Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh: Tôi muốn nhận diện chính mình

23/12/2017 - 06:30

PNO - Đạo diễn 26 tuổi Nguyễn Phi Phi Anh từng rất nổi tiếng với loạt ba vở nhạc kịch: 'Góc phố danh vọng', 'Đêm hè sau cuối' và 'Mộng ước không xa vời'.

Đạo diễn 26 tuổi Nguyễn Phi Phi Anh từng rất nổi tiếng với loạt ba vở nhạc kịch: Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối và Mộng ước không xa vời. Mới đây “chàng trẻ tuổi” lại được mời vào vị trí giám đốc hãng phim hoạt hình Vintata. Không hy vọng Phi Phi Anh sẽ vẽ nên diện mạo mới cho phim hoạt hình Việt Nam, hay đặt nó vào bản đồ hoạt hình thế giới, nhưng khá nhiều người chờ đợi tín hiệu tốt từ anh. Phi Phi Anh cũng được kỳ vọng sẽ góp phần đưa chú khỉ Monta trở thành một đại diện của phim hoạt hình Việt Nam.

Hỏi chàng giám đốc thế hệ 9X có áp lực với trọng trách và kỳ vọng của mọi người không, Phi Phi Anh trả lời giản dị: “không nhất thiết phải gồng lên, đặt ra những sứ mệnh lớn lao. Mục tiêu trước mắt của tôi đơn giản là có những tác phẩm hay, chạm được vào trái tim người xem. Chỉ cần vậy thôi, tác phẩm có thể đi rất xa, tạo được những điều bất ngờ”. Phi Phi Anh là vậy, cá tính và luôn ẩn chứa những điều bất ngờ phía sau gương mặt trẻ thơ với nụ cười hiền - một sự tương phản thú vị.

Dao dien Nguyen Phi Phi Anh: Toi muon nhan dien  chinh minh

Đêm hè sau cuối

* Sau tiếng vang của Góc phố danh vọng, khán giả mê nhạc kịch đang ngóng đợi tác phẩm tiếp theo, tại sao Phi Phi Anh bất ngờ rẽ sang hướng khác?

- Tôi đam mê nhạc kịch, dốc toàn tâm, toàn lực cho nó và làm rất nghiêm túc. Điều đó không có nghĩa tôi sẽ gắn với nhạc kịch suốt đời. 5 năm trước, nhạc kịch khá mới mẻ nên tôi thích thử nghiệm. Bây giờ có nhiều người làm nên tạm thời tôi dừng chân, bước sang lĩnh vực mới mẻ hơn. Thêm nữa, sau ba vở nhạc kịch, tôi nghĩ cũng đã đến lúc mình cần dừng lại để tiếp tục đầu tư, suy nghĩ. 

* Năm 21 tuổi dám dốc túi làm vở nhạc kịch đầu tiên không cần xin tài trợ, nghĩ lại, anh có thấy mình bạo gan?

- Thực ra tôi có gõ cửa tìm tài trợ, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Lúc đó hay bây giờ nghĩ lại, tôi đều thấy đó là chuyện rất bình thường. Nếu là doanh nghiệp, tôi cũng không có cơ sở nào để tin vào khả năng của một người quá trẻ. Cuộc sống không tự nhiên mà có, mình phải đánh đổi chứ. Làm hai vở nhạc kịch đầu tiên, tôi tự bỏ tiền túi. Phải có gan làm, có gan chịu. Có bỏ ra mới xứng đáng được hưởng. Sao có thể trông chờ việc người khác bỏ tiền cho mình thử nghiệm? Muốn bay bổng với sáng tạo cá nhân mà bắt người khác phải bỏ tiền, chấp nhận rủi ro cho mình thì quá phi lý.

* Nhưng đầu tư chất xám cho tác phẩm nghệ thuật, rồi lại phải chấp nhận cả rủi ro về tài chính thì liệu có thiệt thòi cho người sáng tạo?

- Tôi không nhìn lợi nhuận theo kiểu đó. Không thể vì lỗ vốn khi đầu tư vở đầu tiên mà không tiếp tục làm vở thứ hai, hoặc quáng quàng đi tìm nhà tài trợ để cùng chịu lỗ với mình. Tôi có thể mất hàng chục triệu, nhưng đến một lúc nào đó có thể kiếm được hàng trăm triệu, thì những lỗ lã ngày xưa không là gì cả. Mình cần nhìn dài hơi hơn. Đôi khi để có một trận thắng mình phải chịu thua cả chín trận trước đó. Trong nghệ thuật, không thể đánh giá thành công hay thất bại nếu chỉ qua một, hai vở đầu tiên. Tôi không có nhiều tiền, nhưng nếu nghĩ nhỏ thì sẽ không bao giờ có thể ăn to. 

Dao dien Nguyen Phi Phi Anh: Toi muon nhan dien  chinh minh

Góc phố danh vọng

* Học nghệ thuật ở Mỹ - đất nước có nền nghệ thuật phát triển như một ngành công nghiệp, anh có gặp khó khăn không khi áp dụng chúng trong điều kiện hạn chế như Việt Nam?

- Theo tôi, việc thiếu công nghệ, thiết bị… chỉ đúng với một số ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học. Làm nghệ thuật, 99% thuộc về yếu tố con người. Chẳng hạn, trong một vở diễn, nếu diễn viên không tài năng, ê-kíp sáng tạo không giỏi thì sân khấu có hoành tráng, ánh sáng có lộng lẫy đến đâu, vở diễn vẫn không thể hay. Nghệ thuật phải hướng vào trái tim, vào cách tác phẩm đó tác động đến tâm hồn người xem. Một tác phẩm vô hồn thì dù đầu tư kỹ thuật hiện đại đến mấy cũng không thể lay động khán giả. Quan điểm của tôi, khi làm nghệ thuật thì đừng nhìn vào những gì mình thiếu, hãy nhìn vào những gì mình có. 

* Anh là một người trẻ, cá tính rất mạnh. Làm cách nào để anh dung hòa được cái tôi và nhu cầu khán giả trong tác phẩm của mình?

- Tôi luôn tôn trọng khán giả, luôn nhắc mình họ là những người xem rất thông minh, trải đời hơn mình nên phải làm sao để có thể chinh phục họ. Không thể sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật bằng suy nghĩ: “Cứ cho ra đời một tác phẩm, đơn giản vì số đông khán giả chỉ cần có thế”. Dù sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật đơn giản, không quá cầu kỳ, nhưng tôi chọn cách kể sao cho mọi đối tượng khán giả đều có thể cảm nhận tác phẩm theo cách riêng. Tôi quan niệm, một tác phẩm nghệ thuật tốt là phải chinh phục được tất cả đối tượng khán giả.  

Dao dien Nguyen Phi Phi Anh: Toi muon nhan dien  chinh minh

Mộng ước không xa vời

 * Đặt khán giả lên trên hết, có bao giờ anh bị dao động với việc phải chiều chuộng họ, bởi ranh giới này là rất mong manh? 

- Tôi không cảm nhận điều đó. Sân khấu có nhiều cách làm khác nhau. Có người đưa diễn viên ngôi sao vào tác phẩm của mình và lý giải họ “chiều khán giả”. Tôi lại cho cách làm đó là chiều chuộng chính người thực hiện tác phẩm, bởi có ngôi sao sẽ bán được vé, đảm bảo doanh thu. Nếu gọi là chiều chuộng khán giả thì phải làm sao để họ tâm phục khẩu phục tác phẩm của mình. 

Tôi phân định rạch ròi: khi xây dựng tác phẩm sẽ hướng đến phục vụ khán giả, bởi mình cũng là một người xem. Nhưng khi sản xuất tác phẩm, sẽ chọn lựa những yếu tố phù hợp. Là người sáng tạo mà không yêu thích tác phẩm của mình thì làm sao đòi hỏi người khác cũng yêu thích? Tôi nghĩ chẳng ai viết ra được một tác phẩm nghệ thuật mà họ không cảm thấy thích thú. 

* Được học bổng 5 năm cho ngành sân khấu - điện ảnh của Đại học Hampshire, Massachusetts (Mỹ), anh không chọn học chuyên ngành mà tự thiết kế một chương trình học cho riêng mình? 

- Điều tôi gặt hái được trong thời gian du học là học để được là chính mình. Tôi không học để trở thành đạo diễn điện ảnh hay đạo diễn nhạc kịch, mà học để có thể “nhận diện” chính mình, hiểu mình có thế mạnh ở lĩnh vực nào và tập trung toàn lực cho nó. 

Mọi người vẫn nghĩ muốn làm tốt cái gì thì phải học tốt về cái đó, tôi không nghĩ thế. Tôi muốn học nhiều thứ để biết mình giỏi nhất điều gì, hơn là cố gắng theo đuổi những điều không biết chắc có giỏi hay không, để rồi sẽ cố làm việc mà mình không giỏi. Tôi chọn cách học để được là chính mình, để làm những điều mình mong muốn hơn là phải học để trở thành ông này, bà kia, bằng này, cấp nọ… 

Dao dien Nguyen Phi Phi Anh: Toi muon nhan dien  chinh minh

* Tạo tiếng vang với vở nhạc kịch đầu tiên Góc phố danh vọng khi mới 21 tuổi. 26 tuổi đã trở thành giám đốc hãng phim. Thành công khi còn rất trẻ, anh có nghĩ đó là may mắn?

- Suốt 5 năm gắn với nhạc kịch, tôi cảm nhận mình có quá nhiều duyên may, đưa tôi đến gần với những cơ hội để làm điều mình mong muốn. Nhưng khi được đặt trước một cơ hội nào đó, mình phải có “vốn liếng” để biến nó thành hiện thực. Với suy nghĩ đó, tôi thích mọi việc phải luôn có sự chuẩn bị. Để khi gặp bất kỳ người nào, mình phải có gì đó để “nói chuyện” với họ, nhưng sự chuẩn bị không phải theo kiểu tính toán, mà là tích lũy mỗi ngày. Trong tâm thế đó, áp lực công việc chỉ đến khi tôi bắt tay vào việc với suy nghĩ phải làm sao cho tốt hơn. Khi chưa sáng tạo, tôi không đặt áp lực cho mình bởi cuộc sống vốn đã có quá nhiều áp lực do tôi tự đặt ra. 

* Anh tự đặt áp lực cho mình? Điều này có liên quan đến phụ huynh? 

- Áp lực là từ chính tôi. Trong cuộc sống, tôi luôn đặt cho mình những mốc thời gian. Ở tuổi này, những cột mốc sẽ ngắn hơn, do vậy tôi luôn thấy mình không đủ thời gian. Tôi may mắn và hạnh phúc vì bố mẹ không ép tôi theo khuôn mẫu của xã hội. Họ nuôi tôi lớn, cho tôi tự do quyết định cuộc đời mình. 

Bố mẹ tôi có cách dạy con rất khác, họ muốn tôi độc lập từ khi còn là học sinh tiểu học. Họ cho tôi hiểu, để độc lập được thì cần phải giỏi. Tôi từng bị ép học rất nhiều và ước mơ được đi du học. Biết được điều đó, mẹ tôi khẳng định dứt khoát: con muốn đi du học thì phải tự tìm học bổng. Tôi đã làm được điều mình muốn: tìm được học bổng toàn phần của trường công lập Anglo Chinese School (ACS) - Singapore. Có lẽ tính cách của tôi được hình thành từ cách dạy con của mẹ: phải làm cho bằng được để chạm đến ước mơ. 

Tốt nghiệp cấp III, tôi lại tìm được học bổng đại học. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy mình vất vả nhiều, nhưng thành công cũng không ít. Tôi biết mình sẽ còn vất vả, nếu tiếp tục muốn thành công. Bố mẹ hiểu tôi đang đi theo lộ trình riêng. Tôi chưa đi được đến Z, nhưng ít ra cũng đã đi được đến C, đến D và rất độc lập như bố mẹ từng mong muốn. 

Dao dien Nguyen Phi Phi Anh: Toi muon nhan dien  chinh minh

* Rất nhiều lời mời anh vào Sài Gòn. Một lúc nào đó anh sẽ Nam tiến? 

- Tôi từng muốn vào Sài Gòn để được thử sức với môi trường làm việc mới. Nhưng văn hóa giữa hai miền rất khác, một khi đã làm nghệ thuật thì không thể bỏ qua yếu tố này. Tôi chỉ có thể vào Sài Gòn khi đã hiểu rất rõ về nơi ấy. Bây giờ thì chưa, Sài Gòn với tôi còn lạ lẫm lắm!

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.  

 Thảo Vân (thực hiện) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI