Phan Anh cho biết, phim Đỉnh mù sương (2020) vừa được Nhà phát hành Wellgo USA Entertainment mua và phát sóng ở thị trường Bắc Mỹ.
Hai tác phẩm: Đỉnh mù sương và mới đây là series 6 tập Huynh đệ (2022), do hai anh em Phan Anh – Phan Ngọc đồng biên kịch, đạo diễn và sản xuất. Đỉnh mù sương và phim series Huynh đệ đều đang phát sóng trên Netflix.
|
Đạo diễn Phan Anh trên phim trường Huynh đệ |
Phóng viên: Đỉnh mù sương kể về câu chuyện của một đấu sĩ MMA chiến đấu trong thế giới ngầm. Trong khi đó, Huynh đệ kể về câu chuyện của một cá nhân muốn giải nghệ đòi nợ thuê. Điều gì thu hút anh đến với dòng phim này?
Đạo diễn Phan Anh: Vì đó là thứ mà tôi hiểu sâu nhất, va chạm nhiều. Tôi từng có 10 năm là giám đốc chi nhánh một ngân hàng, tôi nhận ra giới tội phạm liên quan đến tiền, nợ, thế chấp, sau đó là cấn nợ, cho vay nặng lãi... Thế giới ấy rất kinh khủng. Cán bộ ngân hàng có người đàng hoàng, có người bắt tay với thế giới ngầm làm sai. Không ít trường hợp trở thành một dạng như tội phạm "cổ cồn trắng" mà trong thế giới thực, họ đã bị pháp luật xử lý.
Ở một góc nhìn khác, nhiều người cũng rất con người, tình nghĩa.
* Qua hai tác phẩm Đỉnh mù sương và Huynh đệ, anh nghĩ mình đã chạm được đến thế giới ấy bao nhiêu phần trăm?
- Tôi nghĩ mình mới chạm được 5 - 10%. Dự kiến bộ phim sắp tới sẽ chạm nhiều, nhất là về mánh lới làm ăn.
Với Đỉnh mù sương, tôi như một đứa trẻ nhà quê lần đầu bước chân vào một tòa lâu đài tráng lệ. Tôi đi hết phòng này đến phòng nọ mà quên mất mình đang đi trên chông. Dù vậy, cả hai phim đều gói gọn trong kinh phí dự trù chứ không phát sinh.
Với Huynh đệ, ban đầu phim có tên là Của nợ. Phim chỉ có 1 tập, trong đó, nhân vật Quang (diễn viên Phi Nguyễn đóng) qua đời vì cứu con bé ngốc. Tuy nhiên, người xem không muốn Quang chết, nên mới có 5 tập phim tiếp theo.
|
Poster phim Đỉnh mù sương |
* Theo anh, có giới hạn nào cho “dòng phim giang hồ”? Bởi làm không tới thì nó không thật, còn làm quá thật có nguy cơ tạo hiệu ứng không tốt cho xã hội.
- Người làm phim ai cũng mong được tự do thể hiện sự sáng tạo. Nhưng mọi thứ ở cuộc sống này đều có giới hạn nhất định. Phim “giang hồ” thường có nhiều kiểu mô tả cái ác, cái xấu. Chúng ta có thể dùng mọi hình thức biểu đạt, miễn là không được cổ xúy, khen ngợi hay hoan nghênh cái ác, cái xấu.
Đã có những tác phẩm điện ảnh lớn về giới xã hội đen, thể hiện cái ác, cái xấu đến tận cùng, nhưng vẫn lấp lánh tình người như: Old Boy (2003) của đạo diễn Park Chan-wood, Pietà (2012) của đạo diễn Kim Ki Duk... và đều gặt hái những giải thưởng lớn.
Để làm một bộ phim cho thật mà không tạo phản cảm là khó, nhưng chúng phải hướng tới điều này. Nói cho cùng, mục đích của phim ảnh là phục vụ con người, giúp giải trí, và phải bổ ích cho cuộc sống, hướng tới chân - thiện - mỹ. Người làm phim phải tỉnh táo, không được cổ xúy cái xấu, cái bạo lực. Có thể gọi điều này như một giới hạn.
* Để làm phim series phát trực tuyến trên Netflix, đó là cơ hội nhưng cũng rất nhiều thách thức?
- Tôi nghĩ được làm phim, và phim được cơ quan chức năng duyệt chiếu cho khán giả coi, bất kể bộ phim đó được chiếu ở rạp hay các nền tảng online... thì đó là điều hạnh phúc.
Nhưng làm phim rất tốn kém, dù làm với hãng phim lớn hay làm theo kiểu độc lập (phim Indie) với kinh phí thấp, cũng cần phải thu hồi vốn. Nếu bỏ tiền làm phim chỉ để vui, không thu về được đồng nào, thì lấy tiền đâu để làm tiếp?
Kênh Netflix là một cách để các nhà làm phim Việt thực hiện ước mơ làm phim. Nó là một cơ hội tốt, nhưng cũng rất nhiều thách thức. Netflix khá khắt khe về nội dung và kỹ thuật. Nhưng với kỹ thuật số ngày càng tốt, rẻ, chỉ cần chúng ta không ngừng học hỏi, thì không phải là thách thức. Thách thức lớn nhất là nội dung, chúng ta còn quá thiếu những kịch bản tốt, hay, lạ.
Phim Việt chưa phải là thương hiệu trên thị trường điện ảnh thế giới, và dĩ nhiên không phải “đồ hiệu”, sao mà bán giá cao được? Mà không bán được giá, thì sao dám đầu tư mạnh. Cái vòng luẩn quẩn là thế. Nhưng chúng ta hãy cứ dấn thân, hãy can đảm.
* Là một người đã có phim phát hành trên Netflix, anh nhận định điện ảnh Việt hiện nay có thể tham gia cuộc chơi tầm khu vực và quốc tế?
- Nền điện ảnh Việt Nam tuy không non trẻ, nhưng chưa dám so sánh với các nền điện ảnh lớn. Thi thoảng chúng ta có những phim đoạt giải tầm khu vực. Đa số phim Việt Nam được đầu tư nhiều ở dòng phim hài, gia đình, tình cảm. Điện ảnh Việt hiện đang thiếu những bộ phim có đề tài thể hiện được đa mặt đời sống, mang hơi thở thời đại và có tính toàn cầu.
Sức khỏe của nền điện ảnh nói chung đến từ 2 nguồn: tiền đầu tư và năng lực con người. Tôi có niềm tin với những nhà làm phim Việt Nam, nhất là những người trẻ, thế hệ mới. Tôi đã đồng hành với những anh em trong ngành làm phim khá nhiều, trong đó có 2 phim do chính tôi đầu tư. Điểm chung của họ đều trẻ, khỏe, được tiếp cận công nghệ rất sớm, thông minh, năng động, sáng tạo và rất máu lửa với nghề.
Có thể nói, nền điện ảnh của chúng ta có một lực lượng làm phim rất đông và mạnh. Cái chúng ta cần là người dẫn đường, những nhà sản xuất, đạo diễn dám nghĩ dám làm, dám bước tới.
* Hiện tại, do kinh tế khó khăn, nhiều nhà làm phim khó khăn, theo anh, mô hình phim điện ảnh chiếu rạp hay phim series ngắn phát trực tuyến hiện nay là phù hợp hơn?
- Theo tôi là "liệu cơm gắp mắm". Nếu phải chọn, thì tôi chọn cho series nhiều hơn. Có thể, làm phim là công việc cuối cùng của đời tôi.
* Cám ơn anh.
Yến Lê (thực hiện)