỗi tuần có một phim Việt mới ra rạp, chưa kể phim nước ngoài nên phải tính sao cho phim ra thuận lợi nhất có thể. 

Ở đây có nắng may mắn được BHD nhận phát hành ngay từ kịch bản nên khá thuận lợi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, lịch ra rạp cũng phải thay đổi vài lần. Đó là khó khăn chung của mọi phim trong giai đoạn phát hành.

Dao dien Viet Linh: Toi san sang hoc hoi o nguoi tre

Thông qua câu chuyện cha con Tùng Nhân, Ở đây có nắng chuyển tải thông điệp yêu thương gia đình

* Phim Việt hiện nay ra rạp rất nhiều. Cơ sở nào để chị tin phim mình sản xuất sẽ thắng?

- Đầu tư làm phim hiện nay đa phần theo kiểu lướt sóng: làm nhanh, thu hồi vốn nhanh, khán giả quên cũng được. Chúng tôi thì muốn làm một phim có thể làm “của để dành”, nên mục tiêu là những tác phẩm ít tiền nhưng nghiêm túc. Ở đây có nắng có kinh phí sản xuất khiêm tốn, nội dung chuyển tải thông điệp gần gũi về tình người, và cũng là dịp giới thiệu với khán giả những gương mặt trẻ như đạo diễn Đỗ Nam, D.O.P Võ Thanh Tiền…

Sau Ở đây có nắng sẽ là Thiên thần nhỏ của tôi, chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

* Thế hệ các nhà biên kịch kỳ cựu như chị ít người còn hào hứng hợp tác với các bạn trẻ. Vậy mà chị lại khác?

- Có lẽ do tính tôi ưa tìm tòi, khám phá những điều mới lạ. Các bạn biên kịch trẻ bây giờ giỏi lắm - cập nhật  tâm lý khán giả rất nhanh, tạo được những cú twist thú vị, giỏi bày biện chiêu trò... Thay vì so đo, tôi sẵn sàng học hỏi ở họ những cái mình chưa giỏi.

Dạo Em chưa 18 ra rạp, tôi xem hai lần và rất thích vì phim làm đúng chuẩn một tác phẩm giải trí. Nhưng biên kịch trẻ cũng có hạn chế là kịch bản thường thiếu sự sâu lắng. Có thể do các bạn chưa đủ trải nghiệm sống, cũng có thể do họ quan niệm khán giả chỉ cần đến vậy là đủ.

Dao dien Viet Linh: Toi san sang hoc hoi o nguoi tre
 

* Biên kịch và đạo diễn thường dễ mâu thuẫn, huống hồ ở đây chị còn tham gia sản xuất, đầu tư. Chị có gặp vấn đề gì với đạo diễn Đỗ Nam không?

- Nghệ thuật là phải có tranh luận, nhưng do nền tảng kịch bản khá chắc nên chúng tôi không có khúc mắc gì nhiều. Các mâu thuẫn thường không lớn và dễ thống nhất. Ví dụ có những chỗ Nam thích thiên về kỹ thuật còn tôi muốn ưu tiên cảm xúc, hoặc có cảnh Nam muốn bày biện, nhưng kinh phí phim có hạn. Thật ra, mâu thuẫn về nghề rất dễ giải quyết khi các bên đều chuyên nghiệp, hiểu nghề.

* Vì sao ta lại đổi tựa phim Gà trống nuôi con thành Ở đây có nắng?

- Gà trống nuôi con chỉ là tựa tạm lúc quay. Phần hậu kỳ, chúng tôi chọn ra hai tựa: Ở đây có nắngBốn gã đàn ông, trong đó Bốn gã đàn ông ưu thế hơn do có tính thương mại. Nhưng có ý kiến rằng tên phim dễ khiến khán giả có con gái e dè nên cuối cùng chúng tôi chọn Ở đây có nắng.

Nhưng “bốn gã đàn ông” kia dễ thương thật. Bin - đứa con không may có mẹ đi tù, cha phân vân nhìn nhận - có thể làm người xem khóc, nhưng đôi lúc cũng khiến khán giả bật cười, nhất là khi kết hợp với “bạn gái”. Gã MC - đạo diễn Tùng Nhân tự dưng bị ấn cho đứa con - kết quả  mối tình xưa lơ xưa lắc.

Gã trợ lý - bạn thân của Tùng Nhân - Long là một nhân vật thông minh, đởm lược, chân thành. Gã cuối cùng - bạn cũ của Tùng Nhân - đẹp trai, giàu có, ở tận bên Pháp; dù không chủ tâm, đã mang giông bão phủ lên cuộc sống chớm yên vui của ba gã trước. 

Nhưng trong "áp thấp" nơi đây vẫn có nắng, bởi cả bốn gã, dù nhỏ hay lớn, đều cư xử rất đàn ông, theo nghĩa nhân văn nhất của từ này. Thông qua câu chuyện phụ tử, tôi muốn chia sẻ thông điệp đơn giản: khi gắn bó yêu thương, ta là gia đình. 

Dao dien Viet Linh: Toi san sang hoc hoi o nguoi tre
Một cảnh trong Ở đây có nắng

* Vừa là biên kịch, vừa là nhà đầu tư, sản xuất. Vì sao bây giờ chị mới sản xuất phim mà không phải là hai năm trước - khi chị mới về nước?

- Hai năm trước, tôi mở sân khấu kịch Hồng Hạc, đến nay đã được khán giả ít nhiều biết tới nên giờ là lúc thích hợp để dấn vào làm phim. Nếu ngay từ đầu mà tôi làm phim thì rất khó, vì cái tên Hồng Hạc còn quá mới. Làm một phim, tốn 5-7 tỷ đồng, nếu thắng, khán giả cũng chỉ nhớ đến trong vòng 5-7 ngày, nhưng nếu lỗ, coi như phá sản. Đầu tư vào sân khấu không quá tốn kém, rủi ro cũng ít hơn. Do đó, sân khấu Hồng Hạc là bước đà cho điện ảnh.

Hương Nhu (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI