PNO - Sau cuộc gặp với đạo diễn Trần Anh Hùng, tôi nghĩ ngay đến câu thoại trên trong La Passion de Dodin Bouffant (tên tiếng Việt: Muôn vị nhân gian) - bộ phim mới nhất của anh và dùng nó làm tiêu đề cho bài phỏng vấn.
Bởi thời gian dẫu có chảy trôi thì tình yêu bền bỉ, nhẫn nại của Trần Anh Hùng với điện ảnh vẫn tiếp tục như ánh nắng mùa hạ - nồng nhiệt, rực rỡ. Và giữa biết bao cuộc đổi dời nhanh chóng, thậm chí là khắc nghiệt của ngành phim, tình yêu ấy trở thành chiếc neo điềm tĩnh và đáng mong chờ cho những ai yêu dòng phim tác giả, trong đó có không ít nhà làm phim trẻ.
Trong khoảng thời gian rất hẹp và sau một ngày Trần Anh Hùng mệt nhoài với các cuộc phỏng vấn, tôi có một chút áp lực vì phải tìm cách tiếp cận anh mà không trùng lắp nội dung. Trần Anh Hùng vẫn vậy - dí dỏm, cởi mở, nhẹ nhàng. Tôi không chọn hỏi anh về căn tính Việt Nam, về tình yêu xứ sở hay sự chênh chao giữa 2 miền lạ - quen. Bởi, suy cho cùng, sáng tạo thường không có đường biên, không có hạn định về nơi chốn. Làm sao ta có thể trói buộc tư duy của một người vẫn luôn yêu Việt Nam và nặng tình với mảnh đất đã nuôi dưỡng, chắp cánh cho tài năng thăng hoa? Huống hồ điện ảnh là loại hình nghệ thuật tạo đồng cảm và phá vỡ rất nhiều lần những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa. Tôi cũng không hỏi anh về các nhà làm phim trẻ Việt Nam dẫu rất nhiều người đã thành danh đôi chút trong số đó từng chịu ảnh hưởng từ anh hoặc được anh nhiệt thành hỗ trợ.
Từ thời điểm La Passion de Dodin Bouffant nhận được giải thưởng Đạo diễn xuất sắc tại liên hoan phim Cannes 2023 cho đến khi được chọn làm đại diện của điện ảnh Pháp tham dự Oscar 2024 và lọt vào danh sách rút gọn, Trần Anh Hùng đã có 56 chuyến bay trong khoảng thời gian 8-9 tháng. Đây có lẽ là chuyến về Việt Nam ngắn ngủi, bận rộn nhất của anh với lịch làm việc dày đặc. Trong niềm vui quanh bộ phim, tôi còn thấy được ở anh cái mong mỏi hết sức bình thường của bất kỳ người theo đuổi công việc sáng tạo nào: trở về quỹ đạo thường nhật, trả bản thân về vạch xuất phát để bắt đầu những sáng tạo mới, “buộc mình phải đi”. Bởi nếu không đi, nếu chỉ mãi nói về những gì đã qua sẽ không khám phá được những điều thú vị, mới mẻ đang chờ.
“Tôi muốn tận dụng sức nóng của bộ phim này để làm phim tiếp theo. Tất nhiên, dự án mới phải gọn hơn, không thể mất đến 7 năm như khoảng thời gian từ Éternité (Vĩnh cửu) đến Muôn vị nhân gian. Nhịp tốt nhất của tôi là 2 năm có thể làm 1 phim. Còn phim chủ đề gì, làm như thế nào là do cảm xúc lúc đó và hoàn cảnh quyết định” - Trần Anh Hùng bộc bạch.
Cảnh trong phim Muôn vị nhân gian - Ảnh do đoàn phim cung cấp
Trần Anh Hùng là người sáng tạo rạch ròi về cảm xúc của người làm phim và khán giả dù phim anh theo đuổi giá trị xuyên suốt từ trước đến nay: cảm xúc. Nhiều năm trước, anh nhấn mạnh: “Làm phim, quan trọng nhất là cảm xúc”. Quan điểm đó nơi anh vẫn không đổi: “Nhà làm phim thực hiện ra sao cũng được song phải đưa được cảm xúc đến người xem. Đây mới là đích đến của nghệ thuật, của điện ảnh. Nếu là phim cá nhân, tất nhiên cảm xúc là của nhân vật, là vốn sống, cuộc đời họ, không thể chung chung. Nhà làm phim phải chuyển tải được cảm xúc đó. Nếu thành công, nó sẽ chạm đến nội tâm người xem, mở cho họ những cánh cửa đã luôn đóng kín hoặc chưa bao giờ nhìn thấy. Còn người xem, khi đã có cảm xúc đó, muốn làm gì là chuyện của riêng họ”.
Ký ức và văn hóa tạo nên món ăn
Phóng viên: Ẩm thực, có thể nói, một khía cạnh nào đó đã trở thành “nhân vật” trong hầu hết phim của anh. Tuy nhiên, trong Muôn vị nhân gian, ẩm thực có vẻ trở thành nhân vật thứ chính, biểu lộ tình yêu. Cái khó của anh khi chuyển thể tác phẩm này là gì?
Đạo diễn Trần Anh Hùng: Là làm sao cân bằng được ẩm thực và tình yêu của 2 nhân vật chính, để không bị ẩm thực nuốt chửng. Một thử thách khác nằm ở khâu chuẩn bị của phim. Từ lúc tìm được kinh phí đến lúc phim bấm máy theo đúng lịch đã dành sẵn của diễn viên Juliette Binoche, thời gian khá gấp gáp. Yên Khê phụ trách phần chỉ đạo nghệ thuật và phục trang. Áp lực đổ dồn lên Yên Khê để làm sao thiết kế kịp phục trang, bối cảnh. Và vì là phim ẩm thực, mọi món ăn trong phim đều là thật và rất ngon. Nhiều lúc hô cắt, diễn viên vẫn còn đang… ăn nên đến thời gian quay cuối, tất cả diễn viên đều lên cân. Yên Khê phải nới phục trang, một số áo khoác ngoài thì không thể cài nút nữa.
Chân dung đạo diễn Trần Anh Hùng - ẢNH: MINH ANH COLOSSI
* Mùi vị và món ăn luôn có vị trí thật đặc biệt trong phim anh. Ngay cả nhân vật trong phim đầu tay của anh - Mùi đu đủ xanh - cũng có cái tên đầy sức gợi, cô Mùi. Chúng có ý nghĩa như thế nào với anh trong ký ức và đời sống?
- Tôi nghĩ món ăn đóng vai trò quan trọng, không chỉ vì nó nuôi sống chúng ta mà còn vì nó có khả năng tạo nên những kỷ niệm, những ký ức không thể quên với mỗi người, từ mùi đến vị. Có những món ăn thuở nhỏ, dù nghèo khó, được nấu trong gian bếp ám khói nhưng người ta vẫn nhớ mãi, vẫn kiếm tìm dù sau này họ đầy đủ đến đâu. Nếu mắt dùng để quan sát, phát hiện bố cục thì mùi vị, tình yêu thương trong món ăn liên quan đến độ nhạy cảm của nhà làm phim. Đó là điều anh ta cần khai thác và chuyển tải.
* Đâu là món ăn ký ức khiến anh không thể quên?
- Có một món tôi không bao giờ thấy ngán là thịt ba chỉ luộc xắt mỏng chấm nước mắm ăn với cơm trắng. Một bữa ăn quen thuộc và đầy mùi vị!
* Tôi tò mò, một đạo diễn thường đưa món ăn vào phim có thường xuống bếp?
- Không! Tôi không nấu được món gì cả! Có điều sau khi thực hiện Muôn vị nhân gian, tôi bắt đầu nấu thử món gà. Con gà bé thôi nên mỗi lần tôi thường nấu 2 con cùng nấm và rượu táo. Tôi đã nấu được 3 lần. Lần thứ nhất thành công. Lần thứ hai không được ngon cho lắm còn lần thứ ba thì dở tệ!
Gia đình đạo diễn Trần Anh Hùng (từ trái qua): Trần Nữ Yên Khê - chỉ đạo nghệ thuật, phụ trách phục trang; Trần Anh Hùng - biên kịch, đạo diễn; Cao Phi - trợ lý sản xuất - Ảnh do đoàn phim cung cấp
* Sau đó thì anh thôi hẳn, không nấu nữa?
- À, sau đó thì hết 8-9 tháng đi quảng bá phim nên tôi vẫn chưa thử lại. Có người nói với tôi rằng muốn biết mình có thể làm được món đó hay không thì phải làm 8 lần. Dịp này về Pháp, tôi sẽ tiếp tục thử 5 lần còn lại.
* Vậy khi chị Yên Khê bận hoặc bệnh không thể vào bếp thì thế nào?
- Tôi sẽ tìm cách chữa cho Yên Khê đủ khỏe để có thể xuống bếp. Yên Khê nấu ăn rất ngon. Tôi cho là có nhiều cách bày tỏ, thể hiện tình cảm, sự quan tâm với người bạn đời của mình mỗi ngày; đặc biệt với những người vụng chuyện bếp núc. Yên Khê vẽ và sáng tác rất nhiều. Những lúc ấy, tôi luôn là trợ lý cho Khê. Từ việc ra ngoài mua họa phẩm, mua cái này cái kia cho đến căng toan vẽ và nhiều việc nặng khác trong nhà, tôi sẽ làm. Khi Khê làm xong mà bày bừa, tôi sẽ là người dọn dẹp.
Vẫn muốn làm từng phim, chiếu trên màn ảnh rộng
* Trong phim của anh, phụ nữ, dù là Việt Nam hay Pháp, đa phần đều chọn cách hy sinh, trao đi yêu thương mà không cần hồi đáp. Nhiều người mặc định anh là đạo diễn, làm phim về phụ nữ thì cần phá vỡ những điều trói buộc họ, phải làm cách mạng cho đời sống, cho tương lai của phụ nữ mới đúng?
- Đó là việc khác. Vai trò của nhà làm phim là đưa ra những góc nhìn, những cảm xúc gắn liền với đời sống nhân vật. Họ đã sống trong thời buổi như thế, có cuộc đời như thế. Anh ta không thể bịa ra được. Nếu thực sự muốn chiến đấu cho phụ nữ thì có thể nhìn vào đó, xem trước kia họ sống như thế nào và phải thấy không nên như thế nữa, phải thay đổi để người phụ nữ có đời sống tốt hơn.
Ở Mùi đu đủ xanh, tôi khắc họa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam bị mắc kẹt ở 3 lứa tuổi khác nhau. Giai đoạn đầu, khi còn là một bé gái, người phụ nữ đã được bày cách phục vụ chồng, phục vụ gia đình. Giai đoạn hai, khi chồng bỏ đi nơi khác, phụ nữ vẫn tiếp tục phục vụ gia đình. Giai đoạn ba, đến khi chồng chết, họ vẫn tiếp tục phục vụ qua hình ảnh người bà ngồi tụng kinh. Đoạn đẹp nhất trong đời người phụ nữ chính là đoạn họ yêu một người. Họ phục vụ người đàn ông họ yêu với niềm vui, sự sung sướng. Điều này cực kỳ nguy hiểm. Bởi xã hội Việt Nam giai đoạn đó giáo dục người phụ nữ phải trưởng thành như thế. Cái kết vẽ nên một câu chuyện thần tiên, rằng cô ấy sẽ sống hạnh phúc, giàu có. Nhưng như đã thấy trước đó qua cấu trúc vòng tròn của bộ phim, đàn ông với bản tính bất cần, rồi sẽ đi chỗ khác. Chỉ còn người phụ nữ ở lại và tiếp tục phục vụ.
Trong điện ảnh và xã hội, phụ nữ có thể làm phim, có thể tạo ra những nhân vật chiến đấu vì điều họ theo đuổi, làm những công việc đàn ông có thể làm. Tôi hết lòng ủng hộ điều ấy. Và nếu cần xuống đường đấu tranh vì quyền lợi phụ nữ, tôi cũng sẽ đi, sẽ đấu tranh cùng họ.
Đạo diễn Trần Anh Hùng trên phim trường La Passion de Dodin Bouffant - Nguồn ảnh: CJ HK Film
* Anh từng chia sẻ không áp lực trong việc phải có khán giả. Nhưng rõ ràng, phim cũng phải gặt hái được thành công ở mặt chuyên môn, có giải thưởng thì mới có thể làm những phim tiếp theo?
- Đúng là như vậy. Việc xin tài trợ để làm những phim tác giả (đạo diễn không dùng chữ “phim nghệ thuật” - PV) hiện ngày càng khó. Không chỉ riêng tôi mà những đạo diễn nổi tiếng của dòng phim này cũng gặp khó tương tự.
Lấy một ví dụ cho dễ hiểu thì, giả sử một phim tác giả mang về lợi nhuận 17 triệu USD, nhà sản xuất sẽ đặt câu hỏi, cùng với số tiền đó, cùng công sức bỏ ra, phim thương mại lại có thể thu về đến 400, thậm chí 700 triệu USD. Vậy tại sao lại không chọn phim có lợi nhuận? Giải thưởng cho mình cơ hội làm phim nhưng cũng không được thường xuyên. Nhà sản xuất, nhà đầu tư sẽ đặt rất nhiều câu hỏi trong buổi giới thiệu dự án. Ngay cả khi mình thuyết phục được họ thì kinh phí cũng có thể giảm một nửa so với kinh phí dự trù. Phần lớn, việc đầu tư cho dòng phim tác giả là do nhà sản xuất muốn có một khuôn mặt đẹp bên cạnh các phim có doanh thu.
*Đã lúc nào anh nghĩ nên cân bằng giữa yếu tố thương mại và nghệ thuật trong phim?
- Trên thế giới, có rất nhiều đạo diễn cân bằng được 2 yếu tố này. Họ có tài riêng, họ hiểu được sự chờ đợi của khán giả. Còn một khi không quan tâm tới tính thương mại thì không thể làm ra một bộ phim trung hòa được cả hai. Lần nào làm phim mới, tôi cũng hoang tưởng phim sau sẽ ăn khách nhưng đều thất bại. Nhưng không sao cả. Chỉ cần phim đủ thành công để tôi có thể làm được phim tiếp theo là ổn rồi. Tôi không áp lực chuyện phải có khán giả vì tôi cho rằng người đạo diễn phải làm tốt nhất có thể cho bộ phim trước khi giới thiệu đến công chúng. Tôi xem mỗi bộ phim như một món quà, ai nhận được cái gì thì nhận, không nhận cũng không sao cả.
* Theo anh, vì sao phim tác giả ngày càng khó xin tài trợ?
- Trước kia, nhà sản xuất đa phần đều là những người yêu điện ảnh, nghệ thuật. Họ không chỉ có kiến thức, độ văn hóa cao mà còn có “máu” nghệ sĩ. Khi gặp các nhà làm phim, họ tôn trọng và sẵn sàng làm bất cứ điều gì, thậm chí sẵn sàng bán 1, 2 căn nhà để nhà làm phim, để đạo diễn thể hiện điều mong muốn trong tác phẩm. Nếu thắng thì có thể mua lại, thua thì xem như đầu tư thua lỗ nhưng họ vẫn vui vẻ, xem đó là một trải nghiệm.
Còn nhà sản xuất hiện nay đều xuất phát từ những trường thương mại, kinh doanh; họ chỉ biết và cảm được con số. Hơi đau lòng nhưng có thể họ cũng chẳng yêu gì điện ảnh đâu mà nhìn thấy ở đó cơ hội kiếm được 1 triệu USD trong 6 tháng. Họ sẽ cắt chỗ này, chỗ kia một chút để giảm chi phí, đến tay đạo diễn chỉ còn một ít. Một bộ máy, một quy trình như thế, để làm được phim, mình phải chấp nhận.
Bức ảnh kinh điển tại Liên hoan phim Cannes 2023 khi Trần Anh Hùng hội ngộ Phạm Thiên Ân - nhà làm phim trẻ lần đầu được vinh danh “Camera Vàng” - hạng mục Trần Anh Hùng từng được vinh danh vào 30 năm trước với Mùi đu đủ xanh - Nguồn ảnh: JK Film Zorba Potocol
* Có khó để anh thích nghi?
- Tôi vẫn tiếp tục làm phim. Khi các nền tảng phim chiếu mạng phát triển thì áp lực của nhà sản xuất lên đạo diễn còn ghê gớm hơn. Họ sẽ yêu cầu đạo diễn miêu tả càng chi tiết càng tốt, phim như thế nào, kịch bản tại sao như vậy, quay làm sao, chiếu sáng thế nào… Tôi may mắn ở vị trí có thể đàm phán với họ. Khi đối mặt với những câu hỏi như thế, tôi có cái thế để trả lời, rằng cái này hiện tại tôi chưa biết, chỉ khi làm mới biết được... Nhưng nhà làm phim trẻ phải giải thích tất cả, phải viết hồ sơ rõ ràng cho họ xem, tốn rất nhiều thời gian và công sức.
* Nếu một nền tảng trực tuyến mời anh làm phim, anh có nhận lời?
- Ngay bây giờ thì không. Để làm một ti vi series 8 tập, công sức bỏ ra rất khủng khiếp. Tiền có thể mua ngay được 2 căn nhà nhưng mình có thể bị bệnh, bị nghiện thuốc vì quá mệt, quá căng thẳng. Hơn nữa, bây giờ làm phim, nhà sản xuất, nhà đầu tư đòi hỏi rất nhiều. Bước vào phòng dựng phim, mình sẽ nhận được ý kiến của cả chục người ở các bên, nên làm thế này thế kia không. Tôi không muốn làm đời sống thêm phức tạp như thế. Tôi vẫn muốn được làm từng phim, chiếu trên màn ảnh rộng.
* Chia sẻ của anh khiến tôi nhớ đến Đặng Nhật Minh - một đạo diễn dòng phim tác giả. Ông cũng là người tự viết kịch bản cho phim. Ông từng nói, hạnh phúc là được nhìn bộ phim bước từ trang giấy ra trường quay, là những ngày tháng cùng cộng sự trên phim trường. Hẳn anh cũng đồng cảm?
- Đúng là như vậy. Khi cơ hội làm phim ngày càng ít đi, mình phải thưởng thức nó trong mỗi giai đoạn. Câu hỏi tôi thường nhận được là thích giai đoạn nào nhất trong quá trình làm phim, tôi trả lời là thích hết. Bởi vì mình đang làm những cái mình chưa biết, những điều mình ước ao và dần dần thấy nó thành hình. Niềm hạnh phúc đó thật đáng giá.