Đạo diễn Trần Lực: Khán giả không đến rạp, sân khấu dẫn dắt ai?

09/10/2020 - 06:34

PNO - "Bạch đàn liễu" của nhà viết kịch Xuân Trình được đạo diễn Trần Lực dàn dựng lại và giành huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô mới đây. Trao đổi sau liên hoan, Trần Lực đề cập đến nhiều vấn đề về cách làm sân khấu hiện nay.

Phóng viên: Vì sao anh chọn tác phẩm này trong rất nhiều tác phẩm của nhà viết kịch Xuân Trình? Phải chăng vì đề tài chống tham nhũng đặt ra trong vở kịch còn nóng bỏng?

Đạo diễn Trần Lực: Những vấn đề nhà viết kịch Xuân Trình đặt ra trong các tác phẩm có tính dự báo; quan trọng là tính hình tượng trong các tác phẩm rất đặc sắc, có nhiều đất cho đạo diễn khai thác. Bạch đàn liễu không phải tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, nhưng với tôi, đó là một tác phẩm hay, được viết theo dòng tự sự, rất hợp với sân khấu ước lệ của Lucteam.

Những vấn đề ông đặt ra trong Bạch đàn liễu không chỉ là câu chuyện của Việt Nam mà là vấn đề của nhân loại. Anh phó chủ tịch xã tham quyền, cậy chức ở đâu cũng có. Những người nông dân như ông bà Lượng, có quyền công dân, nhưng chính họ đang tự đánh mất quyền dân chủ của mình. Chỉ một câu chuyện giản dị ở một làng quê nhỏ nhưng ý nghĩa xã hội của nó vô cùng mạnh mẽ. Đó là sức sống của Bạch đàn liễu.

Bạch đàn liễu “ẵm” giải vàng Liên hoan Sân khấu Thủ đô (26/9 - 3/10)
Bạch đàn liễu “ẵm” giải vàng Liên hoan Sân khấu Thủ đô (26/9 - 3/10)

* Thành công của Bạch đàn liễu cho thấy một khoảng trống lớn về sân khấu hiện đại, khi chúng ta thiếu vắng những tác phẩm phản ánh tiếng nói thời đại. Theo anh, đó có phải là lý do khiến khán giả rời xa sân khấu? 

- Không phải thời đại nào chúng ta cũng có người tài. Trong bối cảnh này, sân khấu không có kịch bản hay cũng là điều dễ hiểu. Việc dàn dựng những kịch bản cũ là chuyện bình thường. Tôi hướng tới những tác phẩm bám vào cuộc sống, mang tính nhân văn, tính dự báo, không quan trọng mới hay cũ, bởi tôi dựng theo góc nhìn của thời đại hôm nay.

Là đạo diễn của thế kỷ XXI, tôi mang được hơi thở đương đại vào trong tác phẩm để kết nối một câu chuyện của quá khứ vào xã hội hiện đại. Điều này rất quan trọng. Bởi khán giả bây giờ đã khác, ta phải làm sân khấu mới mẻ, khai thác những sự khác biệt mà chỉ sân khấu có. Kịch bản quan trọng, nhưng lên sân khấu mới lạ, hấp dẫn cũng quan trọng không kém để thu hút khán giả.

Ở sân khấu, tính ước lệ rất cao, điện ảnh không gian đã mở rộng tả thực, còn sân khấu mang tính ước lệ, hấp dẫn bởi chỉ trong khuôn viên nhà hát, trên sân khấu nhỏ ấy, thoắt cái là Hà Nội, thoắt cái là làng quê. Tính tương tác trong sân khấu rất mạnh, đó là thế mạnh riêng cần khai thác. Những vấn đề đặt ra trên sân khấu có tác động rất lớn đến xã hội vì nó là tiếng nói trực tiếp. Vậy vấn đề của sân khấu không nằm ở kịch bản, mà ở chỗ những người làm sân khấu có thay đổi để theo kịp gu thẩm mỹ của khán giả hay không. Không phải khán giả chán sân khấu, mà đi xem những thứ cũ kỹ họ sẽ không xem. 

Tôi cho rằng, sân khấu hiện nay phải làm thế nào để hấp dẫn khán giả trẻ. Các bạn trẻ đi xem phim rất nhiều; chứng tỏ, điện ảnh đã đổi mới theo nhịp sống của họ. Sân khấu cũng phải như thế để thu hút khán giả. Cái thiếu hiện nay là kịch bản sân khấu không bắt được nhịp sống của người trẻ. 

* Phải chăng, sân khấu hiện nay chưa làm hết vai trò phản ánh hiện thực sống động của xã hội? Chúng ta thiếu tài năng hay sân khấu đang né tránh hiện thực?

- Như tôi đã nói, tính tương tác trong sân khấu rất cao, vì thế những tác động của một tác phẩm sân khấu hay sẽ rất lớn. Sân khấu đóng vai trò dẫn dắt xã hội, nhưng khán giả không đến rạp xem sân khấu thì chúng ta dẫn dắt ai? Vì thế, chúng ta phải làm sân khấu bắt kịp với cuộc sống hôm nay và kéo khán giả đến xem.

Ở Việt Nam, chúng ta chưa có một Xuân Trình, Lưu Quang Vũ thứ hai, tài năng luôn hiếm. Chúng ta không né tránh mà thiếu tài năng. Vì thế, thay vì chờ đợi tài năng xuất hiện, chúng ta hãy mạnh dạn thay đổi, làm mới sân khấu, khiến nó luôn khác biệt. Và chính việc khai thác sự khác biệt đó mới thu hút được khán giả. 
* Xin cảm ơn anh. 

Chi Mai (thực hiện)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI