Gặp đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sau những ngày bộ phim Dạ cổ hoài lang công chiếu, thấy anh vui vì bộ phim đem lại được nhiều cảm xúc cho khán giả. Hỏi Dũng làm một bộ phim mà trước đó đã quá nổi tiếng với những bản dựng trên sân khấu kịch anh có gặp nhiều áp lực hoặc hạn chế sự sáng tạo không, anh nói bằng giọng nhẹ như không: “Làm phim nào cũng gặp áp lực này kia. Riêng phim Dạ cổ hoài lang thì cái khó là phải chờ mùa tuyết rơi ở Canada mới quay được, vậy thôi à”.
Nguyễn Quang Dũng luôn nhìn mọi chuyện trong cuộc sống nhẹ nhàng như thế, ít khi nào than thở hoặc để mình rơi vào trạng thái căng thẳng lâu. Ngay cả khi anh kể một câu chuyện và kết luận bằng chữ “Mệt” thì người nghe cũng chẳng thấy mệt. Có lẽ vì vậy mà những người nói chuyện và chơi cùng anh dễ cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực tỏa ra từ anh và thấy rằng thời gian ở bên người bạn của mình thật dễ chịu.
- Từ khi nào anh nghĩ rằngmình sẽ làm bộ phim Dạ cổ hoài lang và thuyết phục nhà sản xuất để làm có dễ dàng không?
- Khi mình trả lời được những câu hỏi của nhà sản xuất thì họ để mình làm thôi. Với phim này, chỉ có bối cảnh là trật giuộc, ban đầu định quay ở NewYork nhưng ở đó đắt đỏ quá lại ít có tuyết nên chúng tôi dọn qua Canada. Khi chúng tôi qua Canada lại không còn tuyết, vậy là đợi năm sau.
Tôi bắt đầu nghĩ về việc làm bộ phim này từ năm 2012 hay 2013 gì đó. Thật ra thì trước đó khá lâu tôi có nghĩ tới rồi, nhưng thấy việc đi nước ngoài quay phim vào thời điểm đó là quá khó nên... để đấy. Sau này thì việc đi quay ở nước ngoài cũng dễ dàng, thiết bị quay nhỏ gọn hơn nên đem theo được, thậm chí có thể qua đến đó rồi thuê thiết bị, vậy là làm.
- Chuyển một kịch bản sân khấu thành kịch bản phim điện ảnh của dự án này như thế nào vậy anh?
- Chúng tôi mất gần một năm để làm kịch bản. Anh Thanh Hoàng viết thêm vài cảnh, tôi biên tập rồi đưa qua cho Thái Hà - một bạn biên kịch đang sống ở Mỹ - xem có phù hợp không, vì thời điểm anh Thanh Hoàng viết kịch bản thì ê kíp làm vở kịch đó chưa ai đi Mỹ.
- Tôi thích phim Dạ cổ hoài lang nhưng cảnh ông Tư treo những bức tranh vẽ phong cảnh quê hương trong ngày giỗ vợ thì nói thật là không thích lắm, vì thấy nó khá sơ sài...
- Tôi thừa nhận là đối với cảnh đó thì phim không thể làm theo kịch. Sân khấu có lợi thế ở tính ước lệ nên chỉ cần hai ônggià chỉ ra hướng xa xa rồi kể về quê hương của mình là đã khiến khán giả cảm động rồi, vì nó khiến cho mỗi người tưởng tượng khác nhau về quê hương của mình.
Còn trong phim, tôi làm thực tế hơn, chỉ một mảnh vải trắng đơn sơ vẽ cảnh quê hương. Ban đầu, tôi cũng thử cho treo nhiều hình vẽ lên, nhưng thấy kỳ lắm, nếu các bức vẽ không đẹp thì khung hình cũng không đẹp mà các bức vẽ đẹp quá thì lại không thực tế.
- Tôi cũng tiếc cho nhân vật bạn trai của cô cháu gái, quá nhạt nhòa. Sao anh không khai thác thêm nhân vật này?
- À, điều này tôi có nghĩ tới, nhưng tính đi tính lại thấy mình ham kể nhiều thì đâm ra chuyện phim bị loãng. Nhân vật ông Năm Triều cũng vậy, tôi không muốn khai thác thêm. Với lại, tôi thấy nếu cho anh bồ của Tammy về Việt Nam rồi ca ngợi Việt Nam này nọ thì có vẻ khiên cưỡng. Tôi thích đẩy mọi việc tới cùng, nếu nói con trai ông Tư vì mặc cảm tội lỗi nên chối bỏ quê hương thì con gái anh ta cũng không được dạy về tình yêu quê hương, thậm chí là ghét con trai Việt Nam, vì vậy tôi chọn nhân vật đó là một người Mỹ.
- Quan điểm làm phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cách đây hơn 10 năm, từ những ngày đầu làm phim, đến bây giờ có khác nhau nhiều không?
- Cũng có khác nhau, tùy từng thời điểm, nhưng vẫn có một điểm chung là thị trường thiếu cái gì thì tôi làm cái đó. Khi thị trường phim Việt chưa có phim về kỹ xảo thì tôi làm Nụ hôn thần chết, chưa có phim cho tuổi teen thì tôi làm Nụ hôn thần chết 2, chưa có phim ca nhạc thì tôi làm Những nụ hôn rực rỡ, chưa có phim cổ trang thì tôi làm Mỹ nhân kế, còn giờ thiếu những phim chậm và đời hơn thì tôi làm Dạ cổ hoài lang. Mỗi phim đều cho tôi những trải nghiệm mới mẻ.
Chắc có lẽ vì tôi thần tượng đạo diễn Lý An, có vẻ làm chẳng phim nào giống phim nào nhưng vẫn có một mạch chung, nên không đóng khung mình trong thể loại phim, tôi làm bất kể thể loại gì, câu chuyện gì nhưng kể bằng cách của mình.
|
Cảnh trong phim Dạ cổ hoài lang. Diễn viên Hoài Linh (vai ông Tư Lành) đơn độc trên đất khách quê người |
- Những năm gần đây xuất hiện nhiều đạo diễn trẻ khiến cho không khí làm phim ở Việt Nam sôi động hơn. Anh thích làm phim trong môi trường sôi động như vậy hay một mình mình làm ngôi sao?
- Dĩ nhiên về cá nhân thì mình làm ngôi sao hơn, nhưng rõ ràng cuộc sống phải thay đổi.
- Vì sao nhiều bạn trẻ thích làm phimnhư vậy, theo anh?
- Thời buổi này có các thiết bị để làm một bộ phim dễ dàng hơn nên mấy em cũng hào hứng. Đội ngũ đạo diễn trẻ thời điểm này theo tôi là mạnh, thời của tôi chỉ được vài người.
Nếu so sánh thời điểm bắt đầu của tôi thì mấy em giỏi hơn. Thời của tôi ít phim Việt và đang có xu hướng ủng hộ phim Việt nên nhiều khi mình làm phim chỉ 5, 6 điểm cũng được khen. Bây giờ, các đạo diễn trẻ gặp cái khó là lúc nào cũng có phim Việt Nam để coi, phim hay của thế giới thì cũng ngay lập tức có mặt ở các rạp nên dễ bị so sánh.
Cái khó khăn lớn nhất là mỗi ngàykhán giả đều được coi phim hay nên khả năng thưởng thức ngày càng cao và cũng đòi hỏi nhiều hơn. Phim ảnh “dã man” ở chỗ là khán giả không cần biết anh đầu tư bao nhiêu và các rạp thì đâu có bán vé phim Việt thấp hơn phim nước ngoài.
- Anh nghĩ rằng mình phải cạnh tranh với các bạn trẻ hay các bạn phải cạnh tranh với mình?
- Chúng tôi cạnh tranh về thị trường. Cạnh tranh thì mới phát triển, mình không cạnh tranh thì sẽ bị cũ, thậm chí là bị… chết. Tuy nhiên văn hóa nghệ thuật nó khác, khi mình có tiếng nói riêng sẽ có vị trí riêng. Thời trẻ tôi cũng trải qua thời điểm muốn làm phim ăn khách nhất, bây giờ thì tôi làm những bộ phim mình muốn.
|
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang hướng dẫn diễn viên |
- Mơ ước lớn nhất của anh trong điện ảnh là gì?
- Mơ ước lớn nhất của tôi chẳng liên quan đến bộ phim nào. Tôi mong Việt Nam có luật điện ảnh, có các nghiệp đoàn về điện ảnh như đạo diễn, biên kịch, phát hành… để bảo hộ cho người làm nghề trong nước. Đó mới là điều làm nên một nền điện ảnh chuyên nghiệp chứ không phải những bộ phim hay.
- Thời điểm nào trong quátrình làm phim dễ làm anh sảng khoái nhất?
- Đó là lúc tôi mới bắt đầu nghĩ ra một dự án mới, khi đó tôi thấy mình nhiều mơ mộng và nhiều năng lượng, còn khi bắt tay vào làm thì nhiều áp lực.
- Vậy mà ít khi nào nghe anh nói về những áp lực một cách nặng nề, không phàn nàn về nhà sản xuất keo kiệt, điều kiện làm phim khó khăn, gu khán giả kỳ quá...
- Luật chơi là do mình đề ra, điều kiện làm phim như thế nào mình đã biết, diễn viên thì do mình chọn mà, còn khán giả thì người ta không trách mình thôi chứ mình trách gì, có chăng là buồn chút thôi, vậy thì phàn nàn vì điều gì.
- Nếu bây giờ cho anh làm một bộ phim mà được bỏ qua kinh phí, bỏ qua khán giả mà chỉ để anh phiêu du thôi thì anh sẽ làm gì?
- Tôi không bao giờ bỏ qua khán giả được, đó là điều chắc chắn. Làm một bộ phim như mình kể một câu chuyện, phải có người nghe và đồng cảm.
- Vậy thì thể loại hay đề tài nào anh muốn làm mà chưa làm được?
- Phim về chiến tranh, có rất nhiều câu chuyện hay về chiến tranh. Tôi nghĩ khi đứng giữa sự sống và cái chết là lúc người ta… con người nhất, không tô vẽ gì cả. Đừng nhìn chiến tranh để phán xét đúng sai mà nhìn về những thân phận con người trong các cuộc chiến. Chiến tranh là đề tài hay muôn thuở. Thế giới đã có rất nhiều bộ phim hay và kinh phí tôi nghĩ không nhiều như No man’s land - một bộ phim về chiến tranh mà tôi đánh giá là hay nhất.
- Có thể cảm nhận được các anh sống và làm phim cứ rõ ràng trước mắt mọi người, không nhiều ẩn ý và chẳng tỏ vẻ gì… huyền bí.
- Thật ra nó cũng bình thường. Mình là người Nam bộ nên thấy trong cuộc sống cái gì cũng rõ ràng thì thú vị. Dĩ nhiên cũng có cái bên trong nhưng thật ra con người bên trong của người Nam bộ là không cố ý sâu sắc. Ai khen tôi sâu sắc là tôi không thích. Cái hồn nhiên mới là điều quý báu trong cuộc sống. Một xã hội mà nhiều người sâu sắc quá thì chứng tỏ đó là một xã hội phức tạp, còn một xã hội tốt thì con người sẽ hồn nhiên.
- Cách sống đó có lẽ sẽ làm anh không bị stress kéo dài?
- Trong cuộc sống không nên để bị stress. Hồi ba còn sống, ông không bao giờ hỏi tôi về chuyện kiếm tiền mà thường nói: “Mày lo giữ gìn sức khỏe nha mày, bớt bớt làm đi”, tôi mới thấy là thật ra trong cuộc sống sức khỏe mới là điều quan trọng nhất. Tôi sợ nhất là stress, đó là khi các cơ quan bên trong cơ thể mình bị rối loạn nên sẽ sinh bệnh.
- Anh với ba anh giống nhau nhiều không, về mặt tính cách?
- Tôi thấy mình không giống lắm, mà nhiều người cứ bảo tôi giống, tôi thấy chỉ có đặc điểm nhiều bạn bè là giống ông già thôi.
- Lúc nào anh thấy mình nuông chiều bản thân nhất?
- Tôi không tham làm việc đâu, tôi lười biếng mà, những gì hồi giờ tôi nhận làm chỉ là 30% công việc các nơi mời thôi. Tôi muốn giữ cuộc sống thoải mái, vậy nên tôi làm đủ sống, đủ vui là được rồi, làm thêm chút nữa là sẽ mất vui. Kiếm thêm mấy tỷ nữa với tôi cũng vậy thôi, chẳng giàu hơn, mà kiếm thêm nhiều hơn nữa thì làm không nổi. Ngoài giờ làm tôi thích đi đây đi đó, ngồi cà phê tán dóc với bạn bè, chơi thể thao… Vậy là vui rồi.
- Vậy thì điều anh thấy thiếu hụt nhất trong cuộc sống là gì?
- Cái tôi thấy thiếu hụt nhất trong cuộc sống là không có sự thay đổi về môi trường. Tôi ngưỡng mộ những người đã kinh qua những cuộc chiến, sau đó thành công và trở về… là kiểu người vượt qua biến cố và phải thành công thì khi đó nhìn lại biến cố mới thú vị.
- Nếu điều đó xảy ra với anh thì chắc anh sẽ làm phim khác hiện giờ?
- Chắc có lẽ sẽ hay hơn, sâu sắc hơn… Nhưng mà tôi đâu có mong đời mình nhiều biến cố (cười).
Hạnh Nhỏ