Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Phương Điền: "Vua bánh mì sẽ đậm dấu ấn văn hóa Việt"

15/09/2020 - 19:59

PNO - Dự báo "Vua bánh mì" phiên bản Việt cũng sẽ "hot" không kém phim "Tiếng sét trong mưa" trước đó của đạo diễn - NSƯT Nguyễn Phương Điền.

Sau hơn một năm thực hiện, bộ phim Vua bánh mì phiên bản Việt (remake từ kịch bản ăn khách của Hàn Quốc) sẽ chính thức lên sóng từ ngày 22/9, vào lúc 20g, thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần trên kênh THVL1.

Vua bánh mì phiên bản Việt là dự án phim truyền hình nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả
Vua bánh mì phiên bản Việt là dự án phim truyền hình nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả

Bộ phim đã nhận được sự chú ý đặc biệt của công chúng ngay từ giai đoạn casting diễn viên (từ tháng 3/2019). Nhất là sau thành công của phim Tiếng sét trong mưa, dự án Vua bánh mì phiên bản Việt của đạo diễn - NSƯT Nguyễn Phương Điền càng nhận được nhiều sự đón đợi và kỳ vọng của khán giả.

Qua những thước phim đầu tiên được trình chiếu trong ngày ra mắt phim chiều 15/9, có thể dự báo được phần nào mức độ "ăn khách" của Vua bánh mì khi lên sóng. Chuyện phim được kể với nhiều cảm xúc, kịch tính cùng những cảnh quay được đầu tư chăm chút và những hóa thân khá xuất sắc của các diễn viên (cả chính lẫn thứ, phụ cùng các gương mặt nhí).

Diễn viên trẻ Quốc Huy vào vai vua bánh mì Nguyễn Hữu Nguyện
Diễn viên trẻ Quốc Huy vào vai "vua bánh mì" Nguyễn Hữu Nguyện

Đã có nhiều phim truyền hình Việt hóa nhưng không thành công trước đó, tuy nhiên đối với Vua bánh mì, cả đạo diễn lẫn nhà sản xuất đều tỏ ra khá tự tin. Đạo diễn Phương Điền cho biết, trước khi bấm máy, anh đã trao đổi rất kỹ từng chi tiết trong kịch bản Việt hóa, thực hiện bộ phim trên tinh thần tôn trọng bản gốc nhưng không bê y nguyên mọi thứ vào phiên bản Việt. "Mỗi nền văn hóa đều có sự khác biệt, cho nên theo tôi, Việt hóa không nên quá đặt nặng việc phải làm đúng, làm giống hay cứ chạy theo bản gốc" - đạo diễn Phương Điền nói. 

Kịch bản Việt cũng đã được viết thêm nhiều phân đoạn, vừa để phát triển câu chuyện vừa có thể quảng bá được những cảnh đẹp, văn hóa Việt Nam. "Bản gốc chỉ có 50 tập nhưng ở phiên bản Việt, chúng tôi đã làm đến 80 tập cũng vì muốn kể một câu chuyện chậm rãi hơn. Lời thoại hay những chuyển biến tâm lý của các nhân vật cũng phù hợp với ứng xử, giao tiếp, tình cảm của người Việt. Chúng tôi chỉ mua câu chuyện của Hàn Quốc, còn lại các yếu tố văn hóa, âm nhạc... trong Vua bánh mì phiên bản Việt đều đã được Việt hóa, cân nhắc kỹ lưỡng từng chi tiết" - đạo diễn - NSƯT Phương Điền chia sẻ. 

30 tập phim được viết thêm là dành cho giai đoạn nhân vật Nguyễn Hữu Nguyện - "vua bánh mì" ở tuổi vị thành niên. Trong bản gốc, tuổi thơ - tuổi trưởng thành được chuyển cảnh bằng dòng ghi "12 năm sau". Còn trong kịch bản Việt hóa, khoảng thời gian 12 năm này được viết mới. Đạo diễn Phương Điền nói, anh muốn kể thêm về cuộc đời của Hữu Nguyện ở giai đoạn bơ vơ đi tìm mẹ. Đó cũng là đoạn đời mà nhân vật chính phải trải qua nhiều gian khổ, nghịch cảnh, đối mặt với bao hiểm nguy sóng gió mà trưởng thành. Đảm nhận vai Hữu Nguyện ở giai đoạn này được giao cho diễn viên nhí Tiến Ngô. 

"Hành trình tìm mẹ của Hữu Nguyện khi còn nhỏ có rất nhiều trắc trở, kịch tính, cũng là cách tôi kể thêm với khán giả về một đoạn đời gian nan của "vua bánh mì", để hiểu vì sao anh có cái mũi cực kỳ thính nhạy, cuộc sống vất vả từ nhỏ đã ảnh hưởng đến nhân cách của nhân vật như thế nào. Đồng thời, phần viết thêm này - ngoài việc kết nối xuyên suốt các giai đoạn cuộc đời của nhân vật - còn là cách để tôi thực hiện thêm được nhiều cảnh quay mang đậm dấu ấn văn hóa Việt" - đạo diễn Phương Điền tâm tình. 

Các diễn viên đều phải qua khóa học làm bánh
Các diễn viên đều phải trải qua khóa học làm bánh

Trước khi chính thức khởi quay, anh yêu cầu diễn viên tham gia khóa học làm bánh, để khi lên phim, mọi thao tác nhào bột, làm bánh, trang trí, nướng bánh... đều phải thật thuần thục. Bối cảnh chính được quay tại cửa hàng ABC Bakery (doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo Á Châu Asia Bakery Confectionery). Ông chủ ABC -  doanh nhân Kao Siêu Lực cũng hỗ trợ đoàn phim hết mình, dành riêng một gian phòng làm bánh cho đoàn phim ghi hình trong nhiều ngày liền. 

Phim được quay ở nhiều bối cảnh: TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Lâm Đồng..., với sự tham gia của dàn diễn viên khá hùng hậu. Vai chính "vua bánh mì" được giao cho diễn viên Quốc Huy, cùng các nhân vật Gia Bảo, Lan Anh và Trà Mi, Bạch Công Khanh, Trương Mỹ Nhân, Ngọc Thảo...

Cao Minh Đạt trở lại với vai ông Đạt - chủ tiệm bánh Thành Đạt
Cao Minh Đạt trở lại với vai ông Đạt - chủ tiệm bánh Thành Đạt
Nhật Kim Anh hóa thân vào vai mẹ của Vua bánh mì
Nhật Kim Anh hóa thân vào vai mẹ của vua bánh mì

Dàn bao là những tên tuổi: NSƯT Lê Thiện, NSƯT Hữu châu, NSƯT Trương Minh Quốc Thái, diễn viên Tấn Thi, Phương Dung, Trung Dũng, Thân Thúy Hà... Ngoài ra, sự trở lại của cặp đôi diễn viên Nhật Kim Anh - Cao Minh Đạt (Thị Bình và cậu Ba trong phim Tiếng sét trong mưa) cũng là một điểm nhấn tạo nên sức hút.  

"Trước đây tôi từng từ chối một vai diễn trong phim Việt hóa chỉ vì đạo diễn yêu cầu phải thể hiện sao cho giống với bản gốc nhất. Còn với Vua bánh mì, anh Phương Điền đã cho chúng tôi tự do thể hiện nhân vật theo cảm nhận, rung động của chính mình. Thậm chí là anh góp ý để xây dựng nhân vật trở nên sắc nét hơn" - diễn viên Trương Minh Quốc Thái bày tỏ.

Mỗi vai diễn trong Vua bánh mì phiên bản Việt đều là một dấu ấn đặc biệt - và cũng vô cùng vất vả của các diễn viên. Nói như NSƯT Lê Thiện (vai bà Ngà) hay diễn viên Thân Thúy Hà (vai Ngọc Khuê) thì Vua bánh mì phiên bản Việt đã cho họ những vai diễn được hóa thân đến tận cùng.

Lục Diệp

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • nguyễn phương 16-09-2020 04:29:00

    Dài những 80 tập, coi chừng đi vào vết xe đổ của nhiều phim trước càng dài càng nhạt với những tình huống lê thê khiến người xem mệt mỏi, có thể không coi một hai tập vẫn nắm bắt nội dung như thường.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI