Đạo diễn Trần Ngọc Phong và cuộc “chạy đua” với "Cơn giông"

12/09/2021 - 10:32

PNO - Sau 5 năm chuyển thể kịch bản, chỉnh sửa, ghi hình khẩn trương, bộ phim "Cơn giông" của đạo diễn Trần Ngọc Phong (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của cố nhà văn Lê Văn Thảo) đã được Cục Điện ảnh cấp phép phát hành, và kịp gửi dự thi Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 năm 2021 diễn ra vào tháng 11 tới.

Đạo diễn Trần Ngọc Phong đã trả lời phỏng vấn của Báo Phụ Nữ TP.HCM về Cơn giông, một trong những phim do Nhà nước đặt hàng, dự kiến ra rạp trong năm nay.

Phóng viên: 21 năm trước, bộ phim Ba người đàn ông do anh thực hiện, chuyển thể từ truyện ngắn Hai người lính của cố nhà văn Lê Văn Thảo từng được ông khen “Được mậy!”. Giờ anh lại được Hãng phim Giải Phóng giao làm phim Cơn giông cũng chuyển thể từ tiểu thuyết của ông, đó hẳn là “duyên nợ”?

Trần Ngọc Phong: Có lẽ vậy, lúc nhà văn Lê Văn Thảo còn sống, tôi từng mơ ước được làm một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của anh. Trước khi anh mất, Hãng phim Giải Phóng đã kịp xin anh bản quyền chuyển thể tiểu thuyết Cơn giông (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng văn học Đông Nam Á và Giải thưởng Hồ Chí Minh - PV) thành phim, giao biên kịch Ngô Hoàng Giang làm kịch bản văn học. Tôi được Hãng phim Giải Phóng giao làm kịch bản điện ảnh theo những góp ý chỉnh sửa của Cục Điện ảnh trong 10 ngày. Nhưng tôi đã hoàn tất chỉ sau một tuần, và kịch bản gửi đi được Cục Điện ảnh chấp thuận đưa vào kế hoạch sản xuất.

Đạo diễn Trần Ngọc Phong và diễn viên nhí Cát Vi trên phim trường Cơn giông
Đạo diễn Trần Ngọc Phong và diễn viên nhí Cát Vi trên phim trường Cơn giông

* Làm phim chuyển thể từ tác phẩm văn học không dễ, nhất là khi tiểu thuyết Cơn giông dài gần 500 trang viết theo lối biền ngẫu, các sự kiện, nhân vật khá mơ hồ, trong khi 90 phút phim đòi hỏi phải kể được một câu chuyện rõ nét, cô đọng?

- Tôi góp nhặt thêm những mẩu chuyện, nhân vật hay trong một số truyện ngắn như Đi thăm chồng, Ông cá hô, Chuyện ở R… trong tuyển tập của cố nhà văn Lê Văn Thảo để “đắp” thêm vào phim, đồng thời lược bớt những nhân vật phụ trong tiểu thuyết. Chuyện phim diễn ra những năm đầu thập niên 1980, kể về Bằng, một thanh niên vốn là trẻ mồ côi, sau mấy chục năm mưu sinh lưu lạc, vào tù ra tội, đã trở lại Cà Mau để tìm người thân. Tại đây, anh hòa mình vào cuộc sống mới, và tìm được cha ruột cũng như “nửa kia” của mình. 

* Như mọi khi, phim anh vẫn không có ngôi sao để kéo khách?

- Đây là phim đặt hàng nên yếu tố thương mại không quá quan trọng, vả lại kinh phí làm phim có hạn, khó mời được diễn viên ngôi sao. Vai chính được giao cho diễn viên Trung Dũng, vì Dũng cũng là người miền Tây, ở Dũng toát lên chất nam tính, đôi mắt có chiều sâu, cùng lối diễn chất phác phù hợp với người Nam bộ như nhân vật Bằng. Các nhân vật khác cũng được chọn dựa trên sự hợp vai như diễn viên Thạch Kim Long trong vai người bạn tù của Bằng, bé Cát Vi, nữ diễn viên Thủy Phạm. 

Ngoài những diễn viên chuyên nghiệp, đoàn phim còn may mắn tìm được những diễn viên không chuyên như bác Lê Thắng trong vai ông già trăm tuổi, hay một bé trai sáu tháng tuổi mà đoàn phim “bắt cóc” được, sau khi một bé được chọn trước đó bất ngờ không thể tham gia phim vào giờ chót. Em bé mới này hay lắm, khi nghe hô “Máy! Diễn!” là cười toe toét, và khi nghe “Cắt!” là lập tức ngưng cười. Lúc quay cảnh chia tay, bé khiến mọi người sửng sốt khi người vào vai cha hôn con lần cuối, thì bé đang cười bỗng chuyển qua khóc mếu máo, cùng những giọt nước mắt của diễn viên vào vai người mẹ tạo thành một cảnh quay xúc động.

Phim ghi hình ờ Cần Giờ nơi thùy triều rút rất nhanh nên những cảnh quay trên sông nước khá vất vả
Phim ghi hình ờ Cần Giờ nơi thùy triều rút rất nhanh nên những cảnh quay trên sông nước khá vất vả

* Làm phim về bối cảnh xưa hẳn anh có nhiều điều lý thú?

- Câu chuyện phim diễn ra ở Cà Mau, nhưng đoàn phim ghi hình ở Cần Giờ vì nơi này còn rừng đước. Trong khi ở Cà Mau, các rừng đước bây giờ đa số đã thành vuông tôm, nhà cửa cũng bị bê tông hóa. Đoàn phim đã dựng ba chợ quê, năm căn nhà lá, và một lán trại cải tạo sức chứa 40-50 người. Vì phải “liệu cơm gắp mắm”, nên phải dựng và quay kiểu cuốn chiếu để tận dụng vật liệu.

Phim về miền Tây sông nước, nên cần lượng lớn ghe xuồng, tổ thiết kế phải đi tìm các chủ ghe ở Long An, Tiền Giang, nhờ họ đánh ghe đến Cần Giờ, và lo chi phí ăn ở cho họ trong thời gian thuê ghe. Mặc dù đã ký hợp đồng, nhưng thỉnh thoảng đoàn cũng dở khóc dở cười vì có chủ ghe đột ngột đòi dong ghe về quê làm đám giỗ, trong khi chiếc ghe đã ghi hình trước đó, không thể thay thế chiếc khác để đảm bảo chính xác từng hình ảnh, chi tiết trên phim. 

Ở Cần Giờ, tốc độ thủy triều rút rất nhanh, nên những cảnh quay sông nước khá gian nan, nhiều khi quay chưa xong mà nước đã rút, làm đoàn kẹt lại phải chờ ba bốn tiếng sau nước lên mới di chuyển vào bờ được. Rồi phải canh mực nước lên, ánh sáng đúng với cảnh trước đó mới có thể quay tiếp. Có khi một phân đoạn quay cũng mất cả ngày. Trong phim, các tình tiết quan trọng diễn ra trong giông bão, nhưng lúc quay không có cơn mưa nào, nên đành dùng đến kỹ xảo. 

diên viên nhí nhất đoàn gây ngạc nhiên vì khả năng diễn xuất
Diễn viên nhỏ nhất đoàn gây ngạc nhiên vì khả năng diễn xuất

* Anh từng làm nhiều phim truyền hình về sông nước miền Tây được đánh giá khá cao như Duyên nợ miền Tây, Sông phố nhà ghe, Bình minh châu thổ… điều đó có khiến anh tự tin phim Cơn giông cũng sẽ hấp dẫn?

- Tôi nghĩ Cơn giông sẽ thu hút người xem vì bản thân câu chuyện, sự hào sảng, nghĩa khí của những nhân vật trong phim sẽ lay động người xem. Tất nhiên, phim cũng có những yếu tố “thời thượng” như những cảnh hành động, cảnh “nóng” thu hút khán giả. Nếu khán giả chờ đợi một bộ phim có tiết tấu nhanh, cách kể hiện đại, tôi e khó đáp ứng, vì phim về thập niên 1980 nên cần cách làm theo lối truyền thống. Nhưng điều đó không có nghĩa là lờ đờ, chậm chạp, mà tình tiết phải được dẫn dắt từ tốn, có những đoạn hồi tưởng chứ không thể cắt nhanh, gọn được.
* Cảm ơn anh! 

Hương Nhu (thực hiện)

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI