Bén duyên với điện ảnh khi đã chạm ngưỡng 30, đạo diễn Nhất Trung đã trải qua một hành trình nhiều thăng trầm, có lúc rơi vào khủng hoảng, bế tắc khi phim bị gắn mác “thảm họa". Tuy nhiên, anh coi những thất bại cay đắng trong quá khứ là bài học quý giá, giúp bản thân trưởng thành và chinh phục khán giả với nhiều tác phẩm chất lượng hơn.
Phóng viên: Với bộ phim mới nhất - “1990”, anh kể câu chuyện gì về phụ nữ tuổi 30?
Đạo diễn Nhất Trung: 1990 khai thác chủ đề tình bạn và tình yêu từ góc nhìn của phụ nữ tuổi 30. Ba nhân vật nữ trong phim (do Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My và Nhã Phương thủ vai) đều có hoàn cảnh sống, lối sống khác biệt và gặp phải những vấn đề riêng. Khi đứng trước thử thách, họ tư vấn, đưa ra lời khuyên cho nhau nhưng không phải lúc nào cũng tìm được tiếng nói chung. Sau một hành trình, mỗi người sẽ rút ra được bài học để hoàn chỉnh nhận thức của bản thân về tình yêu và các mối quan hệ.
* Với tác phẩm lần này, dường như anh gặp nhiều thuận lợi vì hợp tác cùng các diễn viên thân thiết?
- Đúng vậy. Cả ba bạn đều từng tham gia những phim mang tính cột mốc trong sự nghiệp của Nhất Trung: Diễm My đồng hành cùng tôi từ Tây Du Ký hậu truyện, Lan Ngọc đóng chính trong Cua lại vợ bầu (Cua lại vợ bầu từng lập kỷ lục phòng vé Việt Nam với doanh thu 191.8 tỉ đồng - PV), còn Nhã Phương góp mặt trong phim Hoán đổi do tôi sản xuất và viết kịch bản. Sự gắn bó giúp cho lần hợp tác này giữa chúng tôi rất thuận lợi.
|
Đạo diễn Nhất Trung và dàn diễn viên phim 1990 |
Trong quá trình làm phim, các bạn đã tích cực góp ý cho tôi về cách xây dựng nhân vật, đồng thời hỗ trợ lẫn nhau trong diễn xuất. Nếu có ai đó diễn chưa đạt, những người còn lại luôn sẵn sàng giúp đỡ đến cùng. Tôi cảm thấy rất may mắn khi có một ekip luôn đồng lòng, không nề hà vất vả. Tuy nhiên, cũng vì thế mà tôi chịu áp lực từ sự kỳ vọng, tin tưởng của mọi người.
* Có ý kiến cho rằng phim của anh chỉ được chú ý nhờ dàn diễn viên tên tuổi. Anh nghĩ sao?
- Thông thường, khi chọn diễn viên, tôi không chỉ chọn người hợp vai mà còn chọn người “lạ vai”. Như Trấn Thành vốn hoạt ngôn, sôi nổi nhưng tôi lại mời đóng vai ít nói trong Cua lại vợ bầu, còn Thu Trang quen diễn hài lại được chọn vào vai người mẹ thiểu năng trong Nắng. Cũng có nhiều phim dàn cast không quá nổi tiếng, nhưng với tôi, diễn viên dù đóng vai chính hay phụ, có tên tuổi hay không cũng sẽ được hỗ trợ hết mình.
Với ý kiến trên, tôi thấy cũng đúng chứ không sai. Tuy nhiên, điều quan trọng là có một ekip phù hợp, luôn yêu thương và ủng hộ mình để công việc được thuận lợi.
* Với “1990”, anh trưởng thành ra sao từ thất bại của “Tây Du Ký hậu truyện”?
Khi Tây Du Ký hậu truyện ra mắt và bị chê là thảm họa, tôi từng suy sụp đến mức muốn bỏ nghề. Cái Tết năm đó tôi không dám ra đường, ba mẹ không dám đi nhà thờ vì xấu hổ. Nhiều người trong ekip cũng rời bỏ tôi vì thất vọng, sợ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cú sốc này giúp tôi ngộ ra điện ảnh không giống như mình nghĩ. Cuộc chơi thực sự vô cùng khắc nghiệt, nếu làm phim mà không chạm đến cảm xúc của khán giả thì rất khó được đón nhận. Đây là bài học thấm thía mà tôi rút ra cho các sản phẩm sau.
Khi thực hiện 1990, tôi và cả ekip đã cùng ngồi lại để bàn bạc kỹ lưỡng về vấn đề này. Trước hết, phải làm cho khán giả tin nhân vật thì mới tạo được sự đồng cảm. Trong phim, ba bạn diễn viên chính có sự tương đồng nhất định với nhân vật về tuổi tác và trải nghiệm đời sống. Cả ba đều sinh năm 1990, tức là đã bước vào ngưỡng 30 rồi. Chúng tôi dựa vào đó để xây dựng, phát triển tâm lý nhân vật, giúp đảm bảo sự chân thực và thuyết phục khán giả.
Bên cạnh đó, phim cũng khai thác những câu chuyện quen thuộc theo hướng mới mẻ, tập trung vào những góc khuất trong cảm xúc con người. Chúng tôi muốn làm cho người xem bất ngờ thay vì sa vào lối mòn của thể loại. Tuy vậy, nội dung phim vẫn sẽ rất gần gũi, đời thường chứ không gây sốc để câu khách.
* Quay phim và ra mắt phim đúng thời điểm dịch COVID-19, anh đã gặp phải khó khăn gì?
- Trong giai đoạn này, những khó khăn mà các đoàn phim gặp phải là không đếm xuể. Quá trình quay của chúng tôi bị gián đoạn nhiều lần vì dịch bệnh, gây thất thoát kinh phí không nhỏ, rồi phải làm sao để kịp tiến độ mà vẫn tuân thủ quy định giãn cách. Khi phim ra mắt thì lại lo dịch bùng phát trở lại, ảnh hưởng đến hệ thống rạp chiếu.
Tuy nhiên, đây là khó khăn chung nên mình cũng không thể than phiền, kêu ca được. Ở thời điểm hiện tại, tôi chỉ mong các nhà sản xuất, nhà làm phim và đơn vị phát hành dẹp tâm lý cạnh tranh qua một bên để cùng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, chung tay đưa khán giả trở lại rạp. Sự hưởng ứng tích cực của khán giả đối với các phim Việt đang chiếu rạp như Bố già, Gái già lắm chiêu khiến tôi thực sự phấn khởi.
* Còn với phim của mình, anh kỳ vọng ra sao về doanh thu?
- Đây đã là bộ phim thứ 6 tôi đạo diễn nên vấn đề doanh thu không còn quá quan trọng. Tất nhiên, làm phim mà bảo không quan tâm đến doanh thu thì vô lý quá, nhưng ở thời điểm này, tôi chỉ mong được khán giả và anh chị em trong nghề yêu thương, đón nhận. Suốt 11 năm qua, tôi nếm trải đủ những thăng trầm nên chỉ hy vọng tiếp tục được sáng tạo, được đi con đường riêng và được mọi người ủng hộ, còn lại thì hãy để người xem quyết định.
Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!
Nguyễn Minh (thực hiện)