Ba năm sau Ống kính sát nhân, đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng giới thiệu đến người xem tác phẩm mới: Song song (khởi chiếu ngày 2/4). Không còn ôm đồm vừa viết kịch bản vừa đạo diễn như Ống kính sát nhân, lần này Nguyễn Hữu Hoàng chỉ giữ vai trò đạo diễn. Sự tập trung này, cộng thêm điểm yếu kịch bản không còn (phim làm lại từ tác phẩm giật gân tâm lý nổi tiếng Mirage của Tây Ban Nha), Song song được Hoàng kể tự nhiên, trơn tru, không còn “gồng” như Ống kính sát nhân.
Khai thác đề tài hiệu ứng cánh bướm (một thay đổi trong quá khứ có thể làm thay đổi hệ quả trong tương lai), phim là hành trình của một người phụ nữ tìm cách sửa chữa sai lầm khi cố tình thay đổi quá khứ để cứu sống một cậu bé. Như tựa đề, chuyện phim diễn ra cùng lúc ở hai mốc thời gian cách nhau 20 năm (1999 và 2020) nên cách kể đòi hỏi sự uyển chuyển để mạch phim không bị ngắt quãng khi đan xen hai dòng thời gian quá khứ và hiện tại. Ngoài ra, còn cần có lớp lang để giữ tính hợp lý (logic) cho các tình tiết, cú lật (twist), Nguyễn Hữu Hoàng làm tương đối tốt điều này.
|
Nguyễn Hữu Hoàng chỉ đạo diễn xuất cho Nhã Phương trong Song song |
Với Ống kính sát nhân, Hoàng như người mở đường khai thác chủ đề tâm lý tội phạm khá mới mẻ trên màn ảnh rộng. Còn với Song song, một lần nữa vị đạo diễn 9X cho thấy niềm đam mê đặc biệt đối với dòng phim ly kỳ giật gân (thriller) và thích tìm tòi yếu tố mới. Nói về lý do cả hai phim đều là thriller, Hoàng chia sẻ: “Đây là một thể loại khó tiếp cận khán giả Việt Nam, tuy nhiên nó lại là thể loại tốt để bắt đầu cho những người làm phim khi có những yếu tố về tốt - xấu - tội ác… Đây cũng là thể loại phim tôi yêu thích và chịu ảnh hưởng”.
Hiếm có đạo diễn trẻ nào dám mạo hiểm lần nữa ở thể loại cũ sau khi phim đầu tay thất bại, nhưng Hoàng thì khác. Anh cho rằng: “Việc Ống kính sát nhân chưa thành công không tạo bất cứ áp lực hay cảm giác tiêu cực nào cho tôi. Tôi nghĩ người xem chưa đón nhận Ống kính sát nhân vì phim chưa đủ đơn giản và hấp dẫn đối với họ”.
Sự tìm tòi cái mới ở Hoàng còn được thấy ở khâu chọn diễn viên khi anh mạnh dạn giao cho họ những vai diễn khác với hình ảnh quen thuộc. Ở Ống kính sát nhân, Hoàng yêu cầu Hứa Vỹ Văn từ bỏ hình tượng “soái ca” để thử sức với dạng vai có tâm lý nặng nề, để rồi sau Ống kính sát nhân, Hứa Vỹ Văn có thêm nhiều vai diễn có sức nặng tương tự (Tiệc trăng máu, Trái tim quái vật).
|
Hứa Vỹ Văn được Hoàng biến từ hình tượng “soái ca” sang dạng vai có tâm lý nặng nề |
Với Song song, Hoàng “lật mặt” diễn viên Tiến Luật từ người chuyên trị vai hài thành nhân vật phản diện: kẻ sát nhân. Nếu đã xem Song song, hẳn khán giả đều thừa nhận sắp tới màn ảnh Việt có thêm một diễn viên phản diện ấn tượng vì khuôn mặt râu ria, cái đầu hói và đôi mắt của Tiến Luật lên phim nhìn “khiếp vía”. Tiến Luật tiết lộ bản thân anh cũng rất ngạc nhiên khi được mời thử vai, thậm chí còn tưởng nhà sản xuất gọi điện nhầm. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kịch bản và được đạo diễn thuyết phục, anh vô cùng hứng thú và quyết định nhận lời. Về phần Hoàng, anh cho biết mình nhìn thấy trong ánh mắt và cử chỉ của Tiến Luật có điểm tương đồng với vai kẻ giết người trong Song Song.
Qua hai phim đã làm, khán giả cũng nhìn thấy tư duy làm phim duy mỹ của Hoàng. Khó có thể chê được khâu hình ảnh của Ống kính sát nhân và Song song, khi mà từ bối cảnh cho đến đạo cụ, phục trang đều được chăm chút tỉ mỉ. Thậm chí sự khó tính của anh còn ở mức cực đoan khi trong phim Ống kính sát nhân, anh yêu cầu diễn viên không được trang điểm để lên phim thật chân thật.
Chỉ đạo diễn xuất cho nhiều diễn viên nổi tiếng khi tuổi đời - tuổi nghề còn ít, hỏi Hoàng liệu có “khớp” không, anh bình thản đáp: “Tôi nhìn diễn viên như là nhân vật của phim, tôi không quan tâm tới chuyện họ nổi tiếng hay mới lần đầu đi làm. Đó là mối quan hệ công việc mà hai bên cùng nhau tạo ra bộ phim tốt. Mỗi khi ra trường quay, tôi chỉ tập trung vào từng cảnh để có kết quả tốt nhất. Tôi không có thời gian để ý người ta nghĩ gì về mình.
Trailer phim Song Song:
Có một điều ít ai biết, suýt chút nữa điện ảnh Việt không có một đạo diễn như Hoàng, bởi ban đầu anh không có ý định theo ngành này. Hoàng tiết lộ: “Tôi sang Malaysia để học về thiết kế đồ họa. Trong một lần làm bài tập, tôi được tiếp xúc với máy quay, cảm thấy vô cùng hứng thú và muốn quay lại mọi thứ với nó. Từ đó tôi theo học làm phim. Phim ảnh là một loại hình giải trí quan trọng, cho người xem nhiều cảm xúc. Người làm phim có được may mắn hơn khán giả là có cơ hội không chỉ xem mà còn tạo ra bộ phim. Tôi bắt đầu làm nghề như một người mê phim, và đó là thứ giúp tôi nhận được sự giúp đỡ của mọi người”.
Mê phim và theo đuổi công việc làm phim, lại còn trẻ, nhiều người hẳn nghĩ Hoàng sẽ chăm chỉ xem phim Việt để rút tỉa kinh nghiệm, tuy nhiên khá bất ngờ khi anh nói rằng: “Tôi muốn hiểu khán giả và kết nối trực tiếp với họ bằng phim của mình, thay vì làm theo phim của người khác. Vậy nên tôi xem rất ít phim trong nước”.
Hương Nhu