Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ: “Hãy nhớ, ta đang sống!”

10/10/2022 - 06:36

PNO - Xuất phát từ những cảm xúc khi đọc cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời” của tác giả Đặng Hoàng Giang, đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ đã thực hiện bộ phim đầu tay của anh về những nhân vật ung thư trong hành trình cận tử.

Sự dằn vặt nội tâm, sự khốn khổ khi phải chạy vạy tiền, thuốc của người thân, quan niệm sống-chết, quyết định hiến tạng của bệnh nhân ung thư…  đều được Marcus Mạnh Cường Vũ thể hiện trong bộ phim Memento Mori: Đất

Đạo diễn Marcus  Mạnh Cường Vũ  Ảnh: Lâm Hiếu Thuận
Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ Ảnh: Lâm Hiếu Thuận

Hãy nhớ người sẽ chết!

Phóng viên: Bộ phim của anh lấy chất liệu từ cuộc đời những nhân vật trong cuốn Điểm đến của cuộc đời. Vì sao anh quyết định đưa những nhân vật, những vấn đề này lên sân khấu kịch và phim?

Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ: Khi cuốn Điểm đến cuộc đời của anh Đặng Hoàng Giang mới phát hành (2018), tôi đã mua ngay và đem theo trong hành trang trở về Hà Nội ăn tết. Trong những ngày tết, tôi bắt đầu đọc sách và đã rất bất ngờ, ấn tượng. Tôi mất khoảng một ngày để vượt qua chương đầu tiên mà không thể đọc tiếp. Nội dung sách như đánh thẳng vào tâm trí, vào những ký ức buồn và tôi đã không thể kiềm chế được. Tôi dành nhiều giờ ra Hồ Tây ngồi một mình và nhớ về một biến cố trong gia đình mình nhiều năm trước. Đó là khi bố tôi bị ung thư (cách đây gần 30 năm). Những năm tháng cuối, bố tôi luôn vật vã vì đau đớn…

Câu chuyện đó đánh động tâm can tôi, đồng thời nhắc tôi như một lý do để tôi phải bước tiếp. Cuốn sách nói đến cái chết, hành trình cận tử của bệnh nhân ung thư nhưng hành trình đó lại mang nhiều thông điệp cuộc sống. Mình có đang thực sự sống hay không? Mình có mất thời gian vào việc vô bổ không? Hãy sống từng giây phút, khoảnh khắc; sống thực sự vì nó vì biết đâu ngày mai mình không còn trên đời?

Phim khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 7/10
Phim khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 7/10

Tuy câu chuyện nói về cái chết nhưng lại đưa ra được ý niệm tích cực đó. Tôi rất muốn truyền tải thông điệp này bằng hình thức nghệ thuật để sự tiếp cận được dễ dàng lan tỏa hơn. Vậy nên Memento Mori ra đời, trước tiên là trên sân khấu, sau đó là điện ảnh.

* Nhưng trước tiên, anh có thể cho độc giả biết về khái niệm Memento Mori?

- Memento Mori (MM) là một từ Latin. Memento là hãy nhớ. Mori là người sẽ chết. Đó là một thành ngữ nhắc nhở người khác: “Hãy nhớ rằng, bạn, người, mi, ngươi… sẽ phải chết!”. MM được coi như một biểu tượng nghệ thuật nhắc nhở về sự chóng tàn của đời sống con người, ai rồi cũng sẽ chết. Có cả trường phái nghệ thuật MM với những biểu tượng nghệ thuật nhắc nhở tới cái chết. Những người theo trường phái này thường đặt biểu tượng một chiếc đầu lâu trên bàn. Đó chính là MM để nhắc nhở họ mỗi ngày về cái chết.

Tôi quyết định sử dụng MM như một chìa khóa quan trọng, một thông điệp chính của phim: Hãy nhớ, ta đang sống! Nghĩa là trong cái chết có sự sống. 

Tôi biết ở Việt Nam có rất nhiều người theo tinh thần này. Đơn cử như Okkio, một chuỗi cà phê tại Sài Gòn, đã đặt mật khẩu wifi là Memento Mori vì họ thích triết lý đó. “Cho dù khó nhớ, nhưng rồi ai cũng sẽ quen và xem đó như một sự nhắc nhở tinh thần sống” - anh Đạt Phan, người sáng lập Okkio - từng chia sẻ cùng tôi.

Cảnh trong Memento Mori: Đất
Cảnh trong Memento Mori: Đất

* Vì sao anh lựa chọn lấy câu chuyện của Vân, lấy Vân làm nhân vật chính cho Memento Mori: Đất của mình?

- Chúng ta biết rằng đất, nước, lửa, khí là những nguyên tố làm nên sự sống. Khi thực hiện MM, tôi muốn dùng các nguyên tố cơ bản làm nên sự sống để làm một bộ phim về sự sống. Memento Mori: Đất tại sao lại gắn với Vân và Hoàng ư? Vì đôi vợ chồng trẻ xuất thân là nông dân trồng cà phê ở cao nguyên, đời sống của họ gắn liền với đất và cây. Trong phim, cây cà phê trở thành biểu tượng sống của một đời người, từ khi cây ra hoa, kết trái và tàn lụi rồi lại mọc mầm sống…

Bộ phim Memento Mori: Đất (2022) của Marcus Mạnh Cường Vũ đã được đề cử giải New Currents, LHP Busan 2022; đề cử Phim hay nhất tại Việt Film Fest 2022; tranh giải Phim truyện Đông Nam Á BaliMakarya 2022. Tại Việt Nam, phim khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 7/10/2022. 

 

Ngoài ra, đất là mẹ; là nơi tiếp xúc với bàn chân đi của con người. Vân, trong ngày tháng cuối đời, nằm liệt hoàn toàn trên giường. Ngoài những lúc đau đớn, cô đôi khi cũng mộng cũng mơ. Vân chao đảo giữa hiện thực và giấc mơ. Cô luôn ao ước được đi trên đôi chân của mình. Những bước chân chạm đất hạnh phúc. Vì vậy, câu chuyện đời của Vân và Hoàng sẽ gắn với đất.

Nghệ sĩ đa phương tiện Nguyễn Hải Yến (Red) trong vai Vân
Nghệ sĩ đa phương tiện Nguyễn Hải Yến (Red) trong vai Vân

Vân như một đóa hoa dại bên bờ rào 

* Nhân vật Vân là một người có thực, bước ra từ trang sách của Đặng Hoàng Giang tới tác phẩm điện ảnh của anh. Đáng buồn là nhân vật đã mất trước khi sách, phim ra đời… Anh muốn dành cho Vân những tinh thần gì?

- Khi cải biên cuốn sách của anh Giang thành kịch bản phim, tôi giữ nguyên tinh thần nhân vật. Tôi đã cùng anh Giang đi tới gia đình Vân ở Thanh Hóa gặp bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng và hai con của Vân để cảm nhận về nhân vật của mình. Điều khiến tôi ấn tượng về Vân ngoài đời như những gì tôi cảm nhận được qua lời kể và hình ảnh lưu niệm, thật sự đúng như anh Giang mô tả: “Vân như một đóa hoa dại bên bờ rào”.

Vân ở nông thôn, tiêu biểu cho những người thấp cổ, bé họng, nhưng cô đã làm được những điều vĩ đại mà không phải ai cũng làm được. Đầu tiên là cách cô cặm cụi viết di chúc, sắp xếp chuẩn bị cho việc cô ra đi, dặn dò hai đứa con nhỏ phải làm gì, như thế nào... Kế tiếp, cuối đời, cô muốn hiến giác mạc. Tuy vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình (bố và chồng), cô vẫn quyết tâm thuyết phục. Vân đấu tranh để được hiến tạng nhưng người thân của cô lại không chịu được cảnh con mình sống đã đau đớn, khi chết lại không được nguyên vẹn.

Gia đình Vân nghèo. Chưa hết, họ còn phải đối diện với nhiều thứ khủng khiếp, như việc chạy vạy tiền, chạy vạy thuốc, thái độ với người bệnh như thế nào cho ổn thỏa…

* Quan điểm cá nhân anh về cuộc sống, cái chết, việc hiến tạng, quyền được trợ tử…?

- Đây là những từ khóa liên quan tới câu chuyện, tới bộ phim. Từ nhỏ tới lớn, tôi đã tiếp xúc với cái chết khá nhiều. Lần đầu tôi chứng kiến nỗi đau người thân mất là khi bà ngoại tôi mất, sau đó là bố tôi. Tôi cảm nhận được sự hụt hẫng, mất mát chỉ hiện diện rất rõ nét kể từ khi tôi đọc cuốn sách này và hành trình 5 năm làm MM, khi chính một số người tham gia là bệnh nhân và có người đã ra đi trong hành trình đó.

Tôi đã đăng ký hiến tạng cách đây khá lâu bên Đức. Ở Đức, lúc nào tôi cũng mang theo thẻ hiến tạng trong ví. Nếu tôi có làm sao, các bác sĩ có thể lập tức phẫu thuật để lấy bộ phận hiến tạng ra mà không cần xin phép. Tôi tin đó là điều nên làm. Sau khi bộ phim chiếu rạp một thời gian, chúng tôi sẽ kêu gọi về việc đăng ký hiến tạng. Khán giả xem phim, thấy một bệnh nhân ung thư như Vân còn làm được như vậy, sẽ tự hỏi tại sao mình lại không thể.

Tôi được biết trong sáu tháng đầu năm vừa rồi, Trung tâm Hiến tạng Quốc gia chỉ tiếp nhận thêm được một số lượng ít ỏi người đăng ký hiến tạng. Chúng tôi rất muốn mọi người biết tới ý nghĩa của việc hiến tạng.

Về quyền được trợ tử, tôi rất đồng ý và mong quyền này sớm được luật hóa, có quy định rõ ràng, hợp lý. Ngay bản thân tôi, nếu trong trường hợp nào đó, tôi cũng mong mình được quyền chọn trợ tử, ra đi một cách êm ái, nhẹ nhàng, ít đau đớn.

* Anh có gặp khó khăn trong việc tìm diễn viên cho phim?

- Rất khó, đặc biệt cho vai Vân. Tôi không nhớ đã gặp bao nhiêu người trong độ tuổi hợp với vai Vân từ năm 2019. Cho đến khoảng hai tuần trước khi quay (tháng 9/2020), tôi mới chọn được vai Vân. Đó là Nguyễn Hải Yến (Red), một nghệ sĩ đa phương tiện tài năng. Ngoài đời, cô có vẻ trái ngược với Vân.

Suốt hơn năm trời đi tìm diễn viên cho nhân vật Vân, có những lúc tưởng tìm được, hóa ra lại không phải; có đôi khi chắc là Vân rồi, lại tuột mất. Cho đến khi Yến xuất hiện… Khi xem Yến diễn thử, theo trực giác, tôi hiểu, Vân đây rồi - một cô gái mỏng manh nhưng nội lực phi thường. Tôi rất tin vào hình hài và tinh thần của Vân do Yến hóa thân. Yến đã phải cắt đi bộ tóc của mình, từ cắt tóc ngắn, tới cạo đầu trọc hoàn toàn. Mỗi lần như vậy, sự hóa thân vào nhân vật sẽ gần gũi, đồng cảm hơn.

* Trong phim có cả hai bé gái con của Vân, anh đã tìm được những diễn viên nhí này như thế nào?

- Tôi nghĩ đây cũng là sự may mắn. Tôi đã từng tổ chức đợt tuyển diễn viên quy mô lớn ở Hà Nội và chọn được vài gương mặt trẻ em thú vị. Tuy nhiên, khi quay ở Đà Lạt vào tháng 1/2020, thời điểm cà phê chín, điều kiện không cho phép đưa diễn viên từ Hà Nội để quay dài ngày, thế nên tôi quyết định tìm diễn viên cho vai diễn này ngay tại Đà Lạt. Tôi đã tìm được hai chị em tại Đà Lạt. Đây là hai cô bé vô cùng ấn tượng, rất chuyên nghiệp dù là lần đầu các bé đóng phim. Hai em có thể tự tương tác và diễn theo ý mình một cách tự nhiên nhất. Tôi tin rằng hai cô bé sẽ trở thành những gương mặt sáng giá của điện ảnh Việt Nam trong tương lai.

* Tổng số tiền anh đầu tư cho một bộ phim độc lập như thế này là bao nhiêu, nếu anh có thể tiết lộ?

- Trước kia chúng tôi thực hiện những vở kịch MM thì 100% nguồn kinh phí từ cộng đồng. Khi làm phim, vừa tốn kém, vừa bị kéo dài thời gian do dịch bệnh. Đợt quyên góp đầu tiên đủ để chúng tôi đi quay thử trong ba ngày. Tôi không thể tiết lộ kinh phí làm phim, vì còn có quá nhiều sự hỗ trợ vô giá không tính toán được bằng tiền. Cộng đồng đóng góp tiền cho phim không nhiều nhưng ngược lại, có sự ủng hộ rất đa dạng bằng nguồn lực, thiết bị, con người hoặc truyền thông… - rất nhiều hoạt động thiện nguyện, mỗi người chung tay một chút. Những điều đó không thể quy ra tiền bởi chúng là vô giá.

* Việc đưa phim ra rạp có là nỗ lực vượt qua nhiều trở ngại?

- Ngay từ đầu, tôi đã muốn đây là một bộ phim thuộc về khán giả. Tôi không muốn làm một bộ phim thuần túy tác giả để thể hiện ngôn ngữ nghệ thuật riêng của mình hoặc để tuyên ngôn về điều gì đó. Tôi dùng hết tâm huyết và tình yêu để làm ra tác phẩm tốt nhất có thể, mục tiêu là bộ phim tiếp cận được càng nhiều khán giả càng tốt. Công ty BHD rất trân trọng dự án này nên đã nhận lời đồng hành cùng tôi ngay từ đầu. Cho đến lúc hoàn thành hậu kỳ, may mắn, BHD đánh giá phim tốt và hỗ trợ mọi thứ có thể để bộ phim ra rạp một cách tốt nhất.

Ngoài việc ra rạp ở Việt Nam, Công ty Vietnam Media Corp cũng đại diện môi giới bán bản quyền tại chợ phim của Liên hoan phim (LHP)Busan với hy vọng phim có thể đến được thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc phát hành bộ phim ở Việt Nam quan trọng hơn tất cả.

Trailer phim Memento Mori: Đất :

Sau nhiều nỗ lực của ê-kíp, thật may mắn khi phim đã được đồng ý trình chiếu tại các hệ thống rạp lớn (CGV, Lotte, BHD, Galaxy) ở 31 tỉnh thành, 104 rạp trên toàn quốc kể từ ngày 7/10.

Đây là điều đáng ngạc nhiên bởi chúng tôi nghĩ có lẽ phim khá kén khán giả, số lượng người quan tâm không nhiều, chỉ chiếu được ở một số rạp tại các thành phố lớn. Vì thế, kết quả này vượt ngoài sự mong đợi. Quả thực đây là điều hạnh phúc và tôi vẫn rất hồi hộp, mong phim được khán giả đón nhận nhiệt thành.

* Một bộ phim đầu tay nhưng đã là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia LHP Quốc tế Busan lần thứ 27 ở hạng mục New Currents, anh nghĩ sao khi nhận được tin vui này?

- Để tiếp cận LHP quốc tế, nhà làm phim có hai cách: một là gửi đăng ký theo đường thông thường, hai là gửi trực tiếp cho giám tuyển. Tôi có may mắn hoạt động từ nhiều năm nay và có mạng lưới tốt trong ngành điện ảnh quốc tế, giám tuyển Busan đã rất thích bộ phim này từ khi xem bản dựng của phim chưa được làm hậu kỳ. Memento Mori: Đất được chọn vào giải New Currents - hạng mục quan trọng nhất trong LHP. Tôi và ê-kíp gồm đạo diễn hình ảnh, hai diễn viên chính sẽ tới LHP với tâm thế thật thoải mái nhưng cũng không kém phần hồi hộp. Lễ khai mạc LHP diễn ra vào ngày 5/10, sau đó sẽ có hai buổi chiếu đầu tiên rất quan trọng vào ngày 7-8/10, chiếu đồng thời với thời điểm phim ra rạp ở Việt Nam.

* Không chỉ trình chiếu ở rạp, mong ước của ê-kíp là đưa phim về bệnh viện, về chính chủ thể bệnh nhân để họ xem. Anh có e ngại phim sẽ là món quà hơi nặng ký với tâm lý người bệnh hay người nhà họ? Liệu họ sẽ thật sự đón nhận chứ?

- Cảm ơn chị. Khi tôi bắt tay thực hiện bộ phim, để trả lời câu hỏi làm phim cho ai, vì ai, tôi đã xác định rất rõ ràng: phải đưa tinh thần MM về với chính những bệnh nhân và người thân, giúp họ xác định tư tưởng tích cực và niềm tin vào sự sống. Ai cũng phải chết, quan trọng là mình sống như thế nào. Tôi còn nhớ khi đoàn diễn MM phiên bản sân khấu tại bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng theo lời mời của nhóm thiện nguyện, cho khoảng 500 bệnh nhân và người thân, tôi được ngắm nhìn những khán giả vô cùng đặc biệt. Họ là những bệnh nhân ung thư trong nhiều tình trạng khác nhau, dây truyền vẫn còn trên người, tóc người còn người không…

Tôi sẽ tiếp tục làm hai bộ phim tiếp theo để hoàn tất chùm ba phim gồm: Memento Mori: Nước và Memento Mori: Lửa. Tôi chưa biết con đường phía trước sẽ ra sao, nhưng khi nào tôi còn thở, tôi sẽ cố gắng thực hiện kế hoạch đó.

Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ 

 

Sau buổi diễn, có cuộc giao lưu với tác giả cuốn sách, tác giả vở kịch, các diễn viên, nhiều bệnh nhân đã tâm sự chia sẻ cảm nhận. Họ nói họ có sự thay đổi về tư duy, có suy nghĩ tích cực hơn với căn bệnh và cuộc đời của mình. 

Vì vậy, khi MM trở thành bộ phim điện ảnh, khán giả chắc chắn sẽ bao gồm những bệnh nhân và người thân. Đó là điều chúng tôi mong muốn.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Codet Hanoi  (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI