edf40wrjww2tblPage:Content
Đập cánh giữa không trung dài 98 phút được Nguyễn Hoàng Điệp ấp ủ trong 5 năm được sản xuất bởi hãng độc lập chuyên về phim nghệ thuật và thử nghiệm của chính chị. Hoàng Điệp là một gương mặt nổi bật trong những nhà làm phim độc lập tại Việt Nam.
Trước khi làm phim truyện dài đầu tay Đập cánh giữa không trung, chị từng thể hiện tình yêu điện ảnh của mình ở nhiều thể loại khác nhau: loạt phim tài liệu ngắn Cuộc sống thay đổi đề cập vấn đề chuyển đổi giới tính, diễn viên trẻ sa ngã... hay các series phim truyền hình dành cho giới trẻ như Chít và Pi, Bộ tứ 10A8.
* Tại sao chị lại hát bài Cô hàng nước tại một LHP toàn người nước ngoài như vậy?
- Tôi đã quá bối rối khiến ban giám khảo phải xướng tên đến ba lần. Ban tổ chức giữ bí mật đến phút chót nên tôi đã không chuẩn bị gì cho tối trao giải cả. Mọi người đều đã chuẩn bị rất chu đáo - trừ tôi. Tôi đoán là mặt mình lúc đó trông rất ngốc, bởi tôi cứ đứng há hốc mồm ra chả biết nói gì. Và bạn có tin được không, tôi đã hỏi một câu còn ngốc hơn thế: Tại vì tôi chả biết nói gì nên… tôi có thể hát một bài được không? Bây giờ nhớ lại tôi thấy rất ngượng.
Tôi đã hát một đoạn ngắn có nội dung thế này (thực ra đó là đoạn duy nhất mà tôi có thể nhớ và hát trôi chảy): Anh còn có mỗi cây đàn, anh đem bán nốt để theo cô hàng, cô hàng rằng chứ cô hàng ơi, rằng có nhớ anh không, rằng có nhớ anh không... Hát xong tôi đành chữa cháy bằng cách giải thích nội dung bài hát nói về một anh nhạc sĩ nghèo chỉ có mỗi cây đàn ghita, cuối cùng anh ấy đã bán nó để có tiền cưới người con gái anh yêu.
Rồi tôi cố nói thêm cho có vẻ liên quan: Tôi không phải nghệ sĩ chơi đàn nên tôi chả có cái đàn nào hết, nhưng tôi cũng nghèo và nếu một ngày, tôi chỉ còn có cây đàn ghita thôi chẳng hạn, tôi cũng sẽ bán nó, để lấy tiền làm phim. Vì điện ảnh là tình yêu và đam mê của tôi… Rồi sau đó, khán giả lại chuyển qua một hướng giao lưu khác, họ nói về đam mê và nghệ thuật. Thậm chí khi phỏng vấn trên radio, họ cũng nhắm vào cái giây phút đáng độn thổ đó của tôi.
* Có lúc nào chị cảm nhận mình đang rất cô đơn khi một mình chạy lòng vòng gần 20 LHP trong suốt vài tháng qua? Liệu chị có giây nào mệt mỏi và tự hỏi: tại sao mình lại đang đứng ở đây với bao mệt nhọc mà không phải là một cuộc đời an nhàn hơn, một nghề nghiệp đơn giản hơn?
- Có. Luôn luôn có. Như lúc này đây, tôi đang “nói chuyện” qua màn hình máy tính với bạn khi ngồi trên tàu TGV từ Nantes về Paris. Tôi đang có một cảm giác rất khó chịu là đứng trong một cái hộp chả biết nói gì, chả có gì để nói. Rồi những chiếc máy bay cũng y hệt vậy - một cái hộp đựng rất nhiều người xa lạ, nhiều sự không thoải mái, chán ngắt.
Cảm giác về LHP thì nó đã hành hạ tôi từ rất lâu rồi. Tôi chả tìm được gì vui ở các LHP cả, bạn cứ chạy nháo nhào chả có nổi thời gian để tĩnh tâm với một bộ phim bạn thích. Nhưng nói cho công bằng, cũng đã có những khi tôi chả phải làm gì. Thi thoảng tôi cũng được đi xem phim, được đi ăn món Á, được nói chuyện tâm tình với vài người sau này đã thành bạn của mình. Điểm sáng của cái hộp này là vậy đấy. Còn cuộc đời an nhàn ư, tôi sẽ nói với bạn vào lúc khác. Tôi có những ao ước rất rõ ràng về chuyện này nhưng chưa phải lúc nói ra.
Nguyễn Hoàng Điệp và diễn viên Thùy Anh
* Đập cánh giữa không trung ra đời dựa trên một khoảng thời gian mà chị có những hoang mang và sợ hãi. Chị đã chọn những hình ảnh ẩn dụ để kể câu chuyện của mình. Là phụ nữ, nói thẳng, nói thật điều gì đó có phải là quá khó hay không, hay chị yêu thích lối kể chuyện gợi mở, ẩn dụ?
- Tôi đi đường vòng, tôi quen thế rồi nên cảm thấy thoải mái hơn. Nhiều khi định “thôi thì, chả còn gì để mất, nói toẹt ra cho xong”, nhưng lại nghĩ, làm vậy nhỡ người ta sốc, người ta đau, mình cũng thấy khổ lắm. Nên thôi, vòng vèo tí, không lợi về thời gian nhưng lợi về lực.
* Các nhân vật trong phim kẹt cứng, cô đơn và bế tắc. Từ Huyền, Tùng đến Linh… cả nhân vật của Trần Bảo Sơn nữa. Chị đã rơi vào tình trạng của các nhân vật mình bao giờ chưa? Chị ứng phó với sự bế tắc bằng cách nào?
- Tôi chả biết ứng phó thế nào cả. Tôi cứ đần ra một chỗ vậy thôi, như cái Huyền í. Tôi không biết nữa, nhưng tôi đúng là dạng thụ động với bản thân mình trong cuộc sống. Chuyện của người thì tôi phản xạ nhanh lắm, tôi hô hào đấu tranh ghê lắm, tôi xắn tay áo lên, hạ quyết tâm… tìm cách giải quyết cho bằng được nên hay được cái tiếng nhiệt tình. Nhưng chuyện của mình, tôi chả biết làm sao. Nói chung tôi thấy mình hay né tránh trong chính việc của mình.
* Những lúc khó khăn trong cuộc sống, điều gì là “doping” cho chị?
- Khi còn độc thân, nếu bế tắc, bạn dễ trượt dài, trượt sâu vì bạn nghĩ mình không có gì để bấu víu. Mình chả cần thiết cho ai, mình cũng chả có ý nghĩa với ai… Nhưng khi bạn kết hôn, có con, bọn trẻ con sẽ không cho phép bạn nghĩ vậy nữa. Bạn có khó khăn hay bế tắc thì bạn cũng không thể chìm sâu được vì con bạn cần bạn, nó không phải lý do duy nhất để bạn tồn tại, nhưng bạn phải có trách nhiệm với sự tồn tại của mình vì chúng nó.
Và với riêng tôi thì từ khi mẹ ốm, tôi thấy mình không được phép nghỉ, không được phép đầu hàng vì tôi còn có trách nhiệm chăm mẹ nữa.
Với con trai
* Chị nghĩ gì về hạnh phúc của một người phụ nữ? Hạnh phúc có đơn giản như ăn một bát cháo ngon (nhân vật Huyền trong phim rất hay ăn cháo), bên cạnh một người đàn ông của mình?
- Hạnh phúc là khi người phụ nữ thuyết phục được mình rằng đó là hạnh phúc, và người đó đủ giản đơn để không nhìn xa, nhìn sâu hơn khoảnh khắc lúc đó. Vì nếu họ nhìn xa và sâu hơn, họ sẽ thấy chả có gì hạnh phúc nơi đó cả.
* Chị có thể nói gì về chồng mình, người ở nhà cùng hai con để chị bay suốt trong mấy tháng qua?
- Chồng là mối tình đầu theo kiểu trọn vẹn của tôi (mấy cái trước nữa mà chỉ rung rinh hoặc tai nạn thì không tính nhé) nên 12 năm trôi qua, cãi nhau trôi nhà trôi cửa cũng đã từng mà khóc lóc yêu thương đương nhiên cũng đã nếm. Đến lúc này, tôi và chồng tôi đã có được sự thấu hiểu và cả hy sinh cho nhau. Tôi ra điều sâu sắc và đầu lúc nào cũng nghĩ với âu lo, nhưng thực ra người làm được nhiều cho gia đình hơn cả chính là chồng tôi, chứ tôi chỉ ngồi nghĩ thôi đã hết ngày rồi.
* Ở tuổi 32, có vẻ như chị có nhiều thứ: gia đình, sự nghiệp, nổi tiếng. Điều gì chị sẽ phải đạt được trong năm 2015?
- Tôi muốn có thời gian. Tôi rất cần thời gian, thật đấy. Giờ vì phim, vì công việc kiếm tiền mà tôi chả có chút thời gian nào cho gia đình cả.
* Câu chuyện của chị kể trong không gian của Hà Nội, kẹt cứng, mù mịt và mông lung. Chị nghĩ gì về cuộc sống của mình mỗi ngày ở Hà Nội, khi so sánh với sự lộng lẫy của thảm đỏ ở các LHP mà chị tham gia?
- Bạn làm tôi nhớ đến những câu này: “Em không bước ra từ một tấm gương câm/ Không đến từ một con tàu trong trí nhớ/ Không phải từ một giấc mơ một dòng sông hay lùm cây rực rỡ/ Em đến giữa một ngày trong những ngày sống thực của anh”. Hà Nội là “em” trong những câu thơ Lưu Quang Vũ vừa rồi. Những gì còn lại… chắc là thảm đỏ. Hà Nội là thực, còn thảm đỏ dù sao cũng chỉ là chút hư danh mà thôi.
Diễn viên Thùy Anh trong một cảnh phim Đập cánh giữa không trung
* Trong lần trò chuyện trước đây, chị cứ luôn cho mình là nhạt, là bình thường, nhưng rõ ràng, những gì chị làm được với phim của mình, diễn viên của mình, cả những lời phát ngôn đều cho thấy chị không hề nhạt. Hay tiêu chuẩn “mặn” của chị quá cao?
- Thì bây giờ tôi sống cuộc sống hết sức bình thường, một chồng, hai con, tứ thân phụ mẫu… sáng đi làm, tối về xúc cơm cho con và 9g lên giường đi ngủ. Tôi chả có thành tích gì nổi bật, cũng chả ham mê cái gì độc đáo, tôi không sinh hoạt văn nghệ văn gừng, không phiêu lưu khám phá… Tôi làm mỗi cái phim mà đến sáu-bảy năm bạn bè hỏi đến vẫn thấy “đang”. Chắc tôi chỉ đậm đà được mỗi cái sự kiên trì.
Tôi nói chuyện với bạn nữ ĐD khác, trẻ hơn mình. Tôi bảo, hồi xưa bọn chị yêu là chỉ biết có yêu một người; thế hệ 8x thật đấy, nhưng quan niệm giữ gìn này nọ cho đến sau đám cưới là vẫn y như thời các cụ. Bạn ấy cứ rũ ra cười, bảo chị làm sao thế, hay chị bị hâm, bọn em cũng kém chị có mấy tuổi mà hồi đấy cũng chả dở hơi kiểu thế… Nói chung, tôi thuộc dạng chả có gì phá cách hay nổi loạn trong cuộc sống như nhiều người vẫn tưởng tượng hoặc “kỳ vọng”. Nhiều khi, người ta còn dè chừng vì tưởng mình “nguy hiểm” lắm, thực ra thì… tôi bình thường và sự thật là không có gì nguy hiểm cả.
Còn mặn với nhạt thì tôi là người ăn mặn và luôn thích mọi thứ đậm đà: màu, mùi, vị… cả những cảm giác tưởng như rất nhẹ nhõm và bảng lảng, nếu đưa vào phim tôi cũng ưa cái kiểu gieo rắc thật dày ấn tượng. Nên quả tình, cũng có nhiều khi người ta gọi đó là cực đoan.
* Xin cám ơn những chia sẻ của chị.
NGUYỄN TRÂM ANH (thực hiện)