Đạo diễn Trần Được: “Tôi vui vì đã đưa được hình ảnh người lính hải quân vào rối nước’’

01/04/2024 - 07:58

PNO - Lần đầu khai thác đề tài biển đảo, thời gian qua, vở rối nước Trước ngọn sóng (kịch bản: Mai Thắm, đạo diễn: Trần Được) nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Đạo diễn Trần Được - Phó trưởng đoàn Rối Rồng Phương Nam (nhà hát nghệ thuật Phương Nam) - đã chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM nhiều thông tin thú vị về vở diễn này.

Phóng viên: Ý tưởng đưa hình tượng người chiến sĩ hải quân vào múa rối nước có từ đâu thưa anh?

Đạo diễn Trần Được: Như một cái duyên giữa nhà hát nghệ thuật Phương Nam với tác giả Mai Thắm, sau lần hợp tác thành công với vở rối nước đề tài lịch sử Anh hùng Nguyễn Trung Trực, chúng tôi có dịp ngồi cùng nhau, trò chuyện và nảy ra ý tưởng làm rối về Trường Sa. Chúng tôi đã cùng tìm cảm hứng và phát triển ý tưởng. Từ khi tác giả Mai Thắm giao kịch bản đến khi vở Trước ngọn sóng thành hình cũng phải mất cả năm.

* Trước ngọn sóng có gì đặc biệt?

- Biển đảo quê hương là đề tài mọi người làm nghệ thuật đều muốn chạm đến. Nhưng với loại hình múa rối nước cổ truyền thì rất khó. Đề tài hoàn toàn mới nên toàn bộ các chú rối, không gian, cảnh trí đều phải làm mới. Có khoảng gần 100 chú rối lớn bé hình tượng chiến sĩ hải quân, các loại thuyền bè, các con vật trên đảo, các loài cá… Chúng tôi phải gửi một ê kíp ra Bắc suốt mấy tháng để làm mô hình con rối theo ý tưởng của mình. Không đơn giản là chỉ tạo hình con rối mới mà còn phải tính toán chất liệu sao cho nhẹ nhất, dễ điều khiển nhất.

Kỹ thuật điều khiển con rối cũng khó hơn so với các trò cổ, nhất là có những con rối rất nặng chẳng hạn như con rối cá heo bắt buộc phải làm bằng gỗ, không thể dùng chất liệu nhẹ hơn, tiêu tốn sức lực diễn viên rất nhiều. Chúng tôi chỉ có 14 diễn viên điều khiển gần 100 con rối. Tính ra, ngoài các vai chính thì mỗi người phải đảm nhận gần 10 con rối lớn bé; đòi hỏi tất cả diễn viên làm việc liên tục, gần như không ngơi tay.

Vở múa rối nước Trước ngọn sóng là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (1975-2025) của nhà hát nghệ thuật Phương Nam. Vở đang được luân phiên biểu diễn tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM (quận 1). Tháng 10/2024, nhà hát nghệ thuật Phương Nam sẽ đưa vở Trước ngọn sóng dự Liên hoan Múa rối quốc tế 2024 tại Hà Nội.

* Nghe qua dường như rất khó cho các diễn viên?

- Đúng vậy, diễn viên vừa phải làm quen cách điều khiển con rối mới vừa tập các tuyến đội hình rất khác so với những tiết mục truyền thống trước đây. Đặc biệt, lần này là đề tài biển đảo, sử dụng nhiều thuật ngữ trong quân đội, cho nên đài từ, cách thoại của diễn viên càng được chú ý, phải thật đúng, thật chỉn chu. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ và cũng liên hệ nhiều đơn vị hải quân nhờ cố vấn về chuyên môn.

Lúc tập vở, đúng nghĩa “làm khó” mọi người. Nhưng chúng tôi không thể chỉ quanh quẩn các trò diễn cổ truyền được. Phải làm cái gì mới mẻ, tinh tế hơn để thuyết phục khán giả, nhất là khán giả khó tính. Nhờ vậy mà có thể nói, đây là vở múa rối quy mô nhất của nhà hát nghệ thuật Phương Nam, cũng là vở diễn quy mô khá lớn trong ngành.

* Là đạo diễn dàn dựng, anh tâm đắc nhất điều gì?

- Tôi vui vì đã đưa được hình ảnh người lính hải quân vào múa rối nước. Ngoài ra, có 2 lớp diễn tôi rất thích là vũ điệu của đàn rùa biển và đàn cá heo trên biển, trông rất sinh động. Đó là hình ảnh chân thực về biển Việt Nam mình. Biển đẹp quá, có nhiều con vật đáng yêu quá. Chúng ta phải bảo vệ sinh thái biển để mãi được ngắm biển xanh cùng những con vật đáng yêu đó.

Lần đầu tiên, nhà hát nghệ thuật Phương Nam thể hiện đề tài biển đảo qua nghệ thuật múa rối nước với vở Trước ngọn sóng
Lần đầu tiên, nhà hát nghệ thuật Phương Nam thể hiện đề tài biển đảo qua nghệ thuật múa rối nước với vở Trước ngọn sóng

* Múa rối nước chủ yếu phục vụ khán giả thiếu nhi, nhưng Trước ngọn sóng lại có nội dung về lý tưởng người chiến sĩ hải quân trong thời bình. Liệu các bé có dễ đón nhận?

- Múa rối nước vốn chinh phục người xem bằng những trò diễn thú vị trên mặt nước. Thực tế, các em nhỏ chỉ cần xem chú bộ đội hành quân trên mặt nước, thấy bầy chó vờn bóng, nhảy qua vòng lửa trên nước hay bầy cá heo đuổi bắt, phun nước nô đùa… là đã rất phấn khích rồi. Còn về nội dung, chỉ cần các em cảm nhận được vẻ đẹp của biển đảo quê hương, biết được nơi đảo xa có những chú bộ đội hải quân luôn bảo vệ người dân trước giông bão là đủ vui rồi.

Đặc biệt, chúng tôi mong muốn có thể đưa vở diễn này đến với cán bộ, chiến sĩ hải quân, đồng bào nơi đảo xa. Có thể biểu diễn phục vụ gia đình của họ để những người vợ, người con, người em trong gia đình thấy được hình ảnh người chồng, người cha, anh trai mình đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió như thế nào. Nếu được đón tiếp gia đình các chiến sĩ hải quân đến xem vở hay xa hơn là đưa được sân khấu thủy đình này ra Trường Sa phục vụ mọi người thì đó là vinh dự của nghệ sĩ chúng tôi.

* Sau Anh hùng Nguyễn Trung Trực và Trước ngọn sóng, nhà hát nghệ thuật Phương Nam sẽ tiếp tục khai thác đề tài mới cho múa rối nước?

-Trong định hướng phát triển, đoàn Rối Rồng Phương Nam hướng tới xây dựng các tác phẩm rối hiện đại, không theo lối mòn. Từ vở rối nước đề tài lịch sử đầu tiên Anh hùng Nguyễn Trung Trực đến vở rối nước đề tài biển đảo đầu tiên Trước ngọn sóng và sắp tới là những Sơn Tinh - Thủy Tinh, Giấc mơ nàng tiên cá, Dế mèn phiêu lưu ký… Chúng tôi chủ trương làm mới lại những câu chuyện rất quen thuộc với khán giả Việt Nam và thế giới đó bằng ngôn ngữ múa rối nước.

Ninh Lộc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI