Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Trưởng thành nào mà không xa xót, mất mát?

11/11/2024 - 15:51

PNO - Quan tâm đến những chi tiết nhỏ, dễ lướt qua trong đời sống, Trịnh Đình Lê Minh ví con đường làm phim của anh cũng tương tự - không có khát vọng để chứng minh bản thân, chỉ đơn giản là kể một câu chuyện muốn kể đúng thời điểm. Vượt qua những cái bẫy và ảo tưởng, đó là một hành trình “tái khám phá” những gì đã biết, là con đường cần phải đi.

Sau phim đầu tay đầy tiếng vang - Thưa mẹ con đi, Trịnh Đình Lê Minh thử sức với một phim giật gân - Bằng chứng vô hình. Hiện, anh đang gặp lại khán giả màn ảnh rộng với phim Ngày xưa có một chuyện tình - chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Câu chuyện từ sách lên phim đã quen thuộc với hàng tá tranh luận nhưng anh đã tái khám phá câu chuyện này ở những góc nhìn khác. Phim cũng là cơ hội để Minh ngoái nhìn những ký ức, những giai đoạn trưởng thành của chính anh.

Mỗi bản thể đều chứa mâu thuẫn

Phóng viên: Từ phim thứ nhất đến phim thứ hai, anh chỉ cần 1 năm nhưng phải 4 năm sau mới có phim thứ ba. Thời gian đó, anh làm gì?

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: 4 năm này có khá nhiều lý do và tác động. Chúng ta gần như “mất” 2 năm vì đại dịch, mọi thứ phải bắt đầu lại rất nhiều. Trong thời gian ấy, tôi phát triển 2 dự án ngốn thời gian, cũng từ chối một vài dự án không phù hợp. Ngày xưa có một chuyện tình đến vào đầu năm 2023, khiến tôi cảm thấy đúng là mình ở thời điểm ấy. Cả hai đã trao cho nhau một cơ hội để có thành quả như hiện tại.

* Đạo diễn Trần Anh Hùng từng chia sẻ ấp ủ của anh ấy là trung bình 2 năm có thể làm 1 phim. Anh có đặt mục tiêu tương tự?

- Một đạo diễn cần ít nhất từ 5 đến 10 tác phẩm mới có thể tạm gọi là “sự nghiệp”. Tuy nhiên, cũng có những đạo diễn làm ít nhưng “chất”. Có lẽ tôi đồng quan điểm với anh Hùng. 2 năm làm 1 phim là thời gian vừa phải, đủ để mình duy trì sức sáng tạo cũng như quên hết những phim trước đó và hoàn toàn tập trung vào dự án mới. Sự dài hơi đó giúp mình nghĩ về bộ phim, sống cùng nó và tìm được những ngõ ngách mình vô tình bỏ quên hoặc lướt qua.

Ngày xưa có một chuyện tình đánh dấu sự trở lại với điện ảnh của Trịnh Đình Lê Minh sau 4 năm
Ngày xưa có một chuyện tình đánh dấu sự trở lại với điện ảnh của Trịnh Đình Lê Minh sau 4 năm

* So với 2 phim trước, thách thức của anh khi làm Ngày xưa có một chuyện tình là gì?

- Thưa mẹ con đi được làm với tất cả nhiệt huyết, không có gì để mất cũng không có khát khao để chứng tỏ. Đơn giản đó là một bộ phim tôi muốn kể với mọi người. Tôi tự hào vì đã đưa được những vấn đề nhạy cảm lên màn ảnh và phim vẫn luôn được khán giả nhớ đến như một sự an ủi, đồng cảm. Bằng chứng vô hình là phim phức tạp về kỹ thuật, một sự thay đổi hoàn toàn về nhịp điệu, tiết tấu lẫn đề tài. Áp lực nằm ở khâu kỹ thuật và việc không rập khuôn với kịch bản gốc. Ngày xưa có một chuyện tình chuyển thể từ tác phẩm được bạn đọc yêu thích. Mỗi người có hình dung riêng về nhân vật, về câu chuyện. Do đó, khó khăn nhất ở đây là kể một câu chuyện ai cũng biết nhưng sau khi xem, khán giả có thể trầm trồ vì khám phá ra những góc nhìn khác bên cạnh việc gieo vào lòng họ cảm xúc trong trẻo, thuần khiết.

* Anh từng trò chuyện với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trước khi thực hiện phim. Có những phát hiện bất ngờ nào sau cuộc gặp đó so với những gì đã hình dung?

- Như chị biết, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không can thiệp vào quá trình sáng tạo của ê kíp. Cuộc trò chuyện với bác giúp tôi hiểu sâu hơn về tác phẩm và nhận ra hướng mình chọn khai thác cho phim là phù hợp.

Trong cuộc gặp với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Trong cuộc gặp với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

* Trước anh đã có 2 đạo diễn đàn anh làm phim được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Anh có sợ bị so sánh?

- Những hình ảnh khán giả xem qua trailer là những “thông tin” đầu tiên nhà sản xuất muốn giới thiệu. Trong phim còn rất nhiều yếu tố khác. Một bộ phim luôn mang phong cách đạo diễn rất rõ nét, từ cách chọn bối cảnh, tương tác giữa các nhân vật hay hệ thống bảng màu, thiết kế mỹ thuật… Đó chính là những điểm khác biệt. Sự tham gia của anh Phan Gia Nhật Linh trong vai trò sản xuất là một may mắn vì anh có tư duy về thị trường rất tốt, cho tôi cơ hội kiểm chứng những gì mình thực hiện.

* Anh có muốn định danh bản thân với một thể loại phim?

- Tôi thích xem phim hơi “nặng đô”, giật gân bên cạnh phim tình cảm. Tất nhiên, thích là một chuyện, làm được hay không là chuyện khác. Một số phim ngắn của tôi cũng làm theo thể loại giật gân, bất ngờ nhưng không phải quá gây sốc. Nếu phim tình cảm nhẹ nhàng pha chút dữ dội là vùng an toàn của tôi thì những thể loại hoặc cách khai thác gai góc hơn là điều tôi đang cố gắng phát triển. Bởi lẽ, cuộc sống của con người và ngay trong chính bản thân mỗi người luôn tồn tại rất nhiều mâu thuẫn. Ta vừa yêu vừa muốn chối bỏ sự nhẹ nhàng. Hoặc trong những khoảnh khắc kinh khủng, bên cạnh sự dữ dội, ta cố gắng kìm nén còn có cả sự xa xót, thương cảm. Biết đâu, phim tiếp theo của tôi sẽ như thế.

Trên phim trường
Trên phim trường

* Nếu được chọn 3 từ để miêu tả dấu ấn phim mới nhất của anh, đó sẽ là gì?

- Da diết. Lãng mạn ở những cấp độ khác nhau của 1 câu chuyện tình cảm trong sáng ở tuổi cập kê, tình tứ ở thuở yêu mãnh liệt và trưởng thành sau vấp ngã. Từ thứ ba có lẽ là mâu thuẫn. Những nhân vật trong phim cao cả vị tha nhưng vẫn là con người, vẫn có những suy nghĩ, toan tính riêng cho bản thân. Họ có tất cả, vẻ đẹp và cả những điều bình thường, tầm thường nhất của một con người.

Những dằn vặt, suy tư suy cho cùng cũng là điều mình nhận được

* Một đạo diễn yêu mèo có lẽ hiếm khi nổi giận hoặc tạo cảm giác ghê gớm trên trường quay?

- Với tôi, làm phim trước hết là phải vui thay vì tạo ra cảm giác kinh khủng cho đoàn phim. Áp lực thì luôn luôn hiện hữu để có những thước phim hay, cảm xúc nhưng không bao giờ có những cuộc chiến trên trường quay. Công tác chuẩn bị trước khi quay vì thế vô cùng quan trọng. Đạo diễn làm việc với diễn viên cũng như ê kíp càng cẩn thận, kỹ lưỡng thì ra hiện trường, mọi thứ ít nhất sẽ vận hành trong tầm kiểm soát và diễn ra như những gì anh ta đã hình dung. Tất nhiên, luôn có những yếu tố bất ngờ, mọi thứ từ cảnh quay, diễn xuất… đôi khi không như ý muốn hoặc kết nối với nhau mang đến cho người đứng sau máy quay sự thăng hoa cảm xúc. Tôi cho đó là điều thú vị và là món quà dành tặng người làm phim.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cùng 3 diễn viên chính trong phim Ngày xưa có một chuyện tình
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cùng 3 diễn viên chính trong phim Ngày xưa có một chuyện tình

* Thật sự là anh chưa khi nào “nổi giận” trên phim trường?

- Tôi chưa bao giờ nổi giận với diễn viên. Nếu có đôi lần thì liên quan đến sản xuất hoặc khâu thiết kế bối cảnh khi công tác chuẩn bị chưa chu đáo, làm ảnh hưởng đến thời gian và tiến độ của cả đoàn nhưng không phải kiểu đùng đùng ghê gớm đâu!

* Người đạo diễn luôn tìm kiếm và khám phá thế giới cũng như nhân vật trong mỗi bộ phim anh ta thực hiện. Vậy ở Ngày xưa có một chuyện tình, anh khám phá thêm được những gì?

- Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thường chứa đựng chủ đề, tinh thần và phong cách rõ nét. Đó là điều đạo diễn phải trung thành, không nên đi lệch quỹ đạo. Do đó, trước khi nhận làm phim, người đạo diễn phải tìm ra được tiếng nói chung với tác phẩm. Tôi làm bộ phim này ở giai đoạn mình đã trưởng thành hơn, cả trong vai trò một người làm phim và một cá thể trong các mối quan hệ xung quanh. Thành ra, tôi luôn có cảm giác bộ phim đến đúng thời điểm. Tôi muốn ngoái nhìn những ký ức tuổi thơ tưởng đã quên lãng, khám phá thêm về những đau khổ, dằn vặt khi đối diện với tuổi trưởng thành. Trưởng thành là một điều gì đó rất vui nhưng cũng kèm theo những nỗi đau mà có thể ta mang theo mãi sau này.

Một số cảnh trong phim Ngày xưa có một chuyện tình
Một số cảnh trong phim Ngày xưa có một chuyện tình

* Nói về hành trình làm phim của anh, đến thời điểm hiện tại, anh thấy bản thân được gì và mất gì?

- Mỗi bộ phim, dù là phim ngắn hay phim dài đều giúp tôi trưởng thành hơn về mặt tay nghề, tích lũy thêm những mối quan hệ. Kinh nghiệm sống, vốn sống đều thể hiện rõ nét qua từng phim. Những phim đầu tay thì non nớt nhưng có sự trong trẻo. Ở phim này, có thể nói là một tôi chín muồi hơn.

Phim ảnh mang đến cho tôi nhiều cơ hội - được làm nghề mình yêu thích, gặp gỡ mọi người, lắng nghe những câu chuyện của họ nhiều hơn, dám nói ra những điều mình nghĩ mà đôi khi trong cuộc sống có quá nhiều rào cản, mình không dám biểu lộ. Hay hơn nữa, phim ảnh kết nối và chia sẻ góc nhìn, quan niệm của mình với nhiều khán giả. Thật tuyệt vời khi được nhìn thấy những thước phim của mình chạy trên màn ảnh, thấy sự đồng điệu của khán giả.
Mất mát có lẽ thuộc về những dằn vặt, những suy tư. Nhưng suy cho cùng, những dằn vặt ấy cũng là cái mình nhận được, bởi nó giúp mình thử lửa và kiên định với điều mình đã chọn.

* Môi trường làm phim không ngừng thay đổi, thị trường phim biến động, cuộc sống cũng vậy. Giữa quá nhiều thứ như thế, làm sao nhà làm phim có thể giữ được sự trong trẻo mãi?

- Tôi giữ cho mình sự tò mò đón nhận những điều mới, để cho cảm xúc trong mình được rung động trước cái đẹp, tái khám phá những gì đã trở nên thân thuộc và có phần nhàm chán. Chẳng hạn mỗi sáng ta đều uống cà phê nhưng ít khi cảm nhận được hết hương vị của nó. Nhưng nếu chầm chậm thưởng thức, ta sẽ thấy dư vị của ly cà phê hôm nay không hẳn đã giống hôm qua. Việc làm phim cũng vậy. Ngày xưa có một chuyện tình có mô típ không hề mới nhưng nếu nhìn nó với những góc độ khác nhau thì lại rất mới. Suy cho cùng, sự trong trẻo nằm ở đó, ở những thứ tưởng chừng quen thuộc, hằng ngày chứ không phải tìm kiếm xa xôi hay những thứ lấp lánh. Cuối cùng, tôi trân trọng những gì đã và đang xảy ra với mình bởi đó là điều tạo nên mình và tác phẩm của mình.

Ở những đoạn chênh vênh, hãy nghĩ về lý do bắt đầu

* Anh thích nhân vật nào nhất trong Ngày xưa có một chuyện tình?

- Miền. Cô ấy trải qua rất nhiều chuyện nhưng luôn giữ được sự điềm tĩnh cần thiết.

*Dường như đó cũng là tính cách của anh?

- Tôi có thể dễ dàng xúc động nhưng ở thời điểm cần đưa ra quyết định, tôi luôn bình tĩnh. Tôi chưa bao giờ hối hận trước những gì mình đã làm. Một đạo diễn cần phải đưa ra hàng trăm quyết định trên trường quay, hàng trăm quyết định trước những mối cắt trong phòng dựng… đòi hỏi có sự tính toán, đồng thời vẫn có không gian cho cảm xúc bùng nổ. Công việc đã cho tôi cách cân bằng giữa cảm xúc và lý trí, nồng ấm và điềm tĩnh.

* Có vẻ đây là lợi thế của một người chuyên ban A từng theo học đại học kinh tế. Giả sử không trở thành đạo diễn, anh sẽ theo đuổi công việc nào?

- Tốt nghiệp đại học, khi đang chờ lời ngỏ thực tập từ một công ty xịn thì tôi được nhận vào làm ở công ty sản xuất chương trình truyền hình. Lúc đó, công ty vẫn rất mới, chưa gắn liền với sản xuất phim, cơ hội cho người mới như tôi. Tuy nhiên, lời ngỏ đi làm ở công ty kia lại đến sau 1 tuần. Tôi băn khoăn khá nhiều, hay là chọn công ty kia. Sau khi cân nhắc tới lui, tôi cảm thấy không quá quan trọng nữa. Quan trọng là được làm điều mình thích.

Một lần khác, tôi phỏng vấn vào một công ty đa quốc gia, vượt qua 4 vòng để đến vòng cuối cùng. Có lẽ người phỏng vấn cũng định vị được mình, đã dành cho tôi câu hỏi mà tôi mất gần 2 phút để suy nghĩ. “Liệu tôi có thực sự muốn đi làm ở lĩnh vực marketing, sale ở tập đoàn đó?”. Và tôi đã chọn phim ảnh dù quyết định này mạo hiểm vì thời điểm ấy cơ hội rất ít ỏi. Nếu không chọn phim, tôi sẽ làm marketing, có thể là người có đà phát triển sự nghiệp tốt nhưng không quá xuất sắc.

* Anh có bắt gặp đam mê đó ở những người trẻ làm phim, ở những sinh viên của anh?

- Giai đoạn của tôi, thị trường phim ít người, cơ hội làm phim, tìm học bổng, work shop… cần rất nhiều thời gian để tìm hiểu. Với các bạn trẻ hiện nay, mọi thông tin thuận lợi hơn. Thị trường phát triển, rất nhiều người muốn vào, sức cạnh tranh cũng lớn hơn. Câu hỏi ở đây là các bạn có dám mạo hiểm, có dám chấp nhận việc làm phim không mang lại tiền trong một khoảng thời gian dài… Và ở những giai đoạn chênh vênh đó, hãy nghĩ về lý do mình bắt đầu.

Các bạn trẻ có tư duy mới lạ, cách tiếp cận khác biệt hơn và muốn bứt ra khỏi vòng an toàn những người đi trước đã làm. Điều này rất đáng quý. Thế nhưng, các bạn cũng có xu hướng chưa tập trung hoặc không hiểu được cốt lõi của những điều cơ bản. Vì thế, việc đào tạo đòi hỏi sự kiên nhẫn và bao dung. Một ngày nào đó, mình phải chấp nhận các bạn sẽ đi con đường riêng, có những va chạm để trưởng thành.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Thư Hiên (thực hiện) - Nguồn ảnh: CJ HK

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI