Đạo diễn Nguyễn Đức Minh: ‘Làm bánh chưng khó hơn làm phim’

08/02/2019 - 06:00

PNO - Giữa làn sóng đạo diễn Việt kiều trở về Việt Nam làm phim, Nguyễn Đức Minh chọn ở lại Mỹ. Nhưng ở đâu thì 'chất Việt' vẫn hiện rõ trong phim anh. Rất nhiều phim anh chọn phản ánh cuộc sống, tâm hồn người Việt ở Mỹ.

ĐI ĐỂ TRỞ VỀ

Họ là những trí thức, nghệ sĩ ít nhiều đạt được thành tựu trong lĩnh vực mình theo đuổi nơi xứ người. Nhưng, một sợi dây, một cảm giác vô hình nào đó kéo họ trở về với quê hương, bản xứ. Họ không gọi điều đó bằng những từ ngữ to tát, không hô hào truyền thống... Đó có thể là những ký ức không thể nào phai nhạt, là những lời kể trìu mến của bà của mẹ, là tình yêu không dứt dành cho nghệ thuật.

Họ làm việc và cống hiến bằng sức lao động, thầm lặng và nhiệt tâm. Họ nhìn mọi thứ bằng đôi mắt logic, khoa học của người phương Tây nhưng giang tay đón nhận tất cả vọng động của đời sống đang diễn ra trước mắt bằng trái tim Việt Nam. Cũng chính lúc đó, họ cảm nhận rõ dòng máu Việt đang chảy mãnh liệt trong người.

Bài 1: Đạo diễn Leon Lê: 'Không ai có thể phủ nhận tình yêu của tôi với Việt Nam'

Bài 2: Nghệ sĩ Vân Ánh Võ: Thổn thức hồn Việt giữa trời Tây

Bài 3: TS Nguyễn Đức Thái: 'Về nước là lựa chọn rất tự nhiên, không phải hy sinh hay cống hiến'

Cuộc trở về trong tâm tưởng

Nguyễn Đức Minh sinh tại Nha Trang, theo gia đình sang Mỹ định cư từ 1981. Anh từng tốt nghiệp chuyên ngành Biên kịch, ĐH Berkeley. Sau đó theo học tiếp ngành điện ảnh tại ĐH Nam California và nhận được học bổng Jeffery Jones xuất sắc trong bộ môn viết kịch bản. Minh có một số truyện ngắn được xuất bản tại Mỹ, trong đó Câu chuyện của Mơ (Tale of Apricot) được đề cử giải thưởng O. Henry, vở kịch Destination giành giải 3 trong cuộc thi Mills Elizabeth Crothers Playwriting và được trình diễn tại nhà hát ở Minneapolis.

Nhưng dường như, những con chữ chưa đủ để Minh có thể tải hết những điều anh muốn diễn tả. Anh bắt đầu làm phim ngắn, rồi phim dài. Năm 2011, bộ phim điện ảnh đầu tay của anh - Touch (Chạm) - đoạt giải "Khán giả bình chọn" tại LHP Quốc tế người Việt 2011 tại Mỹ và "Phim đầu tay xuất sắc nhất" tại LHP Quốc tế Santa Rosa… Hài hước, cảm động và tinh tế, Chạm lay động người xem khi khai thác một cách duyên dáng, gần gũi về tình yêu, mối quan hệ ruột thịt của người Việt hải ngoại. Đặc biệt, Chạm còn đề cập đến đề tài mà với phần đông phụ nữ Việt nói riêng và phụ nữ châu Á nói chung vẫn cảm thấy… ngượng khi nhắc đến: sex. Những giấc mơ, mong ước, tình cảm của họ qua các cuộc trò chuyện cứ thế hiện lên rõ mồn một.

Dao dien Nguyen Duc Minh: ‘Lam banh chung kho hon lam phim’
"Tôi thích làm phim về người Mỹ gốc Việt. Tôi cảm thấy mình biết họ và hiểu về cuộc sống của họ" - đạo diễn Nguyễn Đức Minh.

Bảy năm sau, Vai diễn đổi đời (Actress Wanted) bộ phim được quay vỏn vẹn trong 18 ngày tại Mỹ ra đời. “Tôi muốn có thời gian để được làm một bộ phim là của mình” - Minh chia sẻ về lý do phải mất 7 năm mới có bộ phim thứ hai, để tiếp tục đi với con đường hẹp anh đã chọn. Vẫn là đề tài phụ nữ Việt trên đất Mỹ nhưng lần này anh đề cập đến nỗi vất vả của người trẻ, những hiểm nguy họ có thể đối mặt trên hành trình theo đuổi giấc mơ. Làm nền cho họ chính là mối xung đột giữa hai thế hệ. Thế hệ cũ, đại diện là ông bà, cha mẹ với cuộc sống bấp bênh nơi xứ người chấp nhận làm tất cả mọi việc lao động tay chân để nuôi con cái. Do vậy, mong ước của họ là con cái trưởng thành với những công việc ổn định. Thế hệ mới, những đứa con muốn theo đuổi điều chúng mong muốn. 

Điều thú vị là, phim của Nguyễn Đức Minh, có thể dữ dội nhưng luôn điềm tĩnh và dịu dàng. Nó thu hút người xem bằng lối kể chuyện giản dị, những đối thoại không màu mè, tinh tế và dí dỏm. Cũng như anh với vẻ ngoài rụt rè, kín đáo, khiêm tốn, đồng thời lại hài hước ý nhị và quyết liệt. Sự trở về của Minh nằm trong tâm tưởng, như chia sẻ của một nghệ sĩ Việt kiều: “Người Việt không phải chỉ gồm những ai đang sống hoặc sinh ra tại Việt Nam. Họ ở khắp nơi trên thế giới vì dòng máu Việt chảy trong họ. Và trái tim họ luôn hướng về Việt Nam, về những thân phận, những nỗi niềm của cộng đồng Việt xa xứ”.

Làm phim độc lập cần sự bướng bỉnh và... phi lý

Phóng viên: Trong làn sóng đạo diễn Việt kiều ồ ạt về nước làm phim, anh lại hài lòng với lựa chọn ở lại Mỹ. Vì sao vậy?

Đạo diễn Nguyễn Đức Minh: Khi thấy nhiều đạo diễn Việt kiều tài năng về Việt Nam làm phim, tôi đã tự nhủ: “Mình nên ở lại Hoa Kỳ vì sẽ có ít sự cạnh tranh hơn. Nhiều cơ hội hơn cho mình”. Tôi chỉ đùa thôi. Thành thật mà nói, tôi thích làm phim về người Mỹ gốc Việt. Tôi cảm thấy mình biết họ và hiểu về cuộc sống của họ. Cuộc sống đó không đẹp như người ta vẫn nghĩ đâu.

Dao dien Nguyen Duc Minh: ‘Lam banh chung kho hon lam phim’
Một cảnh trong phim Chạm.

* Anh tốt nghiệp chuyên ngành biên kịch, sau đó lại học thêm về điện ảnh. Lựa chọn này của anh có chịu ảnh hưởng nào từ gia đình không? Bố mẹ anh đã phản ứng như thế nào trước quyết định đó của con trai?

- Thật ra, tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành sinh học. Mẹ của tôi muốn tôi học lên cao và xa hơn vào đại học y khoa, và tôi gần như đã thực hiện được mong muốn đó của bà. Nhưng sau đó, tôi cảm thấy không hạnh phúc nên dần dần quay lại với lựa chọn của mình. Bố tôi rất ủng hộ tôi trở thành một nhà làm phim nhưng mẹ tôi trong suốt nhiều năm thì không. Mẹ luôn muốn tôi có một nghề nghiệp ổn định, vững chắc. Tôi hiểu mong ước đó của mẹ. Bây giờ thì mẹ đã ủng hộ tôi nhiều hơn rồi, có lẽ vì thấy rằng ít nhất tôi không chết đói. (cười)

* Ai là người đã khơi dậy tình yêu điện ảnh trong anh?

- Khi tôi bắt đầu xem phim nghệ thuật, ba đạo diễn thực sự khiến tôi cảm động là Vittorio De Sica (một trong những đạo diễn vĩ đại nhất của điện ảnh Italia thế kỷ XX, người đi tiên phong của trào lưu hiện thực mới trong điện ảnh. Cùng với Federico Fellini, ông có đến 4 phim đoạt giải Oscar ở hạng mục Phim nước ngoài hay nhất - PV), Satyajit Ray (đạo diễn làm phim tiếng Bengali vĩ đại của điện ảnh Ấn Độ thế kỷ XX - PV) và Vương Gia Vệ. Luôn tồn tại chất thơ trong những bộ phim đậm chất hiện thực của họ - điều vẫn truyền cảm hứng cho tôi đến tận hôm nay.

Dao dien Nguyen Duc Minh: ‘Lam banh chung kho hon lam phim’
Một cảnh trong phim Vai diễn đổi đời với hai diễn viên chính Thiên Hương Nguyễn và Long Nguyễn. Mai, cô gái ôm giấc mơ trở thành diễn viên, vì cảm thương trước số phận của ông Vũ đã đồng ý hóa thân thành vợ của ông.

* Con đường với phim độc lập chẳng hề dễ dàng. Đừng nói đến chuyện có thể kiếm tiền từ phim độc lập. Anh nuôi giấc mơ của mình bằng cách nào?

- Để trở thành một nhà làm phim độc lập, bạn phải bướng bỉnh và… phi lý. Bởi lẽ, về mặt tài chính, việc theo đuổi nghề này không có ý nghĩa gì. Chỉ có một vài khoảnh khắc hy vọng lóe lên nhưng phần lớn là những khoảnh khắc rất tệ, thậm chí là tuyệt vọng - khi mà bạn liên tục bị các studio từ chối và nói không với các dự án.

Nguồn kinh phí hạn hẹp còn dẫn đến việc bạn phải chờ đợi nhiều. Không chỉ là kinh phí mà còn chờ cộng sự bạn ưng ý. Phải đủ điều kiện mới có thể làm được phim. Chủ yếu bạn chỉ sống ở chế độ sinh tồn mà thôi. Ở Mỹ, tôi kiếm sống bằng nghề dựng phim cho các studio phim lớn. Vừa làm vừa chờ cơ hội để làm bộ phim của mình.

* Trên chặng đường dài và khó đi đó, đã lúc nào anh muốn dừng lại vì… mệt quá?

- Tôi luôn tự hỏi mình mọi lúc, mọi ngày rằng, tại sao tôi muốn trở thành một đạo diễn? Để làm cái gì cơ chứ? Nó đầy rẫy khó khăn. Nhưng rồi sau đó, tôi lại bị sáng tạo thôi thúc và cố gắng lần nữa. Cảm giác giống như là tôi bị… nghiện vậy.

Dao dien Nguyen Duc Minh: ‘Lam banh chung kho hon lam phim’
Nguyễn Đức Minh trên set quay Vai diễn đổi đời

* Trong nhiều phim ngắn trước đó của anh, rồi đến Chạm, 7 năm sau là Vai diễn đổi đời, có thể thấy anh khá hứng thú với đề tài phụ nữ gốc Việt tại hải ngoại và luôn muốn khai thác đa dạng hơn? Tại sao vậy?

- Cho đến thời điểm này, cả hai bộ phim của tôi đều xoay quanh đề tài là những người phụ nữ gốc Việt, chính tôi cũng không biết tại sao lại như vậy. Có lẽ bởi vì trong quá trình trưởng thành, tôi luôn được bao quanh bởi những người phụ nữ. Đó là bà tôi, mẹ tôi, bốn chị em gái, những người dì và các bạn nữ. Họ luôn mở lòng với tôi. Những câu chuyện hài hước và buồn bã của họ gây cho tôi nhiều ấn tượng.

* Có thông tin, bộ phim tiếp theo của anh sẽ được thực hiện tại Việt Nam. Anh vẫn sẽ tiếp tục với đề tài mang lại cho anh nhiều hứng thú chứ?

- Tôi thực sự muốn thực hiện một bộ phim ở Việt Nam vào một ngày nào đó nhưng bạn biết đấy, thực sự rất khó. Những câu chuyện tôi muốn kể không quá mang tính chất thương mại, các hãng phim thì không muốn mạo hiểm. Đó là một phần tất yếu của công việc kinh doanh mà. Tôi không trách họ. Và đành phải tiếp tục... chờ thôi.

Trailer phim Chạm:

* Anh có theo dõi hoặc có mối liên kết với cộng đồng phim độc lập tại Việt Nam?

- Tôi vẫn luôn dõi theo các nhà làm phim độc lập của Việt Nam, những nhà làm phim trẻ và đang tìm kiếm sự kết nối với họ. Thật hào hứng và như được tiếp thêm lửa khi tôi xem một bộ phim đầy tươi mới và sáng tạo từ họ.

* Tết đang đến gần kề, anh và gia đình chuẩn bị những gì? Món ăn nào trên mâm cỗ ngày tết anh yêu thích nhất?

- Ồ, tôi thích ăn bánh chưng, giò và dưa chua. Chỉ vậy thôi! Tôi rất đơn giản. Mẹ tôi trước đây vẫn thường gói bánh chưng mỗi dịp tết đến. Bánh chưng của mẹ là ngon nhất, tuyệt vời nhất. Bây giờ mẹ đã lớn tuổi và thôi không làm nữa. Tôi đang nghĩ đến việc mình có nên học công thức gói bánh chưng của mẹ và tự tay làm hay không, nhưng tôi thấy... sợ. Làm bánh chưng còn khó hơn cả làm phim nữa!

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. Chúc anh năm mới nhiều sức khỏe.

Hoàng Linh Lan 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI