PNO - Đức tin bên trong Ân là sự thiêng liêng, là sự sắp đặt kỳ diệu mà con người không hề đoán được. Cũng như Ân, ở ngưỡng cửa vào đời đâu hình dung rằng anh sẽ trở thành đạo diễn.
Nếu được phân chia theo câu hỏi bản ngã “Tôi là ai? Tôi xuất hiện trên thế giới này để làm gì?”, xin được mạn phép phân loại thành 3 kiểu người. Kiểu thứ nhất là biết rõ mình muốn gì, cần gì và làm gì để đạt được mục tiêu. Kiểu thứ hai là cái gì cũng biết một chút và luôn bối rối trước những sự lựa chọn.
Có khi, họ đi cả đời vẫn chẳng biết mình muốn gì, cần gì dù đời sống, sự nghiệp không hề tệ trong mắt nhiều người. Kiểu thứ ba gần giống với kiểu thứ hai, ghé chỗ này một chút, chỗ kia một chút, rong chơi như thể chẳng thứ gì quan trọng. Cho đến khi họ rẽ vào đúng lối một cách tình cờ. Họ đi từng chút, khám phá từng chút và nhận ra đây là chiếc neo của đời mình.
Phạm Thiên Ân thuộc kiểu thứ ba và chiếc neo của đời anh chính là phim ảnh, như lời anh bộc bạch trong một cuộc phỏng vấn khi Bên trong vỏ kén vàng đoạt giải Camera d’Or (Caméra Vàng dành cho phim đầu tay xuất sắc) tại Liên hoan phim Cannes 2023. “Tôi làm phim xuất phát từ đam mê và hứng thú cá nhân, một thứ gì đó rất bản năng. Tôi trân trọng điện ảnh vì nó giúp tôi thể hiện quan điểm, góc nhìn của mình rõ nét nhất. Câu chuyện của Thiện (nhân vật trong phim) phản ánh con người tôi trước đây” - Ân nói. Đó là chàng trai trẻ với tương lai vô định, thích nhậu nhẹt với bạn bè, đi mát xa, vất vả với công việc quay và dựng video đám cưới, làm ảo thuật mua vui, bị ám ảnh bởi mối tình đã qua, đôi khi lang thang trong cõi mộng, về lại quê hương để tìm chút ký ức sót lại của quá khứ.
Mang đặc trưng của dòng “slow cinema” (phim có tiết tấu chậm rãi), bộ phim dài đầu tay của Ân chuyển tải nhiều quan sát và chiêm nghiệm với những cú máy dài, phong cách tối giản và ít sắp đặt. Mặc dù câu chuyện kể trong phim đầy hoài niệm và ký ức nhưng tâm thế của Ân trong đời sống luôn đặt ở trạng thái “tỉnh thức và sẵn sàng” như tên gọi 1 phim ngắn trước đó của anh.
Mở lòng đón nhận tất cả dịch chuyển
* Phóng viên: Cuộc sống của anh ở Mỹ sau khi đoạt giải thưởng lớn có nhiều thay đổi không?
Đạo diễn Phạm Thiên Ân: Cũng như nhiều người Việt sang Mỹ, mọi thứ đều ở trạng thái khởi động lại. Tôi vẫn gắn bó với việc quay dựng video đám cưới như ở Việt Nam, bằng việc hợp tác cùng một số studio người Việt bên này. Công việc vẫn thế, không có gì đặc biệt lắm. Khi phim được giải, nhiều cô dâu biết tin đã hỏi thăm và gửi lời chúc mừng. Tôi vẫn giữ nghề quay dựng này, giá cũng không đổi (cười). Chỉ khác là trong năm nay, nhiều đám cưới hẹn lịch trước, tôi đã khóa lịch để có thời gian dành cho phim nhiều hơn. Mặt khác, tôi cũng đã “đào tạo” được em trai kế nghiệp nên công việc vẫn đảm bảo (cười lớn).
* Phim của anh bàng bạc ký ức và hoài niệm. Anh đã “đóng gói” những gì để mang sang nước Mỹ?
- Trong suốt 8 năm sang Mỹ, số lần tôi về Việt Nam khoảng 10. Tức là trung bình mỗi năm về 1 lần. Vợ tôi mấy năm đầu cũng còn ở lại Việt Nam. Tôi sang Mỹ theo diện định cư cùng gia đình. Mọi người sang đây đều theo công thức: đi làm, gầy dựng sự nghiệp, dành dụm tiền mua nhà… nhưng tôi không như vậy. Dù ở Mỹ nhưng trái tim tôi luôn hướng về Việt Nam. Tâm hồn tôi đã để lại Việt Nam.
* Nghĩa là cũng không ít lần, anh chơi vơi giữa 2 miền “lạ - quen”?
- Có thời điểm tôi không biết quyết định của mình đúng hay không. Mấy năm đầu, bố mẹ tôi đã phải lên tiếng: về liên tục vừa tốn tiền vừa không làm được gì. Tôi đấu tranh suy nghĩ nhiều lắm và tôi vẫn trở về để làm những phim ngắn trước đây. Kiếm được bao nhiêu tiền, tôi để dành làm phim. Những phim ngắn ấy vô tình có chút thành công, nhờ thế tôi đi đến hiện tại. Tôi nghĩ đó là một sự lựa chọn đúng.
Phạm Thiên Ân trên sân khấu nhận giải tại Liên hoan phim Cannes 2023 - Ảnh do nhân vật cung cấp
* Có phải vì vậy mà phim của anh luôn hiện hữu sự tương phản giữa nơi này với nơi kia và đậm dấu ấn của sự dịch chuyển?
- Tôi không có ý định tập trung thể hiện sự tương phản giữa thành thị - nông thôn, mở rộng ra là giữa vùng đất này với vùng đất khác. Tôi cho rằng sự dịch chuyển với người làm sáng tạo là cần thiết. Việc đi từ nơi này đến nơi khác mang đến cho mình những suy nghĩ khác, làm thay đổi cách nhìn nhận của mình về nơi đó. Việc thay đổi bầu không khí trở thành nguồn cảm hứng để tôi chiêm nghiệm, sáng tạo.
Chẳng hạn khi từ Mỹ về Việt Nam, tôi nhận ra nhiều nét đẹp trong vô số điều bình dị mà trước đó mình chẳng thấy và khi trở lại Mỹ, tôi cũng nhận ra điều tương tự. Tôi muốn lưu lại tất cả vẻ đẹp đó, những khoảnh khắc đó vào phim. Khi ở một nơi đủ lâu, tôi tin người ta sẽ có cái nhìn sâu hơn, khác hơn. Đó là cảm giác rất phức tạp, vừa có sự quyến luyến, vừa có sự hoài niệm, đồng thời lại thôi thúc mình tìm kiếm những cái mới, đi đến những chân trời mới để nuôi dưỡng ý tưởng mới.
Trước đây, tôi không thích đi đây đó nhiều vì tôi sống khá khép kín. Nhưng càng đi, tôi càng nhận ra, mọi thứ xảy đến với mình đều tự nhiên. Tôi hài lòng về những điều đó và luôn sẵn sàng cho những chuyến đi, sẵn sàng đón nhận những gì chuyến đi mang đến để tiếp tục sáng tạo thay vì giữ lại quá nhiều hoài niệm theo kiểu tự vấn, rằng “tại sao tôi lại ở đây?”. Cái gì đến sẽ đến. Hãy mở lòng đón nhận nó. Hơn nữa, bây giờ dễ dàng dịch chuyển. Mọi thứ cũng đơn giản hơn, kể cả việc giữ liên lạc với những người thân yêu.
Phạm Thiên Ân (đứng giữa) trên phim trường - Ảnh do nhân vật cung cấp
* Sự thay đổi nhanh chóng của những nơi chốn đã qua, đã từng lưu ký ức có khiến anh buồn hay nuối tiếc?
- Đúng hơn là tôi tiếc nuối cảm xúc bên trong mình. Sự thay đổi nào cũng có 2 mặt. Trở về sau một khoảng thời gian đi xa, tôi thấy mọi khoảng cách như được rút ngắn lại, cảnh quan xung quanh cũng mới mẻ hơn. Với tốc độ phát triển nhanh như Việt Nam, sự thay đổi khiến tôi vừa vui mừng, vừa bất ngờ đồng thời cũng giúp tôi nhận ra nhiều thứ hay ho để làm phim vì có nhiều chất liệu để khai thác. Tất nhiên cũng có những thay đổi khiến lòng mình nôn nao khó tả vì những gì gắn bó, thân thuộc với mình thuở xưa đã không còn. Nó làm mình có cảm giác xa lạ, đôi khi lạc lõng. Do đó, cảm hứng làm phim của tôi bắt nguồn từ tình yêu nguồn cội, yêu những gì thân thuộc đã qua, gồm cả lối sống, sinh hoạt và văn hóa của vùng đất đó.
Phạm Thiên Ân quê ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), từng giành giải nhì cuộc thi Phim ngắn 48 giờ năm 2014. Năm 2018, phim ngắn Câm lặng (The Mute) của anh chiếu tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Palm Spring, được chọn tranh giải ở gần 15 liên hoan phim quốc tế.
Phim ngắn Stay awake, be ready (Hãy tỉnh thức và sẵn sàng) dài 7 phút, được quay chỉ với một cú máy, đoạt giải Illy ở Tuần lễ đạo diễn, hạng mục Director’s Fortnight Liên hoan phim Cannes 2019. Sau Cannes, tác phẩm được chiếu tại hơn 40 liên hoan phim quốc tế như Busan (Hàn Quốc), Locarno (Thụy Sĩ), Singapore, Stockholm (Thụy Điển), Milano (Italy), Vancouver (Canada)… Từ phim ngắn này, Ân có duyên gặp gỡ với những người bạn làm phim thuộc nhóm Zorba tại Việt Nam - những người đã hỗ trợ anh trong suốt quá trình thực hiện phim dài đầu tay.
Đoàn phim... 3 người
* Từ một chàng trai mê ảo thuật, chọn học công nghệ thông tin (CNTT) cho đến trở thành người dựng phim, quay phim, các công việc đã qua mang đến cho anh những trải nghiệm cần thiết nào để dấn thân với phim ảnh?
- Mê ảo thuật từ những năm học cấp III, tôi dành khá nhiều thời gian tìm hiểu về bộ môn này. Tôi đặc biệt bị thu hút trước các màn trình diễn của bậc thầy ảo thuật David Copperfield và bị cuốn hút ở cách ông truyền cảm hứng cho khán giả. Có rất nhiều người làm ảo thuật nhưng để tạo dựng được điều đó, chỉ duy nhất Copperfield.
Giai đoạn còn học ngành CNTT, tôi thích khám phá những mật mã của các trang web, chơi game sáng tạo, thách thức. Nhờ đó, tôi học được cách tạo dựng không khí trong trò chơi; cách xây dựng bối cảnh, câu chuyện, nhân vật và cách rèn luyện tư duy tìm ra giải pháp. Đa phần mọi người thường nhìn game với ánh mắt thiếu thiện cảm nhưng các trò chơi trí tuệ rèn luyện cho ta rất nhiều kỹ năng. Riêng ngành CNTT bổ trợ cho tôi nhiều kỹ năng liên quan đến máy móc, hiệu ứng, bố cục hình ảnh, âm thanh…
Đó cũng là giai đoạn tôi luôn cảm thấy lạc lõng và cô đơn, sống không có mục đích, không biết mình muốn gì. Trước khi đến với điện ảnh, tôi có chia sẻ với gia đình là mình muốn tìm công việc cân bằng giữa yếu tố kỹ thuật và sáng tạo. Tôi bắt đầu với công việc dựng phim, sau đó là học cách quay, dựng đám cưới. Công việc này dù sáng tạo nhưng vẫn có hạn chế. Đó cũng là lúc tôi tìm thấy tiếng gọi bên trong mình và đi tìm câu trả lời liên quan đến phim ảnh.
* Vậy khi làm phim, anh truyền cảm hứng đến cộng sự bằng cách nào?
-Trong đời sống thường nhật, tôi chỉ là một người hết sức bình thường, thậm chí rất chán. Nhưng, khi được phim ảnh thôi thúc, trong tôi có một nguồn năng lượng khác thuyết phục bạn bè đồng hành và ủng hộ. Làm việc cùng họ cho tôi cảm giác tự do và học được nhiều điều, trong đó có cách kiềm chế cảm xúc. Ngược lại, tôi cũng truyền cho họ ngọn lửa bên trong mình. Tôi cho rằng mỗi người đều có một nguồn năng lượng riêng. Khi có chung đam mê, tất cả sẽ cộng hưởng và đẩy mỗi người đi xa hơn giới hạn thường thấy.
* Những người trẻ làm phim cùng nhau hẳn có nhiều điều để nhớ?
- Gắn bó với tôi lâu nhất là quay phim Đinh Duy Hưng. Chúng tôi là bạn thân từ thuở nhỏ, cùng lớn lên ở Bảo Lộc. Hưng và tôi bắt đầu từ dự án Phim ngắn 48 giờ cho đến Bên trong vỏ kén vàng. Chúng tôi không gặp nhiều khó khăn hay xung đột trong công việc vì cùng quan điểm làm nghề.
Sau này, quen vợ tôi làm cùng công ty, tôi cũng rủ rê, lôi kéo cô ấy nghiên cứu về phim. Mọi người có cùng đam mê và hỗ trợ hết mình để thực hiện tác phẩm. Chúng tôi thường gọi vui ê kíp của mình là đoàn phim 3 người vì từ phim ngắn đến phim dài, cả đoàn có tôi và 2 người bạn, thêm vợ tôi là 4. Có muốn thêm cũng không thể vì kinh phí vô cùng eo hẹp, tài trợ từ các quỹ điện ảnh không nhiều, chưa kể vô số lần chỉnh sửa kịch bản để đi xin kinh phí. May mắn là sau đó tôi có được sự đồng hành của những người bạn từ nhóm làm phim Zorba. Chúng tôi gặp nhau ở tình yêu vô điều kiện với điện ảnh và rất ăn ý với nhau. Mọi người đều có chung nguồn cảm hứng và thôi thúc mãnh liệt để hoàn thành bộ phim này.
* Thử thách ở đây thuộc về…
-Cái khó trong quá trình làm phim là tôi thường sử dụng đúp máy dài, chậm và đôi lúc chuyển động theo nhân vật. Tôi phải dành thời gian tập rất nhiều lần trên hiện trường để tìm sự cân bằng giữa chuyển động của máy quay, nhân vật và nhịp điệu câu chuyện. Việc này khiến tôi mất khoảng 2-3 năm để hoàn thiện quá trình quay phim. Điều khó hơn nữa là tôi muốn sử dụng yếu tố thời tiết, những chất liệu mang tính tự nhiên.
Để tạo ra được không khí của bộ phim, tôi phải chờ đợi thời điểm thích hợp như sương mù, mưa gió. Những cái đó nếu mình tạo ra cũng được nhưng nó sẽ không thật, trong khi tôi cần mọi thứ phải thực sự tự nhiên. Chính vì sự chờ đợi này mà bộ phim phải kéo dài, quay trong khoảng 2 năm, là điều rất khó khăn trong quá trình làm phim.
* Anh cảm ơn vợ đầu tiên trên bục nhận giải, hẳn là có lý do đặc biệt?
- Tìm một người đồng hành trong đời sống đã khó, ủng hộ và đồng hành trong công việc chẳng phải dễ dàng. Vợ ủng hộ tôi ở mọi dự án, chỉ cần đó là điều tôi thích. Cô ấy thích cùng tôi đi làm phim, khảo sát bối cảnh, xây dựng kịch bản. Trong phim này, cô ấy làm sản xuất và thiết kế bối cảnh. Nếu không có vợ tôi, có lẽ đã không có bộ phim này. Tôi vô cùng biết ơn và trân trọng.
Trailer phim Bên trong vỏ kén vàng:
Học được từ chính phim đã làm
* Từng vô định trước khi tìm thấy phim ảnh, điều cốt lõi nào ở phim ảnh cuốn hút và neo anh lại?
- Tôi làm phim bằng đam mê và cảm xúc xuất phát từ bản năng. Nhờ phim ảnh, tôi có thể tạo dựng ra thế giới riêng của mình; chơi đùa với thời gian, không gian, nhân vật... Mọi thứ không có giới hạn, quy tắc hay công thức. Phim ảnh cho phép tôi sáng tạo ra thế giới từ những điều tôi học được trong cuộc sống, góc nhìn, quan điểm của tôi. Khi làm một bộ phim, tôi muốn tạo dựng không khí để người xem đắm chìm vào thế giới của nhân vật. Thú thật là khi xem lại phim mình, tôi cũng bị hút vào đó mà không hiểu tại sao mình tạo ra được điều ấy.
Lẽ đương nhiên, ở phim đầu tay, bạn không bao giờ có đủ kinh nghiệm và kiến thức để làm ra một phim tốt. Bạn chỉ có thể học trong quá trình làm. Nếu đủ may mắn, mình mới nhận ra được cái hay và cái dở trong đó để sửa nó trong phim tiếp theo. Cũng giống như khi làm các phim ngắn trước đó, tôi chỉ làm theo những gì mình nghĩ. Cho đến khi gửi phim đi liên hoan, nghe mọi người phân tích điểm này, điểm kia, từ dàn cảnh đến bố cục… tôi học được thêm từ tác phẩm vừa làm và rút kinh nghiệm trong những tác phẩm tiếp theo. Tôi cho rằng chỉ khi nào hết làm phim thì mình mới hết học.
* Cụ thể, với Bên trong vỏ kén vàng, anh rút được những kinh nghiệm nào?
- Thứ nhất, tập trung vào diễn xuất của diễn viên và tạo dựng nhân vật. Ở phim này, tôi có phần lơ là diễn xuất. Tôi may mắn khi chọn được diễn viên như thể dành cho nhân vật nên khi hóa thân, bản năng cho họ khả năng diễn tốt. Bên cạnh đó, cần nhận ra tình huống mà một số diễn viên không chuyên đưa ra đặc trưng. Khi tạo dựng nhân vật, khán giả sẽ bị hút vào nét đặc trưng đó.
Thứ hai, trang phục và màu phim. Tôi đã không chú ý cho nhân vật mặc gì, màu phim sẽ như thế nào. Tôi làm mọi thứ theo bản năng và cảm nhận, vô tình các thước phim kết hợp với nhau khá ăn khớp và tạo nên không khí đồng nhất. Nhìn thì có vẻ mọi thứ được sắp xếp rất tốt nhưng phải thẳng thắn là không như vậy.
Thứ ba, thiết kế bối cảnh. Đây là vấn đề khá đau đầu. Thoạt tiên, tôi kiên quyết giữ bối cảnh như mình hình dung và tin là mình làm được. Thế nhưng khi bắt tay vào quay, tôi nhận ra dù mình có đủ kinh phí dựng, bối cảnh cũng sẽ không có được độ chân thực. Quá trình làm phim này, tôi học được cách thích nghi. Phải thỏa hiệp và thay đổi quyết định dựa vào những gì xảy đến trong thực tế. Phải mở rộng tâm trí để có quyết định đúng, dựa vào thiên nhiên, con người và xung quanh thay vì chỉ dựa vào ý nghĩ của mình. Nếu sắp đặt nhiều thì phim không thể hay. Tôi tin vào việc thuận theo tự nhiên. Nhờ sự thích nghi kịp thời đó, tôi đã có những cảnh quay không thể làm lại.
Cảnh phim Bên trong vỏ kén vàng. Ảnh do nhân vật cung cấp
* Thành công đầu tay quá lớn có tạo cho anh áp lực, nhất là khi có cả những so sánh và kỳ vọng vào anh với đạo diễn Trần Anh Hùng - người từng đoạt giải thưởng này cách đây 30 năm?
- Cách đây vài ngày, trước khi chìm vào giấc ngủ, nghĩ lại hành trình của phim, đi Cannes rồi thắng giải, được chiếu trên toàn cầu và ở Việt Nam… tôi vẫn thấy mọi thứ khá kỳ lạ và may mắn. Tôi vẫn luôn tự nhủ, giải thưởng gắn liền với bộ phim, còn mình sẽ phải quay lại thời điểm đầu tiên để tìm tòi ý tưởng cho phim tiếp theo.
Ai cũng hỏi phim tiếp theo như thế nào. Chắc chắn sẽ có áp lực từ cái bóng lớn của phim đầu tiên khi thành công đến quá nhanh và quá rõ ràng. Chỉ có thể trả lời rằng ở phim tiếp theo, tôi vẫn giữ phong cách của mình nhưng sẽ chậm lại. Trước hết, mình phải tìm được cái mình muốn chuyển tải. Thông thường, ý tưởng đến thì tôi phát triển rất nhanh, trong vòng 3 tháng xong kịch bản hoàn thiện. Còn nếu ý tưởng chưa đến thì có nghĩ liên tục cũng không thể ra được. Phải sẵn sàng và tỉnh thức để nhận ra khi nào điều đó đến và lên đường.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Thư Hiên (thực hiện)
Ảnh Bobby Nguyễn
Trợ lý dự án: Kiên Võ, Mạnh Phùng - Sản xuất hình ảnh: Ka Nguyễn - Trợ lý sản xuất hình ảnh: Chi Phối phục trang: Harry Võ - Trợ lý phối phục trang: Phạm Huy - Trang điểm và làm tóc: Phạm Tâm
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.