Chơi với trẻ con
Trên chiếc bục nhỏ gọn đặt giữa căn phòng ấm cúng, N. (lớp 6/2, Trường trung - tiểu học quốc tế Nam Mỹ - UTS) bước lên khá tự tin. Em từng ghét ba mình, vì nghĩ rằng ba không thương em. Suốt thời gian dài, N. không thể trò chuyện cùng ba vì giữa hai cha con có một khoảng cách rất lớn.
Nhưng một lần N. bị tai nạn, ba đã sát cánh cùng em vượt qua, đó cũng là lúc N. hiểu hơn về ba, và dần thu hẹp khoảng không vô hình đó. “Đừng nghĩ ba mẹ không thương mình, có thể những điều ba mẹ làm đều có lý do” - em nói. Cả khán phòng im lặng, mà có lẽ trong lòng mỗi người đều có những cảm xúc khác nhau.
Cách đây vài tháng, N. được mệnh danh là “bức tường” của lớp vì em rất ít trò chuyện, giao lưu cùng ai đó, huống gì đứng giữa đám đông tự kể câu chuyện của mình, sống với cảm xúc của chính mình.
|
Làm bạn với bầu trời - vở diễn giới thiệu những diễn viên đặc biệt của đạo diễn Việt Linh |
Cô bé Linh Chi (bạn học cùng lớp với N.), có dáng người mảnh khảnh, gương mặt thanh tú, kể về những cảm xúc trong veo đầu đời với anh bạn cùng lớp. Kết thúc câu chuyện, Chi nói: “Việc thích một ai đó không có gì nghiêm trọng cả, nếu nó giúp mình tốt hơn, có động lực học tập hơn”.
Những câu chuyện này không nằm trong giờ giáo dục công dân hay kỹ năng sống, mà từ một lớp học kịch thử nghiệm đã được Trường UTS kết hợp thực hiện cùng đạo diễn Việt Linh và các cộng sự. Trước hết, các em học sinh sẽ được rèn tư duy/cảm nhận ngôn từ, sau đó đến cách phát âm, kể một câu chuyện có sắp xếp rành mạch, để tiệm cận những kiến thức/kỹ năng sân khấu.
Nhìn những đứa trẻ với gương mặt ngây thơ, đôi mắt nữ đạo diễn rưng rưng hạnh phúc. Bởi khi bắt đầu dự án này vào tháng 8/2020, bà không dám mơ đến sự thay đổi đáng ngạc nhiên như thế.
Câu chuyện được Việt Linh nối dài với Làm bạn với bầu trời diễn ra cách đây không lâu tại Nhà hát Thành phố. Vở kịch gần hai tiếng khiến người xem thích thú với những cảm xúc trong veo, mát lành được trao gửi từ những “diễn viên” nhí tay ngang. Các em đều xuất phát từ những lớp học kịch thử nghiệm này, chủ yếu thuộc khối Sáu, khối Bảy. Còn vai chính - nhân vật Tèo do Bảo Duy đảm nhận - chỉ là cậu học sinh đang học lớp Bốn.
Trước giờ vở diễn bắt đầu, dù rất tự tin, nhưng Việt Linh và cả ê-kíp đều hồi hộp tột độ. Bởi những diễn viên đều đang tuổi ăn tuổi chơi, vở diễn cũng chỉ lên sàn tập trước một tháng, mỗi tuần chỉ tập được hai buổi vì các em còn bận học. Vậy mà khi lên sân khấu, em nào cũng tròn vai.
Trong một phân cảnh, Bảo Duy cầm sách bị ngược, khi phát hiện điều đó, em đã nhanh trí lấy tay giả vờ vẽ bầu trời ngoài cửa sổ, tay kia chuyển nhẹ đầu sách lại. Sự cố xảy ra trên sân khấu, nhưng ít người nhận ra, nhờ xử lý khéo léo của đứa trẻ.
Khi luồng sáng cuối cùng trên sân khấu tắt đi, cũng là lúc những tràng pháo tay giòn giã vang lên khắp khán phòng. Cả ê-kíp thở phào. Đạo diễn Việt Linh lặng người với dấu mốc đầy thử thách nhưng cũng rất đáng hãnh diện của bà.
Cuộc chơi không dễ
Gia đình không có truyền thống nghệ thuật, vì thế sân khấu đã từng là ước mơ rất lớn của đạo diễn Việt Linh. Đến thời con bà, lớn lên tại Pháp, tận hưởng hết những tinh hoa nghệ thuật. Dung hòa từ trải nghiệm của hai thế hệ, đặc biệt trong bối cảnh sân khấu đang gặp nhiều khó khăn, nữ đạo diễn luôn nung nấu ý tưởng dự án này, và vui mừng được Trường UTS cùng bắt tay thực hiện.
“Giáo dục phương Tây rất xem trọng cảm thụ nghệ thuật, vì thế, từ nhỏ, trẻ em đã được tiếp xúc nghệ thuật sân khấu. Một số trường ở Việt Nam hiện tại cũng có câu lạc bộ sân khấu để các em sinh hoạt, chứ chưa thành môn học chính quy. Qua kịch, chúng tôi mong muốn các em vừa có được kiến thức, vừa trưởng thành với những bài học nhẹ nhàng, lý thú” - đạo diễn Việt Linh tâm sự.
Dự án được khởi điểm với năm lớp, thuộc hai khối Sáu, Bảy của Trường UTS. Dĩ nhiên, không có sự bắt đầu nào dễ dàng. Đạo diễn Việt Linh cho biết các em phản ứng dè dặt, thậm chí có em nói thẳng là không thích học môn kịch, không thể cởi mở với người đứng lớp… Nhưng dần dà, nhờ sự kiên trì nỗ lực, bà và các cộng sự đã thu được thành quả ban đầu. Điều then chốt là tìm ra được điểm chung trong câu chuyện của giáo viên và những đứa trẻ, giúp các em thể hiện bản thân. Hình ảnh N. đứng trên sân khấu kể lại câu chuyện của chính mình - như “trái ngọt” dành cho Việt Linh và cộng sự.
Khi nhắc đến khái niệm cảm xúc nào đó, họ để các em tự do thể hiện biểu cảm, chứ không đưa vào khuôn mẫu. Ví dụ, với nỗi buồn, có em muốn im lặng, muốn khóc, có em muốn đóng sập cửa phòng, muốn trùm mền… Dựa vào những phản ứng khác nhau đó, họ sẽ hiểu hơn về tâm hồn, tính cách học sinh, để ứng xử phù hợp.
Từ một người thầy với khoảng cách thế hệ khá xa, nữ đạo diễn cùng cộng sự Võ Cẩm Tiên đã trở thành bạn của các em, giải tỏa, khơi dậy trong các em những tiềm năng - mà vở kịch Làm bạn với bầu trời là một minh chứng.
“Lớp học kịch cho trẻ em cũng là “lớp học đời” cho người lớn. Điều kiện vật chất không quan trọng, quan trọng là quan điểm, cách làm”- Việt Linh nói và đúc kết hiệu quả lớp kịch bằng tâm sự của bé Uyên Phương (lớp 7/2) - người đóng vai Diệu trong bài tập tự tin: “Trước khi vào lớp kịch, em rất ít nói, ít khi tâm sự với gia đình cũng như bạn bè. Sau khi học và diễn kịch, em đã tự tin hơn, yêu bản thân hơn, cởi mở vui vẻ hơn với mọi người. Bây giờ em đã nói to, không còn nói khó hiểu nữa”.
Việt Linh và cộng sự của bà muốn đi thêm nhiều bước nữa trong hành trình này. Bởi ở đó, kịch không chỉ là một loại hình nghệ thuật, mà đã trở thành một công cụ để khơi mở tâm hồn nhau.
Thành Lâm