Giữa những ngày căng thẳng nhất của dịch COVID-19, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nhận nhiệm vụ lên đường vào Nam làm phim tài liệu. Anh nói, lúc đặt chân đến TP.HCM, trong đầu anh vẫn chưa có đề tài cụ thể, chưa rõ sẽ ghi hình tại bối cảnh nào, ở bệnh viện dã chiến hay khu điều trị tầng 5 (trong tháp 5 tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bộ Y tế). Cuối cùng, anh quyết định làm việc tại khu K 1 của Bệnh viện Hùng Vương - nơi điều trị các thai phụ bị nhiễm COVID-19.
Những thước phim anh mang về thật sự gây chấn động. Ranh giới và Ngày con chào đời đã trở thành những thước phim tư liệu quý giá về những ngày lịch sử của thành phố.
Cho đến bây giờ, khi dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cũng trở lại với công việc thường ngày ở thủ đô. Thế nhưng anh nói, rất nhiều đêm anh vẫn còn nằm mơ thấy những nhân vật của mình, hình ảnh về các y, bác sĩ và những ngày làm việc căng thẳng, ám ảnh trong khu điều trị K1.
Không phải chỉ có Ranh giới, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư từng có những bộ phim mà mỗi lần phát sóng đều khiến cộng đồng xúc động, tạo dư luận: Lời nhắn, Đường về, Hai đứa trẻ, Chông chênh, Miền đất hứa…
Phóng viên: Anh nghĩ sao khi có nhiều người nói rằng trong dịch bệnh, sứ mạng ghi chép hiện thực ngoài nhiệm vụ chính trị của báo đài, còn là của các nhà làm phim tài liệu?
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Thật ra, tôi không nghĩ nhiều đến thế. Mỗi người có những nhiệm vụ riêng. Các y, bác sĩ xông pha nơi tuyến đầu, làm việc căng thẳng bất kể ngày đêm; các tình nguyện viên bất chấp hiểm nguy, sức khỏe của bản thân để bước vào tâm dịch cùng tiếp sức. Vậy thì mình cần phải tham gia ở mặt trận tuyên truyền, phải đặt trách nhiệm của người làm báo lên hàng đầu. Nếu bản thân không có mặt trong tâm dịch, không trực tiếp chứng kiến cuộc chiến khốc liệt thì không thể nào thấu hiểu được những vất vả, hy sinh và cả mất mát của con người trong đại dịch.
Tôi chỉ có thời gian công tác 21 ngày tại TP.HCM, sau đó phải quay về Hà Nội làm hậu kỳ để kịp tiến độ phát sóng cho phim. Vẫn còn rất nhiều điều tiếc nuối khi không thể tiếp tục thực hiện những thước phim tài liệu về những vấn đề khác, những câu chuyện khác; thậm chí ở Bệnh viện Hùng Vương vẫn còn rất nhiều nhân vật là các y, bác sĩ tôi muốn kể tiếp về họ mà không có cơ hội…
|
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng nhân vật người mẹ trong phim Đường về |
* Ranh giới có phải là bộ phim tài liệu mà anh nhận về nhiều quan điểm trái chiều nhất trong suốt sự nghiệp tính đến thời điểm hiện tại?
- Không phải. Các phim trước đó tôi cũng nhận về nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí phim Đường về còn có nhiều ý kiến cay nghiệt hơn. Nhiều người cho rằng tôi lạm dụng nỗi đau của hai người mẹ để lấy nước mắt khán giả. Khi ống kính cận cảnh khai quật mộ liệt sĩ thì nhiều ý kiến chỉ trích đạo diễn. Tuy nhiên, khi làm phim nào tôi cũng chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận những luồng ý kiến trái chiều. Mỗi người đứng ở những góc độ khác nhau để nhìn nhận thì đều có cái đúng chứ không phải hoàn toàn sai. Tôi luôn tiếp thu ý kiến đóng góp của mọi người nhưng mình làm phim có dấu ấn cá nhân đòi hỏi quan điểm của mình cũng phải rõ ràng: làm đúng pháp luật, không vi phạm những chuẩn mực đạo đức.
Thực tế, có rất nhiều chi tiết mà khi dựng phim, chúng tôi đã không dám đưa vào vì quá ám ảnh. Nhưng trong thiên tai địch họa, mình phải đặt lợi ích của cộng đồng, của quốc gia lên hàng đầu. Tôi cảm ơn các nhân vật của tôi, họ đều đồng ý cho nhà làm phim ghi hình và kể với khán giả cả nước câu chuyện của họ. Nếu che mờ mặt các nhân vật, sức nặng của bộ phim sẽ giảm, vì vậy có thể mục đích tuyên truyền phòng chống dịch thông qua những thước phim cũng sẽ kém hiệu quả.
|
“Nếu không có mặt trong tâm dịch thì không thể nào thấu hiểu được những vất vả, hy sinh và cả mất mát của con người trong đại dịch” - đạo diễn Tạ Quỳnh Tư |
|
*Phong cách đặc trưng của anh là làm phim tài liệu không lời bình. Có nghĩa, với mọi đề tài lựa chọn, anh đều tin rằng sẽ có đủ chi tiết đắt để không cần đến lời bình và âm nhạc?
- Về chi tiết đắt trong mỗi câu chuyện thì trước khi thực hiện, nếu trao đổi kỹ lưỡng với các nhân vật, ta sẽ có được thôi. Nhưng lý do vì sao thường làm phim không có lời bình, tôi nói ra chắc mọi người không tin (cười). Đó là vì tôi tự nhận thấy bản thân… không có năng khiếu viết lời bình.
Khi thực hiện bộ phim tài liệu thứ hai là Kè chắn sóng, kể câu chuyện về một Việt kiều ly hương 60 năm, đến những năm tháng cuối đời, ông có nguyện vọng được trở về và chết trên quê hương. Bối cảnh phim này tôi quay ở quê nhà Nam Định. Kè chắn sóng có ý nghĩa là con đê ngăn sóng nhưng cũng là con đê tình người, cho dù bao nhiêu năm tháng trôi qua, tình cảm bà con dành cho đồng bào ly hương vẫn không bao giờ thay đổi.
|
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã được trao nhiều giải thưởng trong và ngoài nước cho các phim tài liệu xuất sắc |
Khi ngồi viết lời bình cho phim này, tôi thấy… khó quá. Cuối cùng, tôi để cho nhân vật và những khung hình tự kể chuyện. Thể loại phim tài liệu không lời bình cũng rất phổ biến trên thế giới, tôi học hỏi và theo đuổi phong cách làm phim này, cũng là khai thác đúng lợi thế của bản thân.
Khoảnh khắc ngôi mộ liệt sĩ Bùi Thanh Tuân được khai quật để lấy mẫu giám định ADN, hình ảnh hai người mẹ già lặng lẽ chảy nước mắt khiến lòng người thắt lại. Những khung hình trong phim tài liệu Đường về (2019) của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư quá đắt giá. Phim là câu chuyện về hai liệt sĩ cùng quê, cùng tên, nhập ngũ cùng ngày cùng năm và hy sinh cùng năm. Năm 2002, trên bia mộ liệt sĩ Đinh Duy Tuân ghi ngày hy sinh trùng với ngày mất trên giấy báo tử của liệt sĩ Bùi Thanh Tuân… Hơn 40 năm sau ngày chiến tranh kết thúc, hai người mẹ vẫn nặng mang nỗi đau mất con và càng đau đớn hơn khi không biết người nằm dưới mộ chính xác là con của ai. Cuộc khai quật không thể giám định được ADN vì xương cốt đều đã hòa với đất. Lựa chọn cuối cùng của hai người mẹ: đều xem đó là con mình, cùng nhau hương khói cho con vì dù là ai thì con cũng đều hy sinh vì dân vì nước… |
* Quả thật khó tin nếu không nghe chính đạo diễn chia sẻ vì những thước phim của anh ngoài cách kể giàu cảm xúc còn chuyển tải nhiều tư tưởng và thẩm mỹ của văn chương…
- Một tiết lộ nữa là ngày trước tôi cũng rất… lười đọc sách (cười). Thế nhưng, thời gian còn làm quay phim (trước khi trở thành đạo diễn, Tạ Quỳnh Tư có nhiều năm công tác ở vai trò là quay phim của VTV - PV), tôi may mắn được tiếp xúc với rất nhiều nhân vật có số phận đặc biệt, đọc được trong chính cuộc sống, qua từng số phận của họ. Càng ngày, tôi càng mong muốn được đào sâu hơn những câu chuyện, được thực hiện những dự án cá nhân, làm những bộ phim tài liệu có tác động đến khán giả hoặc giúp người trong cuộc hiểu đúng vấn đề mà tránh đi những sai lầm đáng tiếc.
Mỗi bộ phim đi qua cho tôi thêm nhiều trải nghiệm, bản thân tôi cũng được học từ các nhân vật rất nhiều. Từng trải qua cuộc sống nghèo khó ở nông thôn nên tôi có may mắn là dễ chia sẻ, thấu hiểu các nhân vật, nhận được sự tin cậy và đồng cảm từ họ.
|
Phim tài liệu Hai đứa trẻ về việc trao nhầm con gây chấn động năm 2016 |
* Cuộc sống nông thôn mà anh vừa nói có ảnh hưởng thế nào đến lựa chọn nghề nghiệp của anh sau này?
- Vào những năm 1980, 1990, có lẽ miền quê nào cũng nghèo khó. Thú thật, hồi ấy tôi chỉ nghĩ rằng phải đi học, phải phấn đấu thì mới có thể giúp đỡ được cho gia đình. Bố mẹ tôi làm nông, mỗi lần thuê trâu cày đều phải trả bằng lúa. Tôi vẫn nhớ hoài những trưa nắng chang chang, một hai giờ trưa mà anh em tôi vẫn còn ở ngoài đồng cuốc ruộng. Giờ nghĩ lại, những ngày ấy quả thật vất vả nhưng lại cho tôi những trải nghiệm quý giá, thấm thía và biết chia sẻ. Sau này, tôi đã mang những giá trị ấy vào phim, làm phim bằng sự chia sẻ và yêu thương của mình đối với những thân phận con người.
* Anh đã bắt tay làm phim tài liệu mới chưa?
- Tôi vẫn luôn có vài dự án vì phim tài liệu không thể làm nhanh được. Có một phim tôi đã thực hiện hai năm trước nhưng đến giờ vẫn chưa phát sóng vì còn phải chờ nhân vật là một ngư dân ở Quảng Bình. Câu chuyện về một nhóm tổ chức đưa người vượt biên trái phép ra nước ngoài nhưng họ đã không lường được những hậu quả phải gánh. Phim có tên Chuyện Thế Nhân, là niềm hối hận của nhân vật sau khi phải trả giá…
|
Phim tài liệu Đường về lấy nước mắt rất nhiều khán giả |
* Phim tài liệu lâu nay vẫn là thể loại khô khan trong mắt khán giả. Theo anh, cần điều gì để dòng phim này có sức hút với công chúng?
- Tôi nghĩ yếu tố trước nhất vẫn là con người. Muốn khán giả quan tâm, chất lượng phim phải được đặt lên hàng đầu. Đạo diễn - biên tập viên phải sống cùng với nhân vật, câu chuyện của mình; cần có được sự đồng cảm sâu sắc giữa nhân vật và những người thực hiện. Quảng bá chỉ là một phương thức, nếu nói nhiều quá mà phim phát sóng không hay sẽ dễ gây thất vọng.
Thể loại này không có khuôn mẫu nào cả, người làm nghề được thỏa sức sáng tạo, thể hiện dấu ấn cá nhân. Bản thân tôi vẫn luôn phải vừa làm vừa học hỏi để có thể theo đuổi con đường mình lựa chọn.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư sinh năm 1980 tại Hải Hậu, Nam Định. Anh tốt nghiệp chuyên ngành nghệ thuật điện ảnh, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội; hiện công tác tại Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự, Đài truyền hình Việt Nam. Anh đã được trao nhiều giải thưởng: huy chương bạc cho phim Cây đời và Kè chắn sóng, tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2011, huy chương vàng cho phim Lời nhắn tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2013. Phim Hai đứa trẻ được trao giải A giải Báo chí quốc gia lần thứ XI - 2016 và Cánh diều vàng 2016 cho Phim tài liệu xuất sắc và Cánh diều vàng cho Đạo diễn xuất sắc. Phim Miền đất hứa được trao giải nhì Liên hoan Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương 2018 và giải Cánh diều bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam cùng năm. Phim Chông chênh được trao giải Bông sen vàng Phim tài liệu xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI - 2019 và giải Ấn tượng VTV Awards 2019. |
LỤC DIỆP (thực hiện) - Ảnh nhân vật cung cấp