Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: Tôi không định làm phim gợi nhớ dĩ vãng

12/07/2017 - 19:27

PNO - Sau thời gian chờ đợi, bộ phim 'Cô gái đến từ hôm qua' (CGĐTHQ), chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, sắp ra mắt vào ngày 13/7 trước khi công chiếu rộng rãi từ ngày 21/7.

Nhân dịp này, PV báo Phụ Nữ TP.HCM đã trò chuyện với đạo diễn Phan Gia Nhật Linh về “đứa con tinh thần” thứ 2 của anh.

Dao dien Phan Gia Nhat Linh: Toi khong dinh lam phim goi nho di vang

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh 

* CGĐTHQ là tác phẩm hấp dẫn của Nguyễn Nhật Ánh. Phim gần đây nhất chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh - Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (TTHVTCX) - rất thành công. Phim đầu tay của anh - Em là bà nội của anh (ELBNCA) - lập kỷ lục doanh thu phòng vé 2016. Anh có thấy áp lực không?

- Khi làm dự án mới, tôi đặt lại sau lưng những gì đã xảy ra trước đó, nên cái bóng của ELBNCA không phải là áp lực. Tôi cũng không phải là người hay lo lắng vì những sự so sánh nên cũng không chịu áp lực hơn thua giữa CGĐTHQ và TTHVTCX. Hơn nữa, phim phải có đời sống riêng, độc lập với truyện, nên cái bóng của cuốn sách cũng không phải là áp lực. Nếu có áp lực nào đó thì chính là việc tôi yêu thích cuốn truyện này. Tôi muốn phim làm sống lại thời thanh xuân của mình và truyền đến người xem tình yêu của mình dành cho câu chuyện.

* Chìa khóa nào để gỡ khó khăn khi làm phim chuyển thể từ tác phẩm điện ảnh nước ngoài và làm phim chuyển thể từ truyện?

- “Chân thật với cảm xúc” có lẽ là chìa khóa chung. Dù ELBNCA và CGĐTHQ đều được chuyển thể từ một tác phẩm có sẵn, nhưng tôi đã biến chúng thành những dự án mang tính cá nhân của mình. Nếu ELBNCA là câu chuyện về mẹ và bà của tôi thì CGĐTHQ là câu chuyện về thời thanh xuân của tôi.

Dao dien Phan Gia Nhat Linh: Toi khong dinh lam phim goi nho di vang

Một cảnh trong phim Em là bà nội của anh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh

* Câu chuyện trong truyện xảy ra cách đây vài chục năm, trong khi phim anh ra rạp trong bối cảnh ngày nay - khi thế giới học trò đã quá khác xưa. Anh sẽ dung hòa sự khác biệt ấy ra sao?

- Bối cảnh của phim CGĐTHQ không hẳn là ngày nay. Chuyện phim diễn ra ở những năm 1980, trước khi internet bước vào cuộc sống của chúng ta. Nhưng CGĐTHQ cũng không phải là một phim thời thượng. Tôi mong nó là một phim có đời sống dài hơi. Những gì xảy ra trong phim, dẫu là chuyện cách đây hơn hai thập niên, vẫn có thể có những điểm tương đồng với thế hệ hôm nay: sự hồn nhiên của tuổi thơ, sự ngây ngô của tuổi mới lớn và cả những tình cảm e ấp ban đầu hay những đổ vỡ tình cảm đầu đời. Khán giả ở lứa tuổi nào cũng cảm nhận được.

* Tuổi của Miu Lê và Ngô Kiến Huy có hơi cứng để vào vai những cô cậu học trò?

- Tôi cũng mong có người vừa diễn tốt, vừa hợp tuổi nên đã dành cả tháng để tìm những nhân tố mới. Đáng tiếc, tôi không tìm được gương mặt nào đủ thuyết phục tôi tin đó chính là Thư, là Việt An, Hồng Hoa, Hải Gầy hay Chiêu Minh. Tôi mời Miu Lê và Ngô Kiến Huy đến thử vai và bất ngờ họ cho tôi thấy nhân vật hiện lên rõ nét. Dù về “tuổi vật lý” Miu Lê lẫn Ngô Kiến Huy đều quá so với nhân vật; bằng tài năng và năng lượng bên trong, họ đã hóa thân thành những cô cậu học trò ở tuổi 17-18. Tôi tin khán giả khi xem phim sẽ coi họ chính là những cô cậu học trò trẻ trung ấy.

Dao dien Phan Gia Nhat Linh: Toi khong dinh lam phim goi nho di vang
 


* Màn ảnh Việt đang có trào lưu làm những bộ phim gợi hoài niệm xưa. Theo anh, làm phim kiểu gợi nhớ dĩ vãng có khó hơn không?

- Tôi không định làm phim gợi nhớ dĩ vãng, dù câu chuyện của CGĐTHQ đặt trong bối cảnh cách đây hơn 20 năm. Xem CGĐTHQ, có thể khán giả sẽ không cảm giác đây là bộ phim xưa. Trừ việc thế giới học trò trong phim không có smartphone, facebook, ra đường không đội mũ bảo hiểm, đi học đạp xe đạp lạch cạch; tất cả những thứ còn lại như cảm xúc tuổi học trò, xung đột đầu đời… đều không khác gì giới trẻ hiện tại. Hoặc, do tôi nghĩ vậy.

* Những hình ảnh đầu tiên của phim hé lộ nhiều kỹ xảo lạ mắt, anh đã làm gì? Phim sẽ khác gì so với truyện?

- Kỹ xảo nhằm phục vụ cho thế giới tưởng tượng của nhân vật. Thư trong phim là cậu học trò mơ mộng và tinh nghịch - khác với Thư trong truyện vốn hiền lành, nhút nhát. Thư tưởng tượng nhiều về thế giới mình đang sống. Cậu ấy mang một chút gì đó giống tôi - một kẻ khá mơ mộng.

Dao dien Phan Gia Nhat Linh: Toi khong dinh lam phim goi nho di vang
 

Tôi cũng muốn xây dựng hình ảnh của Thư - một học trò yêu nghệ thuật, lớn lên trong thời kỳ mà xã hội chú trọng khoa học tự nhiên, để rồi những kẻ thích vẽ vời như cậu bị xem là cá biệt. Thư là con cá bị đánh giá bởi trình độ leo cây. Hầu hết các thay đổi của phim so với truyện đều tập trung vào sự phát triển của nhân vật. Có khá nhiều nhân vật trong truyện chỉ được nhắc đến một lần hoặc được mô tả khá mờ nhạt; nhưng khi vào phim lại có một đời sống riêng.

Đoạn kết phim cũng kịch tính hơn so với truyện với chi tiết về cuốn sổ bí mật để liên kết tình cảm của tuổi thơ và tuổi mới lớn của hai nhân vật chính. Tôi hy vọng những thay đổi này không phản bội lại tác phẩm gốc mà sẽ tô điểm thêm để phim có đời sống riêng bên cạnh tác phẩm văn học đã có chỗ đứng trong lòng mọi người.

* Cám ơn anh. 

Diễn viên Miu Lê
Vấn đề lớn nhất của tôi là phải… trẻ ra, vì vai diễn là học sinh cấp ba mà tôi đã 26 tuổi. Việt An không phải là một vai khó, nhưng để hóa thân thành nhân vật lại không dễ, bởi ngoài chuyện Việt An là một nữ sinh ở cái thời đã xa, tính cách cô ấy cũng trái ngược hẳn với tôi. Tôi đã phải tiết chế bản thân rất nhiều để có thể thể hiện được sự nhẹ nhàng, thanh thoát của một nàng thơ, đúng với tinh thần của nhân vật.

Hương Nhu (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI