Đạo diễn Mzung Nguyễn: Con người vẫn đang hồn nhiên phá bỏ cấu trúc môi trường

05/07/2020 - 19:11

PNO - Con người thường cho rằng mình đang sống dựa vào thiên nhiên nhưng bằng mọi ngụy biện, chúng ta đã chiếm cứ và thao túng thiên nhiên, làm sụp đổ sinh thái.

Mzung nguyễn nổi tiếng như một nhà làm phim về môi trường. Không những vậy, chị hoạt động rất tích cực bằng hành động và đưa ra nhiều giải pháp có ảnh hưởng tốt tới lớp trẻ. Khai thác con người và tâm lý của chị là một việc khá khó khăn nhưng đầy thú vị đối với người thực hiện. Chưa bao giờ, thái độ sống và hành động tích cực lại trở thành vấn đề quan trọng với lớp trẻ như hiện nay.

Tôi biết mình chỉ là một lữ khách 

Phóng viên: Chị đã chọn Ai Cập để trải nghiệm trong hai năm, sống và làm việc. Do nơi đó có sức hút đặc biệt?

Đạo diễn Mzung Nguyễn: Tôi chọn Ai Cập ban đầu là do những tò mò về sự khác biệt văn hóa, về nền văn minh cổ đại và hậu Mùa xuân Ả rập. Sự huyền bí trên đền đài, lăng mộ, các huyền sử cho đến con người, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc… đã là một sức hút đặc biệt, mạnh hơn bất cứ ham muốn nào vào thời điểm đó. Tôi chưa bao giờ đến vùng đất nào với chỉ một lý do. Nó phải là tổ hợp được cấu thành bởi một loạt khả thể đầy thuyết phục như vừa kể trên. Rồi tôi bắt đầu chuyến đi như thể nếu không là hôm nay thì cả đời tôi sẽ phải hối tiếc về sự chần chừ của mình.   

* Điều chị nhận thấy đầu tiên khi đặt chân tới đó là gì?

- Chính là dù cho nền kinh tế khủng hoảng và số người thất nghiệp báo động, văn hóa và tín ngưỡng của người Ai cập vẫn không hề bị mai một. Dù là mọi hoạt động đời sống thường nhật cho đến những ngày lễ lớn thì ở trong từng góc phố, căn nhà hay con người đều có ý thức giữ gìn gốc gác. 

* Trong phim Khu vườn im lặng chị thường sử dụng những mảng hình ảnh đối nghịch, những hoạt động của loài và của người, như để chỉ những nhịp điệu của sự sống gấp gáp?

- Tôi nghĩ chính xác hơn đó là mối quan hệ giữa con người với tự nhiên mà tựu trung nhất là với các giống loài khác. Trong phim, thi thoảng bạn sẽ thấy một sự tương đồng trong lối di chuyển của vạn vật nhưng rồi bạn sẽ nhận ra sự khác biệt. Con người thường cho rằng mình đang sống dựa vào thiên nhiên nhưng bằng mọi ngụy biện, chúng ta đã chiếm cứ và thao túng thiên nhiên, làm sụp đổ sinh thái.

* Năm 2019, thảm họa cháy rừng Amazon xảy ra tại Brazil, chị có liên tưởng và cảm xúc gì khi nhớ lại hành trình của mình?

- Lúc tôi nhận tin dữ về thảm họa này cũng là lúc tôi vừa được xem bộ phim tài liệu  Earth from space (Trái đất nhìn từ không gian). Trong đó, các nhà khoa học giải thích rất rõ về sự cần thiết của lửa và quy luật tự nhiên đã tạo ra các đám cháy để tái tạo một cánh rừng, biến những cây cổ thụ già lâu năm và xác động vật trở thành khoáng chất; rằng sau đám cháy, những loài cây bị che bóng và không có cơ hội phát triển nay được hấp thu diệp lục. 

Phản ứng đầu tiên rất hữu cơ trong tôi là lo lắng về sự tuyệt chủng các chủng loài không có khả năng chạy trốn hỏa hoạn hay băn khoăn về sự tham lam của con người khi họ lấn rừng để phục vụ kinh tế. Và tôi nhớ nhung nó. Nhớ những sáng sớm thức dậy giữa rừng với muông thú bao quanh, những ngày theo các nhà nghiên cứu và tình nguyện viên đi bảo tồn loài vẹt đỏ Scarlet Macaw, nhớ dòng sông chảy xiết...

* Phải chăng, “đi” cũng là một sự thúc đẩy khá mạnh mẽ với chị, một trong những phần cần thiết của đời chị?

- Ngày nay tôi thấy giới trẻ thiên di bằng mọi hình thức. Họ có thể đi ngắn hoặc đi dài, đi xa hoặc đi gần, đi nhanh hoặc chậm, cho nên những người như tôi không hiếm, chỉ là chúng ta có nhận thấy họ và nhìn thấy những điều họ làm hay không. Thi thoảng việc di trú của tôi cũng khiến tiếng nói của tôi yếu đi. Nhưng thôi thúc được đứng trong dòng thời gian, được tận mắt chứng kiến mọi biến chuyển của không gian, được lấy đặc quyền của một nhà làm phim để ghi chép lại những tri giác mà tôi nhận được đã khiến tôi tìm được lý do để biện minh. Chị thấy đấy, rõ ràng nó là cần thiết với nghề nghiệp nhưng đồng thời nó buộc tôi phải tự vấn rằng liệu việc một người đi nhiều có nên là một điều đáng tự hào?

Gần hai năm nay tôi hạn chế tối đa việc di chuyển bằng máy bay chỉ vì con số ô nhiễm không khí và sự nóng lên của trái đất từ phương tiện vận chuyển này đang ở mức báo động.

Những câu chuyện về môi trường và các giá trị bị ăn mòn 

* Dự định series 5 phim thể nghiệm của chị giờ đã thực hiện tới đâu rồi?

- Tôi đã hoàn thành hai phần đầu của phim là Sleeping in the city (Ngủ trong thành phố) The light after life (Ánh sáng sau sự sống) và đã trình chiếu nhiều nơi. Đồng thời tôi đang trong quá trình sản xuất và hậu kỳ cho La solitude (Sự cô độc). Tất cả đều là câu chuyện về môi trường, sự rạn vỡ mối dây từng khăng khít giữa con người và thiên nhiên, là các giá trị thời gian bị ăn mòn... Các tác phẩm đều nhận được sự ủng hộ và hợp tác của các nghệ sĩ quốc tế.

* Vì sao chúng gắn với cái tên thể nghiệm? 

- Nó cho phép tôi phá vỡ mọi cấu trúc tự sự và nâng cao tính đối thoại. Vì chuỗi tác phẩm này vừa là tài liệu, vừa là điện ảnh, lại rất rõ nét nghệ thuật đương đại theo một lối rất thể nghiệm. Tôi dùng nhiều hình ảnh được sắp xếp đa diện và gợi nhiều phúng dụ. Phim có cấu trúc phức hợp và nhiều biểu trưng, không có thoại và được chiếu trên nhiều màn hình lớn. Khi tiếp xúc tác phẩm, khán giả sẽ được đặt ở giữa và bị tấn công bởi hàng loạt hình ảnh thay đổi liên tục trên màn hình cùng âm nhạc và âm thanh đôi lúc như cực đại. Đó là một sự thử nghiệm với người làm phim, người tham gia diễn xuất và dành cho cả khán giả. Người xem không nhất thiết phải có cùng điểm nhìn với đạo diễn, có thể đồng ý với các quan điểm đặt ra trong phim hoặc không, nhưng yêu cầu đặt ra là họ phải có hàm lượng kiến thức vừa đủ để tiếp nhận và phải tham gia quá trình phản biện. 

* 20 phút của Sleeping in the city là sự chắt lọc của hai năm ở Cairo. Hẳn để có được 20 phút đó là một bài toán khá khó với chị khi phải chọn lọc giữa bộn bề tư liệu?

- 20 phút phim Sleeping in the city nhưng vì có ba kênh hình chiếu cùng lúc nên chính xác là 60 phút hình. Hay 17 phút phim The light after life được chiếu trên bốn kênh hình nên tổng thời lượng phim thực là hơn 60 phút. Điều khó nhất ở đây là tôi phải mất thời gian đi tiền trạm, viết kịch bản, vẽ storyboard cho từng kênh hình, phải quay dưới các điều kiện bối cảnh nhạy cảm và dựng song song các tuyến hình. Các tư liệu hình vì vậy mà không trở nên quá khó khi tôi đã lên kế hoạch quay và kịch bản rất chi tiết. Nhưng đó là trải nghiệm đầy đủ nhất về thể nghiệm mà tôi được trải qua trong những năm vừa rồi.

* Chị có ưng ý với Sleeping in the city?

- Tôi ưng ý ngay cả khi có nhiều cảnh tôi không quay được như dự định do các yếu tố nhạy cảm. Tôi hài lòng vì đã thực hiện được câu chuyện mình muốn kể và tìm được đối tượng khán giả để trò chuyện. Khán giả đã khá thẳng thắn nói về điều họ tiếp nhận từ bộ phim, về điều họ chưa hiểu, điều họ đồng tình hoặc không. Một tác phẩm thể nghiệm phải gây ra nhiều chiều đối thoại, tôi nghĩ rằng họ đã “thích thú”.

Theo đạo diễn Mzung Nguyễn, một tác phẩm thể nghiệm phải gây ra nhiều chiều đối thoại
Theo đạo diễn Mzung Nguyễn, một tác phẩm thể nghiệm phải gây ra nhiều chiều đối thoại

* Việc chị kết hợp với các nghệ sĩ quốc tế sản xuất các bộ phim của mình và của các bạn nói lên điều gì?

- Trước hết, nó là những sự kết hợp với nghệ sĩ bản địa, những người đã có kinh nghiệm trong việc trình diễn nghệ thuật đương đại, họ có một tư duy mở rộng để tiếp nhận ý tưởng của tôi. Một đề tài mang tính thời đại, một vấn nạn toàn cầu cũng cần đến những tiếng nói đa dạng, nhiều sắc tộc, nhiều hình thức biểu lộ sẽ giúp thông điệp đi xa hơn.

Đôi khi ăn mặc thật đẹp, chỉ để đi nhặt rác!

* Tôi khá ấn tượng với bức hình chị chụp đàn bò cắm đầu ăn rác trong các túi ni-lông đen ở một bãi rác tại Phú Quốc, làm thế nào để chị chụp được những cảnh đó? Sau đó, chuyện gì đã xảy ra?

- Bức ảnh chụp đàn bò ăn rác là tôi đã đứng quay phim cận cảnh gần một tiếng ở bãi rác An Thới hôi thối kéo dài nhiều ki-lô-mét. Chụp được bức ảnh ưng ý là sự ngẫu nhiên nhưng cũng đầy kiên nhẫn. Sau bức ảnh đó, đầu tháng Tám năm ngoái, tôi quay lại Phú Quốc trong một trận mưa lịch sử và ngập lụt tồi tệ bởi hệ sinh thái của Phú Quốc đã bị băm nát bằng những cách thức quen thuộc trên đất nước này. Họ chặt cây làm nhà, biến đất rừng thành đất xây dựng, biến vườn quốc gia thành bất động sản và biến di tích lịch sử thành khu nghỉ dưỡng. Ngay sau đó, những trận mưa lũ lụt dữ dội cũng xảy ra ở Đà Lạt khiến hàng ngàn tấn rác thải từ bãi rác Cam Ly bung bét và bão rác thải đã càn quét qua vườn người dân gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, chỉ có người dân nhận lãnh từ việc tàn phá môi sinh.

* Chị có nói giờ là lúc người trẻ tử tế đi sửa những sai lầm, chị thấy bức tranh hiện thực về người trẻ hiện nay thế nào?  

- Người trẻ có tri thức và chủ động tìm kiếm thông tin thì đã bằng mọi hình thức góp tiếng nói vào thay đổi xã hội. Nhưng còn rất nhiều người trẻ hoặc chọn thái độ im lặng, tự bịt tai bịt mắt, hoặc số lượng lớn chỉ biết đến những vật lộn của bản thân. Gia đình và giáo dục chỉ cho họ biết đến sự thành đạt chứ không khiến họ nhận thức về sự tử tế, về một tương lai nhọc nhằn của sinh quyển trái đất, của những nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của họ nếu ngay từ bây giờ không bắt đầu bằng thái độ.

Tôi dành cả thời gian còn lại của mình để đi dạy, đi nói chuyện, đối thoại với người trẻ khắp mọi nơi, mong lời cảnh báo của mình có người nghe thấy. Nhưng sự tác động dù khả tín đến mấy vẫn chưa rộng khắp được, chúng ta cần nhiều kênh truyền tin hơn nữa.

 

* Tôi thấy phương pháp của chị cũng khá… kiên nhẫn, không khác “mưa dầm thấm đất”. Ví dụ chị có nói khi muốn dọn một điểm rác, chị ăn mặc khá đẹp, chỉ để đi bê rác, từ đó người ta sẽ thấy ấn tượng mà làm theo, nghe theo?

- Tôi chẳng có nhiều lựa chọn, muốn nhanh và gấp hay chậm rãi hơn cũng không được. Đành phải chọn lấy cách như chị nói và đúng là nó hiệu quả thật. Ở bãi rác, có người mang bỏ thì đã có nhiều người đến mang về nhà.

*Trong mùa dịch COVID-19, người ta thường nói đây cũng là dịp để trái đất được nghỉ ngơi. Là một người hoạt động vì môi trường, chị có thể chia sẻ thêm những suy nghĩ của mình?

- Trái đất rộng hơn để có chỗ cho các loài thú lâu nay phải ẩn nấp được bay nhảy. Nhưng ở một mặt khác, khi người ta buộc phải ở nhà thì rác thải nhựa từ dịch vụ giao đồ ăn nhanh tăng lên trong thành phố. Ni-lông, hộp xốp, hộp nhựa, thìa nhựa... từ các ứng dụng đồ ăn nhanh được các shipper mang đến các căn hộ rồi từ đó tuồn hết ra các bãi rác. Lợi bất cập hại, bằng mọi con đường, con người vẫn hồn nhiên phá bỏ cấu trúc môi trường của họ.  

* À, chị còn có quán cà phê tái chế nữa. Với kinh nghiệm làm quán từ những đồ vật đã qua sử dụng, đồ bỏ đi, chị có thể chia sẻ với mọi người?

- Tiệm trà Mzung Tea House, nay là không gian nghệ thuật - học thuật - thưởng trà Mzung Space, là không gian tái chế mà hầu hết các vật dụng nội thất và trang trí đều được làm từ đồ bỏ đi nhặt về từ bãi rác hoặc được bạn bè cho tặng. 

Xương sống của không gian này là môi trường và bảo tồn, nhưng mô hình tôi xây dựng là làm việc với người trẻ. Học sinh, sinh viên, sinh viên vừa tốt nghiệp đại học đã tìm đến tôi rất đông qua thông báo tuyển tình nguyện viên. Tôi đã có ba lứa tình nguyện viên và đã làm cùng nhau công việc nhặt rác, tái chế những loại rác nội thất khó phân hủy. Họ đồng thời là minh chứng rõ ràng nhất về những người trẻ đề cao lối sống thực hành reduce-reuse-recycle (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế).

Họ không những cùng tôi đi nhặt rác mà còn mạnh dạn biểu lộ thái độ hào hứng với từng món đồ nhặt được để thay đổi nhận thức người dân. Họ không những biết tái chế, tận dụng từng mảnh gỗ ép nhỏ, giấy bìa, vải, da… bỏ đi thành những tác phẩm có giá trị sử dụng, mang túi vải và hộp đi chợ để các bà các mẹ làm quen với việc giảm nhựa mà còn biết cùng tôi lan tỏa điều đó đến các diễn đàn.

“Tôi làm việc trên nhiều thể loại sáng tạo khác nhau: phim, ảnh, hội họa, viết, tái chế hay các dự án cộng đồng. Nhưng đề tài chính là môi trường và bảo tồn động vật hoang dã. Tôi còn rất nhiều dự án chờ đợi phía trước với nhiều thể loại: phim tài liệu, phim tài liệu thể nghiệm, phim truyện và môi trường luôn là nhân vật trung tâm, là đối tượng khai thác, đối tượng soi chiếu lớn nhất trong mọi tác phẩm.
Tuy nhiên, để làm nổi bật đối tượng chính yếu này và làm rộng hơn các suy tư, tôi đặt môi trường trong rất nhiều mối tương quan như tôn giáo, văn hóa, chính trị, nghệ thuật...”.

Đạo diễn Mzung Nguyễn

* Thời gian này, hình như chị cũng đang không ở… thành phố, mà là ở một trang trại nào đó tại Đà Lạt? Nhắc tới Đà Lạt, dường như chị cũng là một trong số những người lên tiếng đầu tiên về hiệu ứng nhà kính?  

- Ai quan tâm đến Đà Lạt thì bằng mắt thường đều có thể nhìn thấy những năm vừa qua, nông nghiệp Đà Lạt bị tấn công bởi nhà kính và chất hóa học. Những hành động thu lợi tức thời này đã khiến nền nông nghiệp phát triển méo mó, quy hoạch thành phố bị cắt xẻ mảng miếng và nhất là biến đổi khí hậu. Tôi đã khởi xướng chuỗi dự án “Trả lại Đà Lạt xanh” bắt đầu thí điểm ở Smile Garden với tầm nhìn dài trên mười năm để vận động chính sách nhằm thay đổi về định hướng phát triển nông nghiệp ở Đà Lạt. 

Nhà Cười - Smile Garden là một trang trại sạch trồng trọt thuần tự nhiên, cây trái hoa quả theo mùa, bón phân hữu cơ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức các phiên chợ sạch nông sản hằng tuần với các gian hàng mở rộng, thư viện nông nghiệp và nhà cộng đồng, các workshop, đối thoại miễn phí về nông nghiệp, môi trường, tái chế. Đây cũng chỉ là một trong những nỗ lực để cứu vãn hệ sinh thái và hỗ trợ nông nghiệp vùng đất này.

Trách nhiệm phản biện như một nghệ sĩ - trí thức

* Ai thực sự có ảnh hưởng tới chị?

- Sir David Attenborough và những tác phẩm của ông luôn là nguồn cảm hứng vô tận không những cho riêng tôi mà hầu hết những ai làm công việc liên quan đến phim ảnh trong ngành bảo tồn. 

Đối với tôi, cách tư duy và nhận thức về mọi việc diễn ra xung quanh là đặc biệt quan trọng. Quan niệm xã hội xưa nay cho rằng, việc lên tiếng cho các vấn đề chung là trách nhiệm của trí thức. Tôi thì cho rằng việc lên tiếng là một sự lựa chọn. Bởi thông minh là do bẩm sinh, kiến thức là do thụ đắc, kỹ năng là do rèn luyện nhưng trí thức lại là một lựa chọn. Cá nhân tôi vẫn nhận lãnh trách nhiệm phản biện như một nghệ sĩ - trí thức. 

* Sống tích cực thế này, có khi nào chị “chùng” xuống? Để cân bằng mình, chị làm cách nào?

- Tôi đọc sách và tìm các tiểu luận văn chương nhẹ nhàng để đọc cho thông thoáng đầu óc. Tôi thích xem chim chóc, chơi với chó mèo hoặc chỉ cần lái xe đi xa một chút để được nhìn thấy một hồ nước trong xanh phẳng lặng hay đến một bãi biển ngập nắng, một cánh rừng sau cơn mưa... Những điều này có thể mang đến cho tôi cảm giác bình an, tràn đầy năng lượng tích cực trở lại.

* Chị có thể chia sẻ về dự án tiếp theo của mình?  

- Tôi quay về Việt Nam với mục đích ban đầu là để làm tác phẩm. Có ba phim trong chuỗi thể nghiệm về đề tài môi trường là Núi rừng nhìn từ trên cao, Đường đến đại dương, Trở về và tôi sẽ quay, làm hậu kỳ ở Việt Nam. Hiện tại tôi đang làm hậu kỳ cho một phim thể nghiệm dài, tên La solitude. Đồng thời vẫn duy trì hoạt động của Mzung Space và Smile Garden với hàng loạt dự án môi trường bên trong đó.

Tôi chỉ mong chúng ta sáng suốt hơn trong mọi quyết định, trong những lý lẽ biện minh cho đời sống tiêu thụ cá nhân, bằng cách tôn trọng sự vận hành của tự nhiên, có thái độ khiêm tốn trước vũ trụ để đừng khiến mối dây liên kết giữa con người và tự nhiên ngày thêm xa cách. Nhận thức thấu triệt được điều này, có thể chúng ta sẽ giữ lại được chút gì cho thế hệ mai sau.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Codet Hanoi (thực hiện)

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI