Năm 1988, vở tốt nghiệp loại giỏi của chị Tôi chờ ông đạo diễn (tác giả Lê Hoàng) trên sân khấu đoàn kịch Trẻ TP đã gây được tiếng vang lớn trong giới chuyên môn. Cô sinh viên “vô danh” đã biến một kịch bản tưởng chừng “không thể” trở thành một vở diễn được đánh giá cao về tính hấp dẫn và khả năng vận dụng thủ pháp ước lệ. Sau vở đầu tay,
Minh Nguyệt “lặn” một hơi đến mười năm sau, năm 1998, mới trở lại với vở Tiếng chim vườn ngọc lan trên sân khấu nhà hát 5B Võ Văn Tần. Lần này, thành công còn vang dội hơn, vì với tư cách đạo diễn kiêm tác giả kịch bản, Minh Nguyệt đã biến câu chuyện đơn giản Người tình anh thợ bạc thành một khúc nhạc nhân văn đưa người xem vào miền trắc ẩn.
|
Chị Minh Nguyệt và chồng |
Rồi chị “biến mất” đến tận năm 2008, khi truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đang như chìm nổi giữa hai làn sóng khen chê đều dữ dội, Minh Nguyệt lại cho lên sàn diễn vở Cánh đồng bất tận, “đánh” đâu thắng đó, dù trong khán phòng nghèo nàn của nhà hát 5B hay không gian sang trọng tại Nhà hát TP.
Không ít khán giả đã “sững sờ” khi được hít thở không khí vùng sông nước Nam bộ, ngay lúc đặt chân đến tiền sảnh nhà hát qua nghệ thuật sắp đặt, thể hiện một góc vườn quê, bố trí tràn kín các vách tường bên trong nhà hát cảnh sông nước, đàn bướm bay lượn lộng lẫy sắc màu. Sau đó, còn có những dự án “lớn” cho vở Cánh đồng bất tận, như đưa ra diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội, đưa đi nước ngoài… nhưng không thực hiện được.
Giờ lại sắp đến cái chu kỳ mười năm lần nữa - 2018, Minh Nguyệt đang ấp ủ một vở mới - Trái tim kiêu hãnh, cũng do chị viết kịch bản và dàn dựng. Đặc biệt lần này, vở diễn của mẹ sẽ kết hợp cùng triển lãm tranh của con.
Con gái chị - Nguyễn Thế Nguyệt Quỳnh, tên thường gọi là My, năm nay 27 tuổi, bắt đầu cầm cọ từ sau cái chết của người cha năm 2010. Điều ngạc nhiên hơn, nghệ thuật là ngã rẽ bất ngờ của cả hai mẹ con, mà theo chị, chỉ có thể giải thích là từ một… “nếp nhà”.
Đó là nếp nhà từ người cha mà Minh Nguyệt rất thần tượng, coi như “hình mẫu” để suốt đời vươn tới. Ông xuất thân từ một gia đình nghèo, nhưng thông minh, học ít hiểu nhiều, có tài thuyết phục người khác nên làm gì cũng thành công.
Chị kể, từ một bầy vịt ông nội cho ra riêng và một gánh vải nhỏ bà ngoại mất đi để lại cho mẹ, cha mẹ chị đã chăm chỉ làm lụng, trở nên giàu có, sống theo tiêu chí lấy đạo đức làm đầu, luôn sẵn lòng đóng góp cho xã hội, nên làng xóm đều kính nể.
Vào những thập niên 1950, 1960, cha chị là người đầu tiên bỏ tiền sắm xe đò để bà con trong xã (xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) có phương tiện đi lại, đồng thời vận động, tổ chức xây những ngôi trường trung học tư thục ở quê như Trường Ngô Tùng Châu, Trường Tân Phong…
|
My và ông ngoại |
Ông thường dạy các con sống nhân ái bằng câu thơ ông sáng tác: “Con hãy thương những kẻ chẳng thương con, con chớ ghét những người con đáng ghét”. Ông tâm đắc với tư tưởng “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Khổng Tử. Minh Nguyệt tâm sự: “Tôi không dám nghĩ đến chuyện lớn lao như “trị quốc, bình thiên hạ”, chỉ gắng theo lời cha dạy mà tu thân, dù không ai biết cũng không cho phép mình làm sai, cố gắng giữ cho cái sai ít hơn cái đúng và luôn biết nhói lòng trước nỗi đau của tha nhân, biết tha thứ và nhìn cái tốt của người khác mà sống.
Lập gia đình, dù gặp hoàn cảnh nào, tôi cũng cố vượt qua để giữ một mái ấm chứ không phải một mái nhà. Cha tôi có trí nhớ tuyệt vời, thuộc rất nhiều thơ và có khiếu làm thơ. Ông cũng hát bộ (hát bội, tuồng) rất hay. Sinh thời, dù là lúc tuổi đã cao nhưng trong các cuộc vui của gia đình, cha đều “xung phong” lên sân khấu hát, làm cho con cháu rất vui và cảm động.
Tôi nghĩ, anh chị em tôi sinh ra từ một làng quê hẻo lánh, nhưng vào Sài Gòn học hành và làm việc cũng không thua kém bạn bè ở phố thị, có lẽ nhờ “di truyền” tư chất thông minh và tâm hồn yêu văn nghệ của cha”.
Ngày sinh Minh Nguyệt, mẹ chị khóc vì đau đớn nhưng cô mụ lại reo lên: “Ôi, chị đừng khóc nữa. Chị đã sinh ra một cô bé xinh đẹp, mặt sáng như trăng” nên cha mẹ đã đặt luôn cho chị là Minh Nguyệt.
Đường đến nghệ thuật của Minh Nguyệt là một cơ duyên bất ngờ mà trước đó chị không hề nghĩ tới. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai, chị về dạy văn tại trường cấp II Cát Lái, một trường toàn học sinh nghèo, ngoài giờ học là các em phải đi mò cua, bắt ốc đem ra chợ bán, phụ gia đình kiếm cái ăn.
Một hôm, chị đến trường Nghệ thuật Sân khấu 2 rút hồ sơ cho người anh kế, tình cờ gặp lúc trường đang tuyển sinh hệ diễn viên và đạo diễn. Thấy chị xinh đẹp, một giảng viên đã gợi ý chị thi làm diễn viên nhưng Minh Nguyệt nói mình không thích nghề này, nên quyết định thi thử vào lớp đạo diễn vì muốn có cơ hội được học lên… đại học. Chẳng ngờ, chị thi đậu và thế là theo nghề.
Nhiều người hâm mộ vẫn thắc mắc, giữa những chu kỳ mười năm ấy, Minh Nguyệt làm gì? Nói đơn giản là chị “chờ ông”… kịch bản! Không dễ để có một kịch bản lạ, hấp dẫn, phù hợp với tư duy của một đạo diễn thích “húc” vào những vấn đề gai góc như chị.
Trong lúc chờ, ngồi không sợ… mập và bệnh, chị mua đất rồi trổ tài tự thiết kế, xây nhà để ở. Lại chẳng ngờ, thấy nhà đẹp, người ta hỏi mua, có lời, chị bán. Mua đất, xây nhà để ở, được giá bán luôn… cứ vậy chị làm riết thành… nghề. Sau năm ba căn xây-bán, chị lại có tiền dựng vở mới.
Minh Nguyệt chỉ mong tích lũy được kha khá, dần dà sẽ xây một nhà hát riêng, dựng kịch theo phong cách… Minh Nguyệt; nhưng khi dự định sắp thành, sự ra đi đột ngột của người chồng thân yêu đã khép lại ước mơ này. Từ ngày lẻ bóng, sức khỏe của chị cũng không được như xưa nên đành ngưng chuyện kinh doanh, chỉ giữ lại con đường nghệ thuật mà giờ đã có thêm con gái làm bạn đồng hành.
Chuyện con gái trở thành họa sĩ, với chị, mới thật là điều kỳ lạ không thể lý giải. My vốn là một cô bé ốm yếu, một tháng tuổi đã phát hiện bị tim bẩm sinh; bốn tuổi mổ tim lần thứ nhất; tám tuổi mổ tim lần hai, nên việc học có chậm hơn chúng bạn, đặc biệt là môn vẽ, luôn bị điểm kém.
Bù lại, My có năng khiếu về ngoại ngữ và rất nhạy cảm, mới tuổi mẫu giáo đã thích thơ thẩn, trầm ngâm lang thang nhìn ngắm cảnh vật, mê nhạc giao hưởng, xem phim thì thương nhân vật đến òa khóc nức nở… Để phát huy thế mạnh ngoại ngữ của con, chị gửi My sang Mỹ học ngay từ bậc trung học.
Việc học của cô bé ở nước ngoài đang yên ổn thì phải dừng lại vì cha đột ngột qua đời. Cha My, anh Nguyễn Thế Vinh, tuy làm kinh tế đối ngoại nhưng cũng là người thích văn nghệ, đàn hát rất hay. Anh thường ôm cô con gái rượu vỗ về: “Con là cả thế giới của ba”. Con gái đi học xa, dù rất bận nhưng anh vẫn tranh thủ mỗi năm vài lần sang thăm con.
Trước nỗi đau mất cha, My sợ mẹ không sống nổi một mình nên không chịu đi học xa nữa. Một hôm, trước khi lên đường về quê ngoại, “cả thế giới của ba” bỗng dưng xin mẹ mua cọ, sơn dầu và ba cái khung vẽ để mang theo. Tưởng con sẽ nguệch ngoạc gì đó cho đỡ buồn, nào ngờ khi My mang tranh về khoe, mẹ Nguyệt “hết hồn” vì thấy đó là những bức tranh hoàn chỉnh.
Chị thật sự ngạc nhiên, không tin nổi đó là nét cọ của một người chưa hề học qua trường lớp mỹ thuật. Minh Nguyệt mời những bạn bè là họa sĩ đến chơi, đem tranh của con ra nhờ thẩm định giúp và vô cùng hạnh phúc khi ai cũng cho đây là một trường hợp hiếm có. Chị không hiểu vì sao lại có sự “nhiệm mầu” như thế, phải chăng nỗi đau quá lớn có thể làm bùng dậy những năng khiếu tiềm ẩn nơi con người?
Dẫu sao, đó cũng là một điềm lành, vì từ nay con gái đáng thương của chị đã có chỗ để trải lòng. My vẽ hoàn toàn theo cảm hứng, không có giờ giấc nhất định nào, vui là hào hứng đi tìm cọ, buồn cũng thu mình trước giá vẽ. Đề tài thì càng… tự do hơn, trong đầu hiện ra gì thì vẽ đó… Tranh của My được các họa sĩ nhận định là vẽ theo phong cách trừu tượng. Đến nay, My đã sáng tác khoảng trên 30 bức, một số đã được mua và “xuất ngoại” sang Canada, Mỹ…
Trái tim kiêu hãnh là vở kịch đạo diễn Minh Nguyệt đã viết và định dàn dựng cách đây nhiều năm, nay cơ hội mới thực sự đến, khi “trái tim tội nghiệp” của con gái đang đập cùng nhịp với mẹ mình trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Nay thì chị không chỉ lo nghĩ cho vở kịch của mình, mà thỉnh thoảng còn phải “nghía” xem con gái đã có thêm bức tranh mới nào chưa.
Nhiều người ngỏ ý mua nhưng chị chỉ muốn giữ lại vì “đi” bức nào cũng thấy… tiếc. Hai mẹ con đều xem những bức tranh như sự trở về của người đàn ông duy nhất trong gia đình. Từ nay, trái tim yếu ớt của Mi đã tìm được nguồn năng lượng sống, đã thực sự là “cả thế giới của ba”.
Cát Vũ